Thứ Sáu, 10/01/2025 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Nhà mục từ móng

Thứ Sáu 23/08/2013 06:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hết XMXT Sài Gòn bỏ giải đến K.Kiên Giang dọa bỏ, V-League chẳng khác cái chợ. Nhưng nếu đã ví V-League như cái chợ, thì phải xem lại ai đã biến sân chơi ấy thành nơi người ta thích thì đến, không thích thì đi, và vì đâu mà nơi ấy mỗi lúc một loạn.

Đã có dư luận cho rằng sau khi Xi măng (XM) Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải, K.Kiên Giang lo rớt hạng mới dọa bỏ theo. Và nếu K.Kiên Giang bỏ thì đến lượt V.Ninh Bình rớt, mà đội bóng của bầu Trường vốn cũng chẳng phải quy củ gì, nên khả năng V.Ninh Bình sẽ rời V-League không phải là không thể xảy ra.

Sau XMXT Sài Gòn, bao nhiêu đội sẽ bỏ V-League
Sau XMXT Sài Gòn, bao nhiêu đội sẽ bỏ V-League

Đấy chỉ là phản ứng của dư luận sau liên tiếp những sự kiện không hay xảy ra mấy ngày qua. Khó có thể trả lời suy luận ấy chính xác đến đâu, chỉ có điều nó không phải là không có cơ sở. Cơ sở của suy luận vừa nêu xuất phát từ chuyện các ông bầu bây giờ nản bóng đá lắm rồi. Người ta nản vì cách điều hành nghiệp dư của VFF, VPF, của BTC V-League, nản vì bóng đá hiện không sinh lợi cho các ông chủ doanh nghiệp như họ mong đợi, hoặc nản đơn giản vì hết tiền. Thành ra, khi có cơ hội bỏ được là các ông bầu bỏ ngay.

Trách họ hành xử thiếu chuyên nghiệp thì quá dễ, nhưng nếu nói họ nghiệp dư thì cũng cần phải xem lại ai đã dung dưỡng cho sự nghiệp dư ấy tồn tại trong một nền bóng đá được gắn mác chuyên nghiệp? XM Xuân Thành Sài Gòn chẳng hạn. Cả nước đều biết đấy là đội bóng không có tuyến trẻ, không có cơ sở vật chất riêng, cũng chẳng có bất cứ sự ràng buộc nào với địa phương, nhưng họ vẫn tồn tại. Trước XM Xuân Thành Sài Gòn, TPHCM cũng có một CLB khác ở tình trạng tương tự mang tên Navibank SG.

Sự xuất hiện của các đội bóng này cách nay 3-4 năm từng được cảnh báo là sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, ngày ấy chính những người điều hành bóng đá nội lại để ngoài tai những lời cảnh báo ấy, thậm chí có vị còn dùng từ phá hoại khi giới truyền thông lên tiếng như thế.

Chính ông Lê Hùng Dũng, cựu chủ tịch LĐBĐ TPHCM, và hiện là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7 là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc tồn tại các đội bóng “3 không” dạng như XM Xuân Thành Sài Gòn và Navibank SG.

Để giờ, 3- 4 năm sau, lần lượt Navibank SG và XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ ngang khiến làng cầu nội điêu đứng, còn ông ứng cử viên cho vị trí chủ tịch VFF, người từng tạo nên 2 đội bóng ấy thì hiện lặn không thấy tăm. Đấy là hậu quả của việc có thời những nhà lãnh đạo bóng đá nội để cho tình trạng sang tên, đổi chủ ở các CLB diễn ra dễ dàng như người ta sang tên một chiếc xe máy. Đấy là cái thời bộ máy điều hành để cho các đội bóng được mua đi bán lại đơn giản như người ta mua một mớ rau, con cá ngoài chợ.

Trường hợp của K.Kiên Giang hơi khác một chút, đội bóng miền Tây Nam bộ đòi bỏ vì đơn giản họ không có tiền. Bóng đá không phải là cái ổ nợ, V-League càng không phải là nơi hành xác các CLB. Thế nên, một đội bóng phải đi vay mới có tiền đá bóng như K.Kiên Giang có lẽ không nên tồn tại nữa. Bởi họ càng đá càng mang thêm nợ vào người chứ được gì?

Thành ra, quyết định không có đội rớt hạng, thực chất là quyết định giữ lại đội K.Kiên Giang có khi lại là sai lầm tiếp theo của VFF cũng như VPF, bởi giữ một đội bóng không còn đủ khả năng tài chính có khi lại là gánh nặng cho chính đội bóng ấy, cho cả địa phương chứ chưa hẳn là điều tốt.

Quyết định mở rộng số đội tham dự các giải đấu chuyên nghiệp trong nước như những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đang thực hiện cũng chưa chắc tốt. Rất nhiều CLB hiện nay nói thẳng là chưa đủ chuẩn để trở thành CLB chuyên nghiệp, nhưng cứ được vội vã cấp chuẩn (người Nhật cực giàu và cực kỳ chuyên nghiệp mà có lúc cũng phải chấp nhận giải VĐQG của họ chỉ có 6 đội tham dự, nhưng 6 đội ấy phải đáp ứng đủ nhiều tiêu chí khắc khe).

Ở V-League mùa tới, người ta có thể kể ra hàng loạt đội đang bị nghi ngờ năng lực tài chính dạng như K.Kiên Giang, Quảng Nam, Than Quảng Ninh. Lui về giải hạng Nhất, có Thừa Thiên Huế, CLB TPHCM, Đắk Lắk…Có nghĩa là chẳng có gì đảm bảo rằng các đội bóng ấy không lâm vào cảnh hết… tiền giữa chửng rồi đòi nghỉ chơi như K.Kiên Giang vừa đòi nghỉ.

Cũng chẳng có gì đảm bảo rằng ngay trong mùa tới, dạng đội “3 không” như V.Ninh Bình của ông bầu Hoàng Mạnh Trường, hay CLB đang được thúc chín ép như Đồng Nai không bỏ cuộc giữa chừng vì gặp chuyện trắc trở. Điều ấy nói cho cùng chỉ là sản phẩm của hơn chục năm mất phương hướng của bóng đá Việt Nam, nhưng thay vì định hướng lại cho đúng, những người điều hành bóng đá nội toàn tìm cách sửa chữa nhất thời, dù càng sửa càng sai.

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X