Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich

Tác giả KDNX - Thứ Bảy 26/02/2022 15:06(GMT+7)

Zalo

Khi được hỏi: "Lối chơi nào là lối chơi đặc trưng của Chelsea dưới thời Roman Abramovich?" Nhiều người hâm mộ Chelsea, đặc biệt là người hâm mộ ở Việt Nam sẽ trả lời đó là lối chơi thiên về phòng ngự dưới thời Jose Mourinho, số khác sẽ trả lời đó là thời kỳ Carlo Ancelotti hoặc Roberto Di Matteo, hay gần đây nhất là Antonio Conte và Thomas Tuchel. Vậy, đâu là lối chơi đặc trưng nhất của Chelsea?

 
Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
 

Thực dụng như Mourinho, cơ động như Ancelotti
 

Cấu trúc đội hình tấn công của Jose Mourinho thay đổi ở phần đầu mùa giải 2004-2005, cụ thể, ông chuyển từ một đội hình 4-4-2 kim cương chặt chẽ sang đội hình 4-3-3 khi Arjen Robben và Damien Duff lấy lại thể lực vào mùa thu. Đội hình phòng ngự trong khi đó vẫn giữ nguyên: John Terry cặp với Ricardo Carvalho trong sơ đồ phòng ngự khối thấp phía trước thủ môn Petr Cech, còn Paulo Ferreira án ngữ ở cánh phải trong khi William Gallas án ngữ bên cánh trái và luôn được chỉ đạo giữ nguyên vị trí thay vì dâng cao.
 
Ở phía trước bộ tứ vệ, chúng ta sẽ có Claude Makelele, người luôn được tự du do di chuyển trong đội hình 4-4-2 của Mourinho. Xuyên suốt các trận đấu, Mourinho luôn muốn 5 cầu thủ này cầm bóng trong các pha bóng sống. Có thể nói, nhờ họ mà Chelsea đã có được hàng phòng ngự chắc chắn nhất ở Premier League trong hai mùa giải vô địch, trong số đó có mùa giải 2004-2005, mùa giải họ chỉ để thủng lưới 15 bàn.
 
Số lượng bàn thắng của Chelsea cũng khá bình ổn: 72 bàn ở hai mùa giải họ vô địch và 64 ở mùa giải họ về nhì, mùa giải 2006-2007. Có một đặc điểm chung trong lối tấn công của Chelsea dưới thời Jose Mourinho, đó là họ luôn tạo ra được những khoảnh khắc hấp dẫn xuyên suốt trận đấu. Để làm được điều này, HLV người Bồ Đào Nha đã tận dụng những bước chạy của Robben và Damien Duff, trong khi đó, Frank Lampard được trao sự tự do bên phía cánh trái của bộ ba tiền vệ để có thể ập vào vòng cấm đối phương nhằm trở thành một mối họa trước khung thành. Cuối cùng, đó là việc Eidur Gudjohnsen được cắt cử bên cánh phải của hàng tiền vệ để tạo ra sự sáng tạo nơi 1/3 cuối sân của Chelsea.
 
Tựu chung lại, dưới thời kỳ đầu tiên của Jose Mourinho, Chelsea được biết tới như một đội bóng có lối chơi chắc chắn, thiên về thể lực, đặc biệt là ở các tình huống luân chuyển, một đội bóng có thể gây sức ép lên đối phương và tìm được đúng thời điểm để giáng một đòn chớp nhoáng lên đối phương, một lối chơi vẫn được những người kế nhiệm ông như Avram Grant, Luiz Felipe Scolari hay Guuus Hiddink áp dụng khi chuyển đến Chelsea.
 
Phải đến khi Carlo Ancelotti đến ở mùa giải 2009-2010, Chelsea mới bắt đầu thi đấu cơ động hơn. Ban đầu, HLV người Italia cũng sử dụng sơ đồ 4-4-2 kim cương như Jose Mourinho, tuy nhiên, HLV người Italia đem đến một vài sự thay đổi. Đầu tiên, Ashley Cole và Jose Bosingwa được trao nhiệm vụ thiên về tấn công nhiều hơn ở cánh, còn Florent Malouda được trao sự tự do bên phía cánh trái của đội hình kim cương nhằm hỗ trợ các cầu thủ tấn công như Didier Drogba, Nicolas Anelka hay Frank Lampard.
 
