Trước khi nói bất kì điều gì, xin mạn phép cho người viết được đưa ra một bài trắc nghiệm nho nhỏ. Nếu người ta có thể kể tên khá lưu loát bộ 6 HLV tại Anh đang nắm những đội bóng lớn, bao gồm Sir Alex Ferguson (Man Utd), Roberto Mancini (Man City), Rafael Benitez (Chelsea), Arsene Wenger (Arsenal), Brendan Rodgers (Liverpool) và Andre Villas-Boas (Tottenham) trong vòng 6 giây, thì trong vòng 10 giây, có khoảng bao nhiêu độc giả nói được lưu loát tên của 6 vị HLV nổi tiếng tại Ý, đang nắm Juventus, Inter Milan, AC Milan, AS Roma, Lazio và Fiorentina? Thiết nghĩ rằng chỉ có 30% độc giả làm được điều đó. Đó không phải lỗi của khán giả, của người xem, mà thực sự khán giả tại Việt Nam thứ nhất, quá chú tâm vào Premier League và La Liga; và thứ hai, không có nhiều điều kiện theo dõi những giải đấu như Bundesliga, Serie A hay Ligue 1. Nếu Premier League bị "khai tử" vì các kênh không kham nổi tiền bản quyền truyền hình, cái thứ gọi là "điều kiện" để theo dõi các giải đấu khác vô hình chung được tăng lên.
Bắt đầu yêu thích những đội bóng bên ngoài Anh, Tây Ban Nha hay Ý, tại sao không? |
Câu trả lời cho 6 cái tên nói trên là Antonio Conte tại Juve, Andrea Stramaccioni tại Inter, Massimiliano Allegri tại Milan, Zdenek Zeman tại Roma, Vladimir Petkovic tại Lazio và Vincenzo Montella đang cầm quân tại Fio.
Man Utd - Man City, Man Utd - Chelsea tại Premier League, Barcelona - Real Madrid tại La Liga luôn là những trận đấu được đón xem ở Việt Nam, cũng như xu thế trên toàn thế giới. Những trận đấu ấy được quan tâm bởi cả những cổ động viên của các đội bóng khác. Cho đặt thêm một câu hỏi nữa: có bao nhiêu người xem trận Inter - Milan nếu không phải là fan của 2 đội bóng này, và trận Juve - Inter, trận đấu mà Inter được kì vọng là sẽ "lật đổ" được chuỗi bất bại của Juve (và trên thực tế là họ đã làm được). Có bao nhiêu người đang đọc bài báo này chuẩn bị háo hức đón đợi đại chiến Bayern - Dortmund tại Bundesliga? Mọi người đều biết Mark Hughes vừa bị sa thải tại QPR, Michael Laudrup đang xây dựng lại tiqui-taka tại Swansea sau sự ra đi của Brendan Rodgers, vậy có ai nhớ tên vị chủ tịch máu lạnh đã sa thải 22 HLV trong vòng hơn 10 năm cầm quyền tại một đội bóng Serie A, một kỉ lục mà cả thế giới quan tâm?
Câu trả lời: Maurizio Zamparini của Palermo.
Một bài trắc nghiệm nho nhỏ, từ đó có thể thấy được sức lan tỏa của Premier League và La Liga ở Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với sự quan tâm của NHM dành cho Serie A, Bundesliga hay Ligue 1. Cộng đồng người hâm mộ các đội bóng tại Premier League lớn hơn rất nhiều so với các giải đấu khác, không thể phủ nhận: các cộng đồng fan của MU, Arsenal, Chelsea hay Liverpool rất lớn mạnh. Những năm gần đây, Man City hay Tottenham cũng đã có được chỗ đứng và các CĐV của họ cũng đang manh nha tạo nên tiếng nói trong cộng đồng cổ động viên bóng đá tại Việt Nam. Nhìn sang Tây Ban Nha, cũng như vậy: Real và Barca, Mourinho và Vilanova hay Guardiola, Ronaldo và Messi; Oezil, Kaka, Di Maria và Iniesta, Xavi, Fabregas, những sự so sánh như thế luôn luôn được chú ý. Những vụ chuyển nhượng đình đám, những lần tranh đấu trên băng ghế huấn luyện, những tin đồn, những thông tin xung quanh việc ai là người xuất sắc hơn giữa Ronaldo và Messi luôn được phủ kín các trang báo. Premier League và La Liga có lúc tưởng như là 2 giải đấu đáng chú ý nhất tại Việt Nam.
