(Bongda24h) - Bỏ qua hàng loạt lời dèm pha, thậm chí từng có dư luận lên tiếng đề nghị Arsenal phải sa thải Wenger sau khi "Pháo thủ" thành London mãi không chấm dứt nổi tình cảnh trắng danh hiệu kéo dài suốt 8 năm qua, vị "Giáo sư" đáng kính người Pháp vẫn lầm lũi thực hiện công việc của mình để rồi vào lúc này của mùa giải 2013-2014, Arsenal đang chiễm trệ trên ngôi đầu bảng Premier League với phong độ thuyết phục cũng như thể hiện cho tất cả triển vọng tươi sáng của đội bóng, dựa trên dàn cầu thủ do một tay Wenger gây dựng. Với những gì đã trình diễn, hẳn tất cả đã hiểu vì sao Wenger lại gắn bó với Arsenal lâu đến thế (đây đã là năm thứ 17 ông làm HLV trưởng đội bóng) bởi đơn giản, Arsenal sẽ chẳng còn là Arsenal nếu Wenger ra đi, giống như tình cảnh hiện tại của Manchester United sau quyết định giải nghệ của Sir Alex Ferguson. Nào hãy cùng khám phá những nguyên nhân vì sao Wenger lại trở thành tượng đài bất tử của Arsenal và cả Premier League.
1. Mùa giải "bất khả chiến bại"
Từ xưa đến nay, Premier League luôn được xem là giải đấu khá đồng đều và không tồn tại cách biệt quá lớn giữa các đội bóng. Mùa nào cũng vậy, luôn tồn tại từ 4-5 thế lực đủ sức giành chức vô địch chứ không như mấy giải đấu ngang tầm khác (Serie A, La Liga) khi giỏi lắm chỉ là cuộc đua song mã (hai đội) mà thôi. Ấy thế mà, mùa giải 2003-2004, Arsenal lại bước lên bục vinh quang bằng thành tích "vô tiền khoáng hậu": không thua một trận nào sau 38 vòng (26 thắng, 12 hoà). Xét trong suốt chiều dài lịch sử của giải VĐQG Anh thì chỉ có thêm duy nhất một đội bất khả chiến bại trong cả mùa nhưng lại vào thuở sơ khai của môn thể thao Vua (Preston North End vào năm .... 1889 lúc giải VĐQG mới chỉ có 12 đội tham dự). Do đó, kỷ lục của Arsenal rất đáng ngưỡng mộ, nhất là khi vào thời điểm đó, những đối thủ truyền thống như Chelsea, Man Utd, Liverpool không hề rơi vào suy thoái mà luôn giữ sức cạnh tranh dữ dội. Tất nhiên, công lao lớn nhất trong chiến công vĩ đại này thuộc về Wenger. Dàn cầu thủ Arsenal khi đó cũng rơi vào thời kỳ chín muồi nhất trong sự nghiệp với những cái tên như Thierry Henry (tay săn bàn vĩ đại nhất trong lịch sử đội bóng), thủ quân Patrick Vieira, Robert Pires, Freddie Ljungberg,...Tin chắc kỷ lục này sẽ còn tồn tại dài dài.'
2. Khả năng làm hồi sinh những "nỗi thất vọng"
Khi Henry cập bến Arsenal vào năm 1999 từ Juventus thì anh chỉ còn là cái bóng của chính mình so với lúc "nổi đình nổi đám" ở đội bóng khởi nghiệp Monaco. Quãng thời gian thi đấu ở Italia càng khiến sự nghiệp "mới chớm" của Henry bị huỷ hoại và anh đã đưa ra được quyết định sáng suốt nhất trong đời cầu thủ: tái hợp ông thầy cũ Wenger ở thành London (chính Wenger đã có công phát hiện ra Henry tại Monaco - PV). Không mất nhiều thời gian, Henry đã tìm lại được bản năng sát thủ đích thực và mau chóng lọt vào nhóm những tiền đạo hay nhất Premier League. Thực ra, phong cách chơi bóng thiên về kỹ thuật của Henry rất có đất dụng võ tại một đội bóng đề cao chất La-tinh như Arsenal, lại cộng thêm sự dìu dắt, chỉ bảo ân cần của Wenger mà chàng Titi đã trở thành một phần lịch sử của đội bóng với kỷ lục về số bàn thắng ghi được (174 bàn qua 254 trận ra sân). Đó cũng là minh chứng thuyết phục nhất về khả năng biến những cầu thủ tưởng hết thời, hết tiềm năng phát triển thành sao lớn tầm cỡ thế giới của Wenger. Ngoài ra, còn phải kể thêm đến trường hợp của Patrick Vieira, Dennis Bergkamp,...
