Thứ Sáu, 10/01/2025 Mới nhất
Zalo

Bundesliga và những "đặc sản" bị thất truyền

Chủ Nhật 22/07/2012 14:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Kể từ khi Bundesliga ra đời năm 1963, các CLB của giải đấu này không chỉ gặt hái được rất nhiều thành công trên đấu trường châu lục, mà còn đóng vai trò quyết định trong thành công của ĐT Đức. Nhưng cùng với thời gian, Bundesliga đã thay đổi rất nhiều…

Tất cả bắt đầu từ thất bại của ĐT Đức tại EURO 2000. Sau thành tích tệ hại đó, người Đức đã ngồi lại để bàn về một kế hoạch vực dậy ĐTQG và điểm mấu chốt nằm ở chính Bundesliga. Các đội bóng tại giải đấu số một Đức buộc phải đầu tư nhiều hơn vào công tác đào tạo trẻ. Quan niệm tuyển tài năng cũng được thay đổi. Thay vì ưu tiên những tài năng bản địa, người Đức mở cửa với tất cả các cầu thủ có gốc gác từ nước ngoài. Chính điều đó giúp Bundesliga đón nhận một làn sóng tài năng mới trong những năm qua, tạo điều kiện để HLV Klinsmann làm cách mạng về lối chơi cho ĐT Đức tại World Cup 2006. Kể từ đó đến nay, ĐT Đức vẫn giữ hình ảnh của một đội bóng trẻ trung, với lối tấn công bùng nổ thay vì một tập thể ưu tiên kinh nghiệm và theo đuổi sự chắc chắn.

Những cầu thủ Đức sút phạt điệu nghệ như Scholl giờ đã không xuất hiện tại Bundesliga
Những cầu thủ Đức sút phạt điệu nghệ như Scholl giờ đã không xuất hiện tại Bundesliga

Chính những thay đổi mạnh mẽ đó khiến Bundesliga đánh mất rất nhiều thứ vốn được xem là bản sắc. Có thể dễ dàng thấy được điều này qua hình ảnh của ĐT Đức. Tại EURO 2012, HLV Joachim Loew từng phải rất đau đầu về hàng thủ. Ở vị trí trung vệ, tới sát ngày khai mạc ông mới quyết định chọn cặp đôi Badstuber - Hummels. Trong khi lựa chọn ai để cùng Lahm đảm nhận hai vị trí hậu vệ cánh cũng khiến Loew bối rối. Rốt cuộc, người được chọn là J.Boateng và anh trở thành tử huyệt của Đức.

Việc Mannschaft phải đối mặt với những rắc rối ở hàng thủ không phải là chuyện lạ. Lướt một vòng quanh các đội bóng tại Bundesliga sẽ dễ dàng hiểu được nguyên nhân của vấn đề. Hầu hết các đội bóng mạnh tại Đức đều không có những hậu vệ xuất sắc, đặc biệt là ở hai cánh. Bayern loay hoay với hàng thủ trong suốt những năm qua. Dortmund cũng sử dụng tuyển thủ Ba Lan Piszczek cho vị hậu vệ phải. Schalke thậm chí còn sử dụng cả hai hậu vệ cánh ngoại quốc là Fuchs và Uchida.

Điều tương tự cũng diễn ra ở vị trí trung phong. Sau Klose, Đức đã có Gomez. Tuy nhiên, ngoài chân sút của Bayern, Loew hầu như không có lựa chọn nào khác. Thậm chí, chiến lược gia này từng chọn Cacau, cầu thủ Brazil nhập tịch, cho những giải pháp dự phòng trên hàng công. Thực tế cho thấy, Bundesliga không thiếu tiền đạo cánh xuất sắc, trong đó mới nổi lên có Reus, Schuerrle nhưng ở vị trí trung phong, phần lớn các đội bóng Đức đều phải dùng lực lượng cầu thủ ngoại như Lewandowski tại Dortmund, hay Huntelaar ở Schalke.

Một ngón nghề thất truyền khác tại Bundesliga là những quả phạt trực tiếp. Tại các CLB Bundesliga, đảm nhận trọng trách sút phạt thường là những cầu thủ ngoại. Ở Bayern, Ribery và Robben hay tại Schalke là Farfan. Điều đó khiến cho ĐT Đức không có nhiều lựa chọn và giải pháp trước những tình huống cố định.

Thường thì trước những quả phạt được cho là thuận lợi nhất của Đức, bóng thường được đẩy ra cho Podolski sút nối và thường không đem lại hiệu quả. Một điều khác hẳn với trước đây, khi Đức luôn có những cầu thủ sút phạt xuất sắc như Scholl, Ziege, Moeller, Hassler… Để Mannschaft có thể tìm lại được những điểm mạnh trên, người Đức vẫn phải trông chờ vào sự đổi thay từ Bundesliga. Nhưng với những gì đang diễn ra tại giải đấu số một Đức, điều đó rất khó xảy ra trong tương lai gần!

(Theo báo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X