Thứ Hai, 06/01/2025 Mới nhất
Zalo

Sterling & hội chứng thần đồng của người Anh

Thứ Bảy 15/09/2012 16:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hàng loạt tài năng trẻ người Anh đang làm mưa làm gió ở Premier League. Nhưng điều đó không có nghĩa, tương lai của tuyển Anh là một màu tươi sáng.

Cơn sốt Sterling

Tên đầy đủ của anh là Raheem Shaquille Sterling, sinh ngày 8/12/1994 tại Kingston, Jamaica. Sterling cùng gia đình đến Anh khi mới năm tuổi, đá cho đội trẻ West Ham, rồi Queens Park Rangers và đến năm 2010 được cựu huấn luyện viên Liverpool là Rafael Benitez đưa về Anfield sau vụ chuyển nhượng trị giá vỏn vẹn 600.000 bảng. Một năm rưỡi về trước, anh mới được chú ý đến khi ghi đến năm bàn trong một trận đấu của Liverpool tại giải trẻ. Mùa trước, anh đã được Kenny Dalglish sử dụng, đưa vào sân thay người ở những thời điểm không quan trọng. Mùa hè vừa qua, anh ghi bàn vào lưới Leverkusen trong một trận giao hữu.

Bước ngoặt cuộc đời của Sterling đến từ trận Liverpool tiếp Manchester City tại Anfield mùa này. Anh đã bất ngờ được tân huấn luyện viên Brendan Rodgers điền tên vào danh sách đá chính. Sterling gây ngạc nhiên khi chơi tuyệt hay, đá tự tin và hiệu quả trước nhà đương kim vô địch Premier League, đội bóng sở hữu những ngôi sao đẳng cấp thế giới, có giá vài chục triệu bảng mỗi người. Anh lại đá chính, lại thi đấu ấn tượng trước đại gia khác là Arsenal.

Raheem Sterling
 

Liverpool chưa biết đến chiến thắng ở Premier League mùa này, có sự khởi đầu tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ và tương lai chìm trong bóng tối hoảng loạn. Nhưng với Sterling, cánh cửa tương lai đã mở ra, dẫn lối đưa anh đến với ánh sáng hy vọng. Rồi anh trở thành hiện tượng, cơn sốt khi được huấn luyện viên Roy Hodgson triệu tập vào tuyển Anh, chuẩn bị cho trận gặp Ukraina giữa tuần qua.

Phải chăng Hodgson đã quá vội vàng khi trao cơ hội cho Sterling bởi anh chỉ mới một lần đá cho đội U19 và chưa từng khoác áo đội U21, bước trung gian gần như bắt buộc đối với mọi tài năng trẻ trước khi lên tuyển? Phải chăng ông và các quan chức ở Liên đoàn bóng đá Anh (FA) sợ rằng Sterling sẽ chọn đội tuyển Jamaica thay vì đội tuyển Anh? Hay Hodgson, từng triệu tập đến sáu cầu thủ Liverpool ở EURO 2012, có sự ưu ái dành cho Sterling vì ông từng có thời gian làm việc ở Anfield? Có lẽ câu trả lời đều là không. Sterling được lên tuyển vì anh xứng đáng với điều đó. Một cầu thủ đá cực hay trước Manchester City và Arsenal thì hoàn toàn xứng đáng với một vị trí ở đội tuyển quốc gia.

Tràn ngập tài năng trẻ

Cơn sốt Sterling xuất hiện đúng vào thời điểm bóng đá Anh tràn ngập tài năng trẻ. Đồng đội của Sterling ở Liverpool, Jonjo Shelvey (20 tuổi), đá rất tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm. Manchester United đang sở hữu hàng loạt tài năng trẻ mang quốc tịch Anh như Phil Jones (20 tuổi), Chris Smalling (22 tuổi), Danny Welbeck (21 tuổi) và Tom Cleverley (23 tuổi). Hai người sau hiện đã có suất đá chính ở Tam sư. Welbeck tiến bộ không ngừng trong màu áo M.U sau khi trở lại Old Trafford từ Sunderland vào mùa hè năm ngoái. Cleverley đã thi đấu bùng nổ cách đây một năm, rồi dính chấn thương nặng nhưng vẫn thể hiện sự trưởng thành rõ rệt sau khi bình phục. Huấn luyện viên Hodgson đã không ngần ngại so sánh Cleverley với Cesc Fabregas của Tây Ban Nha trong khi báo chí Anh gọi anh là “số 10 hoàn hảo”. Cleverley có nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, đôi chân khéo léo và đặc biệt chơi đầy sáng tạo khi được bố trí đá hộ công.

Ở vị trí số 10 ấy, người Anh từng kỳ vọng rất nhiều ở Jack Wilshere, từng không hề sợ hãi khi đối mặt với những Xavi, Andres Iniesta. Tiếc thay, ngôi sao của Arsenal đã vật lộn với chấn thương hơn một năm qua. Dù vậy, ở tuổi 20, Wilshere còn cả tương lai dài phía trước, ở Arsenal lẫn tuyển Anh.

Arsenal đang sở hữu một tài năng trẻ hứa hẹn khác là Alex Oxlade-Chamberlain, năm nay chỉ mới 19 tuổi. Chelsea có bộ đôi 23 tuổi là Daniel Sturridge và Ryan Bertrand, người hứa hẹn kế thừa vị trí hậu vệ trái của Ashley Cole. Ngoài ra, có thể kể đến Jake Livermore và Kyle Walker của Tottenham (cùng 22 tuổi), thủ môn 19 tuổi Jack Butland của Birmingham hay tiền vệ vừa chuyển từ Everton sang Man City, Jack Rodwell (21 tuổi).

Lâu lắm rồi, người Anh mới được chứng kiến “cơn mưa tài năng trẻ” như thế. Vậy nguyên nhân đến từ đâu?

Bước ngoặt World Cup 2010 và sự can thiệp của luật lệ

Tại World Cup 2010, tuyển Anh của huấn luyện viên Fabio Capello có độ tuổi trung bình cao nhất, lên đến 28,7. Kết quả: họ phải dừng chân ở vòng 16 đội sau thất bại thảm hại 1-4 trước Đức, vốn sở hữu đội hình rất trẻ (25 tuổi). World Cup 2010 đã chứng kiến sự thành công của những đội bóng trẻ, bên cạnh Đức còn có nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha (25,9) trong khi những đội bóng già như Anh, Brazil (28,6) và Ý (28,2) đều gây thất vọng.

Chính thất bại ở Nam Phi đã khiến FA đẩy mạnh hơn nữa chính sách trẻ hóa mà họ đã nung nấu từ lâu. Hai tháng sau World Cup 2010, FA chính thức áp dụng điều luật mới đối với Premier League, buộc các câu lạc bộ phải trọng dụng những tài năng trẻ tự đào tạo. Từ ngày 1/9/2010, các đội Premier League phải đăng ký tối thiểu tám cầu thủ trẻ, gọi là “home-grown player”. “Home-grown player” được FA định nghĩa là những người đã được đào tạo tại một hoặc nhiều câu lạc bộ ở Anh và xứ Wales ít nhất ba năm trước khi họ bước sang tuổi 21.

Với điều luật này, các đội Premier League vẫn có thể sử dụng các tài năng trẻ ngoại quốc. Nhưng trước tiên, những tuyển trạch viên của họ sẽ phải để mắt tới hết những tài năng trẻ nội địa, như trường hợp M.U mua Smalling và Jones, Liverpool chiêu mộ Sterling, Henderson, Chelsea đón chào Sturridge hay Arsenal đưa Oxlade-Chamberlain về sân Emirates.

Luật công bằng tài chính do Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) ban hành sau đó buộc các đội phải đẩy mạnh hơn công tác đào tạo cũng như trọng dụng tài năng trẻ. Thay vì năm nào cũng chi tiền tấn mua các ngôi sao đã thành danh, các câu lạc bộ lớn bây giờ chú trọng vào các bản hợp đồng trẻ tuổi, giá vừa mềm, lương không cao, lại vừa được sử dụng lâu dài. Nhiều năm liền, Manchester City chi vài chục triệu bảng để mua các ngôi sao lớn, trả cho họ mức lương khủng. Nhưng mùa hè vừa qua, bản hợp đồng đáng chú ý nhất của họ lại là vụ mua Rodwell từ Everton với giá 15 triệu bảng. M.U chạy đua mua Robin van Persie và Shinji Kagawa, nhưng không quên đầu tư vào tài năng trẻ nội địa là Nick Powell, một tiền vệ có giá 4 triệu bảng từ Crewe Alexandra.

Tóm lại, những bài học đau đớn ở cấp đội tuyển quốc gia cũng như các điều luật buộc những câu lạc bộ Premier League không còn giải pháp nào khác là trọng dụng các tài năng trẻ nội địa. Thay vì chạy đua thương vụ hào nhoáng mang tên Kaka, M.U tin dùng Cleverley. Manchester City chấp nhận bán Nigel De Jong để lấy chỗ cho Rodwell. Arsenal có thể đẩy đi Van Persie, nhưng tỏ ra rất quyết tâm níu giữ Theo Walcott; có thể yên tâm bán Alex Song vì tin chắc rằng Jack Wilshere đủ sức thế vai khi bình phục chấn thương.

