ĐT Anh đã xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 10/07/2024 17:15(GMT+7)

Zalo

ĐT Anh đánh bại Thụy Sĩ trên chấm phạt đền không phải là điều may mắn. Từ những chi tiết nhỏ nhất đều cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của họ dưới thời Gareth Southgate.

01j24nsjwx5945hda1raxs8w2c
 

Chứng kiến ​​những quả phạt đền của ĐT Anh trong chiến thắng ở loạt luân lưu trước Thụy Sĩ tại tứ kết EURO 2024, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Tại sao mọi người luôn làm cho việc sút phạt đền trông khó khăn thế? Bởi 5 quả phạt đền của Anh – từ Cole Palmer, Jude Bellingham, Bukayo Saka, Ivan Toney và Trent Alexander-Arnold – đều rất xuất sắc. Mọi thứ trông rất dễ dàng.

Tất nhiên, thực tế không phải vậy – đó là điều những thế hệ cầu thủ và người hâm mộ Anh sẽ nói với bạn. Đó là một bước tiến lớn so với những thất bại trong quá khứ: Đây là một đội tuyển biết mình đang làm gì, cũng như đã lên kế hoạch một cách tỉ mỉ. Đây là thành quả của một quá trình mà Anh đã áp dụng trong phần lớn thời gian dưới thời Gareth Southgate và được hoàn thiện qua từng năm.

“Đây là một quy trình đã được luyện tập, trau dồi,” Geir Jordet, tác giả của cuốn sách “Áp lực: Bài học từ tâm lý đá phạt đền” chia sẻ với The Athletic. “Nó cho thấy họ đã lên kế hoạch mọi thứ, mọi chuyện đều có chủ đích. Họ tiếp cận loạt sút phạt đền như một cỗ máy.”

Mọi chuyện bắt đầu từ trước lượt sút đầu tiên.

Trong khi HLV Thụy Sĩ, Murat Yakin đang phát biểu trước toàn đội, Southgate chỉ tập trung các cầu thủ có mặt trên sân đến cuối hiệp phụ. Tất cả các cầu thủ dự bị và những người đã được thay ra – kể cả đội trưởng và chân sút phạt đền kỳ cựu Harry Kane – đều ở ngoài đường biên. Không có sự phân tâm, cũng chẳng có gì dư thừa.

a1
 

Southgate cũng đã nói riêng với một vài cầu thủ không thực hiện loạt đá phạt đền – Declan Rice, Luke Shaw, Kyle Walker và John Stones – về công việc mà họ sẽ làm sau đó.

Có vẻ như ĐT Anh đã áp dụng phương án “hỗ trợ đồng đội”. Ở đó, một cầu thủ được giao nhiệm vụ hỗ trợ người sút sau khi họ thực hiện cú đá của mình – Walker với Palmer, Shaw với Bellingham, Stones với Saka và Rice với Ivan Toney. Alexander-Arnold hẳn cũng có một đồng đội được chỉ định, nhưng tất cả đều đã bị cuốn theo đám đông đang ăn mừng. Nhiệm vụ của họ là động viên nếu bất kỳ ai trong số họ đá hỏng. Nhưng cuối cùng, điều đó là không cần thiết.

“Họ đã tạo ra cách tiếp cận cá nhân trong một sự kiện tập thể,” Jordet nói. “Họ đã nỗ lực để giúp các cầu thủ không phải đối mặt với áp lực một cách đơn độc.”

Điều đáng nói là Anh không làm điều này vào năm 2021, khi họ thua Ý trong trận chung kết EURO ở loạt sút luân lưu – điều mà Jordet đã chỉ trích trong cuốn sách của mình. “Thật tuyệt vời khi họ học hỏi, thích nghi và trở nên tốt hơn,” ông nói.

Việc Anh được đá trước là một điềm lành. Palmer đánh bại thủ thành Yann Sommer, trước khi Jordan Pickford cản phá thành công quả phạt đền thứ tư trong 3 loạt đá phạt đền ở các giải đấu lớn, đồng thời thêm Manuel Akanji vào danh sách những người đá hỏng vốn đã có Carlos Bacca, Andrea Belotti và Jorginho.

