Emirates một thập kỷ và những đồng bạc của Wenger

Tác giả Phương GP - Thứ Tư 20/07/2016 16:03(GMT+7)

Zalo
Ngày Arsene Wenger đến Arsenal người ta đã thấy lạ. Một con người chỉ bảnh bao khi khoác trên mình chiếc áo vest thì có thể làm gì để xây dựng được một đội bóng đang vào phom như Pháo thủ. Kinh nghiệm chỉ là thời gian dài ở Monaco, nhưng vì một vài vấn đề mà phải phiêu bạt một năm bên Nhật Bản trước khi về đây. Hồ sơ nổi bật chắc có lẽ là cái bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh. Ấy thế mà mười mấy năm sau, báo chí Anh phải thốt lên: “Một người Pháp đang dạy cho người Anh cách làm bóng đá?”

Emirate mot thap ky va nhung dong bac cua Wenger 1
 
Tại sao họ kính nể Giáo sư đến thế? Danh hiệu và lối chơi? Với thập kỷ đầu tiên gặt hái vô số thành công với Pháo thủ, Wenger thừa sức đáp ứng yêu cầu của những người khó tính nhất. Nhưng còn nửa sau của kỷ nguyên Wenger, khi Arsenal tụt hậu ghê gớm so với Man United và bị Chelsea lẫn Man City vượt mặt thì sao? Câu trả lời nằm trên bản báo cáo lợi nhuận của đội bóng Bắc London.
 
Nếu nhìn lại lịch sử bóng đá Anh, chúng ta có những Nottingham Forest hay Leeds United, những đội bóng sừng sỏ và là tên tuổi hàng đầu trong giới bóng đá, nhưng vì những tính toán sai lầm trong việc vận hành đội bóng mà họ nhanh chóng sụp đổ. Hay ngay cả một đội bóng với lịch sử vững vàng như Liverpool mà cũng đã có lúc lao đao vì câu chuyện kinh tế. Năm nay là đã tròn 20 năm kể từ khi Wenger đến với Arsenal, và trong hai thập kỷ vừa qua, Giáo sư đã cho thấy ông giỏi trong việc giữ vững đội bóng như thế nào.
 
Không phải ngẫu nhiên mà các huấn luyện viên nhìn cách Manchester United đối xử với Ferguson bằng ánh mắt khâm phục như hiện nay. Trong một câu lạc bộ, không chỉ có mối quan hệ giữa huấn luyện viên và cầu thủ, mà còn là mối quan hệ rộng lớn hơn nhiều, với hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn cổ đông, những con người sẵn sàng sử dụng quyền lực của mình để tác động đến đội bóng nếu họ cảm thấy không hài lòng. Và dĩ nhiên, như một doanh nghiệp bình thường, Arsenal muốn giữ vững lòng tin của những người góp vốn thì tự câu lạc bộ phải có chiến lược, tầm nhìn hoàn hảo. Và kể từ năm 2010, bất kỳ bản báo cáo cuối năm nào của Pháo thủ đều sẽ có một sơ đồ về chiến lược phát triển như sau.
 
Ở đây, chúng ta nhận thấy một vòng tuần hoàn khép kín những mục tiêu được ban lãnh đạo Arsenal đề ra rất cụ thể. Và chúng ta hãy xem, 10 năm qua Giáo sư đã thỏa mãn sự hài lòng của giới thượng tầng như thế nào?
Emirates mot thap ky va nhung dong bac cua Wenger hinh anh 2
Một vòng tuần hoàn khép kín những mục tiêu được ban lãnh đạo Arsenal đề ra

Bắt đầu vào năm 2005, sau một thời gian nửa thập kỷ đại thành công. Arsenal giành được rất nhiều danh hiệu lớn nhỏ, đánh bật Manchester United khỏi vị thế số 1 nước Anh. Và nhất là kỷ lục vô tiền khoáng hậu được lập vào mùa giải 2003-2004. Thành công đến trên sân, và như hệ quả tất yếu, lượng Fan hâm mộ tăng dần và người xem đến sân vận động đông hơn. Arsenal cần phải thay đổi bộ mặt của mình để bắt kịp với thời đại. Highbury đã trở nên quá nhỏ bé cho con đường hóa rồng của Pháo thủ, và họ xúc tiến xây dựng sân vận động mới, với kinh phí khổng lồ, Emirates. 
 
