Thứ Bảy, 04/01/2025 Mới nhất
Zalo

Barcelona: Đối mặt quy luật khốn đốn vì thủ môn

Thứ Ba 26/03/2013 13:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong bóng đá, có một quy luật bất biến là sau sự ra đi của những thủ thành giỏi, các đội bóng lớn thường rất khốn đốn và phải mất vài năm mới có thể tìm được sự thay thế xứng đáng. Barca đang chuẩn bị rơi vào tình trạng đó.

Ngày 23/12/2012, chấn thương mà Iker Casillas gặp phải trong trận đấu với Malaga lan truyền đi với một tốc độ chóng mặt. Đối với những Madridista, sự thiếu vắng của San Iker, chỗ dựa vững chãi của Real Madrid trong suốt một thập niên qua chẳng khác nào thảm họa khủng khiếp nhất. Không lâu sau, tại Nou Camp, đại diện của Victor Valdes thông báo rằng người gác đền thành công nhất trong lịch sử Barca sẽ không gia hạn hợp đồng với Los Blaugrana.

Điều đó cũng đồng nghĩa rằng Valdes sẽ chia tay Barcelona muộn nhất vào tháng 6/2014, thời điểm bản hợp đồng giữa hai bên hết hạn. Tương tự như chấn thương của Casillas, thông tin Valdes từ chối gia hạn hợp đồng tạo nên một “cơn bão” thực sự trên thông tin đại chúng, đặc biệt là với những cule. Thậm chí, so với trường hợp của Casillas thì trường hợp của Valdes còn gây hậu quả nặng nề gấp bội cho đội bóng mà họ đang khoác áo.

Barca vẫn dành tình yêu cho Valdes
Sự ra đi của Valdes sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Barca trong tương lai

Hai trường hợp, một ảnh hưởng tức thời, một ảnh hưởng về lâu về dài khiến cho hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha điêu đứng và phải ráo riết săn lùng những phương án thay thế trên thị trường chuyển nhượng. Casillas là tượng đài sống tại Bernabeu với 14 năm cống hiến không biết mệt mỏi, ngoại trừ mùa giải đầu tiên đôi lúc phải chia sẻ với vị trí với Bodo Illgner và Caesar, Casillas luôn luôn là sự lựa chọn số một trong khung thành Real Madrid.

Không kém cạnh người đồng đội tại La Roja, Victor Valdes được đôn lên đội 1 Barca ở mùa giải 2002-03, anh nhanh chóng đẩy thủ thành kỳ cựu Bonano lên băng ghế dự bị rồi chiếm giữ vị trí thủ thành số một của Barcelona từ đó đến nay. Những thống kê đơn giản như vậy cũng đủ để thấy rằng đóng góp của những thủ thành xuất sắc nhất Tây Ban Nha thời điểm hiện tại này là quá lớn lao và nhiều năm qua cả BLĐ Real Madrid lẫn Barcelona cứ thoải mái "gối cao đầu mà ngủ" không phải lo lắng tìm kiếm những phương án B cho vị trí thủ môn.

Lịch sử bóng đá hình thành một quy luật rằng trong chu kỳ thành công của bất cứ đội bóng lớn nào thì trong khung gỗ của họ luôn có sự hiện diện của một thủ thành không chỉ tài năng mà còn thi đấu bền bỉ trong nhiều năm. Bất cứ đội bóng nào gặp vấn đề về thủ môn thì y như rằng không thể có được những thành công vang dội và luôn phải rất chật vật trong nhiều năm mới tìm được một chỗ dựa vững chắc và lâu dài trong khung gỗ.

Chỉ cần xem xét một vài đội bóng lớn trong vài thập niên trở lại đây như Manchester United, Bayern Munich, Barcelona và Real Madrid thì sự ra đi của những chốt chặn vững chãi trong khung gỗ luôn khiến những gã khổng lồ này rất khốn đốn. Cụ thể là trường hợp của những người gác đền huyền thoại Peter Schmeichel, Oliver Kahn, Andoni Zubizarreta và Paco Buyo.

Peter Schmeichel là chốt chặn số một không thể tranh cãi tại sân Old Trafford trong vòng 8 năm từ mùa giải 1992-93 cho tới 1999, những đóng góp của thủ thành huyền thoại người Đan Mạch là không thể kể xiết. Sự ra đi của Schmeichel khiến MU phải mất tới 7 năm ăn không ngon ngủ không yên vì vị trí thủ môn và luôn phải căng mắt dò tìm trên thị trường chuyển nhượng những thủ thành có tài năng.

Trong quãng thời gian ấy, hết Mosnich, Van der Gouw, Barthez, Carroll cho đến Tim Howard thay nhau trấn giữ khung thành “quỷ đỏ” nhưng chưa bao giờ tạo được sự an tâm tuyệt đối. Chỉ đến khi chiêu mộ được Edwin van der Sar thì Manchester United mới hết lao tâm khổ tứ về vấn đề thủ môn. Bayern Munich cũng rất chật vật sau tuyên bố giải nghệ của Oliver Kahn, thủ thành huyền thoại đã gắn bó với “hùm xám xứ Bavaria” suốt 14 mùa giải liên tiếp.

Thời gian lao đao vì vấn đề thủ môn của Bayern Munich không dài như Manchester United nhưng gã khổng lồ của bóng đá Đức cũng phải mất tới 5 năm mới tìm được sự thay thế xứng đáng. Hết Rensing, Butt rồi Kraft thay nhau trấn giữ khung thành Bayern Munich nhưng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời hoặc là những vụ đầu tư thất bại, cuối cùng “hùm xám” đã phải cắn răng chấp nhận chi ra 22 triệu euro cho Schalke để đổi lấy sự phục vụ của Manuel Neuer cùng sự an tâm về vấn đề người gác đền.

