Thứ Hai, 06/01/2025 Mới nhất
Zalo

Bi kịch V.Hải Phòng: Chữa cháy, chết cháy và một tấm bia

Thứ Tư 19/09/2012 20:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vì sao V.Hải Phòng không sa thải HLV Lê Thụy Hải? Vì sao ông Hải không và không thể từ chức dù muốn bỏ chạy? Những câu hỏi rất nhiều người đã hỏi đó, phía sau nó là cả một câu chuyện dài.

Thủ phạm

Chúng tôi muốn bắt đầu với câu chuyện hơn cả một nỗi đau của HLV Lê Thụy Hải, người được trải thảm đỏ về chữa cháy với bao kỳ vọng nhưng thành tội đồ, bị “chết cháy” và lâm vào tình cảnh “sống dở, chết dở” ở đất Cảng.

Có thể khẳng định trước khi ông Hải về đây, người Hải Phòng đã rất kỳ vọng. Một cá tính mạnh, khả năng đọc vị và trị cầu thủ, kinh nghiệm cầm quân… những yếu tố mà hầu hết các HLV trước đó không có. Nhưng chỉ sau ít vòng đấu với việc thành tích của đội cứ đuội dần thì người Hải Phòng thất vọng và quay sang trách cứ, quy lỗi. Đã có cả một làn sóng “bài” HLV Lê Thụy Hải, người ta bảo ông Hải không có thực tài chỉ giỏi “làm hàng” và hay “nổ”.

HLV Lê Thụy Hải từng
HLV Lê Thụy Hải từng tâm sự: "Tôi như người mang án tử hình"

Ông Hải không cứu được V.Hải Phòng, sau khi đã được kỳ vọng và ủng hộ hết mức. Đó là cái lỗi, nhất là trong sự bết bát của đội bóng có dấu ấn của ông, trong khá nhiều những câu chuyện nội bộ. Ông được mời về nhận tiền tỷ và mức lương cả trăm triệu để gắn kết và thắp lửa ở một đội bóng đang khủng hoảng. Thế nhưng ông không hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy mà lại là một phần nguyên nhân khiến cho đám cháy to hơn.

Tất cả bắt nguồn từ một sự nhầm lẫn trong nhìn nhận, hiểu biết về bóng đá cũng như mảnh đất nổi tiếng là dữ và đậm đặc tính bảo thủ, địa phương chủ nghĩa mà thực tế ở rất nhiều lĩnh vực đã chứng minh cực khó để thành danh nếu không sinh ra, lớn lên ở Hải Phòng.

Khi ông về V.Hải Phòng thay vì lựa chọn B.Bình Dương theo tiêu chí an toàn, nó giống như một canh bạc. Và vị HLV lão làng nổi tiếng quái và cá tính đã thua, khi những va chạm như dự đoán đã xảy ra. Nó là điều tất yếu khi ở đất Cảng với những con người “ăn sóng, nói gió” và có quá nhiều đặc trưng tính cách như sự ngang tàng, luôn vỗ ngực là số 1 và không bao giờ thừa nhận người khác hơn mình, người ta không chấp nhận cách hành xử, lối tư duy số 1 của Hải “lơ”.

Những cuộc chiến xảy ra cả âm thầm lẫn công khai và kết quả là V.Hải Phòng vốn đã bết bát lại càng yếu, nhiều trận tự thua trước khi đối thủ thắng.

Và nạn nhân

Khi người ta tẩy chay, kêu gọi cho ông Hải nghỉ thì giống với tính cách rất “lơ” của mình, ông huỵch toẹt luôn: “Nếu được cho nghỉ thì tôi mừng quá?”.

Ông bảo được nghỉ lúc này nghĩa là được giải thoát. Nghỉ là chẳng còn phải chịu đựng tình cảnh khổ sở, thoát khỏi những áp lực bủa vây 4 phía đến bạc tóc và không còn phải nghe chửi hay chịu đựng những lời lẽ khó nghe của những CĐV chỉ đáng tuổi con cháu cứ ra rả bên tai mỗi khi không hài lòng một cái gì đó. Nghỉ là xong, rảnh nợ và đó là sự giải thoát đúng nghĩa mà bản thân ông rất mong muốn. Nhưng đau một nỗi, ông muốn nghỉ mà không được bởi những vướng bận và cả những câu chuyện khó nói phía sau.

