Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Italy trong ký ức về những chiến binh Viking

Thứ Sáu 10/11/2017 18:59(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thụy Điển sẽ chạm trán Italy trong cuộc chiến một mất một còn để giành suất dự World Cup 2018. Cảm xúc của những người Thụy Điển từng gắn bó mật thiết với bóng đá Italy giờ thật khó để diễn tả.

 
Thụy Điển và Italy là hai quốc gia gần như chẳng có nét tương đồng nào về cả địa lý lẫn văn hóa. Thụy Điển là quốc gia nằm ở Scandinavia, nơi từng thuộc về những chiến binh Viking với cái lạnh âm độ chiếm cứu phần lớn thời gian của năm. Đến phía Nam Italy nằm bên bờ Địa Trung Hải, nơi chứng kiến sự phồn hoa cho đến lụi tàn của đế chế La Mã với khí hậu ấm nóng. Sự run rủi của số phận kéo chiến binh Viking cùng La Mã lại, ném vào đấu trường một mất một còn để giành suất dự World Cup 2018.
 
Bong da Italy trong ky uc ve nhung chien binh Viking hinh anh
Thụy Điển sẽ chạm trán Italy để giành suất dự World Cup 2018.

Ban đầu nếu nghĩ tới niềm đam mê cùng văn hóa, hai quốc gia dường như chẳng có điểm chung nào, ngoại trừ thứ tình yêu xuyên biên giới: Bóng đá. Bất chấp cái lạnh xâm chiếm tạo điều kiện cho những môn thể thao mùa đông phát triển, người Thụy Điển cũng giữ mối liên hệ kỳ lạ với Italy thông qua bóng đá. Miền đất với món mỳ spaghetti trứ danh là vũ đài giúp những cầu thủ giỏi nhất của Thụy Điển mang tên tuổi lan ra toàn thế giới, một số còn ở lại Italy sau ngày giải nghệ.
 
Mối tình giữa bóng đá Italy với Thụy Điển bắt nguồn sau Thế chiến hai, chính xác vào tháng 1/1948. Gianni Agnelli - người sáng lập ra hãng xe Fiat, cũng là Chủ tịch Juventus - bốc điện thoại gọi sang Thụy Điển để tìm kiếm một cái tên nhằm "đền bù" cho AC Milan. Số là trước đó, Johannes Ploger sang Italy sau khi đạt được thỏa thuận với Rossoneri. Tại nhà ga ở Milan, một thành viên ban lãnh đạo Juventus chặn tiền đạo người Đan Mạch lại, đưa ra lời đề nghị không thể chối từ. Rốt cuộc, Ploger "hủy kèo" với AC Milan, leo lên ô tô để đầu quân cho Juventus.
 
Cú điện thoại định mệnh ấy giúp AC Milan nhận được món quà "trời cho" từ đối thủ Juventus. Gunnar Nordahl rơi vào tầm ngắm của Agnelli với bản hồ sơ ấn tượng: 149 bàn trong 172 trận chơi cho Hornefors. Nordahl sinh ra trong gia đình lao động nghèo với 10 người con. Ông làm quen với quả bóng lần đầu tiên ở tuổi lên 8. Ngay cả sau này khi đã thi đấu chuyên nghiệp, Nordahl vẫn làm lính cứu hỏa để có thêm tiền trang trải cuộc sống. 
 
Bất chấp tất cả, tài năng bóng đá dường như đã ngấm vào máu của Nordahl. Cái gật đầu của ông chủ Juventus đưa Gunnar Nordahl trở thành cầu thủ người Thụy Điển đầu tiên gia nhập một câu lạc bộ Italy. Ngày đặt chân đến Italy, ông được chào đón bởi hàng trăm người hâm mộ AC Milan ngay tại nhà ga. 
 
Chỉ sau nửa mùa thôi, Nordahl khiến quý ngài Agnelli tiếc ngẩn ngơ với 16 bàn sau 15 trận. Ở tuổi 27 - thời điểm đẹp nhất của sự nghiệp, cùng chiều cao 1.81 mét, ông trở thành ác mộng với mọi hàng phòng ngự bằng những pha bắt vô lê, hoặc những pha xử lý bóng đơn giản mà hiệu quả. AC Milan như vớ được món hời từ trên trời rơi xuống. Juventus tất nhiên có lý do để tiếc bởi bản hợp đồng chen ngang, Ploger chỉ ghi được duy nhất 1 bàn trong 16 trận ra sân.
 
Bong da Italy trong ky uc ve nhung chien binh Viking hinh anh 2
Gunnar Nordahl là cầu thủ người Thụy Điển đầu tiên làm quen với bóng đá Italy.

Sự xuất sắc giúp Nordahl trở thành cầu nối cho những cầu thủ Thụy Điển khác tới chinh phục đất Italy. AC Milan thu nạp thêm hai người đồng hương khác, Gunnar Gren và Nils Liedholm để tạo nên bộ ba tấn công danh tiếng "Gre-No-Li". Họ giúp AC Milan giành scudetto vào năm 1951, lần đầu tiên kể từ năm 1907. Nordahl tổng cộng ghi được 210 bàn sau 257 trận cho AC Milan, cũng như 15 pha lập công khác trong hai năm cuối cùng khoác áo AS Roma trước khi giải nghệ. 
 
