Khoảng cách về đẳng cấp của từng cá nhân, từng bước chạm một, từng pha tăng tốc là thứ khó lòng có thể san lấp trong một trận đấu.
ĐT Nhật Bản của HLV Hajime Moriyasu có một chiến thắng thể hiện được cả sự quy củ và tính tổ chức trong phong cách bóng đá, lẫn trình độ chuyên môn của các cá nhân.
Bên phía đối diện, ĐT Việt Nam dù còn nhiều điểm cần học hỏi, nhưng một tín hiệu tích cực dường như đã đến trên sân Mỹ Đình tối qua, khi HLV Park Hang-seo có những quyết định nằm ngoài vùng an toàn.
Những phương án chiến thuật mới từ cả Moriyasu và Park Hang-seo
Sự thành công của quyết định thay đổi sơ đồ chiến thuật trong trận gặp Australia là cú hích khiến HLV Moriyasu quyết định tiếp tục sử dụng sơ đồ 4-3-3 trong chuyến làm khách tại Việt Nam. Hai cái tên dạn dày kinh nghiệm của ĐT Nhật Bản là Genki Haraguchi và Gaku Shibasaki tiếp tục phải ngồi dự bị, thay cho họ là số 17 Ao Tanaka – một người mang đến nhiều năng lượng hơn, cùng với số 13 Hidemasa Morita – một tiền vệ trung tâm chơi cơ động hơn. Trên hàng công, 3 cầu thủ được tin tưởng nhất bởi HLV Moriyasu tiếp tục được sử dụng, Yuya Osako chơi cao nhất, trong khi Takumi Mimamino xuất phát lệch biên trái, còn Junya Ito hoạt động ở hành lang cánh phải.
Đội hình ra sân của hai đội
Những quyết định thay đổi hệ thống chiến thuật cũng được HLV Park Hang-seo áp dụng. Lần đầu tiên ở các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, Asian Qualifiers - Road to Qatar, ĐT Việt Nam từ bỏ sơ đồ 5-4-1 hay 3-4-3 và chuyển sang một lựa chọn có phần mạo hiểm hơn là 3-5-2 hoặc 5-3-2. Quang Hải và Hoàng Đức chơi phía trên Tuấn Anh, trong khi Công Phượng bắt cặp cùng Tiến Linh ở hàng tiền đạo. Cũng với nhóm 5 cầu thủ này, Việt Nam đã áp dụng sơ đồ 5-4-1 trước Oman. Tuy nhiên, tại Mỹ Đình tối qua, HLV Park đã kiên định sử dụng hệ thống gồm 3 tiền vệ trung tâm và 2 tiền đạo, xuyên suốt cả 90 phút.
Thay đổi của ông Park
Có hai điểm khác biệt lớn trong cách vận hành sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2 của HLV Park. Thứ nhất, với thêm một tiền vệ hoạt động ở khu vực trung tâm, chiến lược gia người Hàn Quốc rõ ràng muốn các cầu thủ của mình kiểm soát bóng nhiều hơn thông qua các cầu nối ở trung lộ, đặc biệt là những cá nhân có khả năng giữ bóng tốt như Quang Hải hay Hoàng Đức. Thứ hai, chuyển sang hệ thống 3-5-2, cũng có nghĩa là công việc của các cầu thủ chạy cánh sẽ phức tạp hơn. Khi tấn công, họ sẽ là người tạo ra các lựa chọn chuyền bóng chuyển hướng theo chiều ngang, còn khi phòng ngự, họ sẽ không thường xuyên có được sự hỗ trợ của một tiền vệ cánh, như trong sơ đồ 3-4-3/5-4-1.
Tuyển Việt Nam chơi 3-5-2 khi kiểm soát bóng
Tất cả những khác biệt ấy đã được tạo nên tại Mỹ Đình, trong một ngày HLV Park Hang-seo không muốn đội bóng của mình quá bị động trong lối chơi.
Có thể nhận thấy khác biệt rõ rệt nhất trong trận đấu trước Nhật Bản so với 4 trận đấu trước đó mà ĐT Việt Nam thực hiện được là khả năng kiểm soát bóng ở khu vực 1/3 giữa sân. Sự góp mặt của Quang Hải và Hoàng Đức ở tuyến giữa, cùng khả năng hoạt động rộng và giữ bóng của Công Phượng, mang đến cho đội chủ nhà những thời điểm tự tin khi cầm bóng trước Nhật Bản.
Tuyển Việt Nam kiểm soát bóng trên phần sân đối thủ
Không ít các tình huống ĐT Việt Nam đủ khả năng để đẩy đội hình lên phần sân của đối phương, sử dụng các tình huống phối hợp đoạn ngắn giữa các nhóm cá nhân để tìm ra cơ hội xâm nhập vòng cấm địa đối phương.
Tuyển Việt Nam kiểm soát bóng trên phần sân đối thủ
Tuy nhiên, ở những pha bóng cụ thể như thế, thêm một lần nữa có thể nhận thấy ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt hơn nếu chúng ta có được những phương án chuyển hướng chất lượng ở biên đối diện. Hoặc Hồng Duy, hoặc Văn Thanh đều hạn chế dâng cao nếu bóng đang được triển khai ở cánh của người còn lại. Ưu tiên của họ thường là giữ vị trí với các trung vệ để hạn chế sự nguy hiểm của đối phương ở các pha phản công.
Không có phương án chuyển hướng tấn công khi tuyển Việt Nam kiểm soát bóng
Hồng Duy cho thấy rõ ý đồ muốn giữ vị trí hơn là dâng cao tấn công
Rõ ràng họ có thể dâng cao, tạo áp lực cho đối thủ nhiều hơn và trở thành những điểm nhận bóng chất lượng ở các khoảng trống bên cánh đối diện. Nói cách khác, HLV Park dường như mới chỉ đặt một chân ra khỏi vùng an toàn của mình.
Một minh chứng khác cho nhận định ấy còn đến trong nhữg nỗ lực gây áp lực tầm cao của ĐT Việt Nam. Một hình ảnh hiếm gặp của các cầu thủ chủ nhà ở những trận đấu trước. Đội bóng của HLV Park Hang-seo đã có những thời điểm muốn dâng cao, gây áp lực ngay trên phần sân của đối phương. Nhưng một phần bởi khả năng xoay sở tốt của đối thủ, một phần bởi sự bỡ ngỡ của chính chúng ta, phương án này chưa cho thấy được sự hiệu quả.
Tuyển Việt Nam chủ định gây áp lực tầm cao ở một vài thời điểm
Nhật Bản cho thấy khả năng xử lý cá nhân tốt của từng cầu thủ
Hệ thống gây áp lực thiếu đồng bộ, tuyển Việt Nam phải đối đầu với một tình huống tấn công nguy hiểm của đối phương
Thật đáng tiếc cho ĐT Việt Nam, khi bàn thua duy nhất mà chúng ta phải nhận lại đến ngay sau khi thủ môn Tấn Trường thực hiện một tình huống phát bóng dài. Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, ĐT Việt Nam không những thua thiệt trước các đối thủ về tầm vóc trong các tình huống tranh chấp, mà còn chưa có được những mảng miếng tổ chức triển khai bóng từ phần sân nhà rõ ràng qua những trận đấu đã qua.
Bàn thua của tuyển Việt Nam đến khi thủ thành Tấn Trường thực hiện pha phát bóng dài
Chưa đầy 10 giây sau, Minamino đã có pha tăng tốc chất lượng đưa bóng trở lại vòng cấm địa ĐT Việt Nam
Khi các hậu vệ dâng cao, tuyển Việt Nam thua thiệt về tốc độ so với đối thủ
Tín hiệu tích cực đã đến trong lựa chọn lối chơi của ban huấn luyện ĐT Việt Nam. Đội bóng của HLV Park Hang-seo không còn quá bị động như những trận đấu trước đó, đặc biệt trước một đối thủ ở đẳng cấp hàng đầu khu vực như Nhật Bản. Trận đấu trên sân Mỹ Đình ngày hôm qua, xứng đáng là một bài học bổ ích, để chúng ta đánh giá khả năng của mình, sẵn sàng bước những bước thật mạnh dạn ra khỏi vùng an toàn, và chuẩn bị kĩ lưỡng hơn nữa trước những rủi ro có thể phải đối mặt trong một thế trận dám “chơi bóng” hơn.
Nhưng nói đi cũng cần nói lại, trước những áp lực phải đối mặt vào thời điểm này, HLV Park đang rơi vào một thế khó trong những sự lựa chọn. Sự lựa chọn Văn Đức thay cho Tuấn Anh trong hiệp 2 là một ví dụ điển hình. Với sự xuất hiện cầu thủ mang áo số 20, ĐT Việt Nam tiếp tục vận hành hệ thống 3-5-2/5-3-2 với Hoàng Đức chơi thấp nhất cùng Quang Hải và Văn Đức là hai tiền vệ trung tâm. Trong một thế trận không dễ dàng để kiểm soát bóng một cách liên tục trước sức ép của đối phương, hàng tiền vệ 3 người của chúng ta bộc lộ những điểm yếu trong khâu tranh chấp, nhiều hơn là phát huy những điểm mạnh trong tấn công của mình. Văn Đức khó lòng có thể phát huy tốt trong một thế trận như thế, nhưng có lẽ, trong những tính toán của mình, HLV Park Hang-seo cũng không có được những lựa chọn nhân sự tốt hơn từ băng ghế dự bị.
Nhật Bản tấn công hiệu quả
Không chỉ một mình HLV Park Hang-seo mạo hiểm với phương án chiến thuật của mình, mà thậm chí HLV Hajime Moriyasu cũng đã phải thay đổi, sau những màn trình diễn thất vọng của Nhật Bản. Việc sẵn sàng để những Haraguchi hay Shibasaki lên băng ghế dự bị và tin tưởng những gương mặt mới như số 13 Morita hay số 17 Tanaka là một quyết định quyết đoán của vị chiến lược gia 53 tuổi.
Trong một thế trận mà ĐT Việt Nam phòng ngự với sơ đồ 5-3-2, sự cơ động của tuyến giữa và tốc độ từ hai hành lang cánh đã giúp Nhật Bản hoàn toàn áp đảo.
Cơ hội tấn công biên của ĐT Nhật Bản
Tình huống dứt điểm sau đường chuyền từ biên
Cái cách Nhật Bản xuống biên và tạo ra những cơ hội cũng thêm một lần nữa cho thấy dấu hiệu muốn chơi sòng phẳng và chấp nhận rủi ro tới từ HLV Park Hang-seo. Chơi với hệ thống 5-3-2 cũng đồng nghĩa với việc 3 tiền vệ trung tâm phải làm nhiệm vụ nhiều hơn theo chiều ngang sân, và một khi họ không thể khoả lấp các khoảng trống ở hướng tấn công đối diện, thì cũng đồng nghĩa với các pha bóng nguy hiểm dành cho đối phương. Đây là điểm khác biệt cốt lõi so với hệ thống phòng ngự 5-4-1 trước đây của ĐT Việt Nam, với khả năng hộ trợ phòng ngự của các tiền vệ tấn công lệch cánh.
3 tiền vệ trung tâm của ĐT Việt Nam không thể quản lý tối đa chiều ngang sân
HLV Park Hang-seo dường như đang lựa chọn bước ra ngoài vùng an toàn, đó là một dấu hiệu đáng ghi nhận. Nhưng khi đã bước ra khỏi vùng an toàn, thì sự rủi ro trong lối chơi cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Đó là điều ĐT Việt Nam cần chú trọng để tiếp tục cải thiện chính mình. Đó gần như là giải pháp hữu hiệu nhất, nếu chúng ta muốn có được một vị thế cao hơn trên trường châu lục, và bước những bước dài hơn trong hành trình khẳng định mình.
FPT Play là đơn vị sở hữu trọn vẹn bản quyền phát sóng 60 trận đấu thuộc khuôn khổ Vòng loại thứ 3 World Cup - khu vực châu Á, AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar, trong đó có 10 trận tuyển Việt Nam góp mặt. Khán giả có thể theo dõi trực tiếp trọn vẹn toàn bộ giải đấu tại:
Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.
Nhìn chung sau trận đấu với Ipswich, những pha chuyển đổi lối chơi qua hai bên cánh có khả năng sẽ trở thành yếu tố then chốt trong lối chơi Amorim xây dựng tại Man United.
Cho đến bây giờ, đó vẫn là một vấn đề mà Arne Slot đã cố hết sức để xử lý. Cho đến kỳ FIFA Days gần đây nhất, vị HLV trưởng của Liverpool đã nhiều lần nhắc tới lịch trình thi đấu đầu mùa giải khi tự đánh giá về sự khởi đầu của đoàn quân mà ông dẫn dắt.
Trong trận đấu vào hôm thứ Bảy, Pep Guardiola đã yêu cầu Kyle Walker phải đảm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ và có thể nói ông đã trở thành nạn nhân trong sự thận trọng của chính mình.
Mỗi thời đại bóng đá có bối cảnh, phong cách chơi và yêu cầu khác nhau, nên việc so sánh chúng có thể dẫn đến sự thiếu công bằng hoặc sai lệch trong cách nhìn nhận.