Thứ Tư, 08/01/2025 Mới nhất
Zalo

Tổng kết V-League 2014: Con số và thực tế

Thứ Sáu 22/08/2014 06:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Bây giờ mà nói về những bất cập của V-League có lẽ nói mãi không xong. Giải đấu không phải không có nét tích cực. Điều hài hước là mặt được của V-League lại là bất cập, còn mặt tưởng như ung nhọt hóa ra lại phản ánh điểm sáng..

Cái được thật ra lại là điều chưa được

Thông số tích cực được VPF và BTC giải nhắc đi nhắc lại trong những bài diễn văn tổng kết đó là số lượng bàn thắng tăng (cá biệt có vòng đấu có tới 41 bàn sau 6 trận, bình quân gần 7 bàn/trận) và số sự cố về chuyện khán giả quậy giảm đi hẳn.

Hiếm khi người ta thấy cơ quan điều hành nền bóng đá quyết liệt như lúc này trong công tác chống tiêu cực
Hiếm khi người ta thấy cơ quan điều hành nền bóng đá quyết liệt
như lúc này trong công tác chống tiêu cực

Ở một trường hợp khác, ở một giải đấu khác, số bàn thắng tăng có nghĩa là chất lượng tăng, nhưng với riêng V-League, với đặc thù của giải đấu này, bàn thắng tăng, thậm chí tăng đến mức bình quân gần 7 bàn/trận rõ ràng là không bình thường. Khi số bàn thắng tăng vọt, người ta nói về chất lượng của giải đấu, chất lượng kỹ thuật tăng lên, hay người ta nghi ngờ có dàn xếp?

Có lẽ với nhiều người, lý giải theo vế sau dễ chấp nhận hơn, rằng số bàn thắng tăng đến từ những vụ mà cầu thủ bắt tay nhau “nổ tài” hòng dàn xếp tỷ số. Cầu thủ V.Ninh Bình, cầu thủ Đồng Nai bị bắt chính là câu trả lời. Rồi chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng nói những vụ đấy có khi chưa phải là những cuối cùng. Thế thì không thể tin rằng số lượng bàn thắng tăng là thực chất của nền bóng đá.

Riêng chuyện ít sự cố trên các khán đài, có thể nhìn theo một hướng khác. Số lượng khán giả trung bình giảm mạnh (năm ngoái hơn 9.000 người/trận, năm nay chỉ còn khoảng 7.000 người/trận). Ngoại trừ sân Cẩm Phả của Than Quảng Ninh, không có sân bóng nào ở V-League thường xuyên có khán giả lắp đầy các khán đài.

Sân Vinh vốn là chảo lửa giờ cũng nguội hẳn, sân Lạch Tray ngày nào đông đúc giờ khoảng trống mênh mông, sân Bình Dương trong ngày đăng quang của đội bóng đất Thủ Dầu cũng chưa lắp nổi 1/2 sức chứa tối đa. Khán giả giảm tức là người ta không hào hứng, mà đã không hào hứng thì nói chuyện quá khích để làm gì? Khán giả vắng thì công tác đảm bảo an ninh, an toàn chắc chắn sẽ dễ hơn khi đông người.

Thành ra, nói chuyện giải đấu ít sự cố thì hóa ra BTC giải cũng phản ánh luôn cái mặt chưa làm được của mình, đấy là không thể kéo khán giả đến sân, không thể hâm nóng tình yêu bóng đá như ngày xưa!

Cái mất có khi lại là cái được

Những điểm tối nhất của V-League 2014 có lẽ là 2 vụ tiêu cực tệ hại liên quan đến V.Ninh Bình và Đồng Nai: Cơ quan chức năng khẳng định có dàn xếp tỷ số, còn cầu thủ có liên quan đã bị bắt và chờ bị khởi tố. Đấy là vết nhơ của bóng đá nội, cũng không có lời nào bào chữa cho những lỗi lầm như thế. Nhưng công bằng mà nói, vết nhơ của V-League cũng chính là điểm sáng của giải đấu này, điểm sáng của những người điều hành bóng đá Việt Nam.

Nó sáng ở chỗ, người điều hành bóng đá giờ đã quyết liệt đấu tranh với tiêu cực, để chọn cách phối hợp với các cơ quan chức năng, chọn cách phối hợp tìm chứng cứ, thay vì hỏi ngược lại dư luận: “chứng cứ đâu?!”. Chuyện bóng đá nội có tiêu cực là chuyện người ta nghi ngờ từ lâu rồi, cũng không ai dám nói chắc là không có. Nhưng chỉ năm nay, những người điều hành nên bóng đá mới quyết liệt lôi những góc khuất ấy ra ánh sáng. Thế nên, phải dành lời khen cho sự dũng cảm của cơ quan điều hành nền bóng đá và điều hành giải đấu trong chuyện này.

Có thể bây giờ, người hâm mộ và các nhà tài trợ tạm thời mất niềm tin, nhưng về lâu về dài, giải được làm sạch rồi, thì sự ngờ vực sẽ mất đi, thay vào đấy chắc chắn là niềm tin. Không ai muốn sống trong sự ngờ vực rằng mình đang bị lừa, nên thà đau một lần để người ngoài nhìn vào thấy bóng đá Việt Nam thực sự muốn đổi thay, còn hơn là cứ lấp liếm rồi cả làng dối nhau.

Điểm sáng khác là người ta sẵn sàng nói về điểm tối trong công tác trọng tài, như chủ tịch VFF phát biểu: “Chúng ta đừng lừa nhau, đừng mị nhau là trước giờ trọng tài không cầm tiền, chỉ có điều không ai nhận hối lộ mà để lòi bằng chứng ra cả. Trọng tài nào bị phản ứng quá thì thôi, chúng tôi không mời và cũng không nên mời nữa!”.

Đúng là người ta không bắt lỗi trọng tài, vì lỗi của trọng tài là một phần của bóng đá, nếu lỗi ấy là thuộc về nhận định, chứ không phải lỗi về tư tưởng. Nên thà cứ nói ra thẳng vậy đi, thay vì cứ phỉnh phờ như chuyện không có gì, trong khi giới bóng đá ít người tin giới trọng tài, rồi hễ đụng chuyện là họ phản ứng ầm cả lên!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X