Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Còn đâu mùa “cò” làm tổ?

Thứ Bảy 22/12/2012 13:44(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cuộc chiến tiền đấu tiền đã chìm và sẽ không bao giờ có những vụ áp phe tiền tỷ nữa, khi các ông bầu lần lượt rủ nhau “đình công”. Một bộ phận những người làm nghề môi giới (chuyên hoặc không chuyên, vẫn gọi nôm na là “cò”) vì thế cũng chịu nhiều ảnh hưởng, thậm chí có người đã rửa tay gác kiếm.

Cách đây không lâu, khi nghe tin các cầu thủ N.SG thống nhất sẽ đâm đơn kiện lãnh đạo ra tòa, đại diện một Cty tư vấn luật và bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ, với thủ thành Tấn Trường được xem là cổ đông lớn và là người đồng sáng lập, đã tiếp cận muốn thầu lại vụ việc này. Nhưng, sau một hồi nghe thuyết giáo và tự thấy không mấy khả quan, đồng loạt các cầu thủ còn hợp đồng với N.SG đã lắc đầu. N.SG giờ đã xóa sổ, sau vụ chuyển giao cho Xuân Thủy, còn tương lai của một bộ phận không ít các cầu thủ hiện vẫn đang bất định

“Rất cảm ơn thiện chí của Tấn Trường và người mà anh ấy cử đến tiếp xúc với chúng tôi. Nhưng nói thật, nói chuyện luật pháp với bóng đá Việt Nam khó lắm. Đủ thứ thủ tục, nào là hợp đồng lao động, rồi hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ… Như con kiến kiện củ khoai, rồi tiền mất tật mang. Trông chờ vào quan tòa VFF chẳng ăn thua rồi, vì họ bận bịu lắm”, thủ thành Thế Anh, đại diện cho nhóm cầu thủ bị đội bóng cũ N.SG nợ lương và hiện Xuân Thủy vẫn chưa có quyết định chính thức thanh lý hợp đồng với họ, cho biết.

Ngay cả một nhà môi giới được mệnh danh
Ngay cả một nhà môi giới được mệnh danh là “siêu cò” như ông Trần Tiến Đại (trái) cũng đang vất vả chạy tiền nuôi đội bóng

Thật kỳ lạ là bóng đá Việt Nam vắt qua năm thứ 13 lên chuyên đã lại không có một tổ chức gọi là Hiệp hội cầu thủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đội ngũ lao động chính trong địa hạt nhỏ bé này. Nghe đâu cũng vài ba bận những người quan tâm đến nền bóng đá, đến cầu thủ, từng đề cập và xin thành lập Hiệp hội cầu thủ Việt Nam, nhưng vì lý do gì đó, nó không được thông qua. Cực chẳng đã mới phải lôi nhau ra hầu tòa. Tuy nhiên, do biết trước cái bất lợi sẽ thuộc về mình, nên hình như chưa có vụ kiện tụng nào ầm ĩ cả

Công ty luật của Tấn Trường vừa nhắc ở trên ra đời với tiêu chí hướng tới là sẽ nhận làm đại diện cho các cầu thủ có nhu cầu, môi giới, làm trung gian và sẵn cả chính danh luật pháp, nếu cần phải kêu quan tòa. Tức là từ các hoạt động môi giới nhỏ lẻ từ các tay cò trước đây, Tấn Trường (và những người bạn – đối tác tâm đầu ý hợp) muốn nâng cấp nó lên với sự hợp pháp, minh bạch, thay vì cứ “âm thầm”. Các cầu thủ (vốn hạn chế về những hiểu biết pháp luật) sẽ không phải tự làm thân chủ cho chính mình để rồi phải chơi trò may rủi nữa

Nhưng, ngay cả cái đích hướng đến rất cao và rất xa ấy, giờ cũng trở nên thừa thãi trước cơn bão lạm phát mà bóng đá Việt Nam cấp CLB đang phải gánh chịu, từ sự ra đi của những ông bầu giàu sụ, những người vẫn có thói quen vung tay quá trán, như một cách làm lợi cho các tay cò. Có câu: “Đục nước béo cò”, cấm sai một tẹo nào. “Tầm này thì đến siêu cò cũng phải rừa tay gác kiếm, chứ đừng nói đến cò tép riu. Để ý các giải đấu tập huấn trước mùa, chẳng thấy đâu bóng dáng của cò là hiểu rồi”, một ý kiến cho biết.

Mà thật, GĐĐH Trần Tiến Đại, nhân vật vẫn được ví là siêu cò, hiện đang phải chạy đôn chạy đáo mà vẫn không kiếm được tiền chi trả lương thưởng còn thiếu cho các cầu thủ SG.XT và những người thuộc biên chế N.SG mà ông chủ mới Xuân Thủy thầu lại. Còn các nhân vật môi giới cầu thủ ngoại, thường cũng là người nước ngoài, thị trường bóng đá Việt Nam lúc này bị xem là cám cảnh. Họ đã bay tới Thái Lan, rồi Trung Đông, Trung Quốc, chứ không còn làm tổ nhan nhản ở Việt Nam như trước đây nữa.

Đấy, bóng đá Việt Nam cấp CLB đi xuống, đâu chỉ mỗi cầu thủ, HLV chịu thiệt. Đến đội ngũ buôn nước bọt, ngồi mát ăn bát vàng trước đây, cũng khổ sở chẳng kém.

(Theo Thể Thao Văn Hoá) 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X