Thứ Tư, 01/01/2025 Mới nhất
Zalo

Tổng kết TTCN mùa hè ở La Liga: "Giàu" như Real, "khôn" như Barca

Thứ Tư 01/09/2010 19:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Nhiều năm trở lại đây, ngôi vô địch La Liga chỉ là chuyện nội bộ giữa Real Madrid và Barcelona bởi họ không chỉ mạnh, giàu truyền thống hàng đầu Tây Ban Nha mà tiềm lực tài chính vô cùng dồi dào nên thừa sức chi tiêu "hoang tàn" trên TTCN. Năm nay cũng chẳng phải ngoại lệ khi cả hai vốn đã mạnh, không mất đi một trụ cột quan trọng nào, lại ráo riết bổ sung thêm lực lượng bằng các gương mặt sáng giá. Vì thế, hoạ chăng chỉ có điều thần kỳ xảy ra thì mới có một đội nào đó chen chân vào cuộc đua "song mã" giữa Los Blancos và Blaugrana đến vương miện đăng quang dù La Liga mới qua được một vòng.

>>>

Tình hình chuyển nhượng mùa hè của 20 đội bóng tại La Liga

Tổng số tiền mà 20 đội bóng của La Liga chi ra trong kỳ chuyển nhượng vừa rồi là hơn 260 triệu Euro (thấp hơn 10 triệu so với năm ngoái). Nhưng riêng 2 CLB, Barcelona và Real Madrid đã chiếm đến gần 60% (hơn 150 triệu Euro). Trong khi đó, ở thái cực trái ngược, có một vài đội chẳng hề bỏ ra một xu nào mà chỉ tập trung vào mượn cầu thủ hay chiêu mộ những người đã hết hạn hợp đồng (Mallorca, Deportivo và đội mới lên hạng, Levante).

Khedira, Ozil, Canales: 3 trong số 6 tân binh chất lượng mà Real Madrid chiêu mộ

Giống như mùa trước, Real Madrid vẫn là đội mạnh tay nhất nhằm hoàn thiện hơn nữa lực lượng khi ném vào thị trường chuyển nhượng hơn 80 triệu Euro (kém xa so với năm ngoái, trên 250 triệu Euro)  và mang về 6 cầu thủ mới. Đối với Real, tiền bạc chưa bao giờ là chuyện lớn, chỉ cần cầu thủ đó phù hợp với đội bóng hay triết lý của HLV thì bằng giá nào cũng sẽ được rước về Bernabeu. Tuy nhiên, năm nay có một điểm khác biệt căn bản là Real giờ đây không chú trọng vào những ngôi sao đã thành danh mà lại chuyển hướng sang những "tiềm năng" đầy hứa hẹn của làng bóng. Không ai dám bảo Di Maria, Mesut Ozil, Khedira hay Canales là kém tài nhưng họ vẫn còn một khoảng cách khá xa so với "chiếu trên" như Cristiano Ronaldo, Lionel Messi. Cùng với đó, Real đã đẩy đi 2 "công thần" Raul và Guti, càng khẳng định Los Blancos đang đầu tư hướng tới tương lai lâu dài chứ không "ăn xổi ở thì" như trước. Giờ đây trong tay chiến lược gia xuất sắc Jose Mourinho là một đội hình đồng đều, mạnh ở mọi tuyến và không có một điểm yếu nào. Nếu họ có thể kết hợp thành một tập thể thực sự thì sức mạnh trên lý thuyết có thể chuyển hoá vào thực tế sân cỏ. Real luôn áp dụng chính sách "dùng tiền để mua thành công" và mùa giải 2010-2011, họ đang sở hữu mọi điều kiện tốt nhất của một đội bóng đủ sức vô địch trên mọi giải đấu nhưng vượt qua được Barca ở đấu trường trong nước (khoan bàn đến châu Âu vội) là công việc cực kỳ khó khăn. 

Không hề thiếu tiền bạc (sau khi Rosell tiếp quản chiếc ghế chủ tịch Barca, đội bóng rơi vào tình cảnh nợ ngập đầu nhưng đã nhanh chóng thu xếp được nhờ danh tiếng của mình. Ngoài ra, với sự đỡ đầu của cả xứ Catalan, sẽ chẳng bao giờ có chuyện Barca phải "thắt lưng buộc bụng") nhưng bước đi của Barca lại khác hẳn Real Madrid. Chiến lược của họ là lấy lớp cầu thủ do đội bóng đào tạo ra làm nòng cốt và chỉ tuyển về những người thực sự cần thiết chứ không ồ ạt. Và nhiều năm gần đây, lò La Masia đã thực hiện quá tốt nhiệm vụ của mình. Hàng năm, Barca luôn trình làng được vài ba gương mặt mới đầy triển vọng trong khi đội hình luôn duy trì sự ổn định ở mức cao (những cầu thủ quan trọng chẳng bao giờ muốn rời bỏ Barca), vì thế, chủ trương của Barca là "mua ít nhưng chất". Dĩ nhiên, không phải cầu thủ nào đến Barca cũng thành công nhưng những người họ lựa chọn đều có lý do của nó.

