Mùa giải 2013/2014 từng được xem là mùa giải tệ nhất của Manchester United trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn so sánh với tình cảnh đội bóng ở thời điểm hiện tại thì mùa giải được dắt dắt bởi David Moyes dù sao vẫn còn chưa đến nỗi “khó nuốt”.
![]() |
Ngày 01/11/2024, Manchester United chính thức bổ nhiệm Ruben Amorim ngồi vào chiếc ghế nóng tại Old Trafford, chỉ 4 ngày sau khi Erik Ten Hag nhận tráp sa thải sau chuỗi thành tích tệ hại. Theo thống kê từ báo cáo tài chính được công bố, Quỷ đỏ mất tới 10,4 triệu bảng phí đền bù hợp đồng với Ten Hag và các cộng sự, đồng thời cũng bỏ ra một khoản tiền tương đương lên đến 11 triệu bảng để đền bù hợp đồng còn hiệu lực đến năm 2027 giữa Amorim và Sporting Lisbon, bao gồm chi phí rút ngắn thời hạn thông báo trước 30 ngày, cùng với một khoản tiền trả cho đội ngũ trợ lý của HLV người Bồ Đào Nha.
Gần 20 triệu bảng được chi ra với mục đích duy nhất là cứu vãn tình cảnh của mùa giải 2024/2025, đồng thời qua đó hướng đến việc đưa đội bóng trở lại vị thế vốn có của họ dưới triều đại mới. Số tiền khổng lồ ấy cũng cho thấy sự quyết liệt của Sir Jim Ratcliffe cùng thượng tầng Man Utd, nhất là giữa bối cảnh đội bóng còn đang phải cắt giảm nhân sự và thắt chặt chi tiêu.
Kỳ vọng lớn, thất vọng càng nhiều
Quyết tâm là vậy, thế nhưng những gì mà vị chủ tịch tập đoàn INEOS nhận về sau gần 4 tháng cầm quyền của Amorim chỉ là thêm những cái lắc đầu ngao ngán. Không ai bắt buộc cựu thuyền trưởng Sporting Lisbon phải ngay lập tức đem lại thành công cho Man Utd, tuy nhiên giới chủ và người hâm mộ đội bóng có quyền được chứng kiến sự cải thiện về mặt chuyên môn lẫn tinh thần của toàn đội.
“Chúng tôi có lẽ là đội bóng tệ nhất trong lịch sử Man Utd”, đó là câu nói trọng điểm đã tràn ngập các mặt báo tại xứ sở sương mù vào ngày này tháng trước, sau khi Man Utd thảm bại 1-3 trước Brighton ngay tại sân nhà ở vòng 22 Premier League. Đáng buồn hơn, chủ nhân của phát ngôn đau đớn ấy lại chính là HLV Amorim – người gánh trên vai kỳ vọng sẽ giúp Man Utd lấy lại ánh hào quang xưa cũ.
![]() |
HLV Ruben Amorim từng cay đắng thừa nhận đây là Man Utd tệ nhất trong lịch sử |
Man Utd tệ nhất lịch sử dưới thời Amorim
Thất bại tan tác trước Brighton vào ngày 19/01/2025 cũng đánh dốc cột mốc tệ hại của Man Utd với 6 trận thua trên sân nhà chỉ sau 22 vòng đấu, thành tích tệ hại nhất của họ kể từ mùa giải 1893/1894, cách đây 131 năm. Cùng với cột mốc đáng buồn đó, Amorim cũng trở thành HLV có khởi đầu tệ nhất lịch sử Man Utd, với vỏn vẹn 11 điểm sau 11 trận đấu đầu tiên cầm quân tại Premier League (3 chiến thắng, 2 hòa 2, 6 thua). Ngay cả những người được xem là thất bại nhất sau thời kỳ Sir Alex Ferguson là Ten Hag hay David Moyes nếu đặt lên bàn cân cũng thể hiện sự vượt trội hơn so với Amorim (cùng được 20 điểm).
