1. Barcelona - AC Milan (2013): Lượt đi 0-2, tổng tỉ số 4-2.
Nhìn đâu xa, Barca có thể ngoái lại ngay vòng trước để nhìn lại cuộc lội ngược dòng ấn tượng của chính mình. Lượt đi vòng Tứ kết, họ phải đối mặt với đoàn quân của Massimiliano Allegri, và phơi áo 0-2 tại San Siro sau khi Messi câm lặng và AC Milan giăng ra một thế trận tiếp đón Gã khồng lồ xứ Catalan quá hợp lý. Với 2 bàn thắng của Kevin Prince Boateng và Sulley Ali Muntari, Milan đã đặt lên vai Barca một tảng núi trước trận lượt về. Trận lượt đi, Barca đá kém đến kì lạ khi không có nổi pha bóng tấn công nào ra hồn.
Lượt về, họ phải nã 3 bàn vào lưới đối phương, và nếu cứ đá như lượt đi thì thầy trò Tito Vilanova thua chắc. Ấy thế mà Messi lên đồng, đội bóng xứ Catalan dạy cho AC Milan biết thế nào là bóng đá tấn công. AC Milan chủ trương chơi phòng ngự phản công và họ bị các cái bóng áo xanh đỏ "quần" ở một thế vô cùng bị động. Gần như không thể chạm bóng, Milan thất thủ tới 4 bàn không gỡ với sự tỏa sáng của Lionel Messi cùng 2 bàn thắng. David Villa và Jordi Alba ghi 2 bàn còn lại để kết liễu tham vọng xóa bỏ tiqui-taka của nước Ý nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Chính họ đã tạo địa chấn ở Tứ kết |
2. Chelsea - Napoli (2012): Lượt đi 1-3, tổng tỉ số 5-4.
Tại vùng đất "lắm người nhiều ma" ở đất nước hình chiếc ủng (Naples vốn là khu vực nhiều trộm cắp và tệ nạn xã hội nhất Italia), Napoli đả bại vị khách Chelsea đến từ Anh 3-1 với sự xuất sắc của bộ đôi Ezequiel Lavezzi và Edinson Cavani. Hành quân tới Stamford Bridge, Napoli tràn đầy tự tin sẽ loại được đoàn quân của Roberto Di Matteo, lúc bấy giờ đang trong thời kì suy yếu. Thế nhưng khi bóng lượt về bắt đầu lăn, đội chủ sân Stamford Bridge chỉ mất có 47 phút để đưa mọi thứ trở lại vạch xuất phát với 2 bàn thắng của Drogba và Terry.
Có bàn gỡ hòa của Gokhan Inler ở phút 55, Napoli san bằng lợi thế bàn thắng sân khách của Chelsea và đưa trận đấu vào thế tưởng như an bài, thế nhưng ở phút 75, Lampard nổ súng trên chấm 11 mét, đưa 2 đội vào hiệp phụ. Ngay khi hiệp phụ đầu tiên khép lại, Branislav Ivanovic ghi bàn đưa Chelsea vượt lên, và trong 15 phút cuối, Petr Cech cùng các đồng đội bảo toàn thành công mành lưới để loại Napoli với tỉ số nghẹt thở 5-4.
3. AC Milan - Manchester United (2007): Lượt đi 2-3, tổng tỉ số 5-3.
Man Utd hùng mạnh và bàn lĩnh ở đấu trường châu Âu lại bị đánh bại dưới tay của đối thủ... chuyên bị lội ngược dòng AC Milan năm 2007. Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo làm khổ hàng thủ được bài binh bố trận đầy tính chiến thuật của đội bóng Italia, nhưng vì sự yếu kém của hàng thủ, Man Utd chỉ có được một chiến thắng 3-2 trên sân Old Trafford và chấp nhận để đối thủ có được 2 bàn thắng trên sân khách làm vốn liếng.
Clarence Seedorf là đầu tàu của màn lội ngược dòng năm 2007 |
Trở về San Siro, AC Milan lột xác, tuân thủ chiến thuật, tấn công sắc bén và dứt điểm hiệu quả. Man Utd ra về với tỉ số thua 0-3 đầy tức tưởi trong một ngày Kaka, Seedorf và Gilardino sáng chói, chấp nhận buông tay khỏi cú ăn ba lịch sử như hồi năm 1999. Với chiến thắng này, AC Milan lọt vào chung kết Champions League lần thứ 3 trong 5 năm.
4. AS Monaco - Real Madrid (2004): Lượt đi 2-4, tổng tỉ số 5-5.
AS Monaco đang lặn ngụp ở giải hạng 2 của Pháp, tuy nhiên chiến công vào tới Chung kết Champions League 2003-2004 của họ chắc hẳn chưa ai quên. Năm đó, Porto - Monaco dường như là một cặp chung kết "vô lý" nhất trong lịch sử, và nghe nó giống chung kết của ... UEFA Cup hơn là Champions League. Ấy thế mà chiến công hiển hách này lại tỏ ra vô cùng xứng đáng với những nỗ lực của đội bóng đến từ Pháp, khi họ đã giẫm lên một trong những đại diện hùng mạnh nhất châu Âu với tên gọi Galaticos ver 1.0, Real Madrid.
Chẳng có gì là bất ngờ khi tại Bernabeu, Real đập nát Monaco với tỉ số 4-2. Nhưng cũng éo le như Man Utd năm 2007, Real để cho Monaco có 2 bàn trên sân khách. Đến hết hiệp 1 của trận lượt về, thậm chí Raul còn đưa Real Madrid vượt lên dẫn trước tại Stade Louis II, ít ai ngờ rằng đại diện của Pháp có thể lọt vào bán kết Champions League năm đó một cách bản lĩnh đến vậy. Fernando Morientes và Ludovic Giuly (2 bàn) đã giật về cho Monaco chiến thắng 3-1 và đi tiếp nhờ luật bàn thắng trên sân khách (tổng tỉ số 5-5).
