Thứ Ba, 24/12/2024 Mới nhất
Zalo

Nhân chuyện Kaka, bàn về nghịch lý "hàng tồn kho"

Thứ Sáu 24/08/2012 21:02(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Kaka không muốn rời Real Madrid: bởi không CLB nào trả cho anh mức lương đang nhận tại Bernabeu. Real Madrid cũng không thể sử dụng Kaka cho bõ số tiền họ phải chi hàng tuần: họ đã quá thừa tiền vệ. Một nghịch lý của "ngành kinh tế bóng đá", hay chỉ là lòng tự trọng của con người có vấn đề?

Vấn đề của danh dự?

Tình thế của Kaka tại Real Madrid bây giờ như sau: Đầu tiên, anh không có chỗ đứng trong đội hình. Hàng tiền vệ của Real đã quá đông nhân sự, với những Di Maria, Mesut Oezil và Cristiano Ronaldo đều có thể chơi ở vị trí của Kaka. HLV Jose Mourinho đã từ lâu nói "khéo" rằng Kaka có thể ra đi nếu anh muốn.

Nhưng đến đây lại phát sinh vấn đề thứ 2: gần như không có CLB nào trên thế giới sẵn sàng trả mức lương 10 triệu euro/năm sau thuế cho Kaka. Chính xác hơn là không một CLB nào. Ngay cả Milan, đội bóng coi Kaka như một tượng đài sống, cũng không thể tiêu tiền theo cách đó.

Còn Kaka, anh không muốn giảm lương. Ngay cả nếu chuyển sang một CLB khác thi đấu dưới dạng cho mượn, Real Madrid cũng sẽ phải trả bù thêm tiền để giữ đúng mức lương 200.000 euro/tuần của siêu sao người Brazil.

Đã hết thời Kaka được trọn vẹn chào đón
Đã hết thời Kaka được trọn vẹn chào đón

Kaka không phải người đầu tiên chấp nhận ngồi chơi, nghĩa là đánh đổi cái đặc quyền được chơi bóng và được xưng tụng của một danh thủ hàng đầu thế giới để được hưởng lương. Ngay trong mùa Hè này, tiền đạo Emanuel Adebayor cũng đã quay trở về Man City, nơi Roberto Mancini chắc chắn sẽ để anh "ngồi chơi xơi nước".

Khi thi đấu cho Tottenham theo dạng cho mượn, Adebayor có một suất đá chính, được CĐV tung hô, và Spurs cũng tha thiết muốn giữ anh ở lại White Hart Lane. Nhưng ở lại làm gì nếu không được nhận 170.000 bảng/tuần, mức lương anh đang được hưởng theo bản hợp đồng cùng Man City? Sau cả một mùa Hè đàm phán dai dẳng, Tottenham và Man City chịu bất lực, Adebayor thản nhiên quay về sân Etihad làm cái gai trong mắt HLV Mancini. Trước khi bị tống sang Tottenham, anh đã nói hỗn với Mancini nhiều lần...

Đó đơn thuần là kết quả của sự tha hóa trong lòng tự trọng của những ngôi sao bóng đá, hay đó là hậu quả tất yếu của một phương thức làm ăn "không giống ai" trong ngành kinh tế mang tên bóng đá?

Ngành kinh tế nửa vời

Bóng đá từ lâu được coi như một ngành kinh tế, khi các CLB được coi như các công ty trách nhiệm hữu hạn, được cổ phần hóa và đưa lên sàn chứng khoán. Nhưng rất nhiều phần của nó không hoạt động đúng với các quy luật kinh tế. Và một trong số đó là hợp đồng với cầu thủ.

Thù lao của một nhân sự bao giờ cũng có làm 2 phần: lương cứng (trả cho sự xuất hiện của anh ta) và lương hiệu quả (trả cho hiệu suất công việc của anh ta). Trong bóng đá, tất cả được gộp vào làm 1, trả luôn một cục quy định trong hợp đồng truớc khi anh này xỏ giày ra sân thi đấu trận đầu tiên.

