Chủ Nhật, 13/04/2025
Zalo

Cầu thủ V-League chấn thương bởi sân Mỹ Đình: Nỗi đau từ mặt cỏ xuống cấp

Thứ Năm 10/04/2025 22:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Thật khó chấp nhận khi sân Mỹ Đình, từ chỗ là một niềm vinh dự giờ đây lại trở thành nỗi ám ảnh của các cầu thủ trong mỗi lần đến thi đấu.

Có một sự thật khá phũ phàng là sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, sân bóng từng được xem là biểu tượng của bóng đá Việt Nam, nơi chứng kiến những chiến thắng vang dội cùng những thành công của đội tuyển Việt Nam, giờ đây lại trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích gay gắt.

Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, sân Mỹ Đình lúc này đã xuống cấp ở rất nhiều hạng mục, bao gồm cả mặt sân thi đấu. Và khi CLB Thể Công Viettel lựa chọn sân Mỹ Đình làm sân nhà ở mùa giải V.League 2024/25 thì đó cũng là lúc nỗi ám ảnh về nguy cơ dính chấn thương nghiêm trọng của các cầu thủ trở nên trầm trọng hơn, một khi đến chơi bóng ở đây.

Cầu thủ V-League chấn thương bởi sân Mỹ Đình Nỗi đau từ mặt cỏ xuống cấp 1
Mặt cỏ SVĐ Mỹ Đình xuống cấp nghiêm trọng do không được chăm sóc.

Và mới đây nhất chính là trường hợp của hậu vệ Vũ Tiến Long, cựu tuyển thủ U23 Việt Nam, người từng giành HCV SEA Games 31 bị đứt dây chằng sau trận đấu giữa CLB Quảng Nam và Thể Công Viettel trên sân Mỹ Đình vào ngày 9/4/2025. Điều này một lần nữa làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xuống cấp trầm trọng của sân bóng từng nhiều năm liên tục là sân nhà của ĐT Việt Nam.

Phải tới tận ASEAN Cup 2024 diễn ra vào cuối năm ngoái, vai trò này mới được 'chuyển giao' cho sân Việt Trì, Phú Thọ. Còn tới Vòng loại Asian Cup 2023, VFF cũng đã lựa chọn sân Bình Dương làm sân nhà của tuyển Việt Nam, thay vì để đội trở lại Mỹ Đình.

Sự thay đổi này một phần là để người hâm mộ cả nước có dịp được trực tiếp tới sân cổ vũ, tiếp lửa cho ĐT Việt Nam. Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy sân Mỹ Đình vào lúc này đã không còn là sự lựa chọn hàng đầu, trong bối cảnh đã xuất hiện rất nhiều những lời chê trách về sự xuống cấp tại đây.

Việc sân Mỹ Đình được ví giống như 'bãi cỏ cho bò gặm' không chỉ là vấn đề thể diện quốc gia, mà nó còn đang trực tiếp khiến làng bóng đá Việt Nam đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, khi những giấc mơ trên sân cỏ có thể sẽ tan biến chỉ vì một mặt sân không đảm bảo tiêu chuẩn.

 

Nỗi đau từ đôi chân tài năng

Vũ Tiến Long, 23 tuổi, một hậu vệ đầy triển vọng với khả năng lên công về thủ toàn diện, đã phải rời sân ở phút 37 trong trận hòa 2-2 giữa Quảng Nam và Thể Công Viettel. Kết quả chụp chiếu sau đó như một tin 'sét đánh' đối với người hâm mộ xứ Quảng cũng như cá nhân cầu thủ sinh năm 2002. Bởi với chấn thương đứt dây chằng gặp phải, Tiến Long sẽ phải nghỉ thi đấu ít nhất 8 tháng, chưa kể là còn bị ảnh hưởng đến cả sự nghiệp.