Việc Drogba phải làm nhiệm vụ cùng ĐTQG ở Bờ Biển Ngà trong vòng 1 tháng tính từ cuối tháng 12, cùng với đó là chấn thương của Bosingwa, khiến Ancelotti phải chuyển sang sơ đồ 4-3-3 và 4-2-3-1 ở nửa sau của mùa giải với Joe Cole và Malouda ở hai bên cánh của Anelka, còn Lampard được đẩy xuống vị trí quen thuộc của mình, đó là phía bên trái của hàng tiền vệ 3 người.
 
Kết quả của những sự thay đổi này thực sự ấn tượng. Chelsea một lần nữa trở thành nhà vô địch với số bàn thắng kỷ lục 103 bàn. Nếu tính riêng từng cầu thủ, Drogba ở mùa giải đó ghi được 29 bàn, còn Lampard ghi được 22 bàn, thành tích ghi bàn ấn tượng nhất trong suốt sự nghiệp thi đấu của họ. Tuyệt vời hơn, Carlo Ancelotti đã phần nào giúp Chelsea rũ bỏ được cái hình ảnh xù xì, thiên về phòng ngự của thời Jose Mourinho để trở thành một đội bóng thiên về tấn công và kiểm soát bóng, bằng chứng cho điều này chính là bảng thống kê dưới đây, cho thấy Chelsea của Carlo Ancelotti chính là Chelsea có nhiều pha dâng cao trung bình một trận nhiều nhất trong số các tập thể Chelsea dưới thời Roman Abramovich.

Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
 
Một phần lý do của điều này đó là tập thể của Ancelotti, cũng như Chelsea trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, thường khởi đầu các pha cầm bóng của mình gần khung thành hơn, vì thế, họ có nhiều khoảng trống hơn để ập vào. Về sau, Chelsea bắt đầu kiểm soát bóng từ phần sân đối phương nhiều hơn và dâng cao chậm rãi hơn, một phần vì khi đó, họ sẽ gặp phải nhiều sự truy cản của hàng phòng ngự đối phương hơn khi kiểm soát bóng từ phần sân nhà.

Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
 
Yếu tố thú vị khác của biểu đồ kiểm soát bóng phía trên đó là sự khác biệt về độ rộng giữa Chelsea của Tuchel và Chelsea của Conte, hai HLV đều có xu hướng tấn công từ vị trí cánh để tạo ra khoảng trống cho những đường chuyền theo trục dọc từ khu vực trung lộ, so với Chelsea của Mourinho nhiệm kỳ hai, thời kỳ Hazard và Willian thường xuyên được đẩy ra cánh.
 
Mourinho thường sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 khi ông trở lại Chelsea ở mùa giải 2013-2014, với Cesar Azpilicueta và Branislav Ivanovic thi đấu như 2 hậu vệ cánh, còn Nemanja Matic có nhiệm vụ hỗ trợ Cesc Fabregas ở hàng tiền vệ. Trong khi đó, Oscar được trọng dụng ở vị trí số 10 nhiều hơn Juan Mata vì khả năng phòng ngự của anh. Khi đó, tiền vệ người Brazil được cát cử hoạt động phía sau một số 9 có khả năng tự tạo cơ hội cho mình, đó là Diego Costa.
 

Chelsea thay đổi thế nào dưới nhiệm kỳ của 3 HLV
 

Sau một quãng thời gian thất bại dưới thời Andre Villas-Boas, sau đó là nhiệm kỳ ngắn ngủi nhưng đầy vinh quang của Roberto Di Matteo cũng như nhiệm kỳ thành công nhưng cũng đầy tiêu cực của Rafael Benitez, Mourinho đưa Chelsea trở lại danh nghĩa đội bóng có hàng phòng ngự tốt nhất Premier League. Số lượng bàn thắng của họ khá gần với số bàn thắng trong nhiệm kỳ đầu của HLV người Bồ Đào Nha: 71 bàn thắng ở mùa giải 2013-2014 và 73 bàn ở mùa giải họ vô địch. Ở mùa giải sau đó, Costa chính là chân sút chủ lực của đội, nhưng công sức lớn nhất thuộc về Eden Hazard, người được trao khá nhiều sự tự do ở khu vực 1/3 cuối sân của Chelsea. Trongk hi đó, Matic thường xuyên dồn về để lấp đầy khoảng trống cho tiền vệ người Bỉ thoải mái dâng cao từ cánh trái.
 
