Ý đồ của Sheikh Mansour là tự đào tạo được những Navas, Dzeko hay Milner "mới" trong tương lai nhờ tiềm lực chuyên môn của chính lò đào tạo do ông xây dựng |
Điều đó được khẳng định rõ ràng thông qua lối chơi hiện tại mà Man City áp dụng: từ thời Roberto Mancini đến Manuel Pellegrini, Citizens đều đá tấn công quyến rũ ở nhiều bài bản khác nhau như tạt cánh đánh đầu, bật tường trung lộ... nhưng có một điểm không khác so với Barca là Man City chủ yếu áp dụng các đường chuyền ban ngắn trong phạm vi hẹp để lên bóng. Đương nhiên, Man City chưa thể đạt tới đẳng cấp của Barca, và quả thực họ đá có phần dạt ra biên nhiều hơn đội bóng đến từ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, phong cách chơi nhang nhác Barca cũng đã đưa tới cho Man xanh những thành công nhất định trong thời gian cả.
Từ khi sở hữu Man City hồi năm 2008, Sheikh Mansour đã đầu tư hơn 1 tỷ bảng vào việc nâng cấp đội hình, biến Man City thực sự từ vịt trở thành thiên nga. Tham vọng của Sheikh Mansour lớn và ông có thể thực hiện chúng ở mức kinh phí không giới hạn: Man City lúc này đã là thế lực của bóng đá Anh, nổi tiếng với việc tiêu tiền không tiếc tay và một đội hình toàn sao trị giá tròm trèm vài chục triệu bảng. Chẳng nói đâu xa, ngay hè qua đội bóng này cũng đã bỏ ra tới cả trăm triệu để mua về 5 cái tên là Jesus Navas, Fernandinho, Stevan Jovetic, Martin Demichelis và Alvaro Negredo.
Mặc dù vậy, có vẻ như trong thời gian tới, Man City sẽ được các ông chủ hướng theo một hướng phát triển khác. Sheikh Mansour mới đây đã khẳng định muốn thấy Man City tự cân bằng được vấn đề tài chính và đào tạo được một lứa cầu thủ trẻ của riêng mình, trở thành một địa điểm tin cậy về huấn luyện các "măng non". Ông cho biết: "Các khoản đầu tư của tôi vào bóng đá không chỉ dừng lại ở việc mua sắm cầu thủ. Bên cạnh đó, tôi đang có tham vọng xây dựng học viên đào tạo bóng đá trẻ trên phạm vi toàn cầu. Trước mắt, có lẽ tôi sẽ bắt đầu với việc phát triển bóng đá ở thành phố Manchester. Những cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của đội bóng sẽ giúp Man City giảm thiểu chi phí mua cầu thủ trong tương lai."
Đây là ý tưởng mà Sheikh Mansour đã ấp ủ từ lâu. Bằng chứng là Giám đốc Điều hành Soriano cùng Giám đốc Thể thao Begiristain, những người cũ của Barcelona, đều được Sheikh Mansour đưa về để phục vụ tham vọng thực hiện lò đào tạo của ông. Phải nói rằng Mansour đang thực sự tiến hành một cuộc cách mạng tại sân Etihad, mô phỏng lại đúng quá trình mà lò La Masia đã thực hiện trong quá khứ. Mức đầu tư mà ông này định bỏ ra lên tới 100 triệu bảng.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện thì Man City cần phải rất cẩn thận trong việc cân nhắc chiến lược và phương thức hành động, để không phải đi vào vết xe đổ của "người đi trước" Chelsea. Cũng ấp ủ kế hoạch đưa đội bóng đi lên nhờ các tài năng trẻ, Roman Abramovich đã bỏ ra hàng tấn tiền xây dựng các học viện bóng đá trẻ, và ông cũng thành công phần nào khi thu hút được nhiều măng non trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong những năm qua, Chelsea chưa đào tạo được cầu thủ nào cho chính bản thân đội bóng của mình, mà thường là mang "hàng trẻ" đi cho mượn, đồng thời vẫn phải "mua thành công" bằng tiền của giới chủ. Lúc này, Vitesse Arnhem, đội bóng của Hà Lan, đang sống rất "khỏe" nhờ lứa cầu thủ trẻ của Chelsea (số cầu thủ mà Chelsea cho Vitesse mượn lên tới 8 người), nhưng rõ ràng không ai trong số đó có khả năng trở thành rường cột của The Blues trong tương lai nếu họ không tiến bộ với tốc độ khủng khiếp trong thời gian tới.
- Thành Nguyễn - Diemsovi.com