3. Quan điểm mua sắm "keo kiệt"
Có lẽ yếu tố này sẽ gây ra sự tranh cãi kịch liệt và không nhận đựoc sự đồng thuận cao khi đề cập tới những điểm mạnh của Arsene Wenger. Với nhiều người, ngay cả những CĐV trung thành nhất của Arsenal thì chưa chắc đội bóng đã trắng tay lâu đến thế nếu vị "Giáo sư" chịu chơi hơn trên TTCN, đưa về những cái tên "đắt xắt ra miếng" hơn như Mesut Ozil của kỳ chuyển nhượng hè vừa rồi chứ không phải bảo thủ giữ vững lập trường "chặt chẽ đến mức bủn xỉn". Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể thì Wenger đích thị là nhà cầm quân mua sắm hiệu quả nhất trong lịch sử Premier League khi tốn ít tiền mà vẫn sở hữu được một đội hình ngon. Vào thời kỳ Arsenal thống trị Premier League thì họ cũng đâu chi ra quá nhiều tiền (phải chăng đó cũng là lý do giải thích sự "cố chấp" của Wenger). Ngay cả 8 năm qua, kể cả không có được danh hiệu nào thì Arsenal vẫn luôn duy trì được vị thế ở giải Ngoại hạng Anh, bất chấp luôn đầu tư dè sẻn, không hoành tráng như các đối thủ. Bởi thế, chê bai tính "bủn xỉn" của "Giáo sư" liệu có phải quá đáng. Ngoài ra thực tế mùa này đã chứng minh Arsenal đâu phải chỉ đủ sức đua tranh nếu bỏ tiền mua sao lớn. Không phủ nhận Mesut Ozil đã mang tới những hiệu ứng tốt cho đội bóng song anh chưa phải là cầu thủ chơi hay nhất đội (danh hiệu đó phải thuộc về Aaron Ramsey, cậu học trò nhỏ mà ông chăm bẵm bấy lâu nay) và rõ ràng, thời buổi này, một cánh én nhỏ muôn đời chẳng thể làm nên nổi mùa xuân. Nếu Arsenal không sở hữu nền tảng vững vàng do một tay Wenger gây dựng từ cái chính sách "mua sắm khôn ngoan" thì có tài Thánh, Ozil cũng chẳng kéo nổi cả đoàn tàu Arsenal.
4. Trình độ "nhào nặn" sao lớn từ những "viên ngọc thô"
Cần phải khẳng định Wenger là HLV giỏi giang và tài ba bậc nhất thế giới trong khoản đào tạo trẻ còn nếu chỉ tính trong phạm vi nước Anh thì có lẽ ông đứng đầu, trên cả Sir Alex Ferguson vĩ đại. Khó có thể kể hết những ngôi sao trưởng thành dưới bàn tay ông. Một minh chứng tiêu biểu nhất là Cesc Fabregas. Gia nhập Arsenal khi chỉ là sao trẻ không mấy nổi bật của lò La Masia, ấy thế mà chỉ mất vài năm trời, anh đã vươn lên tầm cỡ tiền vệ trung tâm hàng đầu châu Âu. Người Barca cứ ra rả luận điệu đả kích thói "hút máu" của Wenger như muốn đề cao chất lượng của lò La Masia (tức là theo quan điểm của họ, một người như Fabregas ở đâu cũng có thể thành sao) song nếu Fabregas cứ ở lại La Masia thì chắc gì anh đạt đẳng cấp như ngày hôm nay. Hay như trường hợp gần đây nhất mang tên Robin Van Persie. Đến Arsenal lúc mới chỉ là diện "tiền đạo tiềm năng" của bóng đá Hà Lan (nhưng không hề được đánh giá quá cao) song Percy từng bước phát triển với sự chỉ bảo tận tình của Wenger để rồi tới một ngày, anh đã vươn lên tầm vóc tay săn bàn hay nhất Premier League. Tất nhiên, Wenger cũng gặp không ít thất bại (ông đâu phải thượng đế, thánh thần mà đủ sức biến mọi "măng non" thành "sao lớn") nhưng tỷ lệ thành công của ông trong lĩnh vực bồi dưỡng, chăm bẵm nhân tài thực sự ít người sánh kịp. Hiện giờ, trong đội hình Arsenal, có thể kể ra hàng loạt những gương mặt đang trên con đường phát triển thành một cầu thủ đẳng cấp mà xuất phát điểm của họ cũng chỉ là tài năng trẻ triển vọng như Theo Walcott, Jack Wilshere, Chamberlain hay "phát hiện mới" Aaron Ramsey.
5. Cá tính mạnh ẩn chứa bên trong vẻ ngoài đạo mạo
Hẳn Premier League sẽ phần nào mất đi sự thú vị nếu không có một con người mạnh mẽ, rất "đáng kính" nhưng cũng cực kỳ "hùng hổ", sẵn sàng "khẩu chiến" như Wenger. Lúc Sir Alex Ferguson chưa giải nghệ, họ chính là cặp "kỳ phùng địch thủ" đáng gờm nhất, cạnh tranh không chỉ trên sân cỏ mà cả trên các mặt báo. Cuộc chiến bằng ngôn từ của họ luôn gây được sự chú ý của dư luận. Ngoài ra, ông còn chẳng ngại "đốp chát" với hàng loạt nhà cầm quân khác như Rafael Benitez hay Jose Mourinho. Bình thường trên băng ghế huấn luyện, ông rất hiền từ với sự điềm đạm mang phong thái một "giáo sư" nhưng lúc cần thiết, ông sẵn sàng "sửng cồ" chẳng kém ai. Thử hỏi, nếu bạn sống trong một môi trường đầy rẫy sự cạnh tranh nhưng các "kẻ thù" lại quá hiền lành, chỉ biết thể hiện trên sân cỏ thì sự hay ho cũng giảm đi ít nhiều, nhất là khi ngày nay, sự hấp dẫn mà bóng đá mang lại đâu chỉ gói gọn trong diễn biến của các trận đấu. Nói đâu xa, sau khi một nhà cầm quân "lắm chuyện" như Jose Mourinho rời khỏi TBN thì độ hot của La Liga đã phần nào tụt dốc do Carlo Ancelotti và Martino có vẻ hơi "hiền". Bởi thế, Premier League cần phải cảm thấy may mắn khi sở hữu một nhà cầm quân biết thể hiện nhiều thứ như Wenger và tin chắc, Sir Alex chưa chắc đã "đanh đá", "ghê gớm" nếu không thường xuyên đối đầu với một đối thủ "cao tay" như Wenger.
Bảo Phương - Diemsovi.com