Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Kinh tế - Động lực cho sự trỗi dậy của bóng đá Trung Quốc

Thứ Ba 30/01/2018 19:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sự trỗi dậy của bóng đá Trung Quốc thời gian gần đây không thể tách rời với sức phát triển nóng của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, cùng những mục đích ngoài bóng đá.

 
Bảng xếp hạng Soccerex Football Finance 100 gây bất ngờ khi Guangzhou Evergrande, một câu lạc bộ đang thi đấu tại giải VĐQG Trung Quốc (CSL) đứng thứ tư về độ giàu có, trên cả Real Madrid và Manchester United. SFF 100 tính trên các tiêu chí như tài sản sở hữu, giá trị đội hình, tài khoản ngân hàng, số khán giả đến sân trung bình, nợ ròng cũng như tiềm năng đầu tư, tổng hợp lại để chọn ra những câu lạc bộ giàu có nhất thế giới.
 
Kinh te - Dong luc cho su troi day cua bong da Trung Quoc hinh anh
Guangzhou Evergrande - đại diện của bóng đá Trung Quốc - đứng thứ tư trong danh sách những CLB giàu nhất thế giới.

Trong danh sách 100 CLB giàu nhất, CSL đóng góp đến 8 gương mặt gồm Guangzhou Evergrande, Heibei China Fortune, Jiangsu Suning, Shanghai SIPG, Beijing Guoan, Shandong Luneng Taishan, Shanghai Greenland Shenhua, Chongqing Dangdai Lifan, Tianjin Quanjian. Điều đó giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đứng thứ năm trong nhóm những quốc gia đóng góp nhiều CLB thuộc top 100 nhất, chỉ sau Anh (19), Hoa Kỳ (14), Brazil (11), Tây Ban Nha (9) trên cả những quốc gia khác thuộc top 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như Italia (6), Đức (5) hay Pháp (4).
 
Guangzhou Evergrande, được hậu thuẫn bởi Tập đoàn bất động sản Evergrande cùng cự thú trong mảng thương mại điện tử - Alibaba Group, đang là đội bóng thành công nhất Trung Quốc: 7 chức vô địch CSL liên tiếp, vô địch AFC Champions League năm 2013 và 2015. Trên sàn Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Trung Quốc, Guangzhou Evergrande được định giá lên đến 2.5 tỉ bảng Anh. 
 
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của bóng đá Trung Quốc, ít nhất về mặt kinh tế gắn liền với gia tăng nhanh chóng của thị trường bất động sản nước này, hiện được phương Tây coi là trụ cột lớn trong cơ cấu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong số 16 câu lạc bộ đang thi đấu tại CSL, 10 đội đang thuộc sở hữu hoặc được đầu tư bởi những tập đoàn bất động sản hoặc doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến bất động sản.
 
Bóng đá - quyền lực mềm
 
Bên cạnh việc tăng cường quyền lực cứng (kinh tế, chính trị, quân sự,...), Trung Quốc nỗ lực khuếch trương quyền lực mềm. Tần suất các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc xuất hiện trong phim bom tấn của Hollywood nhiều hơn, các nhà sản xuất phim cũng cố gắng chiều lòng khán giả tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc còn đầu tư xây dựng các Viện Khổng Tử để truyền bá văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc đầu tư vào bóng đá cũng không nằm ngoài mục đích tăng cường quyền lực mềm.
 
Kinh te - Dong luc cho su troi day cua bong da Trung Quoc hinh anh 2
Bóng đá Trung Quốc cố gắng khuếch trương hình ảnh bằng việc mua lại các CLB lớn ở châu Âu.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình nhiều lần gợi nhắc rằng ông là người yêu bóng đá. Nhưng trên góc độ một người làm chính trị, tình yêu không là chưa đủ để ông thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc xây dựng kế hoạch phát triển bóng đá dài hạn với mục tiêu cao nhất là vô địch World Cup. Đồng thời, các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào bóng đá. 
 
Ở nước ngoài, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc thôn tính hoặc đầu tư vào những đội bóng có tầm ảnh hưởng không chỉ ở châu Âu, mà phạm vi toàn thế giới. Họ mua lại AC Milan và Inter Milan, đầu tư cổ phần vào Manchester City và Atletico Madrid. 
 
