Thứ Hai, 30/12/2024 Mới nhất
Zalo

Không còn bầu Hiển, V-League buồn không?

Thứ Bảy 22/09/2012 19:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chỉ mới xuất hiện chưa đầy 5 năm nhưng bầu Hiển đã xác lập cho mình một vị thế rất đáng kể trong làng bóng đá Việt Nam, và cho dù ông bầu này có còn tiếp tục làm bóng đá ở mùa sau nữa hay không thì chắc chắn đây vẫn là một nhân vật sẽ còn được nhắc tới rất lâu nữa.

Số một về thành tích…

Nếu bóng đá đơn giản chỉ là thành tích thì không một ông bầu nào ở V-League có thể so sánh với bầu Hiển, từ những “cây đa cây đề” thời V-League còn “khai thiên lập địa” như bầu Đức, bầu Thắng (chúng tôi không nhắc tên bầu Kiên ở đây vì tuy làm bóng đá chuyên nghiệp từ rất sớm, nhưng thành tích của bầu Kiên trong bóng đá gần như chỉ là con số không), cho tới thế hệ ông bầu mới nổi sau này như bầu Trường, bầu Thụy, tất cả đều phải xếp sau bầu Hiển.

Ông Hiển được cho là đang sở hữu tới 4 CLB chuyên nghiệp, gồm 2 đội V-League (HN.T&T, SHB.ĐN), 2 đội hạng Nhất (Hà Nội, Trẻ SHB.ĐN), và bộ sưu tập thành tích của bầu Hiển cũng rất đồ sộ, với 3 danh hiệu vô địch V-League (2 của SHB.ĐN, một của HN.T&T), 2 chức á quân V-League (cùng HN.T&T), Cúp QG (SHB.ĐN) và Siêu Cúp QG (HN.T&T), một chức vô địch giải hạng Nhất (Hà Nội).

Thế này mà bầu Hiển bảo ông không phải là ông chủ của SHB.ĐN thì cũng thật lạ
Thế này mà bầu Hiển bảo ông không phải là ông chủ của SHB.ĐN thì cũng thật lạ

Đấy còn chưa kể tới việc thuộc cấp của bầu Hiển, HLV trưởng HN.T&T Phan Thanh Hùng, đang là HLV trưởng ĐTQG và ĐT U23 QG, HLV trưởng Hà Nội Hoàng Văn Phúc từng có nhiều năm dẫn dắt ĐT U16 QG rồi ĐT U19 QG, và HLV trưởng SHB.ĐN Lê Huỳnh Đức từng được HLV Henrique Calisto giao cho dẫn dắt ĐTQG khi ông thầy người Bồ Đào Nha còn bận bịu với ĐT U23 QG hồi năm 2009.

Chưa hết, ở đợt tập trung mới nhất vừa qua của ĐTQG, lính của bầu Hiển cũng chiếm số đông trên ĐTQG, với 6 cầu thủ của HN.T&T và 4 cầu thủ từ SHB.ĐN. Và sau kỳ nghỉ ngắn ngày hiện tại, ĐTQG sẽ tập trung trở lại vào đầu tháng sau tại Nha Trang với sự bổ sung của 2 cầu thủ nữa từ HN.T&T và SHB.ĐN là Hồng Tiến và Phước Vĩnh.

Với chừng ấy dữ kiện như thế, quả thật sẽ không quá lời nếu cho rằng bầu Hiển xứng đáng được xem là ông bầu quyền lực số một của bóng đá Việt Nam, và nếu thực sự ông Hiển rút khỏi lĩnh vực bóng đá như tuyên bố của ông trên một số tờ báo thì hẳn là ảnh hưởng từ khoảng trống do ông Hiển để lại cũng sẽ là không nhỏ.

