Thật tình cờ, U23 Việt Nam một lần nữa phải đương đầu với đại diện của Tây Á, một đội tuyển mang giấc mơ của quốc gia đang bị dày vò bởi chiến tranh.
Kể từ khi cuộc chiến vùng Vịnh xảy ra năm 2003, đất nước Iraq chưa có một ngày bình yên. Những cuộc xung đột chưa bao giờ kết thúc, chiến tranh không chỉ nằm ngoài chiến hào mà ở trong các thành phố khi các tay súng bất thình lình nã đạn, hay một chiếc xe nào đó bất ngờ phát nổ. Hơn một thập kỷ, Iraq vẫn chưa thấy được sự bình yên với sự trỗi dậy của nhà nước tự xưng IS. Và tiếng súng tại miền đất đầy nắng, gió sa mạc được dự đoán không sớm chấm dứt...
|
Bóng đá Iraq viết nên câu chuyện thần kỳ với chức vô địch châu Á 2007. |
Giữa sự sống bị giày vò bởi chiến tranh, Abdul Qadir Zainal - cựu cầu thủ bóng đá Iraq - e ngại: "Trong suốt 35 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề nghiêm trọng như này. Giờ đây, tôi thực sự sợ hãi cho tương lai của bóng đá Iraq".
Như xương rồng trên cát, bóng đá Iraq bất chấp nghịch cảnh để tiếp tục sinh tồn. Bốn năm sau thời khắc đen tối của chiến tranh, Đội tuyển Iraq viết nên câu chuyện thần kỳ với chức vô địch châu Á trên đất Malaysia. Kể từ năm 2003, bóng đá Iraq là thứ duy nhất khiến con người ta cảm thấy đây là một dân tộc, khi người Sunni, Shiite, Kurd hay tín đồ Ki-tô đều cảm thấy tự hào về những gì một thực thể đại diện chung cho họ làm được.
Đội tuyển quốc gia Iraq vô địch châu Á (2007) để giành quyền dự Confederation Cup 2009. Tuyển U23 vô địch châu Á năm 2013, đứng thứ ba năm 2016, giành huy chương trong những lần được dự Asiad (bạc - 2006 và đồng 2014), đứng thứ tư tại Olympic 2004. Tuyển U20 đứng thứ tư tại U20 World Cup 2014, lứa U19 giành ngôi á quân năm 2012. Tuyển U17 hai lần tham dự U17 World Cup vào các năm 2013 và 2017, lứa U16 vô địch châu Á năm 2016,...
Thật khó tin những thành tích ấn tượng đó đến từ một quốc gia đang bị dày vò bởi chiến tranh!
|
Bóng đá Iraq là sợi dây hiếm hoi liên kết người dân nơi đây. |
Cũng giống như Syria, người dân Iraq không có nhiều phương tiện giải trí khi nỗi ám ảnh bởi tiếng súng vẫn rình rập tại đó. Bóng đá là thứ mang ý nghĩa an ủi tinh thần lớn nhất, là thứ hiếm hoi có thể tách bạch khỏi chính trị để người của các phe phái có chung một hy vọng.
Chứng kiến thời khắc đội tuyển quốc gia bước ra đấu trường thế giới tại Confederations Cup, Haider Abdali - phóng viên thể thao người Iraq - không kiềm nổi bật thốt lên: "Quá khứ và hiện tại, chẳng có sự khác biệt nào giữa người Iraq. Chúng ta yêu thương lẫn nhau, sống cùng nhau trong thời gian dài. Bây giờ và tương lai, đội tuyển sẽ là bức tranh về một Iraq duy nhất, bởi đây là sự hòa trộn của tất cả người Iraq. Những người đến từ bên ngoài đến để chia rẽ chúng ta, họ đã thành công. Nhưng giờ thì người Iraq thức tỉnh và trở lại với cuộc sống để tiếp tục yêu thương nhau".
Tình yêu trở lại
Tháng 7/2009, lần đầu tiên kể từ năm 2002, một đội tuyển nước ngoài tới Iraq làm khách trong trận đấu giao hữu. FIFA và AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á - Diemsovi.com) cấm tổ chức các trận đấu tại Iraq vì lý do an ninh, mà mãi đến năm 2017 mới tạm dỡ bỏ trong một thời gian ngắn.
Đội tuyển Palestine tới làm khách tại sân Al-Shaab (Baghdad), nơi chôn cất Ammo Baba - huyền thoại bóng đá của Iraq, cũng như một số hố chôn tập thể mà truyền thông phương Tây đồn đại để minh chứng cho sự tàn bạo của chính quyền Saddam Hussein. Hôm ấy, 65.000 người Iraq có mặt trên sân để chứng kiến đội tuyển của họ giành chiến thắng 4-0, rồi cùng nhau hô vang: "Với máu và linh hồn, chúng ta sẵn sàng hy sinh cho Iraq".
