Thứ Năm, 09/01/2025 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam và đôi điều bất cập

Thứ Hai 10/09/2012 17:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

“Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”, câu ca dao như ai oán về việc 2 thân phận không thể đến được với nhau. Nó cũng giống như bức tranh toàn cảnh của bóng đá VN cấp CLB hiện nay vậy: Bao giờ CLB mới làm ăn có lãi và bao giờ bóng đá có thể tự nuôi sống được cơ thể mình?!

Câu chuyện nhỏ trước trận chung kết Cúp QG

Vài ngày trước trận chung kết Cúp QG giữa HN.T&T và chủ nhà SG.XT, lãnh đạo SG.XT và người của VPF (với đại diện là Phó TGĐ VPF, ông Phạm Phú Hòa) đã cãi vã kịch liệt về quyền tổ chức trận đấu cũng như các yêu sách đề ra chưa đi đến thống nhất. Như đã thông tin, VPF ngoài việc bác bỏ đề xuất của SG.XT về việc lùi trận đấu lại ngày 1/9 (để phục vụ Đại lễ Quốc khánh, phục vụ người hâm mộ), thì họ còn muốn nhận quyền khai thác trận đấu này.

Sau khi nghe ngóng thông tin về trận cầu nóng, thu hút sự quan tâm của cả nước, VPF chấp nhận lùi giờ thi đấu (17h00, thay vì 16h00 như lịch ấn định), đồng thời yêu cầu phía SG.XT phải nhượng lại quyền sở hữu trận đấu, bao gồm cả việc in ấn, phát hành vé rồi bản quyền truyền hình… Nhưng bầu Thụy đã lắc, vì… vô lý quá. Kết quả, SG.XT dù mở cửa tự do các khán đài B, C và D, nhưng vẫn có cảm giác trống vắng.

SG.XT (trái) suýt mất quyền tổ chức trận chung kết Cup QG
SG.XT (trái) suýt mất quyền tổ chức trận chung kết Cup QG

Trên thực tế, SG.XT đã thầu lại toàn bộ các hạng mục của sân Thống Nhất trong các trận đấu trên sân nhà của họ ở mùa giải 2012, tiền thu về nộp vào ngân quỹ hoạt động của đội bóng. Nhưng cái lý muôn thuở của nhà buôn là gì nếu không phải quyền lợi?!

Nên hiểu thế nào về cái “slogan”: “Vì sự phát triển của bóng đá VN”, mà người của VPF từ ngày được thành lập vẫn rêu rao đây? Muốn hướng tới một cuộc chơi công bằng, song song với nghĩa vụ (chấp hành luật chơi), người chơi phải có quyền lợi. Muốn bóng đá phát triển, cũng phải bắt đầu từ phần gốc, phần rễ là CLB, chứ không phải chỉ mỗi cái chóp VPF.

La cũng có thể sinh con?

La là sản phẩm phối giống giữa ngựa cái và con lừa đực. Theo giải thích của khoa học, la không thể sinh con, do không có nhiễm sắc thể sinh sản hữu tính. Nhưng trên thế giới, đã có ít nhất 2 chú la con được ra đời trong khoảng 10 năm đổ lại và chỉ sống thọ trong một khoảng thời gian ngắn. Kết luận sau đó của các nhà khoa học khẳng định, việc la sinh con là do đột biến gen (nhiễm sắc thể) và đó là lý do khiến la con không thể phát triển bình thường, cho đến khi chết yểu.

Trước đây, VFF vẫn bị tiếng là tận thu tối đa ngân quỹ hoạt động của các CLB (thực ra là bầu sữa doanh nghiệp) như việc “bắt” CLB phải nộp lệ phí tham dự giải, rồi chuyện tiền nong, ăn ở cho giám sát, trọng tài…, cũng là do CLB chi trả. Sau này có tiền bản quyền truyền hình (rẻ), nhưng cũng chia năm xẻ bảy và số dôi ra mà CLB hưởng, cũng chẳng thấm vào đâu. Nhưng xét bản chất cách làm của VPF, thậm chí còn tận thu hơn.

Thay vì nộp tiền lệ phí tham dự giải như trước đây (vốn không đáng là bao so với ngân sách hoạt động của đội bóng), các CLB ở V-League và hạng Nhất phải có nghĩa vụ đóng góp một khoản tiền cho VPF vốn điều lệ để sở hữu cổ phần trong VPF. Tiếng là cổ đông lớn, nhưng chia nhỏ ra từng CLB, tính ra cũng chẳng mấy.

Với một nền bóng đá mà khán giả thờ ơ tới sân, CLB nào cũng bội chi vì chi phí lương thưởng và chuyển nhượng quá lớn, tai tiếng lan tràn từ sân cỏ tới khán đài, mà VPF vẫn có lãi lớn như thế thì kể cũng lạ, hệt như chuyện la sinh con.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X