Hơn một lần khi đề cập đến chủ đề này, ông lắc đầu bởi “nhạy cảm” và “chỉ người trong cuộc mới hiểu”. Ông không thể nói thẳng ra và chỉ trách mình sai một nước cờ nhưng những người ở cạnh, hiểu vấn đề và có sự cảm thông đã chia sẻ rằng “ai chứ Lê Thụy Hải đừng hòng chạy khỏi V.Hải Phòng”.

Bởi đơn giản, khi bóng đá cùng với không ít vấn đề xã hội, sự kiện tai tiếng ở thành phố bỗng nhiên thành tiêu điểm của mọi sự chú ý với làn sóng bức bối ghê ghớm thì người ta cần một cái tên, một gương mặt có thể đứng ra để “giơ đầu chịu báng”. Sự thất vọng và tức giận ở Lạch Tray trong những ngày bóng đá là nỗi bức xúc lớn, phải có người chịu trận đứng ra “hứng đạn” thay. Và thật may, người ta có cái tên Lê Thụy Hải.

Ông Hải đã ở lại, hứng chịu tất cả và dám chịu trách nhiệm cho những gì mình làm cho đến tận ngày cuối cùng rồi lặng lẽ bỏ chạy khỏi Hải Phòng. Và ông bỏ lại nỗi đau xuống hạng cùng những vấn đề nan giải mà bóng đá Hải Phòng phải đối diện, cho người Hải Phòng giải quyết.


 
Thay tướng như thay áo

- Mùa 2004: HLV Trần Văn Phúc ra đi sau vòng 14, lên thay là HLV người Pháp Dominique Fernandez.

- Mùa 2005: HLV Luiz Alberto được mời về dẫn dắt, sau vòng 10 thì HLV Đinh Thế Nam lên thay v lý do “lương quá cao và nếu để trụ hạng thì chỉ cần HLV nội”.

- Mùa 2006: HLV Đinh Thế Nam bị đình chỉ tham gia hoạt động bóng đá trước thềm V.League 2006, GĐĐH Phạm Văn Hùng lên làm HLV trưởng. Sau vòng 11, HLV Nguyễn Văn Dũng được mời về và sau 4 tháng dẫn dắt, ông thầy người Nam Định từ chức. HLV Phạm Văn Hùng quay lại và cùng Hải Phòng xuống hạng.

- Mùa 2007: HLV người Đức Kleber ra đi sau 3 vòng đấu và thay thế là trợ lý Lê Quang Long trước khi mời HLV Brazil Luiz Alberto quay lại dẫn dắt.

- Mùa 2008: Sau một mùa giải rất thành công, HLV Vương Tiến Dũng chia tay đất Cảng vì XM.Hải Phòng không tái ký hợp đồng.

- Mùa 2009: HLV Alfred Riedl được mời về, sau 3 vòng đấu bị sa thải và trợ lý Đinh Thế Nam lên thay. Khi HLV Vương Tiến Dũng bị Thể Công cho nghỉ, XM.Hải Phòng mời quay lại dẫn dắt.

- Mùa 2011: Ở mùa giải thứ 4 gắn bó với đội bóng đất Cảng, HLV Vương Tiến Dũng bị sa thải sau vòng 21 do thành tích quá bết bát và người thay thế là trợ lý Nguyễn Đình Hưng.

- Mùa 2012: Sau 3 trận, HLV người Khánh Hòa bị thay thế bởi HLV Lê Thụy Hải.   

Có thể bạn quan tâm

Những yếu tố giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch Asean Cup 2024

Những yếu tố giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch Asean Cup 2024

Những yếu tố giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch Asean Cup 2024

Một nhà vô địch giải đấu thì cần rất nhiều yếu tố, và ĐTVN đã có cho mình những gì tốt nhất để có thể lên ngôi vô địch Đông Nam Á một lần nữa sau 6 năm. Mọi thứ đang còn ở phía trước, nhưng chúng ta đã có những ngày đầu năm 2025 đầy hứng khởi sau chiến thắng tuyệt vời đêm qua.

Xem thêm
top-arrow
X