Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Barca: Người thích và người không thích

Thứ Hai 11/11/2013 22:00(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Rõ ràng là suốt hơn 5 năm qua, thế hệ những Messi – Xavi – Iniesta đã góp phần tạo nên một Barca xuất sắc bậc nhất trong lịch sử, với lối đá Tiki-taka đã thành thương hiệu. Tuy nhiên, cũng không có gì lạ khi ngoài người thích vẫn có nhiều người không thích cách mà Barca chơi bóng. Đó có thể là Jurgen Klopp hay chỉ là một cổ động viên bình thường.

Tiki-taka – Đáng để yêu thích

Dĩ nhiên bây giờ Barca đã hơi thay đổi dưới tay Tata Martino, nhưng hầu hết những sự ủng hộ (và cả không ủng hộ) mà họ nhận được suốt 5 năm qua đến chủ yếu từ Tiki-taka của Pep. Không phải 100% các cule đều phủ nhận những dấu ấn trọng tài, đều làm ngơ với những chiêu trò ăn vạ, câu thẻ, gây sức ép mà Barca vài năm về trước thể hiện. Song nói gì thì nói, lượng fan đông đảo cả cũ và mới của Barca chắc chắn tất cả đều yêu thích, tự hào, sung sướng với lối ban bật tuyệt đỉnh, với lối chơi siêu kỹ thuật mà những ngôi sao ở Nou Camp trình diễn.

HLV Martino chỉ trích AC Milan phòng ngự quá tiêu cực
 

Làm sao không say mê, cuồng nhiệt cho được khi đội bóng mà bạn hâm mộ sở hữu một phong cách cho riêng mình, luôn lấn át mọi đối thủ với trò chơi giữ bóng thượng thừa, và liên tục có những bàn thắng đầy nghệ thuật đến từ đôi chân của những cầu thủ xuất chúng. Tin chắc, nếu đổi lại nó xuất hiện ở M.U, Arsenal, Real, hay bất cứ câu lạc bộ nào, cổ động viên cũng sẽ vô cùng thích thú, hài lòng, đắc ý. Nó đem về sự thống trị, nó đem về những danh hiệu, và chẳng có fan nào của đội bóng có thể nói rằng nó nhàm chán, họ cứ mong nó duy trì mãi thật lâu trên đỉnh cao, để luôn được hưởng niềm vui chiến thắng.

Với những vấn đề không thuần túy chuyên môn, những người yêu Barca - ở đây là “yêu” chứ không phải “hâm mộ nhất thời”, là thâm niên chứ không chỉ thấy hay là thích, những người ấy họ cũng chẳng có gì sai khi vẫn một lòng dõi theo, tự hào về những chiến tích của đội nhà, bất chấp những lời đàm tiếu, những vết xước mà dư luận vạch lên tập thể đã từng gần như hoàn mỹ ấy. Dư luận có thể sai hoặc đúng phần nào, song cũng như M.U bị chê “rùa”, “người nhà làm FA”, như Chelsea bị chê “chỉ nhờ tiền”, “vô địch thiếu thuyết phục”, như Arsenal bị nói là “trắng tay”, “keo kiệt”, như Real là “đầu tư bừa bãi”, “tiều phu”,… Chẳng có thứ gì ngăn cản được một tình yêu chân chính, đã yêu là dám đối mặt và chấp nhận cả cái tốt lẫn cái xấu rồi.

Không phải ai cũng thích Tiki-taka

Chắc hẳn Tiki-taka là một trong những lối đá khó chịu nhất mà những ai đã đối mặt với nó từng… đối mặt. Chính vì độ khó, độ nhuần nhuyễn, sự tinh tế đến gần giới hạn ấy khiến cho rất nhiều người ấn tượng mạnh và yêu thích lối đá này. Tuy nhiên, qua thời gian, rồi người ta cũng chán cái gì đều đều quá, một chiều quá, và xét dưới góc độ những người thưởng thức bóng đá, cũng không có gì bất ngờ nếu rất nhiều người không muốn xem những trận đấu của Barca, đặc biệt trước các đối thủ yếu.