Nhưng không là “thần tượng”

Như vậy phải chăng sự ra đi của bầu Hiển, nếu có, sẽ là một tổn thất cực lớn cho bóng đá Việt Nam? E rằng câu trả lời sẽ là không, bởi bên cạnh những kết quả làm được cho bóng đá Việt Nam, mà chính xác và rõ ràng hơn thì là cho chính bầu Hiển cùng HN.T&T và SHB.ĐN, bầu Hiển cũng đã có những “phát kiến” bị xem là chưa từng có tiền lệ và có thể sẽ kéo tụt sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Đấy là tình trạng một ông chủ sở hữu nhiều hơn một đội bóng ở cùng một hạng đấu khiến giới chuyên môn và dư luận bức xúc suốt mấy năm nay. Đấy là tình trạng ĐTQG, mà là những 2 ĐTQG, phải chia sẻ HLV trưởng với CLB, và cũng chính CLB ấy cách đây mấy năm đã châm ngòi cho cuộc tranh chấp HLV trưởng với ĐTQG, buộc VFF phải tăng lương gấp đôi thì HLV Calisto mới chịu gia hạn hợp đồng, và cuộc tranh chấp ấy đã tạo thành tiền lệ để ngày nay HLV Phan Thanh Hùng đang trở thành một ông thầy “đa năng” bậc nhất thế giới.

Những thành quả mà bầu Hiển đạt được trong bóng đá là điều mà không ai có thể phủ nhận, nhưng cũng còn một sự thực khác mà tất cả đều phải công nhận, đấy là bộ sưu tập chiến tích của các đội bóng dưới quyền bầu Hiển đều được thực hiện trên cơ sở là những liều doping tiền thưởng cực mạnh, khiến các CLB này đang ở một điều kiện tài chính khác hẳn so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam.

Một ví dụ đơn giản, sau chiến thắng trước SG.XT ở V-League 2012, bầu Hiển đã chi tổng cộng 2,7 tỷ đồng tiền thưởng cho các cá nhân cũng như toàn đội, trong khi tiền thưởng cả mùa mà VPF dành cho nhà quán quân V-League cũng “chỉ” là 3 tỷ đồng. Thêm một dẫn chứng nữa là tiết lộ của ông Bùi Xuân Hòa, TGĐ CP TT SHB.ĐN, rằng ở mùa bóng vừa qua, quỹ hoạt động của đội hạng Nhất Trẻ SHB.ĐN đã ngốn đến 40-50 tỷ đồng, tương đương với đội SHB.ĐN ở V-League.

Thử nhân con số này lên với 4 lần cho 4 đội bóng của bầu Hiển chia đều cho 2 hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam thì có thể thấy mỗi năm ông bầu này phải chi ra trên dưới 200 tỷ đồng, liều thuốc kích thích có thể biến đội bóng bình thường trở thành cực mạnh, và cầu thủ tuy chưa đạt đến mức độ ngôi sao nhưng tinh thần và ý chí thì còn hơn cả ngôi sao.

Thế nên không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc trò chuyện mới đây với TT&VH, một chuyên gia kỳ cựu trong Hội đồng HLV QG đã nhận định rằng trong những thành công của HN.T&T ở V-League mấy năm qua, vai trò của HLV Phan Thanh Hùng tuy rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, mà nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành công của HN.T&T chính là những khoản tiền thưởng kếch xù của bầu Hiển.

Vẫn biết làm bóng đá chuyên nghiệp thì đồng nghĩa với việc phải sử dụng tiền và rất nhiều tiền, nhưng chi tiền như bầu Hiển thì có thể làm người ta phải choáng váng, và có câu hỏi đặt ra ở đây là nếu một ngày nào đó bầu Hiển không còn, hoặc không muốn, chi tiền như vậy thì các đội bóng dưới quyền của ông sẽ như thế nào, nhất là khi họ đã quen với việc được sống trong một điều kiện tài chính dư dả và sung túc hơn nhiều so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam?

Trước HN.T&T và SHB.ĐN cũng từng có một đội bóng nổi tiếng về chế độ đãi ngộ cực khủng cho cầu thủ, đấy là XM.HP trong giai đoạn từ 2008 tới 2010, nhưng sau khi XM.HP chuyển đổi thành V.HP và chế độ đãi ngộ cực khủng ấy vì thế mà mất đi, V.HP trở thành đội bóng như thế nào thì tất cả đều rõ. Từ câu chuyện còn nóng hổi của V.HP, liệu có những liên tưởng nào cho các đội bóng dưới quyền bầu Hiển, và giả sử ông bầu này thực sự rút khỏi bóng đá thì V-League sẽ nhớ tới ông với tư cách nào, một người hùng, hay là…?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X