Thứ Tư, 01/01/2025 Mới nhất
Zalo

So sánh Ancelotti và Mourinho: Bầu trời khác biệt

Thứ Sáu 28/06/2013 11:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sau 3 năm dưới triều đại của Mourinho, lịch sử Real Madrid đã sang một trang mới với sự xuất hiện của Ancelotti. Cả hai đều là những HLV hàng đầu thế giới nhưng giữa họ là cả bầu trời khác biệt.

Mourinho và Ancelotti đều là những HLV hàng đầu thế giới và gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp huấn luyện. Tuy nhiên, cái cách họ đi đến đỉnh vinh quang lại rất khác nhau. Có thể ví màn “so tài” giữa hai chiến lược gia đại tài này như lửa và nước. Hãy cùng điểm qua những khác biệt lớn nhất của họ.

Ancelotti và Mourinho đại diện cho hai phong cách chiến thuật khác nhau
Ancelotti và Mourinho đại diện cho hai phong cách chiến thuật khác nhau

Chiến thuật

Ngay trong ngày ra mắt Real Madrid, Ancelotti đã khẳng định ông sẽ giúp đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha tấn công rực lửa, đúng với truyền thống của CLB. Hay nói cách khác, nếu “Kền kền trắng” muốn tìm lại hình ảnh hào hoa ngày trước, Ancelotti là sự lựa chọn hợp lý.

Dù xuất thân là tiền vệ (thiên hướng phòng ngự) và thấm nhuần triết lý phòng ngự của Italia nhưng qua mỗi đội bóng, Ancelotti đều “thổi hồn” lối chơi tấn công đầy hào nhoáng. Đỉnh cao là thưở ông dẫn dắt AC Milan, với những “nghệ sĩ” như Rui Costa, Pirlo, Seedorf hay Kaka, ông đã nâng tầm Rossoneri trở thành “tác phẩm nghệ thuật” đầy hoa mỹ.

Tới Chelsea, Ancelotti đã xóa bỏ hoàn toàn lối chơi phòng ngự có phần tiêu cực từ thời Mourinho để lại, và hướng CLB này tới lối chơi tấn công. Tới nay, mùa giải The Blues vô địch với số bàn thắng kỷ lục 103 bàn thắng vẫn là mốc son tiêu biểu trong sự nghiệp của Ancelotti. Rõ ràng, với sự xuất hiện của chiến lược gia người Italia, những người hâm mộ Real Madrid yêu thích bóng đá đẹp hoàn toàn có thể hài lòng.

Trong khi đó, Mourinho nổi tiếng với chiến thuật phòng ngự, phản công, thậm chí tới mức tiêu cực. Ngay cả khi “Người đặc biệt” từng giúp Real Madrid ghi tới 121 bàn thắng ở mùa giải 2011/12, dấu ấn về chiến lược gia ưa thích lối đá tiêu cực vẫn không thể xóa nhòa.

Điển hình, trong nhiều trận đấu với Barcelona, chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã không ngần ngại chỉ đạo học trò bằng mọi giá chơi xấu đối phương, hòng đạt kết quả tốt nhất. Điển hình cho lối chơi phòng ngự của Mourinho (kể cả ở mùa giải vô địch với số bàn thắng kỷ lục ở Real) là việc luôn xuất hiện ít nhất 1,2 tiền vệ phòng ngự, có nhiệm vụ duy nhất là đánh chặn ở giữa sân.

Sự linh hoạt

Ancelotti thừa nhận ông thấm nhuần chiến thuật 4-4-2 của ông thày Sacchi, tuy nhiên, cách áp dụng chiến thuật của chiến lược gia này khá linh hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh. Thưở ở Juventus, Ancelotti từng hy sinh chiến thuật 4-4-2 để sử dụng sơ đồ 3-4-1-2 hòng phát huy tối đa vai trò của Zidane.

Hay như khi ở AC Milan, dù áp dụng rất thành công “công thức” 4-3-2-1 với cặp hỗ trợ Kaka, Rui Costa (cho Inzaghi) nhưng khi ông chủ Berlusconi chỉ đạo áp dụng sơ đồ 2 tiền đạo, ông vẫn “ngoan ngoãn” biến tấu thành 4-3-1-2 (với Kaka đá hộ công) và đã giành được những thành công nhất định.

