(Diemsovi.com) – Thời gian qua những tin đồn về trường hợp một số đội bóng Thái Lan đang lên kế hoạch ký hợp đồng với đội trưởng đội tuyển Việt Nam Lê Công Vinh. Liệu ở tuổi 30, Công Vinh có nên xuất ngoại thêm một lần nữa.
Câu trả lời là có. Việc tiền đạo xứ Nghệ nhận lời mời đến từ các CLB tại Thai Premier League (TPL) không chỉ có lợi cho cá nhân CV9, giải TPL mà còn có ích cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam,.... Hay nói cách khác, đây là một trường hợp mà người ta vẫn gọi là “win-win situation”, tức là đôi bên cùng có lợi. Ở đây thì có lẽ là tất cả các bên đều được hưởng lợi, đến cả cô vợ Thủy Tiên của Công Vinh cũng sẽ thu về được ít nhiều điều thú vị từ thương vụ này.
Công Vinh nên xuất ngoại thêm một lần nữa |
Trước hết thì cần phải nói rằng chẳng phải ngẫu nhiên mà người Thái rất muốn có sự phục vụ của Công Vinh, cái tên nổi đình nổi đám nhất bóng đá Việt Nam cho đến khi “hiện tượng” Công Phượng xuất hiện. Thứ nhất, không thể phủ nhận TPL đang có một sự phát triển vượt bậc so với V-League, cho dù xuất phát điểm của họ cách đây hơn một thập niên là thấp hơn. Với một đường lối phát triển đúng đắn, chiến lược marketing cực kỳ hợp lý, giờ đây TPL đã trở thành giải đấu số 1 Đông Nam Á và vươn đến tầm châu Á, về rất nhiều mặt. Từ chất lượng và số lượng các đội bóng đến cơ sở vật chất kỹ thuật, tiền bản quyền truyền hình,… người Thái đều có những bước tiến ấn tượng, đúng như theo mục tiêu của họ là biến giải đấu của họ trở thành một Premier League của Đông Nam Á.
Thế nhưng có một điều mà người Thái vẫn còn chưa làm được, đó là phủ sóng TPL đến một số quốc gia có nền bóng đá phát triển khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Người Malaysia, Indonesia hay thậm chí là Lào đã có thể xem các trận đấu tại TPL mỗi tuần, bởi đây là nơi một số cầu thủ chủ chốt ở ĐTQG của họ đang đầu quân. Tuy nhiên từ quá khứ đến hiện tại, Việt Nam chưa bao giờ gửi gắm cầu thủ sang Thái. Và với một người đi tiên phong đã thành một thương hiệu như Lê Công Vinh, anh hoàn toàn có thể một lần nữa xuất ngoại và khi đó, chắc chắn việc TPL được lên sóng truyền hình tại Việt Nam là điều không có gì phải nghi ngờ nữa. Với một đất nước có tới 30 triệu người yêu bóng đá, Việt Nam sẽ là một thị trường béo bở để người Thái phủ sóng, trước khi nghĩ tới việc sẽ vươn ra tầm châu lục về mặt bản quyền truyền hình. Tất nhiên cũng không thể phủ nhận rằng trình độ của tiền đạo Lê Công Vinh vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của các đội bóng đến từ TPL.
Hãng truyền thông Thai Rath lồng ghép tiếng trẻ con khóc vào pha bóng đội trưởng tuyển Việt Nam bị tiền đạo Dangda lừa qua khe giữa hai chân.
Hiển nhiên là cái lợi dành cho người Thái là dễ thấy nhất, nhưng đối với cá nhân Vinh thì trong trường hợp này anh sẽ được nhiều hơn mất. Dù rằng mức lương mà các đội bóng Thái Lan đưa ra có thể không bằng so với khoản tiền 40-50 triệu đồng/tháng mà anh đang nhận tại Becamex Bình Dương, nhưng Công Vinh có thể thu về được nhiều giá trị vô hình khác, trong đó có việc uy tín và danh tiếng của anh sẽ tăng lên đáng kể. Việc mở rộng được nhiều hơn các mối quan hệ cũng sẽ giúp CV9 có được nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho sau này, sau khi treo giày. Hơn nữa, việc được thi đấu ở một giải đấu hoàn toàn mới, với một mỗi trường chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn có thể giúp Vinh có thêm trải nghiệm đáng quý. Đó đều không phải những gì có thể đong đếm được bằng tiền một cách đơn giản. Hơn nữa thi đấu tại Thái sẽ dễ dàng hơn cho Vinh rất nhiều so với tại Consadole Sapporo, nơi anh thường không có được suất đá chính.
Việc sang Thái thi đấu còn giúp cho cô vợ của Công Vinh, ca sĩ Thủy Tiên, có thể mở rộng thị trường ca hát của mình, điều mà cô đã rất khó thực hiện bởi Nhật Bản là một đất nước tương đối khắt khe với các ca sĩ ngoại quốc, đặc biệt là từ Đông Nam Á. Tất nhiên là điều này còn phụ thuộc vào khả năng của đôi vợ chồng nổi tiếng của bóng đá Việt Nam, nhưng cơ hội rõ ràng là hoàn toàn có thể nắm bắt.
Sang Thái để học cách làm của người Thái |
Cuối cùng thì việc Công Vinh sang Thái thi đấu có thể mở ra một chương mới cho bóng đá Việt Nam. Nhật Bản hay Hàn Quốc đều là những giải đấu quá tầm cho cả Công Vinh, Công Phượng hay những cái tên khác, nhưng Thái Lan sẽ giúp họ có nhiều cơ hội cọ xát và tích lũy kinh nghiệm hơn. CV9 sẽ giúp bóng đá Việt Nam tạo nên một tiền lệ, mở đường cho các CLB tại TPL tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn cầu thủ chất lượng từ bóng đá Việt Nam. Chúng ta biết rằng người Anh rất hiếm khi xuất ngoại để thi đấu. Sẽ là một chuyện rất bình thường nếu như tất cả các cầu thủ của Tam Sư đều đang chơi tại Premier League. Nhưng chính vì điều đó đã khiến cho bóng đá Anh ngày càng chững lại, không theo kịp với những xu thế mới của bóng đá thế giới. Tây Ban Nha, Đức hay Ý đều có số lượng lớn các cầu thủ thi đấu tại Anh, và điều đó chính là một phần tạo nên sự khác biệt về mặt trình độ của họ so với người Anh.
Cũng chẳng nói đâu xa, chính Thái Lan cũng đã có chiến lược gửi gắm, cài cắm hàng loạt cầu thủ chuyển sang thi đấu tại V-League trong những năm đầu thế kỷ 21. Bắt đầu từ những Kiatisuk Senamuang, Therdsak Chaiman,.. cho đến Datsakorn Thonglao và nhiều cái tên khác. Thậm chí dù nhiều ý kiến cho rằng việc những cầu thủ trên rời bỏ TPL là vì khi đó sức hút của giải đấu này là không lớn, nhưng ngay cả thế thì người Thái cũng đã “may mắn” được hưởng thành quả của những cuộc xuất ngoại này. Ai cũng biết HLV Kiatisuk đã am hiểu bóng đá Việt Nam thế nào, thậm chí đến cả cuộc sống của những cá nhân trong đội tuyển, ông còn hiểu rõ hơn cả HLV Miura. Vì thế chúng ta chẳng hề bất ngờ khi họ đã đánh bại Việt Nam tới 3-0 ở trận đấu vừa qua.
Dù vậy, phía Bình Dương đã nhanh chóng tìm cách giữ chân Công Vinh bằng việc đề xuất một bản hợp đồng mới. Chính Becamex Bình Dương mới là bên thiệt thòi nhất ở thương vụ này và họ đang cố gắng ngăn cản điều đó. Nhưng nếu người Thái thực sự muốn đưa Công Vinh về TPL, họ sẽ trả một mức phí rất hậu hĩnh khiến cho ông chủ Cao Văn Chóng của Bình Dương không thể từ chối.
Hàn Phi