Thứ Hai, 23/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Tây Ban Nha đang CHẾT từ từ!

Thứ Bảy 22/09/2012 19:00(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong một báo cáo hàng năm, tiến sỹ kinh tế Jose Maria Gay de Liebana đã cảnh báo nền bóng đá của Tây Ban Nha đang chết dần do quản lý kinh tế yếu kém tại các CLB.

“La Liga không tăng trưởng. Ngoại trừ FC Barcelona và Real Madrid, các CLB khác vẫn ở trong tình trạng cách đây 5 năm. Nền bóng đá Tây Ban Nha đang chết. Tôi nghĩ họ chỉ còn 5 năm nữa là tử vong và các SVĐ cho tôi lý do để kết luận như vậy”, tiến sỹ Gay de Liebana khẳng định trong một hội nghị vừa diễn ra tại Barcelona.

Bản thuyết trình của nhà kinh tế học nói trên tập trung phân tích 5 giải VĐQG gồm Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Pháp, trong đó công tác quản lý ở Bundesliga là lành mạnh nhất, khiến các SVĐ lúc nào cũng kín người. Điều đó đồng nghĩa câu chuyện cổ tích về Premier League đã bị thay thế.

Một trận đấu không thể hay hơn của Real Madrid
Real Madrid cũng đang nợ đầm đìa

“Mô hình của giải Premier League, từ góc nhìn tài chính, đang phá sản, nhưng xuất hiện mô hình ông chủ CLB, như Roman Abramovich. Các khoản thua lỗ của Chelsea được trang trải bởi các doanh nghiệp đỡ đầu”, giáo sư Liebana giải thích.

Về giải đấu của Italia, Serie A cũng đang trải qua những vấn đề kinh tế trầm trọng, chủ yếu đối với các CLB lớn như Milan, Inter và Juventus, trong khi giải nước Pháp được tiếng là biết tằn tiện, bất chấp sự xuất hiện của các tỷ phú tại PSG.

Ăn chia bất bình đẳng

Về giải đấu của Tây Ban Nha, nhà kinh tế Gay de Liebana đặc biệt nhấn mạnh vào việc ăn chia bất bình đẳng bản quyền truyền hình, trong đó riêng Real Madrid và Barcelona đã chiếm gần như 50% "miếng bánh". Tại các giải quốc gia khác như Anh, việc ăn chia công bằng hơn nhiều, cho phép những CLB nghèo cũng có tiền để đầu tư. Các số liệu của mùa bóng 2010-11 cho thấy các CLB ở xứ "Bò tót" có doanh thu lên tới 1,669 tỷ euro nhưng họ lại chi tới 1,83 tỷ euro.

Nguyên nhân chính của việc chi tiêu quá đáng nói trên nằm ở mức lương “ăn tươi nuốt sống” của các cầu thủ. Bởi vì khi các CLB không thể trả vừa ý cho họ thì các cầu thủ bóng đá buộc phải đi làm thêm để mưu sinh (dĩ nhiên không đề cập tới những ngôi sao nổi tiếng ở đây). Điều đó chứng tỏ nguồn nhân lực trong bóng đá đang làm nghèo các CLB.

Tìm hiểu tài khoản của các đội bóng ở mùa bóng nói trên, Barca và Madrid là hai đội duy nhất có khả năng đạt doanh thu cao (450,7 triệu euro và 479,3 triệu euro), còn các đội khác, trừ Valencia (119,6 triệu euro), Atletico de Madrid (99,9 triệu euro) và Sevilla (82,9 triệu euro) đều phải sống sót với nguồn tài chính hom hem.

Với chi phí quá cao, theo tiến sỹ Gay de Liebana, các CLB Tây Ban Nha cần khai thác tốt hơn các nguồn thu từ bản quyền truyền hình, với sự ăn chia công bằng hơn và với những hợp đồng cao hơn với các nhà sản xuất truyền hình. Thực tế cho thấy việc trả tiền xem truyền hình ở Tây Ban Nha thấp hơn nhiều ở Anh và Italia.

Trong số hai ông lớn, Madrid có thu nhập cao hơn, nhờ quản lý giá vé tốt, nhưng cũng nợ nhiều hơn Barca. Và cần nhớ rằng, đội bóng xứ Catalunya có một trong những tài sản lớn của mình là các cầu thủ được đào tạo từ lò Masia, như Messi, Iniesta hoặc Xavi. “Một khi các cầu thủ trưởng thành từ tuyến trẻ được tung ra thị trường, thì Barca sẽ giàu hơn Madrid rất nhiều”, nhà kinh tế người Tây Ban Nha nhấn mạnh.

Madrid cũng biết thế nào là khủng hoảng

Thực tế cho thấy Real Madrid kết thúc mùa bóng 2011/12 với lợi nhuận ròng giảm 23,3% so với mùa bóng trước. Tuy nhiên, đây vẫn là đội bóng có doanh thu cao nhất, với 514,0 triệu euro, 7% cao hơn năm trước. Madrid cũng là CLB có thu nhập cao hơn bất cứ một thể chế thể thao nào trên thế giới khi vượt qua ngưỡng trên nửa tỷ euro.

Số nợ của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha giảm được 26,5%, tương đương với 124,7 triệu euro. Theo kế hoạch, năm nay Real Madrid đặt chỉ tiêu thu nhập là 516,6 triệu euro và lợi nhuận là 24,4 triệu euro.

(Theo Bongdaplus)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X