Arsenal: Từ một bức hình đến sự thật đáng buồn

Tác giả Thế Trung - Thứ Hai 02/08/2021 11:02(GMT+7)

Zalo

Tất cả bắt đầu từ một “meme” trên mạng xã hội Twitter khi một người dùng đăng tải hình ảnh Mikel Arteta và Pierre-Emerick Aubameyang đang tranh bóng kèm dòng chú thích: “Khi Arsenal vẫn còn ở Champions League, và HLV lẫn đội trưởng của họ hiện tại đối đầu với nhau”.

Arsenal: Từ một bức hình vui đến sự thật đáng buồn
Ảnh: Getty Images

Thực tế, bức ảnh đó được chụp trong trận đấu giữa Arsenal và Borussia Dortmund tại vòng bảng Champions League mùa giải 2014/2015. Năm ấy, đội bóng của Arsene Wenger đã kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ hai sau chính Dortmund và bị loại ở vòng đấu loại trực tiếp bởi AS Monaco. Còn lần cuối cùng người ta thấy Arsenal xuất hiện ở giải đấu danh giá nhất Châu Âu cấp CLB là mùa 2016/2017. Họ bất bại ở vòng bảng (4 thắng, 2 hòa, xếp trên cả PSG) để rồi bị Bayern Munich hủy diệt ở vòng loại trực tiếp với tổng tỉ số chung cuộc 2-10. 
 
Đã gần 5 năm trôi qua kể từ ngày đó và Arsenal không thể có thêm lần góp mặt nào ở Champions League. Hóa ra, từ một bức ảnh vui với mục đích giải trí (hoặc chế giễu), người ta (một lần nữa) lại nhận ra sự thật đáng thất vọng của một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất xứ sương mù.
 
Vị trí của Arsenal cứ thế thụt lùi theo năm tháng. Từ ứng cử viên nặng ký nhất nhì cho chức vô địch đầu những năm 2000, họ dần trở thành đội cạnh tranh cho một vị trí trong top 4, top 6 và thất vọng nhất là hai mùa giải gần đây khi họ đều chỉ có thể về đích ở vị trí thứ tám. Trước đây, có một khoảng thời gian người ta thường nói về Arsenal rằng “rời xa Highbury là bão tố” và quả đúng như vậy. Những khoản nợ từ tiền xây sân vận động mới đã khiến Arsenal của Arsene Wenger hụt hơi trong cuộc đua kim tiền cùng Chelsea, Man United và Man City. 
 
Thậm chí, đã có lúc chiến lược gia người Pháp bị gọi là một “nhà kinh tế học đi làm bóng đá”. Hậu quả của nó chính là sự rệu rã kéo dài từ những năm cuối triều đại của ông cho đến hai người kế nhiệm sau này là Unai Emery và Mikel Arteta. Emery đã thất bại như thế nào thì ai cũng biết, và người ta cũng chưa nhìn thấy một dấu hiệu thật sự rõ ràng nào cho thấy Arteta sẽ đủ sức vực lại đội chủ sân Emirates.
 
Khi Arsenal chuẩn bị bổ nhiệm Mikel Arteta hồi cuối năm 2019, Arsene Wenger đã nói rằng ông luôn tin tưởng mọi quyết định của CLB: “Với tôi, Arteta hội tụ đầy đủ phẩm chất để trở thành người dẫn dắt Arsenal. Cậu ấy có tố chất của một nhà lãnh đạo. Cậu ấy từng làm đội trưởng ở đây và hiểu rõ văn hóa của đội bóng. Hơn nữa, thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola cũng sẽ giúp Arteta tích lũy được không ít kinh nghiệm. Chắc chắn tôi sẽ luôn ủng hộ cậu ấy”.

Mikel Arteta Arsenal
Mikel Arteta chưa thể giúp Arsenal có được sự ổn định. Ảnh: Getty Images
 
Mikel Arteta đã giữ chức HLV trưởng Arsenal được gần 2 năm nhưng vẫn có không ít người hâm mộ của Pháo thủ đặt câu hỏi rằng liệu nhà cầm quân trẻ tuổi đến từ Tây Ban Nha có thực sự là người phù hợp cho công việc này. Mikel Arteta cũng đã và đang cố gắng làm tất cả những gì ông có thể. Từ những thay đổi về hệ thống chiến thuật (từ 4-2-3-1 sang 4-3-2-1 rồi 3-4-3) cho đến cách vận hành lối chơi như triển khai bóng từ phần sân nhà, hàng phòng ngự dâng cao (Arsenal xếp thứ 7 trong danh sách những đội bóng có hàng thủ đứng cao nhất Premier League), tích cực chuyền bóng,… 
 
Ban đầu, Arteta có ý định xây dựng Arsenal theo cách mà ông được “học” từ Pep Guardiola, nhưng Arteta cũng nhanh chóng nhận ra rằng chiến thuật là thứ không thể áp dụng một cách khuôn mẫu. Vì thế, ông dần chuyển sang lối chơi tận dụng khả năng chuyển đổi trạng thái nhanh và tốc độ của các cầu thủ tuyến trên như Pierre-Emerick Aubameyang, Bukayo Saka, Nicolas Pepe hay Emile Smith Rowe. Ý tưởng chơi là thứ Mikel Arteta không thiếu. Có điều, ông cần nhiều nhân tố chất lượng hơn để hiện thực hóa những ý tưởng ấy.
 