Cầu thủ đắt giá nhất của Barca trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua là David Villa (40 triệu Euro). Tiền đạo người Tây Ban Nha tới Nou Camp để đảm trách nhiệm vụ ghi bàn mà Zlatan Ibrahimovic đã không hoàn thành. Trình độ ghi bàn của Villa hiện đã ở tầm cỡ thế giới, chưa kể anh đã quá quen với La Liga. Sau khi có được Villa, Barca chẳng còn nhiều mặn mà với Ibra, cầu thủ từng làm tiêu tốn của họ số tiền kỷ lục trong lịch sử (hơn 70 triệu Euro) và không ngại đẩy chân sút người Thuỵ Điển sang AC Milan theo bản hợp đồng cho mượn kèm điều khoản mua đứt (chỉ có hơn 22 triệu Euro). Dù cho Ibra toả sáng rực rỡ ở San Siro đi chăng nữa thì Barca cũng không cần phải tiếc nuối, một khi David Villa chơi đúng phong độ. Dự bị cho Villa sẽ là Krkic hay Pedro, những cầu thủ trẻ mà đội bóng nào cũng thèm muốn.

Cái tên vừa gia nhập Blaugrana cách đây vài ngày, Javier Mascherano sẽ trám vào chỗ trống do Yaya Toure để lại nhưng Mascherano không phải là bản sao của tiền vệ người Bờ Biển Ngà (chính cựu cầu thủ của Liverpool tuyên bố như vậy). Đúng là Mascherano có nhiều đặc điểm khác hẳn, thậm chí còn được giới chuyên môn đánh giá cao hơn Toure (Javier là đội trưởng ĐT Argentina cơ mà). Do đó, khu trung tâm của Barca chỉ có mạnh lên chứ không hề yếu đi với sự hiện diện của Mascherano, một người đủ tài, đủ kinh nghiệm và sẽ không gặp nhiều vấn đề trong việc hoà nhập vào lối chơi của Barca (những người Argentina luôn nổi tiếng là thích ứng nhanh). Còn trường hợp của Adriano thì sao. Chàng cầu thủ người Brazil được nhắm cho vị trí hậu vệ trái, vốn là tử huyệt của Barca vài năm qua. Không thuộc diện "sao" như Villa hay Mascherano song Adriano đã thể hiện được năng lực ở Sevilla. Thêm vào đó, anh lại đầy quyết tâm và thừa cần cù để khẳng định mình. Tại Barca, Adriano được gặp lại những người bạn cũ (Daniel Alves, Keita) và họ sẽ hỗ trợ anh toả sáng ở đội bóng. Có thể khẳng định 3 người mà Barca mua về là những sự lựa chọn khôn ngoan, đúng đắn và không thừa thãi, khiến đội hình "đã mạnh nay lại càng mạnh hơn". Mối lo duy nhất: đội hình Barca không đạt được chiều sâu như Real Madrid và họ càng phải cần sự trưởng thành của lớp tài năng trẻ.

Javier Mascherano: Mảnh ghép cuối cùng của Barcelona hoàn hảo

Chứng kiến sự chuẩn bị của Barca và Real, người ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn sang những đội bóng được coi là thách thức lớn nhất cho "nhị đại gia". Valencia (thứ 3 mùa trước) đã mất cặp cầu thủ quan trọng nhất trong lối chơi (David Villa và David Silva) nhưng chỉ mang về vài ba gương mặt "làng nhàng" như Soldado, Aduriz, Topal, bởi số tiền thu về từ hai vụ "bán máu" còn phải để trang trải nợ nần. Sevilla (xếp thứ 4) chỉ tiến hành được việc lấp chỗ trống cho những người đã ra đi, chủ yếu nằm ở hàng thủ đúng theo kiểu "1 đổi 1" (người đến có trình độ gần tương đương người đi) trong khi không bổ sung được một cầu thủ nào đáng giá, đủ sức thổi luồng gió mới vào đội bóng. Với Atletico Madrid, nhà vô địch Europa League và vừa đoạt Siêu cúp châu Âu, những gì tốt nhất họ làm được trong kỳ chuyển nhượng mùa hè là giữ chân thành công các trụ cột (Forlan, Aguero, Reyes). Số cầu thủ họ mang về (Godin, Filipe Luis Kasmirski,...) có thể làm cho đội bóng mạnh hơn nhưng còn lâu mới vươn nổi đến tầm "ứng cử viên vô địch". Mục tiêu thiết thực nhất của họ là giành suất tham dự Champions League và cố gắng tạo ra trở ngại trên chặng đường đua đến ngôi Vương của "song mã" Real - Barca.

Trong nhóm những đội "trung bình yếu" và có nguy cơ xuống hạng thì chàng tân binh của La Liga, Hercules đã tiến hành cuộc tuyển mộ lực lượng rầm rộ. Thành tựu lớn nhất của họ là thuyết phục được nhà VĐTG và châu Âu, David Trezeguet về đầu quân sau khi chia tay Juve. Tên tuổi của Trezeguet là điều không cần phải bàn cãi và việc anh chấp nhận chơi bóng ở Hercules đã khiến không ít người phải ngỡ ngàng. Không những thế, vài giờ trước khi TTCN đóng cửa, họ đón thêm tiền vệ người Hà Lan, Royston Drenthe, "hàng thải" của Real nhưng là "hàng xịn" với không ít đội. Ngoài ra, còn có Piet Velthuizen, thủ môn đã được triệu tập vào ĐT Hà Lan, tuyển thủ Paraguay, Nelson Valdez. Rõ ràng, số "tinh binh" này giúp sức mạnh của Hercules tăng lên đáng kể và nếu họ trụ lại ở La Liga thì cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.

Hãy cùng chờ đón xem mùa này, "tiền bạc" của Real Madrid hay "trí khôn" của Barcelona sẽ thắng thế.

  • Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X