Một phần là do đó là quả phạt đền không tốt của Akanji, khi anh đá với lực nhẹ, tầm thấp nhưng lại không đủ xa về phía góc trái của Pickford. Nhưng cũng một phần nhờ chiến thuật trì hoãn của Pickford. Như bạn có thể thấy ở đây, Akanji đã vào vị trí, trong khi Pickford quay lưng lại và bước ra khỏi khung thành để nhặt chai nước mà anh để cách đó khoảng 20 mét.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 1
 

Akanji đã đặt bóng vào vị trí và lùi lại đến chỗ lấy đà để đợi Pickford trở lại khung thành, điều Jordet cho là một sai lầm lớn. “Khi các cầu thủ đứng ở vị trí đó trong 8 giây hoặc lâu hơn, tỷ lệ thành công của họ giảm xuống dưới 50%,” ông nói.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 2
 

“Akanji là cầu thủ đứng ở vị trí đó lâu nhất – 14 giây. Cậu ấy đã mắc sai lầm khi đặt bóng vào vị trí rồi ngay lập tức lùi lại. Cậu ấy đã phải đợi quá lâu. Điều mà nhiều cầu thủ thường làm – Saka, Erling Haaland, Martin Odegaard (ở Premier League) – là đặt bóng vào vị trí, nhưng chỉ lùi lại khi trọng tài thổi còi.

“Nếu bạn đứng gần bóng, bạn có thể làm những việc khác như điều chỉnh bóng; bạn vẫn có thể khiến mình bận rộn. Nhưng đứng đó chờ đợi thì rất khó để duy trì sự tập trung.”

Pickford còn câu giờ bằng cách đi bộ đến phần rìa khu vực 6 mét để nói chuyện với trọng tài, trong khi Akanji vẫn đứng đợi.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 3
 

Cuối cùng, trọng tài Daniele Orsato đã dừng chiến thuật của Pickford: Hình ảnh dưới đây là trước khi quả penalty thứ tư của Thụy Sĩ do Zeki Amdouni thực hiện thành công.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 4
 

“Ông ấy sẽ phạt thẻ tôi nếu tôi không quay lại vạch vôi,” Pickford nói sau đó. “Nhưng tôi cần phải tạo ra một vài chiêu trò.”

Thậm chí thủ môn người Anh còn dựa vào các chiến thuật đánh lạc hướng cơ bản hơn, chẳng hạn như trò ‘làm mặt hài hước’ đã cũ kỹ. Tuy nhiên, điều này không có tác dụng với Fabian Schar.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 5
 

Pickford cũng có các ghi chú chi tiết trên chai nước của mình. Ở đó chỉ ra cách tiếp cận với từng cầu thủ Thụy Sĩ cũng như hướng đổ người.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 6
 

Đây không phải điều gì mới mẻ; các thủ môn đã làm từ lâu: Jens Lehmann từng có một tờ giấy nhét vào tất cho loạt sút luân lưu giữa Đức với Argentina tại World Cup 2006. Họ còn nghĩ ra cách chống lại nó: Thủ thành người Australia, Andrew Redmayne đã ném chai nước có ghi chú của đối thủ Pedro Gallese lên khán đài trong trận play-off vòng loại World Cup 2022 với Peru.

Có thể Sommer đã làm điều tương tự: Chai nước của anh được phủ kín bằng một chiếc khăn trong suốt loạt đấu súng. Trừ khi anh có một ly latte cần được giữ ấm bên trong, có lẽ anh cũng có một tờ hướng dẫn tương tự.

Điều thú vị là Pickford không hoàn toàn tuân theo chỉ dẫn trên chai nước. Anh đã làm theo tờ ghi chú ở 3/4 quả phạt đền của Thụy Sĩ (bao gồm cả quả anh cản được từ Akanji). Nhưng trước cú đá của Schar, thay vì theo chỉ dẫn là ‘giả vờ bay sang phải, bay sang trái’, trên thực tế anh đã làm ngược lại. Schar đã sút vào góc trái của Pickford, nghĩa là kịch bản thậm chí có thể còn đẹp hơn cho người Anh.

Dù sao đi nữa, Pickford đã mang đến ưu thế lớn cho Anh: Lợi thế tâm lý khi vượt lên dẫn trước. “Pha cản phá đầu tiên trong loạt đá luân lưu đã mang lại cho bạn sự tự tin,” Alexander-Arnold nói sau trận đấu.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 7
 

Bellingham là người sút tiếp theo với cách tiếp cận cẩn thận. Anh dừng lại một nhịp, chờ Sommer đổ sang phải và đưa bóng vào góc ngược lại. Sau đó, anh nhìn thẳng vào thủ thành người Thụy Sĩ; đó không hẳn là một phần trong kế hoạch, nhưng là một động thái tích cực mà chúng ta đã quen thuộc ở Bellingham.

Schar ghi bàn cho Thụy Sĩ, sau đó Saka bước lên. Không ai ở xứ sở sương mù muốn thấy anh bỏ lỡ, sau khi anh đã đá hỏng 3 năm trước trong trận gặp Ý. Dù vậy, tiền đạo của Arsenal đã làm chủ được tình huống khi đánh lừa Sommer.

“Bạn có thể thất bại một lần và bạn có lựa chọn xem có đặt mình vào vị trí đó lần nữa hay không,” Saka chia sẻ sau trận. “Tôi vẫn đặt mình vào vị trí đó, bởi tôi tin vào bản thân.”

Điều này gợi nhớ đến Stuart Pearce ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha tại EURO 1996, 6 năm sau khi anh đã bỏ lỡ ở trận bán kết World Cup 1990 trước Tây Đức. Saka không hét lên mạnh mẽ như Pearce, nhưng anh đã nở nụ cười rạng rỡ; điều đó phù hợp với anh hơn.

Xherdan Shaqiri ghi bàn với một cú đá gần như không thể cản phá, sau đó là lượt sút của Toney. Kỹ thuật của anh – nhìn chăm chú vào thủ môn toàn thời gian và không nhìn vào quả bóng ngay cả khi sút là điều phi thường (nếu không nói là độc nhất); Robert Lewandowski của Ba Lan cũng làm điều tương tự.

“Sẽ là không chính xác nếu nói rằng họ không nhìn vào quả bóng,” Jordet nói. “Họ chủ yếu nhìn toàn cảnh. Thứ họ cần thu thập thông tin chủ yếu là về thủ môn. Bạn cần có một cái đầu tỉnh táo để thực hiện một kỹ thuật như thế.”

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 8
Ivan Toney

Sommer không cần một danh sách được nghiên cứu kỹ lưỡng để biết điều gì sẽ xảy ra: Anh đứng yên trong thời gian lâu nhất có thể, nhưng Toney giỏi đến mức ngay cả khi thủ môn không đổ người sớm, anh vẫn có thể sút vào góc phải khung thành như hình ảnh dưới đây.

“Tôi chỉ nghĩ rằng đó là những gì tôi làm,” Toney nói. “Một số người có thể coi đó là điều điên rồ. Nhưng đó chỉ là quy trình tập luyện của tôi. Tôi tuân thủ nó và nó đã thành công.”

Amdouni thực hiện cú đá của mình thành công, vì vậy Alexander-Arnold cần làm điều tương tự để khép lại loạt sút luân lưu. Anh đã làm điều đó một cách thuyết phục khi sút mạnh vào góc cao. Sommer đổ người sai hướng, nhưng dù có đoán đúng thì vẫn rất khó để ngăn chặn.

“Khi HLV nói với tôi rằng tôi sẽ đá một quả, tôi không hề suy sụp,” Alexander-Arnold nói. “Tôi đã luyện tập rất nhiều cho khoảnh khắc đó.”

Nếu để chỉ ra điểm khác biệt giữa các quả đá phạt đền của Anh và Thụy Sĩ, thì đó là thời gian.

ĐT Anh đã  xuất sắc như thế nào ở khâu đá luân lưu 9
 

“Khoảng thời gian các cầu thủ thực hiện, từ tiếng còi cho đến khi bắt đầu di chuyển thường là chỉ dấu cho việc họ đã lên kế hoạch một cách có chủ đích như thế nào,” Jordet cho biết. “Các cầu thủ Anh trung bình mất 5.2 giây, còn cầu thủ Thụy Sĩ mất 1.3 giây.”

Thật dễ dàng nói điều này sau một loạt sút luân lưu mà Anh đã thắng. Nhưng nó cho thấy một đội bóng đã tận dụng triệt để thời gian, trong khi đội kia có phần hơi vội vã. Như Jordet giải thích, bản thân thời gian không phải điều quan trọng, mà là ý nghĩa của nó.

“Bản thân thời gian không có giá trị. Quan trọng là tại sao bạn dành nhiều thời gian vậy? Nếu bạn đứng im trong 5 giây chỉ vì HLV bảo bạn làm thế, nó chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng nếu bạn đứng im trong 5 giây để kiểm soát bản thân nhiều hơn ở thời điểm đó, dành thời gian để hít thở sâu từ hai đến ba lần, từ đó gửi những hormone tích cực đi khắp cơ thể và tâm trí của bạn thì khi đó, bạn sẽ kiểm soát tình huống tốt hơn, vì bạn là người quyết định khi nào thực hiện quả đá. Bạn khiến thủ môn phải đứng đó trong tình trạng tập trung 100% và chờ đợi bạn. Bạn sẽ nắm quyền kiểm soát từ thời điểm đó.”

Như vậy, tuyển Anh đã vào bán kết lần thứ ba trong 4 giải đấu dưới thời Southgate. Dù có nhiều lời phàn nàn về phong cách chơi bóng của Tam sư trong các trận đấu tại EURO 2024, không thể phủ nhận là ông đã cách mạng hóa cách người Anh tiếp cận loạt sút luân lưu.

“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tốt,” Southgate nói sau trận đấu. “Chúng tôi đã tham gia bốn lượt đá phạt đền và thắng ba. Mặc dù vậy, chúng tôi đã bị chỉ trích nặng nề trong lần thất bại duy nhất. Chúng tôi đã rà soát sự chuẩn bị đó. Chúng tôi có nhiều cầu thủ đá penalty thường xuyên hơn trong đội hình so với năm 2021. Nhiều người trong số đó cũng đã tham gia loạt sút luân lưu.”

Ông không nói đùa. Ở cấp độ CLB và ĐTQG, Palmer (thành công 12/12), Bellingham (5/5) và Alexander-Arnold (4/4) đều có tỷ lệ chuyển hóa 100%. Saka là 87.5% (14/16), còn Toney ở mức 92.7% (38/41). Để so sánh, tỷ lệ chuyển hóa trung bình thường dao động quanh mốc 75%.

Nước Anh rất cẩn thận với sự chuẩn bị của họ. Bạn sẽ nhận ra Southgate nói về nó một cách tổng quát chứ không cung cấp chi tiết cụ thể. Khi một nhà báo cố gắng hỏi Pickford về cách anh chuẩn bị, một nhân viên báo chí của Anh đã can thiệp với mong muốn không có bí mật quan trọng nào được tiết lộ.

Lý do cho điều đó khá rõ ràng: Họ không muốn tiết lộ bất kỳ gợi ý quan trọng nào cho đối thủ sắp tới.

“Hiện tại, họ đã ra sân và đã cho thấy những gì họ có thể làm,” Jordet nói. “Tất nhiên, điều này sẽ giúp đối thủ của họ có sự chuẩn bị tốt hơn, với nhiều thông tin hơn. Mặc dù vậy, có một chiến thắng thuyết phục như vậy trên chấm phạt đền sẽ giúp họ vững tin với mọi thứ họ đã làm và mang lại cho họ sự tự tin lớn.”

Hiện tại, tuyển Anh sẽ không quá lo lắng về điều đó. Và nếu như có một loạt sút luân lưu khác dành cho họ ở Đức, tốt thôi, họ cũng sẽ không quá lo ngại làm gì.

Theo New York Times

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow