Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Điểm mặt những sao trẻ xuất sắc nhất thế giới hiện nay (Phần 1)

Thứ Tư 14/11/2012 15:16(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Mới đây, tờ tạp chí của Tây Ban Nha, Don Balon đã công bố danh sách 101 "mầm non" (sinh từ năm 1991 trở lại đây) hứa hẹn nhất làng túc cầu giáo từ khắp nơi trên thế giới. Trong số này, sẽ xuất hiện không ít cái tên lạ hoắc, thậm chí mới 14, 15 tuổi và mới phần nào khẳng định ở cấp độ trẻ chứ chưa "chuyên nghiệp" hoàn toàn nhưng thật sự đã bao hàm đầy đủ những gương mặt trẻ nổi bật và đầy triển vọng của hành tinh. Bắt đầu từ hôm nay, chuyên trang Bongda24h xin được trân trọng giới thiệu đến quý độc giả chân dung phác qua của 101 "sao mai" này, được sắp xếp lần lượt theo ký tự chữ cái.

1. Adryan (Flamengo, 10/08/1994)

Mùa hè năm ngoái, khi mới hơn 17 tuổi, Adryan đã chính thức ra mắt đội 1 Flamengo (một trong CLB giàu truyền thống nhất Brazil với trên 100 năm lịch sử) tuy nhiên tiền vệ tấn công sở hữu mái tóc vàng đáng yêu này chỉ bắt đầu được biết đến thông qua màn toả sáng trong màu áo U-17 Brazil vô địch giải U-17 Nam Mỹ vào năm 2011 và được tham dự giải U-17 thế giới (Brazil đứng hạng 4 chung cuộc). Hơn một năm sau, Adryan mới lần đầu tiên được Flamengo tung vào sân ở giải VĐQG Brazil và rất nhanh chóng, anh đã thể hiện được tài năng để giờ đây, trở thành một gương mặt thường xuyên ở tuyến giữa đội bóng. Adryan cũng đã đóng góp được 2 bàn thắng cho Flamengo và có tin cho rằng, Manchester United đang rất để mắt đến "Zico mới" của bóng đá Brazil (Zico hay còn gọi là "Pele trắng" là một trong những huyền thoại của xứ sở Samba, từng khoác áo ... Flamengo).

Adryan
Adryan

2. Ali Ahamada (Toulouse, 19/08/1991)

Chắc chắn chỉ có những ai am hiểu và thường xuyên theo dõi Ligue 1 may ra mới biết đến cái tên này. Dù còn rất trẻ nhưng Ahamada đã là thủ thành số 1 của CLB Toulouse từ mùa trước. Rõ ràng, đó là sự khẳng định cho tài năng của thủ thành sinh trưởng tại thành phố Marseille bởi không nhiều người gác đền thành danh từ lúc còn trẻ như vậy. Mùa giải 2011-2012, Ahamada từng lập kỷ lục: giữ sạch lưới trong 6 trận liên tiếp ở Ligue 1 và hôm tháng 9 vừa rồi, Ahamada đã để lại ấn tượng bằng pha đánh đầu thành bàn vào những phút bù giờ, giúp Toulouse có trận hoà 2-2 trên sân của Rennes.

Ali Ahamada
Ali Ahamada

3. David Alaba (Bayern Munich, 24/06/1992)

Alaba từng được xem là "thần đồng xứ Bavaria". Năm 2010 khi mới 17 tuổi 7 tháng 8 ngày, tài năng trẻ người Áo (có thể thi đấu ở nhiều vị trí ở hàng hậu vệ, tiền vệ) đã được Bayern trình làng ở cúp Quốc gia Đức (cầu thủ trẻ thứ 2 trong lịch sử Bayern được ra sân thi đấu) và ngay lập tức tạo được dấu ấn. Ở ngay lần chạm bóng thứ 2, Alaba đã kiến tạo đường chuyền quyết định cho đàn anh Franck Ribery lập công. Kể từ đó, đặc biệt sau khi Juup Heynckes lên nắm quyền đầu mùa giải 2011-2012, Alaba thường xuyên được thi đấu và sự nghiệp của anh thăng tiến vù vù. Alaba ghi bàn thắng đầu tiên cho Bayern vào tháng 10 năm 2011 (đến nay, anh đã có 4 pha lập công). Ngoài ra, Alaba cũng mau chóng được triệu tập vào ĐTQG Áo và đã gần 20 lần cống hiến cho tổ quốc. Thậm chí, năm 2011, Alaba còn được nhận giải "Cầu thủ xuất sắc nhất nước Áo" và tháng trước, anh đã có bàn đầu tiên trong màu áo quốc gia ở trận vòng loại World Cup 2014 gặp Kazakhstan (Áo thắng 4-0).

David Alaba
David Alaba

4. Rafa Alcantara (Barcelona, 12/02/1993)

Rafinha cùng anh trai Thiago (bên dưới) là con của Mazinho, cựu tiền vệ người Brazil từng vô địch World Cup 1994 (nhưng sau khi giải nghệ, Mazinho đã sinh sống ở TBN, mảnh đất ông gắn bó nhiều năm với tư cách cầu thủ. Hiện cả hai con trai của ông đều chọn TBN làm quê hương chứ không quay về phục vụ cho cố quốc). Rafinha chưa được trao nhiều cơ hội tại đội 1 Barca dù rằng ở đội trẻ đang thi đấu tại giải hạng 2, anh là một ngôi sao sáng nhất. Chính xác, Rafinha mới được ra sân khoảng vài chục phút đồng hồ (ở cúp Nhà vua và Champions League) trong màu áo Blaugrana "xịn" tuy nhiên tiền vệ công này được xem là một sản phẩm hoàn hảo tiếp theo của lò La Masia danh tiếng.

Rafa Alcantara
Rafa Alcantara

5. Thiago Alcantara (Barcelona, 11/04/1991)

Khác với người em trai (cả hai cùng gắn bó với Barca từ khi còn tấm bé), hiện Thiago được xem là "dự bị chiến lược" ở đội bóng xứ Catalan. "Xavi mới" ra mắt vào năm 2009 nhưng thực sự phải đến mùa trước (2011-2012) khi Thiago dần chín muồi, anh mới được ra sân nhiều, mỗi khi có trụ cột nào vắng mặt hoặc được nghỉ ngơi dưỡng sức. Thiago cũng ít nhiều để lại ấn tượng dù rằng không thể đạt tới ngưỡng "thiên tài xuất chúng" như Lionel Messi. Đến nay Thiago đã có được 8 bàn cho Blaugrana trên mọi giải đấu. Nếu không có gì đột biến thì trong tương lai, khi Xavi và Iniesta giải nghệ, Thiago chính là gương mặt thay thế quá xứng đáng bởi anh sở hữu đầy đủ tố chất của một tiền vệ trung tâm tài ba.

Thiago đang bất an ử Barcelona
Thiago

6. Jano Ananidze (Spartak Moscow, 10/10/1992)

Georgia (thuộc Liên bang Xô Viết cũ) chỉ là quốc gia có trình độ phát triển bóng ở mức trung bình yếu nên những thần đồng bóng đá như Ananidze thực sự là "tài sản của cả dân tộc". Tuy nhiên, Ananidze không hẳn là sản phẩm của một CLB Georgia (năm 13 tuổi, anh đã rời khỏi quê nhà) mà do Dinamo Kiev (Ukraine) và Spartak Moscow (Nga) "chung tay" nhào nặn. Tháng 10 năm 2009, Ananidze đã đi vào lịch sử bóng đá Nga với tư cách "Cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở giải VĐQG" (17 tuổi 8 ngày). Không lâu sau đó, nhờ tiếp tục thể hiện tốt trong những lần được ra sân ở đội bóng Nga, Ananidze đã lọt vào tầm ngắm của nhiều ông lớn song ban lãnh đạo Spartak tuyên bố sẽ không bao giờ bán Ananidze cho đến khi tiền vệ bước qua tuổi 20. Giờ đây, qua thời gian, Ananidze đã trưởng thành hơn rất nhiều và có lẽ cái ngày tạm biệt xứ sở Bạch Dương để đến những chân trời mới cao rộng hơn không còn bao xa. Mùa này, mới qua 12 trận, Ananidze đã ghi được 3 bàn, thành tích tốt nhất từ ngày đầu khởi nghiệp, một sự kiểm chứng nữa cho độ triển vọng của Ananidze. Ngoài ra, anh còn đang là chủ lực của ĐTQG Georgia.

