Thứ Tư, 08/01/2025 Mới nhất
Zalo

Vì sao nói Arsenal "tụt hậu" vài năm so với Bayern?

Thứ Tư 19/02/2014 20:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Arsenal và Bayern được nhìn nhận là những đội bóng cùng muốn xây dựng nền tảng vững bền và theo đuổi lối chơi hấp dẫn. Nhưng trong khi Bayern đang thành công thì quãng đường “Pháo thủ thành London” phải đi vẫn còn rất xa.

Được thành lập từ năm 1900, nhưng trong suốt 70 năm đầu tiên, Bayern chỉ có thể giành được 2 chức vô địch Bundesliga. Thế mà trong 33 năm sau, đội chủ sân Allianz Arena đã giành thêm tới 21 chiếc Đĩa bạc và 5 chức vô địch Champions League.

Xuyên suốt giai đoạn thành công này của Bayern có sự đóng góp không nhỏ của những cựu ngôi sao từng thuộc thế hệ vàng đầu tiên, họ cùng “Hùm xám” giành 3 chức vô địch European Cup liên tiếp (từ 1974 đến 1976). Đáng kể nhất là chủ tịch Uli Hoeness. Cựu tiền đạo người Đức là một cầu thủ tài năng nhưng phải sớm giã từ sự nghiệp sân cỏ vì chấn thương. Sau đó, ông đã trở thành giám đốc thương mại của Bayern hồi năm 1979 khi mới 27 tuổi.

 

Bên cạnh Uli Hoeness, ban lãnh đạo Bayern hiện còn có những thành viên cốt cán khác cũng từng là những ngôi sao một thời của đội bóng: Karl Heinze Rummenigge và Franz Beckenbauer. Do đã gắn bó với đội bóng từ khi còn là cầu thủ, nên cách quản lý của những lãnh đạo hiện thời tại Bayern rất khác so với những đội bóng khác. Như hồi cuối năm 2013 vừa qua, Bayern đạt doanh thu kỷ lục 330 triệu bảng. Trong buổi họp mặt cổ đông, chủ tịch Hoeness đã xúc động nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Đó là một hình ảnh hiếm thấy trong thế giới bóng đá hiện đại ngày nay. Ngay cả những đội bóng có mức tăng trưởng kinh tế đều đặn như Barca, Real, M.U hay Arsenal cũng gần như không có những cảnh tượng như thế. Chỉ khi có một sự kết nối đặc biệt sâu sắc về mặt tình cảm mới khiến chủ tịch Hoeness không kiềm chế được cảm xúc, khi chứng kiến sự thành công của Bayern.

Cũng nhờ có một ban lãnh đạo như thế, Bayern đã mạnh dạn thay đổi chính sách hoạt động trên thị trường chuyển nhượng. Trước đây, đội bóng xứ Bavaria cũng khá “rón rén” trong việc chi tiền tăng cường lực lượng, giống như Arsenal. Cho đến trước khi mua Franck Ribery hồi năm 2007, Bayern chưa bao giờ chi quá 17 triệu bảng để mua một cầu thủ. Ở Arsenal, người hâm mộ cũng phải chờ đến năm 2009 mới được chứng kiến một kỷ lục chuyển nhượng mới được thiết lập, khi Andrey Arshavin được mua về từ Zenit.

Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, Bayern đã tự phá kỷ lục chuyển nhượng của mình tới 6 lần. Những bản hợp đồng đắt giá nhất của đội chủ sân Allianz Arena là Javi Martinez (32,9 triệu bảng), Mario Goetze (30,3 triệu bảng), Mario Gomez (26,4 triệu bảng), Manuel Neuer (24,2 triệu bảng), Thiago Alcantara (22 triệu bảng) và Arjen Robben (21,2 triệu bảng). Nhìn sang Arsenal, trong 5 năm qua, họ mới chỉ thiết lập 2 kỷ lục chuyển nhượng khi mua về Santi Cazorla (16 triệu bảng) và Mesut Oezil (42,5 triệu bảng).