CSL trong nỗ lực quảng bá cũng chi tiêu mạnh tay để tạo nên những cú sốc trên thị trường chuyển nhượng. Những Oscar, Hulk hay Alex Texeira đều đến Trung Quốc với mức giá tròm trèm 50 triệu bảng Anh. Theo Thời báo tài chính, CSL là một trong những giải đấu chi nhiều tiền nhất để mua cầu thủ trong mùa hè 2016, chỉ chịu thua kém Premier League hay La Liga. Nỗ lực này nhằm quảng bá CSL đến thế giới, mục đích để giải đấu được phát sóng ở nhiều quốc gia hơn.
 
Sự kềm hãm của Chính phủ
 
Việc các câu lạc bộ rải tiền để chiêu mộ cầu thủ một cách vô tội vạ dần đi ngược với mục đích phát triển bóng đá quốc gia Trung Quốc. Ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình là phát triển kỹ năng cho các cầu thủ nội địa, với mục tiêu lớn nhất là vô địch thế giới cấp đội tuyển. Sự xuất hiện của hàng loạt ngôi sao nước ngoài thu hẹp cơ hội ra sân của các cầu thủ trong nước, đồng thời khiến dòng tiền chảy ra nước ngoài.
 
Thế nên sau mùa chuyển nhượng điên rồ năm 2016, các CLB tại CSL phải tuân theo quy định mới với tối đa 3 cầu thủ trong đội hình xuất phát sinh ra ở nước ngoài (trước kia là 4+1, nghĩa là được đăng ký tối đa 5 ngoại binh, trong đó có 1 cầu thủ châu Á trong đội hình xuất phát). 

Kinh te - Dong luc cho su troi day cua bong da Trung Quoc hinh anh 3
Việc ném tiền chiêu mộ cầu thủ ngoại đi ngược với mục tiêu phát triển bóng đá Trung Quốc.

Đi kèm với đó, cơ chế chuyển nhượng cũng được siết chặt. Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc ban hành điều luật mới đánh thuế rất cao trong việc chuyển nhượng. Nếu CLB mua một ngoại binh với giá từ 6,63 triệu USD trở lên, mức thuế phải nộp thêm tương đương với giá trị cầu thủ đó. Điều luật này cũng áp dụng tương tự trong trường hợp chuyển nhượng một cầu thủ nội giữa hai đội bóng tại CSL với giá trị 3 triệu USD trở lên. Số tiền này sẽ được chuyển vào Quỹ phát triển của CFA, bao gồm đào tạo trẻ và quảng bá giải đấu.
 
Đó là lý do một loạt thương vụ bom tấn từng được cho là sẽ xảy ra đột ngột bị cắt đứt. Tiêu biểu như trong mùa hè 2017 trước khi luật mới được ban hành, Diego Costa được cho là chuẩn bị đến Trung Quốc với giá 76 triệu bảng. Nếu điều đó xảy ra, CLB chủ quản sẽ phải chi 152 triệu bảng cho thương vụ này, chưa kể đến những rắc rối sau đó với Chính phủ.
 
Siết chặt việc "nhập" cầu thủ nước ngoài nhưng Trung Quốc lại mở rộng vòng tay với các huấn luyện viên. Những chiến lược gia có tên tuổi như Filipe Scolari, Sven Goran Ericsson, Fabio Capello, Marcelo Lippi hay Andre Villas Boas đều tới Trung Quốc đảm nhiệm công việc huấn luyện. Thứ thu hút họ không phải chất lượng giải đấu nơi đây, mà là những khoản đãi ngộ hậu hĩnh. HLV Gregorio Manzano của Guizhou Hengfeng Zhicheng có mức lương ngang bằng với Antonio Conte, người giúp Chelsea vô địch Premier League mùa trước.
 
Sở dĩ Chính phủ không siết chặt trong việc chi tiêu cho huấn luyện viên bởi họ sẽ đóng góp lâu dài cho sự phát triển. Những tri thức bóng đá của họ sẽ được chuyển giao cho các trợ lý bản địa, cũng như giúp các cầu thủ làm quen với tư tưởng bóng đá hiện đại nhanh chóng hơn. 

Phó chủ tịch VFF tiết lộ người Trung Quốc rất ngưỡng mộ bóng đá Việt Nam
Chia sẻ trong buổi lễ xuất quân của ĐT U23 Việt Nam tham dự giải châu Á, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã tiết lộ người Trung Quốc rất ngưỡng mộ bóng đá Việt...
Như Đạt (TTVN)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X