Với sân vận động hơn 60.000 chỗ ngồi, cùng trang thiết bị hiện đại, thật khó để câu lạc bộ có thể huy động một nguồn vốn cấp thời để trang trải chi phí. Họ bắt buộc phải vay, và cứ như thế, số nợ mỗi năm tăng lên nhanh chóng. Từ 150 triệu bảng năm 2005 lên đến hơn 300 triệu bảng ( đây là nợ ròng, tổng nợ thì lên đến 415 triệu bảng) vào năm 2008. Như vậy, khi sân vận động Emirates hoàn thành và được đưa vào sử dụng, người hâm mộ hân hoan đến sân, Arsenal đã đạt được mục tiêu ở dưới của hình tròn tuần hoàn. Họ tiến đến mục tiêu tiếp theo là gia tăng doanh thu. Muốn tăng doanh thu thì phải kinh doanh, muốn kinh doanh thì phải có vốn. Nhưng làm thế nào để thu hút vốn khi người ngoài nhìn vào thấy một số nợ quá lớn đến thế. Và thế là, nhiệm vụ được đè nặng lên đôi vai gầy của Giáo Sư.
 
Vào những năm tiếp theo, Giáo sư bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng trong việc điều hành đội bóng. Cắt giảm chi tiêu, và thay vào đó là gia tăng thu nhập từ hoạt động bóng đá của mình. Khó khăn đặt lên vai, nhưng qua đó ta lại thấy cái tài của ông. Với một chiến lược phát triển đội bóng vững vàng, ông không chỉ giúp đội bóng giữ một vị trí trong Top đầu giải Ngoại Hạng, mặc cho bao giông ba bão tố đến với những ông lớn khác. Mà sự hiệu quả còn chứng minh trên những con số kinh tế. Trong mười năm qua, doanh thu của Arsenal tăng gấp 2,5 lần (từ 128 triệu lên đến 344,5 triệu bảng, theo báo cáo mùa giải 2014-2015). Trong đó có những năm, doanh thu tăng đến 40% so với năm trước, một con số đáng kinh ngạc. Đặc biệt, hoạt động bóng đá đã đóng góp trên 90% doanh thu tổng đội bóng. Chính sách theo kiểu “vắt cổ chày ra nước” của Wenger khiến đội bóng rơi vào cơn khô hạn danh hiệu dài gần một thập kỷ, nhưng bù lại tình hình tài chính lại cải thiện đáng kể. Người hâm mộ thì nhăn nhó, còn các cổ đông thì chẳng có lý do gì mà không giãn cơ mặt ra đôi chút.
Emirates mot thap ky va nhung dong bac cua Wenger hinh anh 3
Sân vận động Emirates với 60.000 chỗ ngồi cùng trang thiết bị hiện đại

Doanh thu tăng giúp lợi nhuận tăng, hàng năm lợi nhuận tăng đến 90% và nó khiến cho thu nhập của mỗi cổ đông tăng gấp ba lần sau 10 năm. Từ đó, thu hút nhà đầu tư, vốn ngày càng rót vào câu lạc bộ nhiều hơn, và nó giúp cho nợ nần của câu lạc bộ ngày càng giảm rõ rệt. Năm năm qua, trung bình mỗi năm số nợ giảm hơn 35%, và tính đến nay, số nợ ròng chỉ còn 5,6 triệu bảng, tức là còn thấp hơn cả thời gian trước khi câu lạc bộ đi vay để xây dựng sân vận động Emirates. Nói nôm na, Arsenal vừa xây được một SVĐ với sức chứa gần gấp 3 lần Highbury, vừa tăng trưởng tốt hơn cả thời kỳ hoàng kim, và dĩ nhiên Arsene Wenger có công rất lớn trong cả một kế hoạch dài hơi như thế. Nợ nần không còn, doanh thu tăng mạnh, tạo tiền đề để đến với mục tiêu hàng đầu, được đặt trân trọng trên đỉnh vòng tuần hoàn chiến lược-Đầu tư cho đội bóng.

Trong hai năm 2014 và 2015, Arsenal trong cán cân mua bán cầu thủ, đã thâm hụt lần lượt là 32,6 triệu và 25,6 triệu bảng. Tức là Wenger ngày càng muốn đầu tư mua nhiều hơn bán, ông muốn xây dựng đội hình bằng những bản hợp đồng chất lượng, và cũng sẵn sàng giữ chân những trụ cột của mình. Nhìn vào tình hình chuyển nhượng trên báo chí của Pháo thủ những năm vừa qua chúng ta cũng đã thấy rõ điều đó, lần lượt từng năm những Mesut Ozil, Alexis Sanchez về với đội bóng thành London. Petr Cech dù chỉ là bản hợp đồng tự do nhưng cũng là một ngôi sao khác đáng chú ý. Thậm chí mới đây, Wenger còn quyết định tung 30 triệu bảng để có chữ ký của Granit Xhaka, một động thái không thường thấy của Giáo sư đối với một cầu thủ tiềm năng. Rõ ràng, đây là thời điểm mà Wenger muốn đầu tư đàng hoàng cho đội bóng, sau một thời gian dài nằm gai nếm mật chỉ biết ngậm đắng dè xẻn từng đồng để bảo vệ túi tiền cho giới chủ. Đã đến lúc ông đáp lại tình yêu của người hâm mộ, khi đội hình hoàn thiện và vững chắc, mục tiêu cuối cùng sẽ được hướng đến để chinh phục.
Emirates mot thap ky va nhung dong bac cua Wenger hinh anh 4
30 triệu bảng để có chữ ký của Granit Xhaka

Chốt lại, người hâm mộ phán xét đóng góp của Arsene Wenger ở khía cạnh danh hiệu, nhưng trước khi nghĩ tới chuyện đó, các ông chủ của Arsenal xem xét ở những khía cạnh trực quan hơn nhiều: doanh số và lợi nhuận. Những đóng góp của Giáo sư với Arsenal là sự hội tụ của ba yếu tố: sự am hiểu tường tận về CLB, tư duy của một người làm kinh doanh, và cuối cùng là tình yêu bền bỉ cùng năm tháng. Pháo thủ thành London có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm được một người thứ hai như thế, và Wenger vẫn đang phụng sự hết mình ở cái tuổi mà ông được phép nghỉ ngơi.
 
10 năm qua, cổ động viên Arsenal đã đi hết từ chán chường này đến thất vọng khác. Họ nhẫn nại đến độ trở thành trò cười cho một số cổ động viên khác. Nhưng hãy nhớ rằng, Arsenal là một câu lạc bộ phát triển bền vững, họ xây dựng một chiến lược rất vững chắc và đã tiến những bước thành công ở những mục tiêu của mình. Và người giúp Arsenal không ai khác ngoài Arsene Wenger, một cái đầu tính toán khác hẳn với nét ngây thơ trong lối đá ông xây dựng trên sân. Khi mà mọi bước chuẩn bị đã được hoàn thành, thì kết quả sẽ đến như một điều tất yếu. Điểm cuối của vòng tuần hoàn, “More on field success” (gặt hái thành công trên sân cỏ) sẽ được chinh phục. Hai cúp FA ư? Không, sẽ là nhiều nữa.
 
Thập kỷ đầu tiên của Arsenal ở Emirates chứng kiến sự rạn nứt trong niềm tin của người hâm mộ với Wenger, và phần nào đó có thể nói là bạc bẽo khi họ công khai đòi ông ra đi. Nhưng nếu có một ngày Pháo thủ trở lại thời hoàng kim, người ta sẽ phải nhớ về một màu bạc khác trong 10 năm kể từ khi sân Emirates được khánh thành: màu bạc trên những đồng bảng mà Wenger đem về.

PHƯƠNG GP(TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow