Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Luật ngầm bất thành văn đáng sợ vẫn còn tồn tại ở La Liga

Thứ Năm 02/03/2017 20:01(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

"Thể thao có sức mạnh thay đổi thế giới, để truyền cảm hứng và kéo mọi người lại gần nhau" - Nelson Mandela đã từng nói như thế. Nhưng điều đó không hẳn đúng tại La Liga.

 
Tháng 12/2016, trang AS có đăng tải đoạn clip liên quan đến việc Gareth Bale trả lời về tiến trình hồi phục chấn thương. Chỉ vài giờ sau đoạn phỏng vấn được đưa lên mạng, Bale trở thành tâm điểm chỉ trích của người hâm mộ cùng giới truyền thông Tây Ban Nha. Lý do? Cầu thủ người xứ Wales phát âm quá mạnh từ "H" trong câu nói quen thuộc "Hala Madrid".
 
Gareth Bale tung bi chi trich vi noi Hala Madrid chua chuan tai La Liga.
Gareth Bale từng bị chỉ trích vì nói "Hala Madrid" chưa chuẩn tại La Liga.

Chỉ một chuyện nhỏ nhặt nhưng cho thấy nền bóng đá ở Tây Ban Nha cũng có những rào cản của riêng nó, mà thứ lớn nhất lại bất ngờ là ngôn ngữ. Với lịch sử đầy biến động cùng việc chia thành các xứ tự trị, chủ nghĩa địa phương ở Tây Ban Nha rất cao.

Bất cứ một cầu thủ nào tới thi đấu tại Tây Ban Nha đều mặc định phải giao tiếp tốt bằng tiếng bản địa. Nếu không, họ sẽ gặp khó khăn trong quá trình thi đấu tại đây với vô số sức ép.
 
Trong trận El Clasico gần nhất vào cuối năm 2016, Jordi Alba mỉa mai tiền vệ Matteo Kovacic bên phía Real Madrid bằng những lời lẽ nặng nề: "Đi học tiếng Tây Ban Nha đi. Thằng ngốc". Khoảnh khắc đó, Jordi Alba có lẽ không biết Kovacic có thể giao tiếp thoải mái bằng tiếng Tây Ban Nha. Đó là chưa kể tiền vệ người Croatia còn có thể nói chuyện bằng tiếng Đức, Anh, Italia và tất nhiên, cả ngôn ngữ mẹ đẻ nữa.
 
Nhiều cổ động viên tại xứ sở đấu bò vẫn còn nhìn David Beckham với ánh mắt khinh thị sau cuộc phỏng vấn chia tay Real Madrid năm 2007. Một số tờ báo tại Tây Ban Nha còn đặt ra câu hỏi đầy tính mỉa mai rằng tại sao Beckham không thể giao tiếp thành thạo bằng ngôn ngữ của họ sau 4 năm chơi bóng cho Real Madrid? 
 
Một loạt cầu thủ khác đã và đang thi đấu tại La Liga cũng thừa nhận ngôn ngữ là rào cản lớn với họ, không phải những vấn đề liên quan đến chuyên môn. Toni Kroos chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi trả lời phỏng vấn tại Tây Ban Nha khi bị chế giễu bởi những phát âm pha giọng Đức. Trường hợp khác, Dusko Tosic là người hiểu hơn ai hết rào cản này khi thi đấu cho Real Betis từ Red Star Belgrade năm 2011 theo bản hợp đồng cho mượn. 
 
Cầu thủ người Serbia chỉ ra sân đúng 1 lần, kể cả khi hàng thủ gặp vấn đề nghiêm trọng do chấn thương thì huấn luyện viên Pepe Mel tuyên bố thẳng thừng rằng Tosic không hiểu ngôn ngữ, thế nên kém hiệu quả trong tập luyện và chẳng bao giờ được ra sân. Tosic kinh ngạc khi khẳng định rằng dù ngôn ngữ hạn chế nhưng chưa bao giờ gặp vấn đề tương tự khi thi đấu tại Anh, Pháp, Đức hay các nước khác tại châu Âu.
 
Người Tây Ban Nha luôn có một quan niệm cực kỳ sai lầm rằng màn trình diễn trên sân cỏ sẽ phụ thuộc vào khả năng hòa nhập của cầu thủ đó. Khi một cầu thủ thi đấu tồi, họ sẽ viện cớ rằng anh ta kém cỏi vì không chịu học tiếng bản địa.
 
Ngôn ngữ có quan trọng đến thế?
 
Trên thực tế nếu cần thiết, Gareth Bale cũng như các cầu thủ nói tiếng Anh thông thạo sẽ ngay lập tức đi học. Thời mới đến Madrid, Bale cũng từng học tiếng Tây Ban Nha rất chăm chỉ nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn tháng 11/2015, cầu thủ người xứ Wales thừa nhận việc bỏ thêm thời gian đi học tiếng là không cần thiết khi có thể thoải mái giao tiếp với các đồng đội như Luka Modric, Toni Kroos, Cris Ronaldo hay Arbeloa bằng tiếng Anh. Đội ngũ nhân viên y tế cùng huấn luyện viên khi đó là Rafa Benitez cũng thông thạo tiếng Anh.
 
Zidane va Beckham chang gap van de gi lien quan den phoi hop tren san co hoi con thi dau tai La Liga du khac biet ngon ngu.
Zidane và Beckham chẳng gặp vấn đề gì liên quan đến phối hợp trên sân cỏ hồi còn thi đấu tại La Liga dù khác biệt ngôn ngữ.

Điều đó khiến Gareth Bale không mặn mà học tiếng địa phương. Đó cũng là nguyên nhân khiến cổ động viên cùng giới truyền thông Tây Ban Nha liên tục hướng mũi dùi chỉ trích về phía Gareth Bale vì "thiếu nỗ lực hòa nhập". Trường hợp của David Beckham cũng tương tự khi "Becks" thực chất nói tiếng Tây Ban Nha không hề tệ và cũng chẳng liên quan đến việc thi đấu trên sân cỏ.
 
Chính Zinedine Zidane cũng thừa nhận: "Mối quan hệ giữa tôi với Beckham rất hạn chế. Trên sân, chúng tôi hiểu nhau một cách hoàn hảo. Nhưng tôi không nói được tiếng Anh, còn David không nói được tiếng Tây Ban Nha. Đó là điều đáng tiếc khi chúng tôi hiểu nhau quá ít ngoài sân cỏ".
 
Trong thời buổi thế giới mở như hiện nay, rào cản ngôn ngữ đôi khi không còn quá quan trọng khi người ta có thể tìm ra hàng ngàn cách để xóa bỏ nó. Sevilla là ví dụ tiêu biểu.

Họ là tập hợp của những cầu thủ đến từ Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Brazil, Argentina, Đan Mạch Italia cùng với nhóm cầu thủ bản địa Tây Ban Nha. Đa phần trong số đó không gắn bó đủ lâu để học tiếng bản địa nhưng họ vẫn thành công với hattrick vô địch tại Europa League.
 
Bình luận viên Michael Robinson người Bắc Ai Len sống ở Tây Ban Nha 27 năm, làm việc cho đài Canal + trong hơn 20 năm vẫn còn bị chế giễu vì những câu bình luận với chất giọng mạnh mẽ khi nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng Robinson mặc kệ tất cả khi tuyên bố đó là "thương hiệu" của ông. Và CĐV tại xứ sở đấu bò vẫn cứ nghe hàng tuần đấy thôi.
 
Các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha dường như cũng làm ngơ khi Andres Iniesta hay Lionel Messi đôi khi nói tiếng Catalan trong các cuộc phỏng vấn. Đơn giản vì Tây Ban Nha không muốn xứ Catalan tách riêng trở thành một quốc gia độc lập.
 
Thế mới thấy bất cứ môi trường bóng đá nào cũng có rào cản của riêng nó. Nhưng việc liên kết giữa màn trình diễn trên sân cỏ với việc không hiểu ngôn ngữ có lẽ chỉ phổ biến ở Tây Ban Nha. 
 
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X