Trẻ, tài năng nhưng liệu có đủ?

Trong 15 năm trở lại đây, bóng đá Anh mắc phải hội chứng thần đồng. Hễ cầu thủ trẻ nào tỏa sáng một, hai trận, họ lập tức được gán cho biệt danh “thần đồng”. Nhưng ngoại trừ Michael Owen và Wayne Rooney, chưa “thần đồng” nào có thể vươn lên tầm ngôi sao lớn đẳng cấp thế giới. Như trường hợp của Alan Smith (hiện 31 tuổi), từng được gọi là “thần đồng” khi tỏa sáng trong màu áo Leeds United nhưng dưới sức ép của kỳ vọng, của truyền thông, sự nghiệp của anh ngày càng đi xuống, bây giờ đang khoác áo đội bóng hạng Hai Anh, Milton Keynes Dons. Walcott cũng từng được gọi là “thần đồng” khi được huấn luyện viên Sven Goran Eriksson triệu tập vào đội tuyển Anh dự World Cup 2006. Bây giờ, Walcott có tiến bộ hơn so với sáu năm về trước, nhưng không được như kỳ vọng ban đầu của người hâm mộ.

Sterling hoàn toàn có thể trở thành phiên bản khác của Walcott. Welbeck còn lâu mới đạt đến tầm của Rooney, và có thể không bao giờ. Liệu sự nghiệp của Cleverley có hiển hách như Frank Lampard hay Steven Gerrard? Bertrand đúng là đầy triển vọng, nhưng giữ được phong độ cao suốt nhiều năm liền như Cole không hề là chuyện đơn giản. Hai trung vệ trẻ của M.U là Smalling và Jones bao giờ mới sánh ngang được cặp Terry - Ferdinand?

Nên nhớ rằng, thế hệ của Rooney, Lampard, Gerrard, Cole và Terry chẳng làm nên trò trống gì ở tuyển Anh suốt gần một thập kỷ qua.

Nói cách khác, Sterling, Welbeck, Cleverley đúng là đầy hứa hẹn. Nhưng ở tầm tuổi của họ, những Cristiano Ronaldo, Nani ở Bồ Đào Nha, Mesut Oezil và Sami Khedira ở Đức, hay thế hệ 1987 (Gerard Pique, Fabregas…) của Tây Ban Nha, đã là những tài năng xuất chúng.

Raheem Sterling

- Sinh ngày 8/12/1994 tại Kingston, Jamaica.
Quốc tịch Anh.
- Ra mắt ở đội hình 1 Liverpool vào ngày 24/3/2012, vào thay người ở trận gặp Wigan tại Premier League.
- Trận gặp Manchester City ngày 26/8 vừa qua là trận đá chính đầu tiên ở Premier League. - Từng đá cho U16, U17 và một lần khoác áo U19 Anh.

Thần đồng nước Anh

- Theo Walcott: Là cầu thủ trẻ nhất từng khoác áo đội tuyển Anh khi vào sân thay người trong trận đấu hồi tháng 5/2006, thắng Hungary 3-1. Khi ấy, Walcott 17 tuổi 75 ngày.
- Wayne Rooney: Là cầu thủ trẻ nhất có trận đá chính ở tuyển Anh, trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ 2-0 hồi tháng 4/2003. Khi ấy, Rooney 17 tuổi 160 ngày. - Raheem Sterling: 17 tuổi 224 ngày khi được Roy Hodgson triệu tập vào đội tuyển Anh.

Thế hệ trẻ của người Anh

Cầu thủ

Tuổi

Vị trí

Câu lạc bộ

Raheem Sterling

17

Chạy cánh

Liverpool

Jonjo Shelvey

20

Tiền vệ

Liverpool

Oxlade-Chamberlain

19

Chạy cánh

Arsenal

Jack Wilshere

20

Tiền vệ

Arsenal

Phil Jones

20

Hậu vệ

M.U

Danny Welbeck

21

Tiền đạo

M.U

Chris Smalling

22

Hậu vệ

M.U

Tom Cleverley

23

Tiền vệ

M.U

Ryan Bertrand

23

Hậu vệ

Chelsea

Daniel Sturridge

23

Tiền đạo

Chelsea

Jake Livermore

22

Tiền vệ

Tottenham

Kyle Walker

22

Hậu vệ

Tottenham

Jack Rodwell

21

Tiền vệ

Manchester City

Jack Butland

19

Thủ môn

Birmingham

 

 (Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X