Không đời nào có chuyện tất cả mọi người đều là fan của một đội bóng. Cứ hình dung phải xem một trận bóng không phải của đội mình hâm mộ mà 70, 80% thời lượng là những đường chuyền lặp đi lặp lại, chỉ có một đội giữ bóng để chơi. Và điều này diễn ra trong 90% các trận đấu Barca góp mặt (trừ gặp đối thủ cứng cựa), thật khó có lý do để những người tìm kiếm những trận cầu kịch tính không cảm thấy ngao ngán trước thực tế ấy. Không phải đội bóng mình yêu, kết quả thì đã biết trước, thậm chí diễn biến cũng đã biết trước. Nếu là những đợt tấn công vũ bão dồn dập rồi phản công mạnh mẽ thì còn đỡ, đằng này đại đa số các đội bóng Barca gặp phải – chủ yếu ở Tây Ban Nha, đều chỉ co cụm đầy sợ sệt và bất lực, hoặc đuổi theo bóng trong vô vọng, chẳng có chút sức kháng cự nào. Là thế, từng trận đấu cũng như những con cừu nhảy qua hàng rào theo cùng một cách, khiến nhiều fan trung lập dễ ngủ gục trước màn hình tivi.

Sự cống hiến dường như là khái niệm không cùng cách hiểu giữa Barca với “phe đối lập” – ví dụ như Klopp. Dortmund - phần nào giống Arsenal ở chỗ cũng đá nhỏ, ban bật nhưng với mục tiêu lớn nhất là tiến nhanh về khung thành đối thủ, hỏng thì làm lại. Còn Barca, họ ban bật trước hết để không mất bóng, để hạn chế khả năng kháng cự của đối phương. Những pha bóng cuối cùng của Barca không khác gì các đội bóng khác, gọn gàng, sắc sảo, tùy vào đẳng cấp các ngôi sao, nhưng cách họ cầm bóng thì tốn thời gian hơn hẳn.

Ngoài yếu tố kịch tính – thứ chỉ có trong một trận cầu có tốc độ, có sự rượt đuổi, có sự chống trả, thì sở thích về các tính chất trong thể thao cũng làm một lượng lớn người xem bóng không quá mặn mà với Barca. Họ là fan của những cú bứt tốc với sải chân dài, của những pha nước rút gọn gàng, mạnh mẽ, của những cú sút xa trái phá, những quả đánh đầu dũng mãnh, của tinh thần thi đấu như những chiến binh quả cảm. Bóng đá dù gì vẫn là một môn thể thao, và việc ai đó không ưa những pha ngã xuống dễ dàng, những sự vùng vằng khi va chạm, rồi sự lép vế, lúng túng khi bị chơi rát, bị lấn lướt về thể hình của các cầu thủ Barca, âu cũng là dễ hiểu.

Barca khi đã thắng thì thắng rất dễ dàng, thuyết phục, nhưng khi đã thua, đã bế tắc thì họ cũng trở nên yếu ớt và bất lực khá rõ, như trước Bayern hay Real mùa trước. Hầu như không có sự giằng co về thế trận, đổi chiều về tinh thần trong những trận có Barca. Cộng với tất cả những điều nêu trên, thì điều này cũng đã “tạm thời là quá khứ”. Phải nói là Tata Martino đang mang tới một Barca biết thay đổi, dễ xem, hiệu quả hơn trước, song để những người đã không ấn tượng tốt quay ra thích ngay thì rất khó.

Nói cho cùng, thích hay không thích là quyền của mỗi người, và với Barca thì có vẻ bên nào cũng có lý cả. Klopp có thể chê bai Barca hơi quá lời, bỏ mặc sự xã giao, song Dortmund trẻ trung cống hiến của ông cũng đang bộc lộ nhiều điểm yếu đấy thôi. Lối chơi nào chẳng có lúc sơ hở, triết lý nào chẳng có lúc lỗi thời, chẳng có điểm đáng chê. Thì thế mới là bóng đá.

Theo Bongda

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X