Chia sẻ trong buổi họp báo sau trận, HLV Văn Sỹ Sơn cũng bày tỏ sự chán nản trước việc mặt sân thi đấu quá tệ. Giọng nói của ông nghẹn lại như cố kìm nén sự bất lực, khi nhắc đến mặt sân Mỹ Đình: "Mặt sân quá chắp vá, cỏ dày 3-4 cm, cầu thủ đá rất sợ chấn thương. Thậm chí tôi đã nghĩ đến chuyện xin thua để bảo toàn lực lượng cho trận sau".

Cầu thủ V-League chấn thương bởi sân Mỹ Đình Nỗi đau từ mặt cỏ xuống cấp 2
Tiến Long phải nghỉ thi đấu 8 tháng do chấn thương.

Trước Vũ Tiến Long, trung vệ trẻ Phạm Lý Đức của Hoàng Anh Gia Lai và cũng là tân binh đội tuyển Việt Nam cũng đã trở thành nạn nhân trong câu chuyện này. Trong trận đấu giữa HAGL với đội chủ nhà Thể Công Viettel cuối tháng 3 vừa qua, Lý Đức đã phải rời sân bằng cáng sau một pha tranh chấp tưởng chừng bình thường.

May mắn hơn Tiến Long là Lý Đức chỉ bị dãn dây chằng đầu gối và chỉ phải nghỉ ít nhất một tháng. Tuy nhiên điều đó không thể khiến HLV Lê Quang Trãi của HAGL giảm đi sự bức xúc trước việc chất lượng mặt sân thi đấu quá kém.

"Mặt sân Mỹ Đình quá xấu là nguyên nhân khiến Lý Đức và Đình Lâm chấn thương. Đức bị nặng, chỉ vì tiếp đất trên mặt sân gồ ghề sau một pha tắc bóng" - ông Trãi tâm sự.

Những lời tâm sự đó không chỉ thể hiện sự bất lực của một nhà cầm quân, mà còn nói thay cho tiếng lòng của những tài năng sân cỏ trước những ám ảnh chấn thương phải đối mặt hàng tuần, bởi sự thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng bóng đá.

 

Lời cảnh báo từ các HLV

Không chỉ HLV Văn Sỹ Sơn hay Lê Quang Trãi, mà ngay cả HLV Nguyễn Đức Thắng của Thể Công Viettel, đội bóng đã lựa chọn Mỹ Đình làm sân nhà ở mùa giải này cũng phải thừa nhận sự thật phũ phàng là mặt sân cỏ thi đấu quá tệ.

Sau trận đấu với HAGL ngày 30/3 vừa qua, vị thuyền trưởng đội bóng áo lính đã chia sẻ một cách thẳng thắn: "Sân Mỹ Đình thực sự tệ, ảnh hưởng đến lối chơi của cả hai đội. Chúng tôi đã phải thay đổi đấu pháp vì không thể kiểm soát bóng trên mặt cỏ gồ ghề".

Có thể nói, lời nhận xét của vị HLV trưởng Thể Công Viettel như một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của sân vận động từng là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam, nơi thường xuyên tổ chức những trận cầu quốc tế và các sự kiện lớn.

Cầu thủ V-League chấn thương bởi sân Mỹ Đình Nỗi đau từ mặt cỏ xuống cấp 3
HLV Đức Thắng không đánh giá cao mặt cỏ sân Mỹ Đình.

Sự xuống cấp của sân Mỹ Đình không phải là vấn đề mới. Bởi từ lâu đã có nhiều HLV, cầu thủ và người hâm mộ liên tục lên tiếng phản ánh về tình trạng cỏ chết, mặt sân lồi lõm, hệ thống thoát nước kém khiến sân trở thành 'vũng trâu đầm' sau mỗi trận mưa.

Tuy nhiên, thay vì được cải thiện, tình hình ngày càng trầm trọng hơn khi sân bị khai thác quá mức cho các hoạt động ngoài bóng đá: từ ca nhạc, hội chợ đến các sự kiện thương mại mà không có kế hoạch bảo dưỡng bài bản. Điều này đã khiến mặt sân xấu đi trầm trọng với những mảng cỏ chắp vá, mấp mô tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương rình rập các cầu thủ.