Không thể nói rằng Juve, Inter, Milan và Roma không có fan tại Việt Nam, thậm chí những người yêu nước Ý thực sự này có hiểu biết rất rộng rãi và sâu sắc về bóng đá Ý. Bayern Munich cũng vậy, họ có một lượng cổ động viên khá dồi dào, tuy nhiên ở Đức thì... chẳng còn đội nào có cộng đồng fan cho đàng hoàng: muốn tìm một nhóm CĐV của Borussia Dortmund ở giữa Hà Nội là điều không hề dễ dàng. Còn chuyển tới Pháp, ở Việt Nam gần đây mới manh nha một nhóm CĐV của PSG, còn trước đó, những người hâm mộ Lyon, Marseille hay Bordeaux là rất nhỏ lẻ.
Một phần vì chúng ta không để mắt nhiều, một phần khác là nguồn cung cấp thông tin về các giải đấu tại Anh hay Tây Ban Nha dồi dào hơn những giải đấu khác, kể cả Serie A. Bây giờ bản quyền Premier League bị tranh giành quá nhiều, dẫn đến giá cả tăng vọt, người hâm mộ Việt Nam mới ... tá hỏa vì "không có bóng đá Anh thì chết mất!".
Chết sao được. Xem một thời gian sẽ nắm rõ toàn bộ các thông tin của các giải đấu lớn khác, từ các HLV, các cầu thủ đến những vụ chuyển nhượng, những thay đổi trong thành phần ban lãnh đạo các đội bóng... Không thể phủ nhận Premier League là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới, nhưng điều đó đâu có nghĩa là các giải khác không hay? Hãy xem Dortmund hành hạ Real và Man City ra sao, đời sống sạch sẽ đến không tì vết của các cầu thủ đội bóng này ra sao để yêu mến họ. Hãy xem PSG đang vùng lên mạnh mẽ với vị thế của một ông lớn ra sao sau khi có doping tiền, hãy mục sở thị Stevan Jovetic của Fio qua từng vòng đấu để hiểu vì sao đang có khoảng ... 15 ông lớn tại châu Âu thèm khát chữ kí của anh. Hãy xem Serie A để biết được đỉnh cao của nghệ thuật chiến thuật thực dụng, xem Bundesliga để tận hưởng một thứ bóng đá phóng khoáng và nhiều bất ngờ, xem Ligue 1 để thấy rằng chẳng có giải đấu nào cân bằng đến như thế, xem Eredivisie để xem xem những đế chế xưa như Ajax, PSV hay Feyenoord giờ "đá đấm" thế nào rồi, và đừng quên giải VĐQG Hà Lan chính là giải đấu có rất nhiều tài năng cho các CLB ở chính Premier League khai thác. Thậm chí, có thể nhìn sang Nga để bắt đầu "phân biệt" được những đội bóng mà tên tuổi cứ "hao hao" nhau: hết CSKA, rồi Dynamo...
Theo dõi các giải đấu khác, nâng tầm hiểu biết, cũng thú vị lắm chứ? Đâu nhất thiết phải là Premier League hay La Liga? Nghe giống tự an ủi bản thân khi thấy vấn đề bản quyền đang nhức nhối thật, nhưng lời an ủi này nghe thuyết phục đấy chứ?
- Thành Nguyễn - Diemsovi.com