Thứ Bảy, 04/01/2025 Mới nhất
Zalo

Cứu V-League bằng... K-Pop

Thứ Ba 18/12/2012 06:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giá như bóng đá Việt vững mạnh và phát triển rộng rãi như K-Pop thì hay biết mấy. Và giá như giới trẻ Việt hâm mộ V-League, đội tuyển Việt Nam như K-Pop thì tốt biết bao nhiêu. Hãy K-Pop hóa để cứu V-League nào!

Hơn bao giờ hết, bóng đá Việt cần những sáng kiến, những góp ý chân thành, cần người hâm mộ hiến kế để thoát khỏi khủng hoảng và phát triển. Nếu những giải pháp mang phong cách... K-Pop đem lại hiệu quả thì cũng đáng xem xét.

Vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt không phải là tình trạng các ông bầu bỏ bóng đá, cầu thủ mắc bệnh ngôi sao... mà là tình trạng người hâm mộ chẳng còn thích thú, quan tâm nữa. Sân nào cũng hết chỗ ngồi nhưng lại thừa... chỗ nằm. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi người hâm mộ luôn là cái gốc, là đơn vị cơ bản nhất của bóng đá.

Ảnh: Ca sĩ Jae Joong của nhóm JYJ xuất hiện ở sân Thống Nhất hồi tháng 6/2011.
Ảnh: Ca sĩ Jae Joong của nhóm JYJ xuất hiện ở sân Thống Nhất hồi tháng 6/2011.

K-Pop Festival 2012 vừa qua đã lôi kéo hàng vạn người đến sân Mỹ Đình. Đó quả thực là ước mơ đối với đa số CLB ở V-League. Làm thế nào để hiện thực hóa giấc mơ này? Hãy dùng chính ngôi sao K-Pop. Mỗi trận đấu của V-League, hãy mời một ngôi sao hoặc một nhóm K-Pop đến sân. Họ chỉ cần hát 2 bài, trước mỗi trận và giữa 2 hiệp. Cuối trận thì ký tặng và chụp ảnh cùng các fan. Đã có một CLB ở Việt Nam mời ca sĩ Việt đến diễn, nhưng chắc chắn sức hút không bằng các ngôi sao K-Pop.

Số người đến sân xem V-League sẽ gồm rất nhiều thanh niên trẻ trung, thuộc tuổi "teen", cả nam lẫn nữ. Từ trước đến nay, họ vốn thờ ơ với V-League. Nhưng ngôi sao K-Pop sẽ kéo họ đến sân. Trong khi chờ thần tượng trình diễn các ca khúc, điệu nhảy, họ đành phải xem trận đấu. Xem nhiều sẽ thành quen. Về sau, hôm nào không đến sân lại thấy thiếu thiếu ấy chứ. Vấn đề đặt ra là lấy tiền đâu mà mời họ? Này nhé, nếu có 2, 3 vạn người đến sân, mỗi vé có giá trung bình 100 nghìn đồng thì có thể thu về 2, 3 tỷ. Kiếm thêm tài trợ, quảng cáo là đủ tiền mời rồi.

Giải pháp bổ sung là mời thêm các hotgirl, giới Showbiz Việt. Cô nào có thành tích "lộ hàng" thì chẳng sao. Là bạn gái của cầu thủ thì càng tốt. Trong giới showbiz, hotgirl, lắm cô chấp nhận xuất hiện ở đám đông mà không cần được trả tiền. Có cô không được mời mà vẫn cố tìm đến. Sự nghiệp của họ liên quan đến tên tuổi, số lần xuất hiện trên các trang báo mà. Hãy thử tưởng tượng trước trận đấu của V-League, các trang mạng tràn ngập các bài được giật tít kiểu: "Vừa lộ hàng xong, hotgirl A đến sân cổ vũ hồn nhiên cho đội B", "Ca sĩ C tuyên bố sẽ thả rong vòng 1 khi đến sân D", "Diễn viên E sẽ chọn đồ xuyên thấu khi sát cánh cùng cầu thủ G". Sân hết chỗ như các sân ở Premier League hay Bundesliga là cái chắc.

Một giải pháp không tồi khác là cho phép bán bia trong các sân ở V-League. Vừa xem bóng đá, vừa nghe ca sĩ K-Pop hát, vừa được ngắm "vòng 1 thả rong" của hotgirl, lại được uống bia. Ôi, "thiên đường" là đây chứ đâu! À, những cô cậu tuổi teen thì không được phép uống bia rồi. Chỉ được uống nước ngọt thôi. Yêu cầu bắt buộc là chỉ bán nước ngọt của những hãng đóng thuế đầy đủ.

Ở Việt Nam ta bây giờ, người người đua nhau dùng iPhone hay điện thoại thông minh. Báo mạng thậm chí từng đưa tin "Vợ tôi đòi iPhone 5 dù ở trọ chưa có bình nước nóng". Vậy nên chăng tổ chức xổ số trúng thưởng iPhone 5, iPad? Ai mua vé vào sân xem V-League cũng có cơ hội trúng thưởng. Chủ sân không cần phải đi mua, rồi mang về tặng đâu. Chỉ cần hô hào một tiếng, lắm nhà tài trợ nhảy vào liền.

Muốn sành điệu, hiện đại hơn thì lắp đặt wifi khắp sân. Ngồi đâu cũng có thể vào mạng tốt. Đừng nghĩ là phục vụ nhóm phóng viên nhỏ nhoi nhá. Phục vụ cho người hâm mộ đấy chứ. Họ có thể quay phim, chụp ảnh cầu thủ (đề nghị tạm gác lại vấn đề bản quyền) hay chụp ảnh "tự sướng", sau đó đưa lên mạng xã hội Facebook. "Ngắm hotgirl A no nê ở sân D. Má ơi!", "Song ca cùng anh Bi Rain ở sân E. Rơi lệ vì hạnh phúc"..., những dòng status như thế bây giờ mốt lắm đấy.

Đã K-Pop hóa thì phải triệt để. Các cầu thủ sẽ được cấp tiền đi chỉnh sửa khuôn mặt, nâng mũi để có được vẻ đẹp thiên thần. Cầu thủ vốn đã cơ bắp, giờ thêm khuôn mặt điển trai thì thua gì K-Pop, phải ngang hàng với Kaka ấy chứ. Một yêu cầu khác đối với cầu thủ là phải biết hát và đóng phim. Thời buổi bây giờ, phải đa năng như thế mới thu hút được nhiều fan. "Ôi, anh ấy thật tài giỏi", phải khiến người hâm mộ thốt lên như thế.

Cuối cùng, kiến nghị các CLB phải thuê chuyên gia thiết kế trang phục theo phong cách K-Pop. Từ xưa đến nay, các CLB ở V-League làm gì bán được áo đấu. Nhưng nếu áo quần được thiết kế theo phong cách K-Pop thì yên tâm sẽ bán chạy như tôm tươi. Có tiền vé vào sân, có thu nhập từ áo đấu, từ những nhà tài trợ đúng nghĩa..., đó mới là nền tảng cơ bản của bóng đá chuyên nghiệp phải không nào?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X