Thứ Sáu, 10/01/2025 Mới nhất
Zalo

Chuyện chọn HLV của ĐTVN: Tại sao không nên kiêm nhiệm?

Thứ Năm 12/04/2012 21:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Là người từng trực tiếp dẫn dắt ĐT U23 QG ở Asian Games năm 2002 cũng như có nhiều năm làm trợ lý HLV cho HLV Alfred Riedl ở ĐTQG, ý kiến của HLV Nguyễn Thành Vinh về vấn đề có nên để một HLV kiêm nhiệm cả ĐTQG và CLB là rất đáng lưu tâm. Và không ngạc nhiên khi HLV Thành Vinh bày tỏ sự không nhất trí với phương án “kiêm nhiệm”, bởi là một người trong cuộc và lại có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, hẳn là HLV Thành Vinh quá biết vì sao ĐTQG lại cần phải có HLV chuyên trách.

“Áo mặc sao qua khỏi đầu”

Bất luận trong hoàn cảnh nào thì việc dẫn dắt ĐTQG luôn là một vinh dự với những ai theo nghiệp HLV, và trên thế giới có không ít nhà cầm quân đã không do dự từ bỏ cương vị đang nắm giữ ở CLB để lên ĐTQG nhận nhiệm vụ. Trong khi đó, hoạ hoằn lắm mới có trường hợp HLV trưởng một ĐTQG bất ngờ xin từ nhiệm để về với CLB, mà HLV Henrique Calisto là một ca cực hiếm, khi ông tuyên bố từ chức HLV trưởng ĐTQG VN hồi tháng 3 năm 2011 để chuyển sang Thái Lan dẫn dắt CLB Muang Thong United.

HLV Lê Thuỵ Hải (phải) từng phải rời chức HLV trưởng CLB Đà Nẵng năm 2005 vì trách nhiệm liên đới ở ĐT U23 QG
HLV Lê Thuỵ Hải (phải) từng phải rời chức HLV trưởng CLB Đà Nẵng năm 2005 vì trách nhiệm liên đới ở ĐT U23 QG

Tức là ĐTQG vẫn có giá trị rất riêng và đấy không phải là nơi phù hợp để đưa ra những suy nghĩ mang màu sắc thiệt hơn, điều mà người ta không thể không nghĩ đến khi một số ông thầy nội bày tỏ quan điểm chỉ sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở ĐTQG nếu như được bảo toàn công việc ở CLB. Công bằng mà nói, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, để kiếm được một công việc tốt không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt là với lĩnh vực nghề nghiệp có rủi ro cực cao như HLV bóng đá.

Trong khi đó, hầu hết những HLV nội được VFF để mắt đến đều đang làm việc ở các CLB rất có điều kiện, mà nếu không phải vì lý do quá đặc biệt thì hẳn là sẽ có rất ít người dám tự ý từ bỏ tất cả để dấn thân vào cuộc phiêu lưu với ĐTQG. Ông chủ của các CLB có HLV trưởng được VFF chú ý hẳn cũng không bao giờ muốn bỏ trống chiếc ghế quan trọng như vậy ở đội bóng của mình để chờ tới khi nhiệm vụ của ĐTQG kết thúc thì CLB mới lại có HLV, dù rằng bây giờ VFF không còn áp dụng chính sách tập trung ĐTQG dài hạn và mỗi khi ĐTQG thi đấu thì giải VĐQG cũng tạm nghỉ. Mà như người ta vẫn bảo: “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, một HLV khi ăn lương của CLB thì trước hết phải đặt quyền lợi của CLB lên hàng đầu, sau đó mới có thể nghĩ tới trách nhiệm QG.

Còn từ khía cạnh chuyên môn mà nói, việc một HLV kiêm nhiệm cả ĐTQG và CLB cũng không hề là một chuyện dễ dàng, bởi một HLV khi phải gắn chặt trách nhiệm với một CLB nào đó thì làm gì còn điều kiện đi khắp các sân cỏ trên cả nước để tìm kiếm nhân tài cho ĐTQG? Trước đây khi còn ở VN, ngoài việc theo dõi V-League và giải hạng Nhất QG, HLV Calisto còn thường xuyên theo dõi các giải bóng đá trẻ, và hậu vệ trái Chu Ngọc Anh chính là người được HLV Calisto phát hiện ở giải U19 quốc tế diễn ra tại Hà Nội năm 2008, khi cầu thủ này thậm chí còn chưa được đưa lên đội một Nam Định.