5. Deportivo La Coruna - AC Milan (2004): Lượt đi 1-4, tổng tỉ số 5-4.
Super Depor đã làm nên cuộc lội ngược dòng khủng khiếp nhất Champions League kể từ 2 thập kỷ trở lại đây. Ở San Siro, họ thua với khoảng cách 3 bàn cùng tỉ số 4-1, và kể từ năm 1992, chưa có bất kì đội bóng nào lật ngược được thế cờ khi đã để thua 3 bàn ở lượt đi, ngoại trừ Deportivo. Không ai tin vào một cái kết thần kì cho đội bóng đến từ TBN, bởi 4-1 là tỉ số thể hiện sự chênh lệch đẳng cấp chứ không còn đơn thuần là một màn vùi dập. Nên nhớ đây là Champions League.
Thế nhưng ở Estadio Riazor, trận đấu được đẩy lên đỉnh cao của sự kịch tính và hấp dẫn. Deportivo đá đúng kiểu "không còn gì để mất", chơi như lên đồng và không để Milan chống đỡ được bất kì nỗ lực nào từ họ. 4-0, chiến thắng không tưởng ở trận lượt về giúp đại diện của TBN lọt vào bán kết một cách khó tin nhưng thuyết phục. Chính từ chiến thắng này, cái tên Super Depor mới được ra đời.
6. Barcelona - Chelsea (2000): Lượt đi 1-3, tổng tỉ số 6-4.
Thế có nghĩa là sau khi để thua 1-3 trong trận lượt đi, Barca đã thắng Chelsea ... 5-1 trong trận lượt về tại Nou Camp. Phải thừa nhận rằng Barca - Chelsea chính là cặp đấu kịch tính và nhiều duyên nợ nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây khi chưa ai quên kí ức cách đây vài năm mà chỉ cần nhắc đến tên vài người thôi là tất cả sẽ lại mồn một trong tâm trí của những ai yêu thích đấu trường Champions League: Tom Henning Ovrebo hay Andres Iniesta. Hồi năm 2000, một cặp đấu kịch tính hơn nhiều đã được 2 đội cống hiến cho khán giả. Ở Stamford Bridge, Chelsea như hổ mọc cánh, hết hiệp 1 họ đã dẫn đại diện hùng mạnh của xứ Catalan tới 3 bàn không gỡ. Barcelona đá như gà mắc tóc và chỉ có thể có được 1 bàn gỡ của huyền thoại Luis Figo.
Trở lại mái nhà Nou Camp, Barca lột xác. Cũng gói gọn trong 45 phút đầu tiên, Figo và Rivaldo đưa Chelsea vào thế rượt đuổi với 2 bàn thắng sớm. Bước sang hiệp 2, Tore-Andre Flo ghi bàn ở phút 60, đưa trận đấu đến cao trào bằng việc ép Barca phải gỡ hòa, nếu không sẽ bị loại. May cho đội bóng xứ Catalunya, Dani Garcia ghi bàn thắng muộn giúp họ san bằng thế cờ và đưa trận đấu vào hiệp phụ, và đây mới là lúc để Barca vung gươm kết liễu Chelsea: Rivaldo và Kluivert lần lượt nổ súng 2 lần liên tiếp để mang về chiến thắng 5-1 thuyết phục cho Barcelona. 6-4 và Los Blaugrana đi tiếp.
7. Manchester United - Juventus (1999): Lượt đi 1-1, tổng tỉ số 4-3.
Đọc tỉ số lên thì chẳng có gì là lạ, một tỉ số có thể gặp được nhan nhản trong các trận đấu loại trực tiếp ở Champions League trong thời gian gần đây. Ở Old Trafford, 2 đội hòa nhau 1-1 và Juve mới là những người nắm giữ trong tay lợi thế. Và tại Delle Alpi, mọi thứ được đẩy lên cao trào khi Bà đầm già thành Turin vượt lên dẫn 2-0. Lúc đó, tưởng chừng Man Utd đã bị loại bởi hiếm có đội bóng Ý nào lại để cho một đại diện của đảo quốc sương mù lật ngược thế cờ khi đã dẫn 2 bàn. Thế nhưng điều thần kì lại xảy ra khi Roy Keane, Dwight Yorke và Andy Cole liên tiếp ghi 3 bàn, loại "Bầy ngựa vằn" khỏi cúp châu Âu năm đó. 4-3 và Man Utd lọt vào chung kết qua khe cửa hẹp.
Và đến đây thì MU lại vẽ nên một câu chuyện thần thoại nữa khi trong 2 phút bù giờ liên tục ghi 2 bàn thắng đầy may mắn vào lưới của Bayern Munich để hoàn tất cú ăn 3 lịch sử. 1999 là cột mốc không thể nào quên với tất cả các cổ động viên của Quỷ Đỏ, cũng từ mốc thời gian này, số lượng người hâm mộ đoàn quân của Sir Alex Ferguson tăng lên chóng mặt ở Việt Nam.
Real Madrid sẽ theo gót Deportivo để trở thành đội bóng thứ hai lội ngược dòng thành công khi bị dẫn 3 bàn? Barcelona sẽ đả bại Bayern Munich trong tình thế đã bị dẫn tới 4 quả? Khó, vì bóng đá bây giờ đâu có "thoáng" như ngày trước. Nhưng khi có Ronaldo và Messi trong đội hình, họ có quyền hi vọng. Dù sao, Bayern và Dortmund cũng đâu sở hữu 2 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
- Thành Nguyễn - Diemsovi.com