Cả Real Madrid và Barcelona cũng từng phải trải qua những giai đoạn khốn khó như vậy. Đối với “đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha”, họ đã phải đợi đến 7 năm thì Casillas cùng tài năng xuất chúng của anh mới xuất hiện kể từ thời điểm ra đi của Paco Buyo, thủ thành số 1 tại Bernabeu suốt 10 năm liên tiếp. Sau sự ra đi của Buyo ở mùa hè năm 1996, hàng tá thủ môn đã được Real Madrid sử dụng là Illgner, Cañizares, Contreras, Bizarri, César và Iker Casillas nhưng cuối cùng chỉ có San Iker là trụ lại và trở thành chốt chặn vững chãi cho đến nay.

Trường hợp của Barcelona thậm chí còn tồi tệ hơn cả Real Madrid khi họ phải mất tới gần mới thập kỷ mới tìm được một chốt chặn đáng tin cậy trong khung gỗ là Victor Valdes sau sự ra đi của Andoni Zubizarreta. Trong quãng thời gian chật vật với vị trí thủ môn đó, hết Busquets, Angoy, Lopetegui, Vitor Baía, Arnau, Hesp, Reina, Dutruel, Bonano, Enke rồi Rustu là những cái tên được Barcelona sử dụng nhưng rồi nhanh chóng phải ra đi.

Casillas chỉ bị chấn thương và rồi anh sẽ trở lại, khả năng anh chia tay sân Bernabeu cũng gần như không có cho nên Real Madrid vẫn chưa bước vào giai đoạn khốn đốn đi tìm một chốt chặn vững chãi mới trong khung gỗ. Tuy nhiên, Barcelona thì hoàn toàn khác, những bài học tày liếp trong quá khứ chắc chắn sẽ khiến đội chủ sân Nou Camp phải lên kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết ngay từ bây giờ để tìm người thay thế Valdes.

Nhưng đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của những vụ mua bán thủ môn?

1. Yếu tố cá nhân: Rõ ràng kỹ năng của một thủ môn ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại. Đầu tiên là yếu tố tuổi tác, mặc dù đầu tư vào thủ môn các đội bóng thường hướng đến sự ổn định lâu dài tuy nhiên không nên đặt niềm tin vào những thủ thành quá trẻ tuổi, vì như vậy sẽ thiếu kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao. Những thủ thành quá luống tuổi cũng không thực sự phù hợp vì như vậy chu kỳ đi tìm một người gác đền mới sẽ đến rất nhanh.

Thứ hai là yếu tố kỹ năng, dĩ nhiên mọi đội bóng đều muốn có được một thủ thành có khả năng bắt bóng tốt nhưng riêng trường hợp của Barcelona thì khả năng xử lý bóng bằng chân cũng rất quan trọng. Lý do thì rất đơn giản, với lối chơi tiki-taka mà Barca đang áp dụng thì thủ môn cũng phải tham gia vào những pha phối hợp.

2. Đội mua: Cụ thể đây là trường hợp của Barcelona, ban lãnh đạo cần phải xác định được tình hình tài chính, tính cấp thiết của việc chuyển nhượng. Không phải là một gã trọc phú nhưng Barca cũng là một đội bóng có tiềm lực kinh tế mạnh đủ để đặt vấn đề với bất kỳ thủ thành nào. Dẫu vậy, Barca hoàn toàn có thể phải trả giá rất cao nếu tình thế trở nên cấp bách và buộc phải chiêu mộ thêm một thủ môn ngay lập tức. Do đó, Barca cần đưa ra nhiều sự lựa chọn cũng như hướng sự quan tâm tới những thủ môn khao khát được kháo khát khoác áo đội bóng để hạ giá.

3. Đội bán: Có một số đội bóng rơi vào tình trạng khó khăn về mặt kinh tế hoặc thực lực không đủ để giữ chân những thủ thành tiềm năng và có tham vọng điển hình như Guaita (Valencia), Andres Fernandez (Osasuna) hoặc Stekelemburg (AS Roma). Những trường hợp này Barca hoàn toàn có cơ hội chiêu mộ một thủ môn có chất lượng mà không mất quá nhiều thời gian đàm phán cũng như phí chuyển nhượng.

Ngoài ra, nếu muốn hướng tới sự an toàn cao cho thương vụ, Barca cũng có thể nhắm tới những thủ thành đẳng cấp, đã thành danh đang khoác áo những đội bóng lớn như Neuer (Bayern), David de Gea (Manchester United) Joe Hart (Manchester City). Tất nhiên chi phí cho những thương vụ như vậy sẽ cao và cũng khó khăn để thuyết phục hơn rất nhiều.

4. Yếu tố thị trường: Vấn đề này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng chuyên môn nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Tình hình thị trường và kỹ năng đàm phán của các nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể tạo nên sự chênh lệch rất lớn về mặt phí chuyển nhượng.

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Video

Nhận định Marbella vs Atletico Madrid (03h30 ngày 5/1): Hung thần quen thuộc

Nhận định Marbella vs Atletico Madrid (03h30 ngày 5/1): Hung thần quen thuộc

Nhận định Marbella vs Atletico Madrid (03h30 ngày 5/1): Hung thần quen thuộc

Thành tích tốt nhất trong lịch sử Marbella ở Cúp nhà Vua là lọt vào vòng 1/16 ở mùa giải 2009/10. Khi đó, họ bị Atletico Madrid đè bẹp với tỉ số 8-0 sau hai lượt trận. Sau 15 năm, Atletico có thể tiếp tục là hung thần chặn đường thăng tiến của Marbella.

Xem thêm
top-arrow
X