Không mạo hiểm lấy đâu ra thành công?

Giờ nếu lấy một ông HLV đang làm việc ở V-League lên dẫn dắt ĐTQG thì chỉ riêng lo lắng cho CLB chủ quản cũng đã khiến ông thầy này tiêu tốn hết quỹ thời gian, làm gì còn lúc nào đi xem thêm các giải bóng đá khác để tìm “ngọc thô” như HLV Calisto dạo nào.

Bài học của HLV Falko Goetz năm ngoái vẫn còn nóng hổi, khi ông thầy người Đức chỉ theo dõi một số trận đấu rất hạn chế ở giải VĐQG và giải hạng Nhất QG, nên kiến thức của HLV Goetz về bóng đá VN gần như không có, và từ đó mới có chuyện ông áp dụng cho ĐT chế độ quản lý, tập luyện và thi đấu hoàn toàn không phù hợp với cầu thủ VN, để rồi bóng đá VN phải trải qua một kỳ SEA Games thảm bại.

TTK VFF Ngô Lê Bằng đã rất có lý khi nói rằng làm HLV ở CLB chưa chắc đã an toàn hơn so với dẫn dắt ĐTQG, bởi một khi đã dấn thân vào nghiệp HLV thì đồng nghĩa với việc chấp nhận mối rủi ro có thể bị sa thải bất cứ lúc nào và vì bất cứ lý do gì. Bởi thế, sẽ là rất chủ quan và phiến diện nếu như nghĩ tới một giải pháp an toàn là vừa dẫn dắt ĐTQG lại vừa dẫn dắt CLB, để giả sử không may thất bại ở ĐTQG thì vẫn còn CLB để quay về.

Hãy hỏi HLV Lê Thuỵ Hải xem ông đã được coi trọng như thế nào ở Đà Nẵng khi dẫn dắt CLB này đoạt chức á quân V-League 2005, nhưng chỉ vì vụ bê bối dàn xếp tỷ số ở ĐT U23 QG tại SEA Games 23 năm 2005, mà lúc ấy ông Hải thực ra chỉ có trách nhiệm liên đới, nên cuối cùng nhà cầm quân này vẫn phải khăn gói rời khỏi Đà Nẵng do áp lực dư luận quá lớn. Thế thì ai dám bảo “2 trong 1” là an toàn hơn “1 và chỉ 1”?

Bóng đá cũng như cuộc sống, vốn dĩ luôn có sự công bằng, một khi dám chấp nhận thử thách mà ai cũng e ngại thì khi thành công sẽ được đánh giá rất cao, còn nếu muốn lựa chọn giải pháp ít rủi ro nhất thì đương nhiên cũng không nên mong đợi sẽ gặt hái kết quả trên cả tuyệt vời.

Trong làm ăn kinh tế người ta thường nói nếu một người đi buôn mà chưa lỗ vốn lần nào, thì không nên trọng dụng người đó, vì điều đó nói lên rằng anh ta thừa cẩn thận, nhưng lại thiếu gan dạ. Rủi ro và hiệu quả thường tỷ lệ thuận với nhau. Nếu rủi ro ít thì sẽ có nhiều người đi săn đuổi cơ hội đó và hiệu quả cũng sẽ không lớn.

Nếu rủi ro nhiều, thì sẽ có nhiều người nhìn mà sợ, cho nên hiệu quả thu được cũng sẽ lớn hơn. Từ ý nghĩa đó mà nói, rủi ro chính là hiệu quả, rủi ro lớn lao sẽ mang lại hiệu quả lớn lao.

Trong gian nguy có sự bình an, trong mạo hiểm có lợi ích, muốn có được thành tích hơn người, phải dám mạo hiểm. Không mạo hiểm thì lấy đâu ra thành công?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X