Đáng chú ý, Bayern đã thực hiện thương vụ đắt giá nhất trong lịch sử của mình là Javi Martinez chỉ 3 tháng sau khi bị Chelsea đánh bại ngay tại Allianz Arena ở trận chung kết Champions League năm 2012. Điều đó cho thấy ban lãnh đạo đội bóng muốn tạo ra một sự thay đổi lớn nhằm cải thiện sức mạnh đội hình mà HLV Jupp Heynckes đang sở hữu. Ban đầu, chiến lược gia người Đức không muốn thực hiện thương vụ này vì mức giá Athletic Bilbao đưa ra là quá cao. Thế nhưng, giám đốc điều hành Rummenigge chỉ yêu cầu Heynckes trả lời 1 câu hỏi rằng, liệu Martinez có đủ khả năng làm thay đổi đội hình của Bayern khi đó hay không. Khi Heynckes nói “có”, thương vụ này lập tức được hoàn tất một cách nhanh chóng.

Ở Arsenal, HLV Arsene Wenger cũng nhận được sự tán đồng của ban lãnh đạo đội bóng. Nhưng nhiều thời điểm, chiến lược gia người Pháp đã không quyết đoán và hủy bỏ các thương vụ vào phút chót. Nếu có những vị lãnh đạo am hiểu bóng đá như ở Bayern, “Giáo sư” có lẽ đã không phải đắn đo giữa 2 lựa chọn: tiết kiệm tiền cho Arsenal, hay bổ sung sức mạnh cho đội bóng.

Chính cách làm quyết liệt đó của lãnh đạo Bayern đã giúp họ được thế giới nhìn nhận bằng một con mắt khác: Bayern thích cầu thủ nào thì sẽ mua cầu thủ đó. Đó là một cách làm giúp họ gián tiếp triệt tiêu sức mạnh của những đối thủ cạnh tranh ở Bundesliga, gần nhất là vụ chiêu mộ Goetze từ Dortmund, để duy trì vị thế dẫn đầu ở nước Đức. Cho dù không ngại vung tiền chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu, Bayern cũng rất chú trọng vào việc xây dựng đội hình từ những cầu thủ do chính họ đào tạo nên. Mới đây, HLV Pep Guardiola đã không ngần ngại chỉ ra rằng Philipp Lahm chính là cầu thủ quan trọng nhất của Bayern ở thời điểm hiện tại. Trưởng thành từ lò đào tạo của Bayern, Lahm đang giữ vai trò thủ quân và được xem là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới. Ngoài ra, còn có thể kể đến những Bastian Schweinsteiger, Toni Kroos, David Alaba hay Thomas Mueller…

Riêng ở điểm này, Arsenal không hề giống Bayern. HLV Arsene Wenger rất thích dùng cầu thủ trẻ, nhưng trong những năm qua, Arsenal thường bị xem là “lò đào tạo” của châu Âu. Thế hệ cầu thủ làm nên đội hình bất khả chiến bại ở mùa 2003/04 đa phần là những ngôi sao được chiến lược gia người Pháp mua về với giá rẻ, như Thierry Henry, Patrick Vieira, Robert Pires, Dennis Bergkamp… Sau này, tưởng chừng “Giáo sư” đã gây dựng lại được một thế hệ vững mạnh khác cho Pháo thủ với những tài năng như Robin van Persie, Cesc Fabregas, Mathieu Flamini, Alex Song, Alexandre Hleb… thì lần lượt từng người trong số họ được đem bán.

Từ bản hợp đồng kỷ lục Oezil, có thể thấy Wenger đã bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn về việc tăng cường lực lượng cho “Pháo thủ”. Nhưng chiến lược gia người Pháp cần thay đổi tích cực hơn nữa, mới mong có thể biến Arsenal thành một thế lực ngang tầm với Bayern, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Còn hiện tại, “Pháo thủ” vẫn chưa thể sánh ngang với nhà đương kim vô địch nước Đức. Và rất có thể, trận đấu tại Emirates giữa 2 đội đêm nay sẽ lại đánh dấu một kỉ niệm buồn khác cho Arsenal.

Theo Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X