Sự bất ổn về an ninh vẫn là mối đe dọa lớn khiến người Iraq không được theo dõi tận mắt các trận đấu bóng đá tại quê nhà. Cuối tháng 11/2009, FIFA cấm đội tuyển Iraq tham dự các giải đấu vì sự can thiệp của chính phủ, phải đến tháng Ba năm sau mới được dỡ bỏ. Gần đây nhất vào năm 2013 khi một huấn luyện viên bị lực lượng an ninh sát hại, FIFA và AFC lại cấm Iraq tổ chức các trận đấu. Bạo lực sau đó leo thang với các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Các nhóm khủng bố tấn công sân vận động hay các quán cafe nơi người dân tập trung cổ vũ bóng đá.
|
Trận đấu giao hữu với Palestine là lần đầu tiên bóng đá trở lại với người Iraq kể từ sau khi nổ ra chiến tranh. |
Cuối tháng 5/2017, FIFA mới tạm dỡ bỏ lệnh cấm trong ba tháng với trận đấu giữa CLB Không quân với Al-Zawraa, được tổ chức tại SVĐ Arbil. Cảnh sát và quân đội kiểm soát gắt gao khi Chính phủ Iraq muốn đảm bảo an toàn cho trận đấu, như một cách để chứng minh khả năng tổ chức của họ với FIFA.
Ali, sinh viên luật 24 tuổi bắt xe buýt tới sân Arbil, thủ phủ của người Kurd để theo dõi trận đấu cùng 11.500 người khác. Bận áo và cờ để cổ vũ cho CLB Không quân, Ali hét lên trong sự phấn khích: "Trước kia, tôi chỉ được xem các trận đấu qua TV. Hôm nay, tôi được tới sân xem tận mắt. Bóng đá oxy, chúng tôi sống trong từng nhịp thở bóng đá. Tôi rất muốn trận đấu như thế này tổ chức ở Baghdad, dù sao thì chúng tôi rất hạnh phúc".
Ahmed Abdullah đến từ Baghdad trên 1 trong số 15 chiếc xe buýt do Al-Zawraa bố trí mong ước FIFA có thể dỡ bỏ lệnh cấm vĩnh viễn tại Iraq: "Chúng tôi có trách nhiệm mà. Ai cũng hạnh phúc, dù mọi thứ khá xa vời". Hôm ấy, CLB Không quân và Al-Zawraa hòa nhau 1-1, ai cũng hài lòng về trận đấu.
Ali Fadel, người lái xe taxi già nói: "Công chúng đói khát những trận đấu thế này".
Nơi giấc mơ nương náu
Nỗ lực vươn lên bất chấp nghịch cảnh của người Iraq cộng với sự trợ giúp từ bên ngoài giúp bóng đá nảy mầm ngay trên sa mạc. Tháng Tám năm ngoái, phóng viên của trang Medium tới ngôi làng do UNICEF thành lập để tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây. Dưới cái nắng 45 độ cùng gió cát, người Iraq nở nụ cười thân thiện tại khu Laylan 2. Họ thỏa mãn vì nơi đây có bình yên.
Laylan 2 là khu làng được UNICEF và Chính phủ Đức thành lập để hỗ trợ những người mất nhà cửa vì chiến tranh, nơi ẩn náu cho giấc mơ tới trường và bóng đá của đám trẻ. Manar, bà mẹ của 9 đứa con nở nụ cười thân thiện khi gặp các phóng viên: "Chúng tôi đến từ Makhmour, không có nhiều tin tức và chẳng có cách nào trở về nhà. Ba ngày trước, chúng tôi nghe rằng ngôi nhà trước kia bị phá hủy. Giờ thì chúng tôi chẳng có kế hoạch nào cho tương lai".
|
Ahmed (giữa) và Anmar (phải) được nuôi dưỡng giấc mơ tại khu làng do UNICEF xây dựng. |
Ít nhất, gia đình cô vẫn còn được đảm bảo an toàn, 5 cậu con trai và 4 cô con gái được tiếp tục đến trường, vui đùa đúng như tuổi của chúng. Laylan 2 có khu vực "thân thiện với trẻ em", nơi các con của Manar cùng đám bạn có thể học nghệ thuật hay đá bóng, các bé gái cũng được đi học hay tham gia hoạt động xã hội, điều rất khó xảy ra ở các miền quê Iraq trước kia vì ảnh hưởng tập quán.
"Tôi cực kỳ thích đá bóng" - Manar thú thực: "Tôi là hậu vệ cừ đấy. Nhà cũ của chúng tôi ở Makhmour có sân lớn với những bước tường cao xung quanh, thế nên cả nhà có thể chơi bóng. Với 9 đứa con, chúng tôi đủ để chia làm hai đội".
Anmar, con trai 11 tuổi của Manar thích đá bóng trong khi cậu em Ahmed lên 10 thích "tôn giáo và ngôn ngữ Ả-rập". Manar gật đầu: "Anmar thích đá bóng lắm. Người ta đến đây từ khu thân thiện với trẻ em, rồi nhắn rằng mấy đứa con trai có thể đến đấy và đá bóng. Tôi ước gì mình cũng được ra sân cùng chúng nó".
Chính những ngôi làng được xây lên bởi tấm lòng từ thiện là nơi nương náu cho giấc mơ của những đứa trẻ, để bóng đá Iraq như xương rồng kiên cường vươn lên trong cát sa mạc.
Thành tích khủng của U23 Iraq - đối thủ U23 Việt Nam tại tứ kết Đối thủ của U23 Việt Nam lại tứ kết, U23 Iraq sở hữu phong độ hiện tại cũng như thành tích trong quá khứ cực kỳ ấn tượng.
Như Đạt (Bóng Đá 24h)