Người Milan trìu mến gọi Nordahl là "Il Pompiere", tên tuổi ông sánh ngang với những ngôi sao thời bấy giờ như Alfredo Di Stéfano, Luis Suarez hay Stanley Matthews. Thành công của Nordahl cũng là tiền đề cho sự xuất hiện của 79 cầu thủ người Thụy Điển khác tới chơi bóng tại giải đấu hàng đầu nước Ý về sau này. Hai người anh em ruột của Nordahl - Bertil và Knut sau này cũng gia nhập Atalanta rồi AS Roma.
 
"Nordahl sinh ra để ghi bàn. Anh ta nhắm mắt cũng có thể ghi bàn" - HLV người Thụy Điển George Raynor.
 
"Gunnar không chỉ là một cầu thủ giỏi, anh ấy còn là người đàn ông tuyệt vời. Anh ấy luôn hết mình, không chỉ trong sân mà ở ngoài cuộc sống nữa" - Gianni Rivera nghẹn ngào nói về người đồng đội cũ sau sự ra đi của Nordahl năm 1995.
 
Những cầu thủ người Thụy Điển khác sau này cũng đặt chân tới Italy để tiếp nối sự huy hoàng mà Nordahl gây dựng. Gần nhất là Zlatan Ibrahimovic, một gã ngông nghênh đúng chất Viking chơi cho cả ba câu lạc bộ lớn nhất nước Ý: AC Milan, Inter và Juventus. Nhưng đó là câu chuyện của hiện đại, xa hơn cùng thời với Nordahl còn có một cái tên khác là đại diện của sự liên kết giữa bóng đá Thụy Điển với Italy. Đó là Nils Liedholm, biệt danh "Il Barone".
 
Bong da Italy trong ky uc ve nhung chien binh Viking hinh anh 3
Bóng đá Italy cũng là nơi nâng tầm tên tuổi của Zlatan Ibrahimovic.

Bên cạnh sự nghiệp quần đùi áo số lừng lẫy khi là một nhân tố trong bộ ba "Gre-No-Li" huyền thoại, Liedholm quyết định ở lại Italy sau ngày giải nghệ để đón nhận thách thức mới trên ghế huấn luyện. Rời bỏ công việc tại AC Milan, Liedholm dẫn dắt Verona và Vearese lên chơi tại Serie A trong những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70. 
 
Thành tích này giúp Liedholm nhận được lời đề nghị từ các đội bóng giàu tham vọng hơn. Ông dẫn dắt Fiorentina (1971-73), AS Roma (1973-77), rồi giúp AC Milan vô địch scudetto lần thứ 10 trong lịch sử trước khi trở lại Roma, cùng ngôi sao người Brazil - Falcao, vô địch nước Ý năm 1983. Một năm sau, Liedholm cùng AS Roma để thua Liverpool trên chấm luân lưu định mệnh trong trận chung kết cúp châu Âu ngay tại sân nhà Olimpico.
 
Lý thuyết phòng ngự khu vực của Serie A có sự đóng góp rất lớn của Liedholm. Đến năm 1997 khi chính thức nói lời chia tay với bóng đá, Liedholm tiếp tục ở lại "quê hương thứ hai" để điều hành khu vườn trồng nho cùng con trai tại phía Bắc Piedmont, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên đất Italy vào năm 2007.  
 
Kết thúc thời của bộ ba "Gre-No-Li", Glenn Stromberg và Tomas Brolin là những cái tên gây được tiếng vang tại Italy. Stromberg gắn bó tám mùa cùng Atalanta, sắm vai tiền vệ điều tiết khu trung tuyến. Bộ tóc dài cùng râu rậm khiến người liên tưởng ngay đến những chiến binh Viking, bất chấp việc Stromberg chơi với nền tảng kỷ thuật cùng sự tinh tế. Sự kết hợp giữa sức mạnh thể chất cùng nhãn quan chiến thuật nhạy bén giúp Stromberg được biết đến như một trong những cầu thủ hay nhất Thụy Điển thời bấy giờ. 
 
Với 185 trận ra sân tại Serie A, Stromberg là một trong những tượng đài trong lịch sử Atalanta. Trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 2012, Stromberg vẫn dành tình yêu rất lớn cho đội bóng cũ: "Tôi vẫn cảm nhận được tình yêu của các cổ động viên dành cho mình. Tôi như đứa con nuôi của Bergamo, luôn có những nụ cười và lời chào ở đó. Tôi thực sự hạnh phúc khi trở lại đây".

Stromberg cũng bày tỏ tình yêu với văn hóa và đặc biệt là đồ ăn của Italy, ông kinh doanh đồ Italy tại quê nhà Thụy Điển sau khi giã từ sân cỏ, cũng như bình luận viên các trận đấu Premier League.
 
Giờ thì Thụy Điển sẽ chạm trán Italy trong cuộc chiến một mất một còn để giành suất dự World Cup 2018. Cảm xúc của những người Thụy Điển từng gắn bó mật thiết với bóng đá Italy giờ thật khó để diễn tả.
 
* Bài viết dựa trên nguồn từ Thesefootballtimes.

Thụy Điển vs Italia (2h45 ngày 11/11): Khi người thuyền trưởng tỉnh ngộ…
Trước những áp lực khổng lồ từ dư luận, HLV Gian Piero Ventura đã bắt đầu có sự cầu thị. Và đó có thể sẽ là cú hích giúp ĐT Italia hồi sinh ở 2 lượt trận...
Như Đạt (TTVN)
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X