Tới Chelsea, một lần nữa, Ancelotti phải thay đổi sang sơ đồ 4-3-3 để phù hợp với đội bóng. Rồi tới PSG mùa giải vừa qua, tùy theo tình hình, chiến lược gia này áp dụng tới 4 sơ đồ chiến thuật khác nhau: 4-3-1-2, 4-4-2, 4-2-3-1, 4-3-3.

Trong khi đó, nếu theo dõi hành trình của Mourinho từ Porto tới Real Madrid, có thể thấy không có quá nhiều thay đổi trong chiến thuật của ông. Bộ khung 4-2-3-1 hay 4-3-3 vẫn được áp dụng triệt để qua những đội bóng.

Theo “công thức” của Mourinho, luôn có từ 1-2 tiền vệ phòng ngự (tùy theo sơ đồ hoặc tình hình), nhận nhiệm vụ đánh chặn ở giữa sân, đôi cánh linh hoạt và đặc biệt là tiền đạo cao to, có sự càn lướt tốt như Drogba hay Milito.

Nói cách khác, trong cách vận dụng chiến thuật của mình, Ancelotti hướng nhiều tới cầu thủ. Ông sẽ thay đổi chiến thuật theo từng thời gian, hoàn cảnh cụ thể, để phát huy được hết tố chất của những cầu thủ. Trong khi đó, đích đến của Mourinho lại hướng tới vấn đề chiến thuật. Mọi cầu thủ đều phải thay đổi, để phù hợp với cách dụng binh của “Người đặc biệt”. Điều đó lý giải tại sao, Mourinho rất thích những cầu thủ đa năng.

Đối nội

Có một giai thoại về Ancelotti ở AC Milan được kể lại trong cuốn tự truyền của huyền thoại Maldini. Thời điểm ấy, những cầu thủ Rossoneri đã thi đấu rất tồi trong trận giao hữu chuẩn bị cho mùa giải mới ở Thụy Sĩ, Ancelotti phát cáu tới mức ông không ngần ngại la mắng học trò trên sân. Tuy nhiên, sau trận đấu, ông đã tới và hỏi Maldini rằng: “Hôm nay, tôi có làm gì sai không?”. Hay như mới đây, sau khi cập bến Bernabeu, học trò đầu tiên mà Ancelotti ca ngợi, đó là thủ thành Iker Casillas, người đã thất sủng dưới thời Mourinho

Những ví dụ ấy cho thấy sự đối nội mềm mỏng của Ancelotti. Điều đó giải thích tại sao, ông luôn được học trò quý mến. Tuy nhiên, cũng có những hệ lụy với cách dùng người này. Năm 2011, Ancelotti đã bị chính những “công thần” Chelsea lật đổ và phải cuốn gói rời khỏi CLB này.

Mourinho lại điển hình cho tính hiếu chiến của thủ lĩnh đại tài. Ông cũng có thể phục được những cầu thủ có cá tính mạnh nhất (Ibra, Terry, Materazzi…đều khẳng định sẵn sàng chết vì Mourinho). Bên cạnh đó, trước những trận đấu lớn, ông cũng biết dồn toàn sự chú ý về phía mình, giúp học trò có tâm lý thoải mái nhất.

Nhưng bên cạnh đó, “Người đặc biệt” cũng không ngần ngại thanh lọc những phần tử “cản trở” bước tiến của ông. Sự ra đi của Raul, Guti, Valdano…hay việc đày Iker Casillas trên băng ghế dự bị đều nằm trong tính toán của ông. Do đó, Mourinho được lòng rất nhiều học trò những không ít lại coi ông như kẻ thù thực sự.

Đối ngoại

Ở khoản đối ngoại, Ancelotti cũng mềm mỏng hơn Mourinho khá nhiều. Sau khi nhậm chức, ông đã không ngớt lời khen ngợi đại kình địch Barcelona: “Đó là CLB hàng đầu Tây Ban Nha cũng như thế giới và tôi rất háo hức đối đầu với họ”.

Trong khi đó, Mourinho lại luôn thể hiện thái độ cứng rắn, gia tăng sự thù địch với CLB xứ Catalan. Ông từng phát biểu: “Những cầu thủ Barca có ghét thì tôi cũng mặc, bởi tôi không quan tâm” tới điều đó. Trên thực tế, “Người đặc biệt” luôn biết cách châm ngòi khiến những trận El Clasico trong những năm qua luôn diễn ra trong tình trạng căng thẳng.

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X