Thứ Hai, 23/12/2024 Mới nhất
Zalo

Hội chứng bỏ giải V-League

Thứ Sáu 06/06/2014 09:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
  Hải Phòng đã chính thức lên tiếng thách thức BTC về chuyện bỏ giải. Tính từ đầu mùa, đã có 1 đội bỏ, 2 đội khác hăm bỏ. Bỏ giải đang trở thành bệnh dịch của bóng đá Việt Nam. Điều đáng nói hơn nữa là người ta mãi vẫn chưa dập được dịch…

“Mốt” thời thượng

Lý do mà Hải Phòng đưa ra để đòi bỏ giải nghe khá buồn cười. Chủ yếu là họ đòi công bằng trong cách xử án của VFF, cụ thể là của Ban kỷ luật VFF. Mà bất cứ lý do gì để người ta đòi bỏ cuộc chơi đều vô lý cả. Cả làng cầu Việt Nam đang chơi một trò chơi quá tốn kém, nhưng cách hành xử của người chơi không giống người lớn. Bởi, đã là người lớn thì không thể có kiểu thích thì chơi, không thích đòi nghỉ chơi.

Bây giờ, người ta nói tiếng bỏ giải dễ dàng quá!
Bây giờ, người ta nói tiếng bỏ giải dễ dàng quá!

1 đội (V.Ninh Bình) đã chính thức bỏ, vì lý do chống tiêu cực, bằng một phản ứng tiêu cực nhất hạng. 2 đội khác đòi bỏ, 1 là HV.An Giang đòi bỏ vì không thích V-League 2014 có đội… rớt hạng. 1 đội khác là Hải Phòng đòi bỏ vì ức ở chỗ tại sao VFF xử nặng họ mà không xử nặng Hà Nội T&T – đội cũng tham gia vào màn loạn đả trên sân Lạch Tray.

Lý do thực sự đằng sau những phản ứng vừa nêu là gì có lẽ chỉ có người trong cuộc rõ nhất. Họ bỏ giải thực sự vì bức xúc, hay vì gánh nặng tài chính làm oằn đôi vai của họ, vì thực chất họ không thể làm nổi bóng đá chuyên nghiệp? Trong trường hợp của đội Hải Phòng, có thể có thêm một bức xúc khác ở chỗ vị thế của chính đội bóng đất Cảng với VFF và với Ban kỷ luật đã thay đổi, thay đổi đến không ngờ nên họ hụt hẫng?

Còn nhớ, các năm trước, Hải Phòng là một trong những CLB được VFF va Ban kỷ luật “bao bọc” rất kỹ. Đội bóng này phạm không ít lỗi tày đình, nhưng toàn bị xử qua loa. Riêng năm nay, khi VFF đã thay đổi, Hải Phòng đang phải trả giá cho thói quen cũ. Trả giá cho những việc làm mà họ từng cho là bình thường và chưa từng bị xử đến nơi đến chốn khi VFF dưới triều đại của ông chủ tịch cũ.

Rất buồn ở chỗ, bóng đá Hải Phòng nhiều năm trước đâu có thế. Họ là một trong những địa phương có những đội bóng chơi thứ bóng đá quyến rũ nhất miền Bắc, nhưng càng về sau này thì cách điều hành càng biến tướng.

VFF cũng trả giá cho sự hời hợt

Dù bất kỳ lý do gì thì cái “mốt” bỏ giải đang lan ra như một cơn bệnh dịch, xuất phát từ chính sự yếu kém của những người đang điều hành bóng đá nội. Chúng tôi từng đề cập đến mô hình tháp chỏng ngược của bóng đá Việt Nam, với một hệ thống các giải đấu mà hạng trên lại nhiều đội hơn hạng dưới. Không có sự sàng lọc, người ta được đá V-League quá dễ. Họ được đá ngay cả khi không đủ chuẩn, nên người ta chắc chắn không thể hành xử cho đúng chuẩn.

Ngay ở đầu mùa này, lẽ ra VFF và VPF cần phải loại Hải Phòng ngay từ đầu, vì đội bóng đất Cảng đã đi ngược lại tiêu chí của giải đấu. Còn nhớ, ở hội nghị tổng kết mùa giải năm ngoái, VFF và VPF khi đó quyết như đinh đóng cột là không cho phép CLB sang tên, đổi chủ từ sau thời điểm 31/10/2013. Ấy thế mà, đầu năm nay, Hải Phòng vẫn thoải mái đổi chủ, rồi họ vẫn cứ được đá, như chưa hề có phán quyết của người điều hành cuộc chơi!

Chính VFF và VPF còn không tôn trọng lời nói của mình, thì lấy gì để người khác tôn trọng họ? Nếu bộ máy điều hành bóng đá nội kiên quyết với Hải Phòng ngay từ đầu mùa, bây giờ họ đã không phải đau đầu với thái độ vùng vằng của đội bóng đất Cảng.

VFF và VPF nhiều lần muốn giữ lại các đội bóng không đủ khả năng làm bóng đá một cách chuyên nghiệp, làm bóng đá một đàng hoàng, thì bây giờ chính những đội bóng ấy đang quay lưng chống lại họ, xuất phát từ cách hành xử không giống dân chuyên nghiệp.

Về cụ thể, Ban kỷ luật cũng không làm cho người ta phục. Không chỉ trong vụ xử án này, mà nhiều vụ khác, họ xử cũng không giống ai. Khiến cả người chịu án và người thoát án càng lúc càng coi thường các bản án. Nếu đã gọi “mốt” bỏ giải đang lan với tốc độ của một bệnh dịch, thì cũng đã đến lúc phải hỏi đến trách nhiệm của những người không thể dập được bệnh dịch ấy!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X