Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Đi tìm trường phái bóng đá Việt Nam

Thứ Ba 15/10/2013 17:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cựu tuyển thủ Việt Nam và cũng là cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Trần Duy Long từ rất lâu rồi hay nói chuyện trường phái bóng đá Việt Nam. Điều ông Long bức xúc từ lâu đến nay vẫn chưa có lời đáp

Những năm 1996-1997, trong vai trò trợ lý HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Trần Duy Long từng cảnh báo với những nhà làm bóng đá: “Chúng ta đang vui với thành tích của bóng đá Việt Nam, nhưng cần phải tỉnh táo nhìn lại vấn đề lớn đó là xác định hướng đi cũng như định hình trường phái của bóng đá Việt Nam và kiên trì thực hiện theo trường phái mà chúng ta chọn dựa trên những ưu điểm của người Việt…”.

ĐTVN vẫn chưa định hình được lối chơi riêng dù đã trải qua nhiều đời HLV
ĐTVN vẫn chưa định hình được lối chơi riêng dù đã trải qua nhiều đời HLV

Từ mỗi đời thầy ngoại mỗi trường phái…

Năm 1995 bóng đá Việt Nam thu hoạch chiếc HCB SEA Games 18 sau thời gian dài không có thành tích SEA Games. Trong sự cuồng nhiệt và vui mừng của người hâm mộ với thế hệ vàng đấy đã có ai điểm lại chúng ta thắng giải đấy nhờ điều gì và có hay không dấu ấn của trường phái bóng đá Việt Nam trong đó?

Thực chất thì SEA Games đấy chúng ta chẳng thể hiện trường phái gì cả và thi đấu bởi yếu tố tinh thần là chính. Bên cạnh đó phải thừa nhận đội tuyển hồi đấy gặp nhiều may mắn trong việc chủ nhà Thái Lan ngán các đối thủ đe dọa HCV của họ và “diệt” ngay từ đầu trong đó có Indonesia, Myanmar, Singapore…

Dấu ấn của đội tuyển năm 1995 là từ một đội bóng ít kinh nghiệm được đưa đi tập huấn châu Âu, được cọ xát với nhiều đối thủ lớn và khi ra đấu trường khu vực thì họ xóa được những mặc cảm, tự ti… Cũng cần biết là trước khi ông Weigang huấn luyện đội tuyển thì đội đã làm quen với thứ bóng đá mang đậm chất Brazil dựa trên nền tảng thể lực do ông Tavares (vốn là chuyên gia thể lực) dẫn dắt.

Sau ông Weigang, bóng đá Việt Nam lại chuyển sang chơi theo trường phái Anh khi chịu sự huấn luyện của ông Colin Murphy (SEA Games 1997) và đến năm 1998 thì lại mang dáng dấp lối đá châu Âu dưới thời cựu chiếc giày đồng châu Âu: Alfred Riedl… Cứ thế mỗi đời thầy ngoại bóng đá Việt Nam lại thay đổi lối chơi và cách chơi chứ không duy trì tính kế thừa qua mỗi đời thầy ngoại.

Rõ nét nhất và gần gũi nhất với lối chơi phù hợp với thể trạng cùng những ưu điểm của người Việt Nam là thời Calisto (2002 và 2008). Tuy nhiên sau khi ông Calisto chia tay đội tuyển vì nhiều lý do tế nhị thì bóng đá Việt Nam lại thích nghi với kiểu đá của người Đức (thời Falko Goetz) và cầu thủ lại phải làm lại. Nói như nhiều người vẫn ví von là đội tuyển cứ phải làm đi, làm lại nhiều lần qua nhiều đời thầy chứ không có một công thức, một nền tảng nhất định nào.

… Đến các đội tuyển hiện nay

Bây giờ hỏi đội tuyển Việt Nam vừa thi đấu với Uzbekistan tại vòng loại Asian Cup chơi theo trường phái nào hay kiểu nào thì nhiều người không thể phân tích được. Thấp hơn một cấp là đội U23 Việt Nam mà HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt đang đá giao hữu tại Myanmar, giỏi lắm thì những nhà chuyên môn cũng chỉ đề cập được họ chơi theo đội hình nào chứ không thể xác định được trường phái của đội U23 Việt Nam.

Xuống đến U21 thì nhiều người lại thấy hiện hữu kiểu đá của cái nôi Sông Lam Nghệ An trong đấy rất nhiều, dù được quy tụ cả cầu thủ Sông Lam Nghệ An, Hà Nội T&T, Vĩnh Long… Còn với U19 thì họ chơi theo cách riêng của ông thầy người Pháp Guillaume vốn được chỉ đạo phải huấn luyện và hướng dẫn các em theo quy trình đào tạo của lò Arsenal.

Thấp hơn nữa là lứa U16 thì đang chơi thứ bóng đá của người lớn mà các em chịu ảnh hưởng nhiều từ ban huấn luyện… Xuyên suốt các đội tuyển theo từng lứa tuổi thì chẳng đội nào chơi theo môt khuôn mẫu, một nền tảng đã được định hình từ Phòng các đội tuyển vốn phải chịu trách nhiệm về việc định hướng và xác định lối chơi của các đội tuyển…

Lỗi này không do các HLV được giao nắm giữ các đội tuyển. Lỗi càng không thuộc về các em mà lỗi chính ở chỗ đầu tàu của bóng đá Việt Nam, nơi mà lẽ ra phải xác định được từ rất sớm về trường phái bóng đá Việt Nam và định dạng cho các cấp ở những đội tuyển từ U16 lên đến đội tuyển quốc gia.

Cái thiếu của bóng đá Việt Nam là một giám đốc kỹ thuật chịu trách nhiệm xuyên suốt trong việc hình thành các đội tuyển có mối liên hệ với nhau trong cùng một hế thống huấn luyện để bổ sung cho nhau. Điều này trước đây ông Calisto đã làm được ở đội U23 và đội tuyển, nhưng sau này thì Hội đồng HLV chỉ là một danh xưng quy tụ được người giỏi và biết việc nhưng lại bó chân, bó tay họ lại. Trong khi đó phòng đội tuyển quyền rất to thì được lập ra lại trao cho những người bị đặt dấu hỏi về năng lực và đi theo các đội tuyển làm trưởng đoàn chứ không xây dựng được một bản quy hoạch để hình thành và phát triển trường phái bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam vẫn thiếu một tổng công trình sư để quy hoạch lối chơi chung của đội tuyển theo đúng chất Việt Nam.

(Theo Khám Phá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X