Dù Mourinho không thích việc người ta nói hệ thống phòng ngự của ông giống với Rafael Benítez, sự thực đúng là như vậy. Cụ thể, họ thường xuyên chỉ đạo các học trò dồn về thành một đội hình khối hẹp khi không có bóng, giúp đối thủ có thể cầm bóng ở phần sân của họ cũng như ở khu vực cánh, khi đó, Chelsea có thể chặn đứng mọi đường chuyền hoặc các pha đẩy bóng vào phần sân nhà của họ.

Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
Khu vực Chelsea thường kiểm soát bóng theo từng mùa
Sự tự tin đó nhanh chóng sụp đổ sau mùa giải 2015-2016 đầy ác mộng của Chelsea, mùa giải họ có số bàn thắng và thành tích phòng ngự tệ thứ hai trong số các tập thể Chelsea dưới thời Roman Abramovich. Cụ thể, Chelsea mùa đó chỉ ghi được 59 bàn, nhưng để thủng lưới tới 53 bàn. Vì vậy, Chelsea phải nhanh chóng đem về một cái tên có thể gia cố thành công The Blues. Người được chọn không ai khác chính là Antonio Conte.
 
Ban đầu, Conte quyết định sử dụng sơ đồ 4-2-4 với Michy Batshuayi trở thành đối ác với Costa. Tuy nhiên, khi vào mùa giải, ông lại quyết định sử dụng sơ đồ 4-3-3, một sơ đồ đã đem lại không ít trận thua thảm họa cho Chelsea, một trong số đó chính là trận thua 3-0 đầy hổ thẹn trước Arsenal hồi dầu tháng 9, bước ngoặt khiến Conte chuyển sang sơ đồ 3-4-3.
 
Với sơ đồ mới này, Chelsea để Victor Moses và Azpilicueta trở thành trung vệ cánh phải và hậu vệ cánh phải, trong khi đó, 3 bản hợp đồng mới ký kết hồi mùa hè được sắp xếp như sau, Marcos Alonso ở vị trí hậu vệ trái, vị trí sở trường của anh ở Fiorentina, trong khi đó, Kante trở thành cầu thủ đoạt bóng ở khu vực tiền vệ trung tâm, cuối cùng, David Luiz được trao sự tự do ở giữa hàng hậu vệ 3 người nhờ khả năng phát động bóng cực tốt từ phần sân nhà.
 
Có một đặc trưng trong lối chơi của Chelsea dưới thời Conte, đó là họ thường xuyên dẫn dụ đối phương mất bóng, sau đó lấy lại bóng từ phần sân đối phương trước khi dồn về như một khối phòng ngự 5 người. Khi họ có được bóng, Chelsea sẽ nhanh chóng ập vào hàng phòng ngự đối phương bằng cách đẩy Alonso và Moses lên tuyến trên để tạo ra đội hình tấn công 5 người khi kiểm soát bóng, qua đó giúp Hazard, Willian hay Pedro Rodriguez hoạt động như những tiền đạo thực thụ hơn là các cầu thủ chạy cánh bên cạnh Diego Costa.

Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
 
Nhờ những sự thay đổi mà kết quả khả quan nhanh chóng đến với Chelsea.
 
Cụ thể, họ giành được 13 chiến thắng liên tiếp tính từ tháng 9 cho tới tháng 1, một chuỗi chiến thắng chứng kiến Chelsea giành được trận thắng 3-1 đầy ấn tượng trên sân khách Etihad trước Man City của Pep Guardiola, qua đó giúp Chelsea ấn định cuộc đua vô địch ở giai đoạn mùa xuân năm 2017. Có thể nói, con số 85 bàn thắng họ ghi được ở mùa đó chính là con số tốt nhất kể từ mùa 2009-2010 của Ancelotti. Tuyệt vời hơn, Diego Costa và Eden Hazard đã trở lại là chính mình dưới thời  Antonio Conte.
 