Những tưởng 3 chiến thắng liên tiếp trước Rangers, Steaua và Fulham, sẽ tạo động lực tinh thần cho Man Utd dưới triều đại Amorim, tuy vậy mọi thứ lại quay trở về điểm xuất phát sau 2 thất bại trước Crystal Palace và Tottenham.
Hàng công tồi tệ báo hại Man Utd
Khi hàng phòng ngự còn chưa đem lại chắc chắn, thì hàng công càng khiến các Manucians phải ngán ngẩm với thành tích săn bàn kém cỏi. Trước Tottenham, các chân sút Man Utd đã tung tổng cộng 16 pha dứt điểm về phía khung thành của đối phương, nhưng thứ mà họ nhận về chỉ là con số không tròn trĩnh. Pha bỏ lỡ cơ hội mười mươi của Alejandro Garnacho trong tư thế đối mặt với thủ thành Guglielmo Vicario là hình ảnh phản chiếu của hàng công Man Utd trong buổi chiều ảm đạm tại London, không xứng đáng với tính chất quan trọng của trận Super Sunday. Garnacho sau thương vụ chuyển nhượng hụt tới Chelsea ở phiên chợ đông vừa qua vẫn chưa thể lấy lại sự tập trung cần thiết. Chân chạy cánh người Argentina đã tịt ngòi trong 13 trận đấu gần nhất của Man Utd tại Premier League. Lần cuối Garnacho lập công đã từ cách đây 102 ngày, thời điểm Man Utd giành thắng lợi 3-0 trước Leicester.
![]() |
Pha bỏ lỡ của Garnacho trước Tottenham là hình ảnh tương phản hàng công Man Utd mùa này |
Nhưng Garnacho không phải cái tên duy nhất nhận về chỉ trích vì phong độ săn bàn yếu kém. Rasmus Hojlund cũng đã tịt ngòi ở 10 trận gần nhất tại Premier League. Điều tương tự cũng đến với Joshua Zirkzee khi tiền đạo người Hà Lan cũng không thể ghi bàn trong 12 trận gần nhất. Tính ra, cặp tiền đạo này mới chỉ “nổ súng” vỏn vẹn 5 bàn kể từ đầu mùa, một thành tính quá đỗi khiêm tốn so với số tiền mà BLĐ đội bóng chi ra để có được sự phục vụ của họ.
Chứng kiến phong độ tệ hại của cả Hojlund lẫn Zirkzee, nhiều người cay đắng nói rằng việc Man Utd chiêu mộ họ chẳng khác nào đã ném 108 triệu bảng ra ngoài cửa sổ. Ngay cả đội trưởng Bruno Fernandes cũng không còn là chính mình ở mùa giải năm nay. Sau 24 lần đá chính, nhạc trưởng người Bồ Đào Nha chỉ có 5 lần điền tên lên bảng tỉ số, nhưng có đến 3 lần đến từ chấm phạt đền. Nói cách khác, số bàn thắng mà Bruno ghi được từ các tình huống bóng sống chỉ ngang bằng số lần anh nhận thẻ đỏ bị truất quyền thi đấu.
![]() |
Rasmus Hojlund - Joshua Zirkzee, cặp “song sát” mới ghi 5 bàn tại Premier League 2024/2025 |
Không phải ngẫu nhiên những cột mốc đáng quên của các chân sút Quỷ đỏ đều khởi nguồn từ triều đại Amorim. Sau 14 vòng đấu, Man Utd dưới triều đại Amorim mới chỉ “nổ súng” 16 lần, tức trung bình 1,14 bàn thắng/trận. Họ có đến 6 trận đấu không thể ghi bàn và cả 6 trận đấu đó đều kết thúc bằng những thất bại chung cuộc. Rõ ràng, sơ đồ 3-4-2-1 mà vị chiến lược gia 40 tuổi từng đạt được thành công vang dội tại Sporting Lisbon đã và đang không phát huy tác dụng trên đất Anh.