Thu nhập của cầu thủ hoàn toàn là "lương cứng", nghĩa là anh này chỉ cần xuất hiện ở trụ sở CLB đủ thời gian quy định là nghiễm nhiên nhận lương. Khái niệm "hiệu quả công việc" ở đây hoàn toàn không được đếm xỉa đến: đá hay không đá, ghi bàn hay không ghi bàn, không quyết định thu nhập cầu thủ.

Về cơ bản, dạng hợp đồng này là một canh bạc. Mức lương mà CLB trả cho cầu thủ chỉ căn cứ trên những dự đoán, những giả định rằng anh ta sẽ hòa nhập vào lối chơi, sẽ được sử dụng đều đặn, sẽ tỏa sáng. Một canh bạc vô lý, vì các hợp đồng thường kéo dài 4-5 năm, nếu những dự đoán sai có thể để lại hậu quả rất lâu dài.

Tại sao có cung cách làm ăn vô lý này?

Bởi bóng đá là một ngành kinh tế không hoàn chỉnh. Cách chi tiền của các CLB không thể tuân theo những quy tắc kinh tế, vì cách kiếm tiền của họ đã không như vậy. Nếu các ngành kinh doanh khác, công ty phải tìm mọi cách thu hút khách hàng bằng nhiều loại chính sách, từ nâng cao chất lượng sản phẩm đến giảm giá thành, thì trong bóng đá, "khách hàng" lại đến với họ một cách tự nguyện.

Họ không chỉ đến vì chất lượng các trận bóng, mà còn vì những yếu tố cảm tính mơ hồ như "tình yêu", "lòng trung thành" hay "chủ nghĩa địa phương". Việc một CĐV tiêu tiền cho một CLB có thể đến từ những nguyên nhân chẳng liên quan gì đến các quy luật thị trường.

Ví dụ, một cô gái ở Anh mới đây đã sử dụng hàng chục chiếc áo thi đấu của Manchester City, cắt ra để may váy cưới cho bản thân vì... vị hôn phu yêu Man City. Liệu có bà nội trợ nào mua một cái iPad về làm thớt trong bếp vì chồng mình nghiện đồ của Apple?

Nếu bóng đá thực sự là một ngành kinh tế, thì nó là ngành có tỷ lệ phá sản thấp nhất. Trong hàng thập kỷ qua, số các CLB tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu phá sản vì làm ăn thua lỗ đếm trên đầu ngón tay. Tất cả là nhờ vào tình yêu vô điều kiện của các "khách hàng". Và việc CLB phải chịu đựng những "kẻ chây ỳ" như Kaka hay Adebayor, là cái giá họ phải trả cho cách làm ăn chẳng giống ai của mình.

Người nghèo kiếm tiền nuôi kẻ giàu

Giới chính khách Anh đã hơn một lần lên tiếng bày tỏ sự bức xúc về lương cầu thủ quá cao. Cựu thủ tướng Anh Gordon Brown, trong thời gian còn đương nhiệm đã công khai chỉ trích chính sách lương tại Premiership, khi "những người lao động phổ thông lại phải chi trả những mức lương trên trời" cho một nhóm người mà mức độ cống hiến đáng đặt dấu hỏi.

Bóng đá có lẽ là ngành kinh tế duy nhất mà người ta vừa có thể tăng giá sản phẩm, vừa đẩy lùi chất lượng sản phẩm, nhưng khách mua vẫn chật kín (như Arsenal, CLB đã tăng giá vé 3 lần trong 10 năm qua). Ăn trắng mặc trơn" là thế, không khó hiểu khi các ông chủ CLB có thể tùy tiện chi ra cả đống tiền để mua và trả thù lao cầu thủ, bất chấp khả năng anh ta có thể ngồi chơi cả năm. Có lẽ, mọi thứ chỉ còn biết đổ lỗi cho... sức mạnh của bóng đá.

(Theo Bóng đá và cuộc sống)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X