Ảnh hưởng của Eden Hazard lên lối chơi của Chelsea
 

Việc Hazard lấy lại phong độ thực sự đóng một vai trò quan trọng trong thành công của Conte mùa giải đó. Trước đó một mùa, cầu thủ người Bỉ đã gặp phải sự đi xuống về mặt phong độ sau khi gặp chấn thương ở hông, tiếp đó là việc anh không ghi bàn cho đến thời điểm tháng 4 năm 2016. Sẽ là không sai khi nói rằng, kể từ khi chuyển đến Chelsea, Eden Hazard chính là mấu chốt trong sự thành bại của đội chủ sân Stamford Bridge.
 
Có lẽ vì vậy mà trong suốt quãng thời gian cầu thủ người Bỉ thi đấu ở Chelsea, các HLV luôn phải tìm ra những phương án thích hợp nhằm giúp anh có thể tận dụng hết khả năng của mình, qua đó giúp Chelsea đạt được những thành công, đặc biệt là ở khu vực 1/3 cuối sân.
 
Đầu tiên, dưới thời Jose Mourinho, ông sử dụng anh như một cầu thủ chạy cánh và giảm thiểu tối đa nhiệm vụ phòng ngự. Trong khi đó, Conte sử dụng anh như một tiền đạo trung tâm với một hậu vệ cánh và một trung vệ trái có nhiệm vụ trám vào khoảng trống phía sau lưng anh. Trong khi đó, Sarri lại cố gắng đưa anh vào khuôn khổ tập thể như ông đã làm thời còn ở Napoli.
 
Có một thứ mà Hazard đóng góp nhiều nhất cho Chelsea, đó là khả năng đi bóng của anh. Thống kê cho thấy, anh là cầu thủ hoàn thành nhiều pha đi bóng nhất ở 4 trong số 7 mùa giải anh thi đấu cho Chelsea, và là cầu thủ nằm trong top 5 cầu thủ đi bóng thành công nhất ở hai trong số 3 mùa giải còn lại. Ảnh hưởng của anh có thể được thấy rõ qua số lần Chelsea đưa bóng sang cánh trái trong giai đoạn từ mùa giải 2012-2013 cho tới mùa giải 2018-2019, ngoại trừ hai mùa giải của Conte, hai mùa giải mà anh hoạt động nhiều hơn ở khu vực trung lộ.

Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
Khu vực các cầu thủ Chelsea đi bóng qua từng mùa
Hazard cũng là chân kiến tạo hàng đầu của Chelsea ở khu vực 1/3 cuối sân xuyên suốt quãng thời gian ở Stamford Bridge.Ngoài mùa giải Conte dẫn dắt, mùa giải mà Chelsea thường sử dụng các đường trả về từ các đường tạt cánh từ phía cánh phải của Moses, hầu hết các HLV từng làm việc với Hazard đều đưa bóng sang vị trí cánh trái sở trường của anh. Khi đó, Hazard có thể lựa ra một phương án chuyền bóng thích hợp cho các cầu thủ ở trung lộ.
 

Chelsea dưới thời Thomas Tuchel

Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
Sơ đồ các đường chuyền quan trọng qua từng mùa bóng

Như chúng ta có thể thấy ở hình trên, một trong những sự thay đổi lớn nhất của Chelsea dưới thời Thomas Tuchel trong vòng hơn 1 năm qua đó là chuyển hướng sáng tạo của Chelsea từ cánh trái sang cánh phải, cánh của Reece James, người được cắt cử phối hợp với Mason Mount, Callum Hudson Odoi, Christian Pulisic và Hakim Ziyech. Cụ thể, cầu thủ chạy cánh người Anh có nhiệm vụ đưa bóng vào một vị trí thích hợp để tạo cơ hội cho các đồng đội ở khu vực trung lộ.
 