Dễ dàng nhận ra Man Utd của thời điểm hiện tại là một tập thể rời rạc, thiếu gắn kết và cũng thiếu luôn dấu ấn chiến thuật cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Ở chiều ngược lại, những cái tên rời đi trong kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua như Marcus Rashford hay Antony, lại cho thấy dấu hiệu của sự tái sinh. Đặc biệt hơn cả, “người thừa” Antony đang thi đấu “rực cháy” trong màu áo Real Betis, với 3 bàn thắng và 1 kiến tạo trong 3 trận gần nhất. Điều này khiến rất nhiều người đặt ra câu hỏi rằng phải chăng vấn đề nằm ở khả năng vận dụng chiến thuật của Amorim thay vì do năng lực của các cầu thủ.
Tại Premier League 2024/2025, Man Utd mới chỉ ghi vỏn vẹn 28 bàn thắng sau 25 vòng đấu. Vào lúc này, chỉ có 3 đội bóng ghi bàn tệ hơn họ, bao gồm Ipswich Town và Southampton, 2 cái tên đang “sáng cửa” xuống hạng. Trận thua trước Tottenham mới đây đã phơi bày thực trạng vấn đề của Man Utd. Họ dứt điểm rất nhiều nhưng chất lượng những pha dứt điểm ấy đều dưới trung bình. Một thống kê chỉ ra rằng, Man Utd đã sở hữu tổng cộng 332 pha dứt điểm sau 25 vòng đấu, tức trung bình 13,2 pha dứt điểm mỗi trận.
Điều này cũng cho thấy các cầu thủ áo đỏ cần trung bình 11,8 pha dứt điểm cho mỗi bàn thắng họ ghi được. Ở chiều hướng khác, Arsenal cũng có số pha dứt điểm tương đồng so với đại kình địch một thời (338 pha dứt điểm), tức trung bình 13,5 pha dứt điểm mỗi trận. Thế nhưng chất lượng những cú sút của Pháo thủ là hoàn toàn khác biệt, với chỉ trung bình 6,6 pha dứt điểm cho mỗi bàn thắng ghi được, bằng một nửa so với Man Utd. Theo thống kê từ Understat, Arsenal có số bàn thắng tương đương với chỉ số bàn thắng kỳ vọng (51 – 51,34), trong khi con số này của Man Utd là 28 – 38,73. Tức là Man Utd đang ghi bàn ít hơn số cơ hội mà họ tạo ra khoảng 10-11 bàn thắng. Và cũng chỉ Southampton (10,76) và Crystal Palace (12,79) là 2 đội bóng tận dụng cơ hội tệ hơn Man Utd.
Khó khăn vẫn còn ở phía trước
Nhận tới 3 thất bại trong 4 vòng đấu gần nhất, Man Utd đang trôi dần xuống dưới vị trí thứ 15 trên BXH. Với khoảng cách 12 điểm so với vị trí thứ 18, nguy cơ để đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh phải xuống hạng là không nhiều. Tuy vậy, đây chính là vết nhơ khó có thể gột rửa đối với một đội bóng tầm cỡ như Man Utd. Rõ ràng, áp lực thành tích đang đè nặng lên tâm trí HLV Amorim. Nếu không sớm cải thiện tình hình, chiến lược gia trẻ tuổi có nguy cơ phải “nối gót” theo Ten Hag, bởi Sir Jim Ratcliffe không phải là mẫu ông chủ giàu lòng kiên nhẫn. Nhưng ai sẽ là “cứu tinh” của triều đại Amorim sau khi cầu thủ thi đấu ấn tượng nhất từ đầu mùa là Amad Diallo nhiều khả năng phải nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương mắt cá chân?
Fact: Amad Diallo là cầu thủ thứ 6 của Man Utd phải ngồi ngoài vì chấn thương ở thời điểm hiện tại, bên cạnh những Altay Bayındır, Luke Shaw, Mason Mount, Jonny Evans và Lisandro Martínez. Trong trận đấu với Tottenham vừa qua, HLV Amorim phải đăng ký hầu hết các cầu thủ trẻ cho băng ghế dự bị, với 8/9 người chưa từng ra mắt đội 1. Nhiều người sẽ sốc nếu biết rằng, số tuổi trung bình của Man Utd trên băng ghế dự bị ngày hôm đó chỉ là 19 tuổi 335 ngày.