Người xưa có câu “Có bột mới gột nên hồ” và câu tục ngữ này đang miêu tả chính xác tình trạng của Arsenal hiện tại. Nhắc đến đây, những người yêu mến Arsenal lại có thêm lý do để cảm thấy ngán ngẩm. Đó chính là công tác chuyển nhượng của đội bóng. Mùa hè năm nay, khi cả thế giới hồi hộp chờ đợi tương lai của Jadon Sancho, Raphael Varane (đều đã tới Man United), Kylian Mbappe hay Paul Pogba thì các Gooners đang phải “tạm” hài lòng với Nuno Tavares, Albert Sambi Lokonga và mới nhất là Ben White. 
 
Sẽ thật khập khiễng nếu đem sức hút của Arsenal lúc này đặt lên bàn cân với các đội bóng Anh hàng đầu khác như Man City, Man United, Liverpool hay Chelsea. Hơn nữa, chính sách chuyển nhượng của họ nhiều năm qua cũng đang đi lệch hướng. Nếu hai mùa giải trước Pháo thủ đã chi 72 triệu bảng (80 triệu euro) để có được Nicolas Pepe từ Lille thì đến mùa hè năm nay, số tiền họ cần để thuyết phục Brighton cũng lên tới 50 triệu bảng (58 triệu euro). 
 
Con số không hề nhỏ ấy đã đưa Ben White trở thành cầu thủ đắt giá thứ 3 trong lịch sử CLB và nó khiến tất cả phải đặt ra câu hỏi về năng lực thực sự của trung vệ sinh năm 1997 cũng như bộ phận phụ trách chuyển nhượng của Arsenal. Nhìn rộng ra, trong danh sách 10 bản hợp đồng đắt giá nhất từ trước tới nay, chỉ có Alexis Sanchez, Mesut Ozil và phần nào đó là Aubameyang (dù không ổn định) là chơi đúng kỳ vọng. Số còn lại nếu không phải là hàng “hớ” thì cũng chẳng thể hiện được xứng đáng với giá tiền.

Arsenal: Từ một bức hình vui đến sự thật đáng buồn
Aubameyang là đại diện cho sự thất thường và sa sút của Arsenal. Ảnh: Getty Images
 
“Mikel Arteta là một người cực kỳ yêu bóng đá”, cựu tiền vệ Cesc Fabregas chia sẻ cách đây chưa lâu. “Anh ấy hiểu rõ mình đang làm gì và biết mình muốn đi tới đâu. Anh ấy đã làm tốt trong vai trò trợ lý của Pep Guardiola và đó là một sự chuẩn bị tuyệt vời cho mọi HLV trẻ. Arteta cũng rất được lòng các cầu thủ. Ngay bây giờ, bạn có thể hỏi bất kỳ cầu thủ Arsenal nào và họ sẽ đều trả lời rằng họ thích được làm việc với Mikel Arteta. Hy vọng rằng anh ấy có thể giúp đội bóng tiến lên”.
 
Quả thật, niềm tin đang là thứ giá trị nhất và cũng là điều đang giúp Arteta giữ được chiếc ghế của mình sau gần 2 năm chưa thành công. Đó là niềm tin và cả sự kiên nhẫn từ ban lãnh đạo lẫn các học trò. Nhưng không ai biết niềm tin ấy sẽ được giữ trọn trong bao lâu nếu thành tích của CLB thủ đô London không được cải thiện. Danh hiệu FA Cup là rất đáng khích lệ nhưng nó không nói lên được nhiều điều. 
 
Đã quá lâu rồi, khái niệm bóng đá đỉnh cao không còn tồn tại ở Emirates. Cổ động viên của Arsenal có lẽ cũng đã “quên mất” giai điệu hào hùng của khúc nhạc Champions League là như thế nào, khái niệm về nhóm “Big 4” hay “Big 6” ra sao. Thay vào đó, họ cố gắng tận hưởng sau từng chiến thắng có được vì chẳng ai dám chắc liệu niềm vui có được tiếp tục vào cuối tuần sau hay không.
 
Còn với Mikel Arteta, và cả Aubameyang nữa, họ dĩ nhiên sẽ không muốn tấm ảnh vui ở trên là lần duy nhất họ xuất hiện cùng nhau ở Champions League. 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow