Thứ Hai, 06/01/2025 Mới nhất
Zalo

Premiership 2010/11: Mùa không yên tĩnh

Thứ Ba 24/05/2011 09:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một mùa giải mà mục tiêu của rất nhiều CLB xoay chuyển liên tục giữa “ra châu Âu” và “xuống hạng”. Đó chính là Premiership 2010/11.

Đó là mùa giải mà trong số các đội xuống hạng, một đội đã chính thức, một đội đang chờ được dự cúp châu Âu. Đó là mùa giải mà mục tiêu của rất nhiều CLB xoay chuyển liên tục giữa “ra châu Âu” và “xuống hạng”. Đó là Premiership 2010/11.

Một mùa giải lạ kỳ. Birmingham và Blackpool chỉ đứng trong nhóm 3 đội cuối bảng có 22 ngày, nghĩa là chỉ 3 trong 40 tuần của mùa giải. Nhưng họ lại xuống hạng. Xuống hạng khi Birmingham là nhà vô địch Carling Cup còn Blackpool là đội bóng được đánh giá có lối chơi cống hiến bậc nhất tại giải. Người ta thậm chí đang nói về việc Blackpool dự Europa League. Chiếc thẻ đỏ mà Gera của Fulham nhận trong vòng đấu cuối có thể thay đổi cục diện của BXH Fair-play, thứ sẽ quyết định suất dự Europa League cuối cùng của nước Anh.

Man Utd đã vô địch trong một mùa giải nhiều biến động

Chỉ số phận nghiệt ngã của Birmingham và Blackpool đã nói lên sự kịch tính của mùa giải này. Đó không chỉ là số phận của riêng họ, mà còn phản ánh vị thế của rất nhiều đội bóng nhóm dưới. Người ta nói nhiều đến sự mất ổn định của các ông lớn, từ M.U, Chelsea cho đến Arsenal, mà quên mất rằng việc các CLB “chiếu dưới” cứ thỉnh thoảng làm nên một cơn động đất rồi lại thua triền miên cũng phản ánh sự bất ổn. Và sự bất ổn ấy làm nên kịch tính.

Lấy Fulham làm ví dụ: Họ bắt đầu năm 2011 với vị trí thứ 3 từ dưới lên sau 20 vòng đấu. Cuối mùa, họ cán đích ở vị trí thứ 8, nghĩa là ngoài 6 đội bóng được gọi là có tầm ở giải đấu này thì Fulham chỉ còn kém Everton, và cũng giống như Blackpool, đang có quyền mơ về châu Âu nhờ BXH Fair-play. Hoặc một ví dụ khác là Sunderland. Sau vòng 24, họ đứng thứ 6 và chỉ kém đội xếp trên (Tottenham), nghĩa là cách suất dự cúp châu Âu 1 điểm. “Chúng tôi có quyền mơ mộng” - HLV Steve Bruce tuyên bố hào sảng. 3 tháng sau đó, họ không biết đến chiến thắng và chỉ giành được 1 điểm sau 9 vòng đấu. Những tin đồn về việc Steve Bruce bị sa thải rộ lên.

Không chỉ Sunderland từng lao đao trước đoạn đầu đài. Ngay cả Newcastle, đội bóng đã tái xuất ở Premiership với một uy thế hùng dũng, sau khi bán đi viên ngọc quý Andy Carroll cũng có lúc chỉ còn cách nhóm 3 đội cuối bảng 6 điểm. Aston Villa, đội bóng đặt mục tiêu rất cao ở mùa giải này, cũng phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng mới giữ được một vị trí tạm ổn trước những vòng đấu cuối.

Hãy quay trở lại với vòng đấu cuối. Đó có lẽ là cao trào của mọi cao trào, là hình ảnh cô đọng nhất của sự kịch tính trong số phận của những kẻ “chiếu dưới” trong cả mùa này. Nếu có một BXH cập nhật thứ hạng của từng đội bóng qua từng phút như trong trò chơi điện tử, thì số phận của 4 CLB cuối bảng đã thay đổi tới 7 lần trong 90 phút.

Kể từ lúc vòng 36 bắt đầu, hai vị trí thứ 18 và 19 lần lượt thuộc về Blackpool-Wigan, Wolves-Blackpool, Wigan-Wolves, Birmingham-Wolves, Birmingham-Blackpool, Wolves-Blackpool và cuối cùng mới là Birmingham-Blackpool. Phút 38, Blackburn dẫn trước Wolves 2-0 đồng nghĩa với đẩy họ xuống vị trí thứ 18 vì kém hiệu số so với Wigan. Tới phút 57, Blackpool vượt lên dẫn trước M.U 2-1 và trả vé xuống hạng cho Wigan… Cứ như thế, như thế, một cuộc hoán đổi liên tục và nghiệt ngã diễn ra. Phải nhìn vào gương mặt khổ đau khôn cùng của những CĐV Blackpool trên các khán đài Old Trafford mới hiểu được họ đã trải qua một cơn cực hình thế nào.

Nỗi buồn của người này là niềm vui của kẻ khác. Hạnh phúc thuộc về Wigan và Wolves, và có lẽ cả những khán giả trung lập. Lại một lần nữa, Premiership có thêm lý do để được gán cái danh hiệu “Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh”.

Con số:

3: Dimitar Berbatov là cầu thủ thứ 3 trong lịch sử Premiership lập 3 hat-trick trong một mùa giải sau Alan Shearer và Van Nistelrooy. Anh lập hat-trick trong các trận gặp Liverpool, Blackburn và Birmingham. Berbatov cũng là cầu thủ thứ 4 trong lịch sử giải đấu ghi 5 bàn/trận (vào lưới Blackburn).
9: Robin van Persie lập kỷ lục mới của Premiership khi ghi 9 bàn liên tiếp trên sân khách từ ngày 1/1/11 đến 22/5/11.
18: M.U tái xác lập kỷ lục thắng 18 trận trên sân nhà của Chelsea ở mùa giải 2005/06.
114: Tiền đạo Kevin Davies của Bolton tự phá kỷ lục của chính mình để trở thành cầu thủ phạm lỗi nhiều nhất trong một mùa giải tại Premiership với 114 lần.
1.063: Mùa giải 2010/11 lập kỷ lục mới về số bàn thắng ghi được trong thể thức 380 trận của Premiership. Kỷ lục cũ là 1.060 bàn ghi được ở mùa giải 1999/2000.
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X