Jano Ananidze
Jano Ananidze

7. Christian Atsu (Porto, 10/01/1992)

Chẳng hề quá chút nào nếu nhận định rằng Porto đang là lò "sản xuất sao" hàng đầu châu Âu hiện nay, nhờ vào mạng lưới phát hiện nhân tài từ khắp thế giới cũng như hệ thống đào tạo chuẩn mực. Hàng năm, Porto đều giới thiệu vài ba gương mặt trẻ vô cùng sáng giá, đủ sức khoác áo bất cứ đội bóng lớn nào. Chính vì thế, sức mạnh của đội bóng này chẳng bao giờ giảm sút nếu phải chấp nhận bán đi trụ cột bởi đơn giản, có ngay sự thay thế xứng đáng. Hàng dán mác Porto đang chinh chiến ở khắp châu Âu, có thể kể ra những cái tên đình đám như Radamel Falcao, Hulk, Bruno Alves, Anderson,....Christian Atsu được nhìn nhận là đại diện tiêu biểu cho lứa sao tiềm năng mới của Porto cùng với những đồng đội như James Rodriguez, Juan Iturbe. Vị trí sở trường của Atsu là tiền đạo cánh trái nhờ cái chân trái khéo léo, tốc độ, kỹ thuật và sức mạnh của một cầu thủ gốc Phi. Mùa trước, Atsu đã chơi khá thành công ở Rio Ave theo diện cho mượn nên mùa này, anh bắt đầu được Porto cất nhắc. Tuy nhiên, ở ĐTQG Ghana, Atsu còn thể hiện tốt hơn nhiều khi đã có 2 bàn chỉ sau 5 trận khoác áo.

Christian Atsu
Christian Atsu

8. Jean-Christophe Bahebeck (PSG, 01/05/1993)

Từ khi rơi vào tay đám tỷ phú người Qatar, PSG tha hồ vung vãi tiền trên TTCN để mang về những ngôi sao đã thành danh. Do đó, cơ hội của những tài năng trẻ như Bahebeck bị thu hẹp dần chứ Bahebeck từng tạo được không ít ấn tượng trong những lần được ra sân (lưu ý, ngay trong lần ra mắt đội 1 PSG vào năm 2011 ở cúp QG Pháp, Bahebeck đã ghi được bàn, đóng góp vào thắng lợi 2-0). Hồi đầu mùa giải này, anh đã quyết định gia nhập đội bóng nhỏ bé Troyes theo diện cho mượn nhằm có nhiều cơ hội thể hiện mình cũng như tiếp thu kinh nghiệm. Nhìn chung, nếu Bahebeck cứ thăng tiến đều đều thì kể cả PSG vẫn chẳng thèm ngó ngàng gì, tin chắc sẽ có ngay một ông lớn khác chịu "chứa chấp".

Jean-Christophe Bahebeck
Jean-Christophe Bahebeck

9. Ross Barkley (Everton, 05/12/1993)

Barkley được giới chuyên môn nhìn nhận là sản phẩm hoàn hảo nhất của lò Everton kể từ thời Wayne Rooney. Thực ra, nếu không dính phải chấn thương trong một trận đấu của đội trẻ Everton vào năm 2010, khiến anh phải nghỉ thi đấu hơn một năm trời thì có lẽ, vị thế của tiền vệ này giờ đã khác. Đầu mùa giải 2011-2012, Barkley chính thức ra mắt Premier League ở trận gặp QPR và mau chóng nhận được vô số lời khen và nhiều ông lớn tại nước Anh cũng đã điền tên Barkley vào danh sách theo dõi. Song do Everton không đến mức độ thiếu người nên họ đã đồng ý cho đội bóng hạng Nhất Sheffield Wednesday mượn Barkley trong ngắn hạn hồi tháng 9 vừa rồi. Tại đây, chỉ trong một thời gian ngắn, Barkley đã hoà nhập hoàn toàn và không ngừng toả sáng với 4 pha lập công tính tới thời điểm này.

Ross Barkley
Ross Barkley

10. Fabio Borini (Liverpool, 29/03/1991)

Đừng vì phong độ tệ hại mà Borini thể hiện ở Liverpool từ đầu mùa mà đánh giá thấp tài năng của tiền đạo này. Nên nhớ rằng, không nhiều cầu thủ người Italia thành công ở đảo quốc sương mù, nhất là khi lại khoác áo một "đại gia". Bản thân Borini từng chẳng tạo được dấu ấn nào ở đội 1 Chelsea trong 2 năm khoác áo (2009-2011) nhưng anh lại toả sáng ở Swansea (khi đó còn chơi tại giải hạng Nhất). Thêm vào đó, mùa trước, Borini đã chứng tỏ phần nào phẩm chất của một tiền đạo trong màu áo đội bóng quê nhà AS Roma (ghi 10 bàn) và được triệu tập vào ĐTQG Italia tham dự VCK Euro 2012. Rõ ràng, Borini còn trẻ và còn đủ thời gian để xác lập được chỗ đứng ở Liverpool cũng như Premier League. Bên cạnh đó, nước Anh có thể không phải là mảnh đất phù hợp với Borini nên anh cần phải rất tỉnh táo, điều chỉnh kịp thời, tránh "lầm đường lạc lối".

Fabio Borini
Fabio Borini

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X