Tuchel cũng đưa Chelsea từ một đội bóng yếu ớt ở mặt phòng ngự dưới thời Frank Lampard để trở thành tập thể khó bị xuyên phá nhất Ngoại Hạng Anh mùa này. Để làm được điều đó. HLV người Đức đã khôn khéo hòa trộn triết lý sử dụng 5 cầu thủ cầm bóng của Jose Mourinho với phong cách pressing tầm cao và kiểm soát bóng hiện đại của mình, sau đó sử dụng khả năng tấn công của các hậu vệ cánh nhằm tạo ra các pha ập vào hàng phòng ngự đối phương giống với cách của Antonio Conte.
 
Sa bàn phía trên cho chúng ta thấy Chelsea của Tuchel giành bóng cao hơn rất nhiều so với các tập thể Chelsea khác trong quá khứ, thêm vào đó, họ cho thấy sự kiên nhẫn hơn ở các pha cầm bóng từ tuyến trên, một xu hướng bắt đầu từ thời Sarri và kéo dài sang thời Frank Lampard. Điều này xuất phát từ các tiền vệ kiến thiết lùi sâu có xu hướng kiểm soát bóng như Jorginho và Mateo Kovacic.
 
Tuy nhiên, có một vấn đề mà Thomas Tuchel vẫn chưa thể giải được, đó là khâu tạo cơ hội. Thống kê cho thấy, tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng của Chelsea dưới thời Tuchel có phần thấp hơn so với thời Ancelotti hay Lampard, thậm chí có phần kém hơn so với mùa trước.

Lối chơi của Chelsea qua từng thời kỳ dưới triều đại Roman Abramovich
Ti lệ bàn thắng kỳ vọng của Chelsea qua từng mùa bóng
Một bài toán khác mà HLV Tuchel cần phải giải đó là hòa trộn các cầu thủ tấn công đắt giá của ông vào một khối thống nhất trong khi vẫn đảm bảo chất lượng ở hàng thủ.
 
Một điều đáng mừng đó là tỷ lệ xG của Chelsea ở thời điểm hiện tại đang giúp họ có được 88 điểm, khá gần với nhiệm kỳ đầu của Conte, có được 89 điểm, và chỉ dưới con số 91 điểm của Chelsea dưới thời Jose Mourinho ở mùa giải 2014-2015.
 
Có thể nói, nếu không có sự xuất sắc của Manchester City mùa này, có lẽ Chelsea của Tuchel sẽ  trở thành một trong những ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vô địch Premier League mùa này.
 

Liệu có cái gọi là "lối chơi đặc trưng của Chelsea"?
 

Có lẽ câu trả lời cho câu hỏi này đó là không. Bởi lẽ, Chelsea dưới thời Roman Abramovich luôn thay đổi các HLV, dẫn đến việc họ luôn phải thay đổi phương án chiến thuật. Vì vậy, rất khó có chuyện The Blues có thể xây dựng được một hệ thống chiến thuật hay một bản sắc thi đấu như các đội bóng có truyền thống lâu năm như Liverpool hay Manchester United, hoặc xa hơn là Arsenal.
 
Tuy nhiên, có một đặc điểm chung của các tập thể Chelsea dưới thời Roman Abramovich, đó là tinh thần chiến thắng, là quyết tâm không biết mệt mỏi, đó là sự gai góc được xây dựng từ thời Jose Mourinho, sau đó được tiếp nối bởi những người kế nhiệm ông như Carlo Ancelotti, Di Matteo hay xa hơn là Antonio Conte, Thomas Tuchel.
 
Vì vậy, có thể kết luận rằng, dù Chelsea không thể xây dựng cho mình một lối chơi mang đậm tính Chelsea, có một thứ vẫn kết nối các tập thể Chelsea trong vòng hai thập kỷ qua với nhau, đó chính là tinh thần được hun đúc qua những khó khăn, những vinh quang mà đội chủ sân Stamford Bridge nhận được dưới sự dẫn dắt của ông chủ người Nga, một người luôn đưa ra những yêu cầu cực cao với các HLV được ông đem về.
Dịch từ bài viết của 2 tác giả Liam Twomey và John Muller cho trang tin The Athletic.
 
 
 
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?

X
top-arrow