Thứ Bảy, 04/01/2025 Mới nhất
Zalo

Người mang đầu trâu vào Lạch Tray: Hàm ý gì đây?

Thứ Ba 17/04/2012 09:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chủ Nhật vừa rồi, ngoài đầu rồng, đầu tàu thủy thường được CĐV đất Cảng đội mang ở Lạch Tray còn xuất hiện thêm cả đầu trâu. Hàm ý gì đây trong tình cảnh V.Hải Phòng đang ở một vũng lầy?

1. Nói đến trâu chợt nhớ tới rất nhiều tầng nghĩa ẩn tàng trong loài vật này. Thủy Kinh Chú, một cuốn sách cổ thể kỷ VI có chép: Ở Giao Chỉ có giống tiềm thủy ngưu (trâu ở ngầm đáy nước), chúng thường lên bờ chọi nhau đến khi nào sừng mềm ra lại nhảy xuống nước cho sừng cứng lại thì tiếp tục lên bờ chọi nhau. Cảnh trâu nước nhảy lên nhảy xuống là báo hiệu của ngày con nước theo lịch trăng.

Huyền thoại trâu nước là huyền thoại về trăng và thủy triều, rất phổ biến cùng với tục thờ trăng, thờ trâu ở miền ven biển Thái Bình Dương.

CĐV mang đầu trâu vào Lạch Tray với một thông điệp tinh thần cho cầu thủ đất Cảng
CĐV mang đầu trâu vào Lạch Tray với một thông điệp tinh thần cho cầu thủ đất Cảng

Ngày hội Trăng mùa thu ở vùng ven biển Đồ Sơn tới giờ vẫn còn giữ được tục chọi trâu. Tục lệ ấy là tàn dư xa xôi của lễ hội thờ trăng. Chọi trâu là biểu tượng của xung lực vũ trụ, nó như một cách tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực, sinh lực của Trời – Đất – Con người.

Ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn của biểu tượng trâu như vừa kể trên, chưa hẳn người mang đầu trâu vào Lạch Tray đã chắc rõ. Nhưng hẳn ông muốn truyền thông điệp mà đất chọi trâu Đồ Sơn hàng năm vẫn tung hô. Ấy là tinh thần thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm?

2. Thông điệp có thể là vậy, nhưng mấy người dưới sân nhìn lên đầu trâu để sinh lòng “táo bạo, quả cảm”? Buồn thay, V.Hải Phòng giờ đây lại như đang ở tầng ý nghĩa khác của biểu tượng trâu: loài thích đắm mình trong vũng lầy.

Ôi, nhắc tới vũng lầy, bỗng soi vào cái mặt sân Lạch Chay mùa bóng này, thấy nó “lầy” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và có cái gì đó như trớ trêu kiểu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Sau trận thua 2-3 của V.Hải Phòng trước Sài Gòn FC – trận thua thứ 9 ở mùa giải 2012, tôi lưu mãi cảnh ông CĐV ruột Định “đầu rồng”, cuốn gọn lá cờ sọc trắng đỏ - lá cờ truyền thống của bóng đá đất Cảng bấy lâu nay – lặng lẽ vác đi trên vai với nỗi buồn dài tê tái.

Hình ảnh ấy khiến tôi chợt nhớ tới cách huấn luyện đám trâu chọi. Khi luyện trâu chọi, người ta thường phủ cờ đỏ lên đầu trâu, mình trâu, để cho trâu quen dần với không khí của ngày hội, để khi xuất trận, trâu không bị nát vía vì cảnh cờ trống thúc giục, cảnh người đông đúc, hô hào.

Bao mùa bóng đã qua, Lạch Tray luôn trong không khí của ngày hội với cờ trống và vạn người hò reo, tạo nên nguồn xung lực mạnh mẽ lạ thường. Nay cảnh ấy vẫn còn, nhưng tiếc thay, các “ông trâu” lại đạp quẫy trong vũng lầy mà không biết tới khi nào mới có thể thoát ra.

3. Lĩnh Nam chích quái viết huyền tích về Hồ Trâu Vàng (hồ Tây) có đoạn: “Nhà ai sinh được mười trai thì mười chàng trai đó sẽ kéo được Trâu Vàng đang ẩn dưới hồ lên mà hưởng phúc. Nhưng từ đó đến nay, chẳng nhà ai sinh đủ mười trai…”

“Con trâu” V.Hải Phòng cũng đang ẩn mình dưới vũng lầy. Muốn ké nó lên bờ chắc có lẽ phải chờ nhà ai sinh đủ 10 trai chăng?

(Theo VTC)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X