HLV Mano Polking của Công an Hà Nội, một người từng có quãng thời gian dài làm việc ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan, cũng từng lên tiếng về chất lượng mặt sân tại V-League nói chung và Mỹ Đình nói riêng. Ông nhấn mạnh: "Nếu tiếp tục đặt kết quả trận đấu lên trên chất lượng mặt sân, bóng đá Việt Nam sẽ không thể phát triển".

Lời cảnh báo ấy không chỉ là lời nói suông mà thực tế cũng là những gì đã diễn ra. Và nó cũng đang dẫn tới những hệ lụy khó lường, khi mà những chấn thương có thể làm tan biến giấc mơ của các cầu thủ trẻ, đồng thời kéo lùi chất lượng chuyên môn của giải đấu.

 

Giải pháp nào cho tương lai?

Sân Mỹ Đình, từ niềm tự hào đến nỗi thất vọng, là tấm gương phản chiếu những lỗ hổng trong cách quản lý và phát triển bóng đá Việt Nam. Những giọt nước mắt của Vũ Tiến Long, sự bất lực của Phạm Lý Đức, và tiếng thở dài của các HLV không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà là hồi chuông báo động cho cả một nền bóng đá.

Nếu không hành động ngay hôm nay, chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm nhiều trường hợp các tài năng bóng đá nữa ngã gục trên những mặt sân tồi tàn.

Trước thực trạng đáng buồn này, mọi thứ sẽ không thể chỉ dừng lại ở việc chỉ trích hay than vãn. Bóng đá Việt Nam cần hành động cụ thể, quyết liệt để cứu lấy những đôi chân tài năng và lấy lại niềm tin từ người hâm mộ.

Trước mắt, những người làm bóng đá sẽ cần có một kế hoạch bảo trì và nâng cấp sân Mỹ Đình toàn diện. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty VPF cần phải phối hợp với đơn vị quản lý sân để tạm dừng mọi hoạt động không liên quan đến bóng đá, tập trung nguồn lực cải tạo mặt cỏ.

Sân Mỹ Đình không thể tiếp tục là “con bò sữa” cho các sự kiện thương mại, mà phải được trả lại đúng chức năng, nhiệm vụ ban đầu là phục vụ bóng đá.

Thứ hai, cần có sự giám sát chặt chẽ từ VPF đối với các sân vận động sử dụng tại V-League. Trường hợp sân Mỹ Đình bị “tuýt còi” vào đầu tháng 4/2025, buộc ban quản lý phải vá cỏ khẩn cấp trước vòng 17, là một minh chứng cho thấy sự quyết liệt của ban tổ chức.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế 'chữa cháy' tạm thời. VPF cần đặt ra tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sân bãi, đồng thời hỗ trợ các CLB trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là những đội bóng có ngân sách hạn chế.

Hãy nhớ rằng, một mặt sân tốt không chỉ giảm nguy cơ chấn thương, mà còn nâng cao chất lượng trận đấu, thu hút khán giả đến sân – nguồn thu lâu dài cho chính các đội bóng.

Nhìn sang đất nước Thái Lan, với giải VĐQG Thai League vượt xa V-League về hạ tầng, là bài học đáng để tham khảo. Các CLB Thái Lan đều sở hữu sân cỏ đạt chuẩn, được bảo dưỡng thường xuyên, tạo điều kiện tối đa cho cầu thủ phát huy khả năng.

Đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần phải hành động với sự đầu tư xứng đáng cho hạ tầng, sân cỏ. Hãy để sân Mỹ Đình trở lại là thánh đường, chứ không phải là “mặt ruộng” gồ gề, có thể cướp đi giấc mơ chơi bóng của các cầu thủ bất cứ lúc nào.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X