Thứ Năm, 02/01/2025 Mới nhất
Zalo

Những thăng trầm trong sự nghiệp huấn luyện của Louis Van Gaal

Thứ Ba 20/05/2014 16:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Xuất thân từ một tiền vệ khá tầm thường (phần lớn sự nghiệp gắn bó với Sparta Rotterdam, CLB tầm thường của Hà Lan. Ngoài ra, ông còn từng khoác áo Ajax, Royal Antwerp, Telstar, AZ Alkmaar) song tân thuyền trưởng của Manchester United lại sở hữu bảng thành tích đáng mơ ước trong công việc làm HLV. Cần lưu ý rằng, Van Gaal chưa từng trắng tay ở bất cứ CLB nào ông dẫn dắt, thậm chí tối thiểu ông phải mang về được danh hiệu VĐQG. Bởi thế, các Manucians có đủ cơ sở để tin tưởng rằng mùa tới, Man Utd sẽ lại là thế lực đáng gờm của Premier League và thừa khả năng đoạt lại ngai vàng từ tay người hàng xóm đáng ghét Man City. Nào hãy cùng điểm lại hơn 20 năm làm nghề của nhà cầm quân 62 tuổi này

Ajax (1991-1997)

Trước khi chính thức theo đuổi nghiệp cầm quân ở Ajax Amsterdam, đội bóng giàu truyền thống nhất xứ sở hoa Tulip, Van Gaal đã phải trải qua 3 năm làm cánh tay phải đắc lực nhất cho hai đời HLV (Antoine Kohn và Leo Beenhakker). Đến năm 1991, sau khi Leo Beenhakker, vị HLV lão làng nhất của bóng đá Hà Lan hiện nay mà vẫn chưa về hưu (Beenhakker đã 71 tuổi và từng dẫn dắt trên ... 20 CLB và ĐTQG kể từ năm ... 1965 cho đến giờ), rời khỏi Ajax và Van Gaal đã tích luỹ đủ kinh nghiệm cần thiết, ông đã được ban lãnh đạo đội bóng đặt lên chiếc ghế nóng. Thời điểm đó, Ajax bắt đầu có dấu hiệu suy thoái, buộc Van Gaal phải tính tới chuyện cải cách mà trọng tâm là xây dựng lại hệ thống đào tạo trẻ. Thành công cũng sớm đến với Van Gaal khi trong mùa đầu tiên, dù chỉ đứng thứ 2 giải VĐQG (sau đại kình địch PSV Eindhoven) song Ajax lại thâu tóm được cúp UEFA, tiền thân của Europa League ngày nay. Đó là danh hiệu đầu tiên của ông.

Van Gaal và chiếc cúp danh giá nhất trong bộ sưu tập của ông: Champions League 1994-1995 cùng Ajax Amsterdam
Van Gaal và chiếc cúp danh giá nhất trong bộ sưu tập của ông: Champions League 1994-1995 cùng Ajax Amsterdam

Phải đến mùa giải 1993-1994 khi lứa cầu thủ trẻ tài năng mà sau này đa phần đều trở thành những danh thủ hàng đầu của bóng đá thế giới (Van der Sar, Seedorf, Davids, anh em nhà De Boer, Kluivert, Litmanen, Overmars,...) dần chín, Ajax mới trở lại ngôi vị số 1 Hà Lan. Đỉnh cao của Ajax phiên bản Van Gaal rơi vào mùa giải kế tiếp (1994-1995) khi bên cạnh việc bảo vệ thành công chức VĐQG, một Ajax trẻ trung, giàu sức sống đã xuất sắc đả bại AC Milan, lúc đó là thế lực thống trị bóng đá châu Âu, ở chung kết Champions League nhờ bàn thắng duy nhất của Kluivert. Đây cũng là chiếc cúp C1/Champions League cuối cùng của Ajax tính đến thời điểm này. Nói một cách khác, sau thời của Van Gaal, Ajax không còn được xem là một tên tuổi lớn của lục địa già dù rằng họ vẫn là đội bóng mạnh nhất Hà Lan. Sau đó, Van Gaal còn giúp Ajax đoạt thêm 1 Siêu cúp châu Âu, 1 cúp Liên lục địa (tiền thân của giải VĐTG các CLB) và 1 danh hiệu VĐQG Hà Lan trước khi ra đi vào năm 1997. Ngoài ra, từ đây, Van Gaal bắt đầu được biết tới như là một nhà cầm quân giỏi "ươm mầm" những hạt giống bóng đá tương lai.

Barcelona (1997-2000)

Ban lãnh đạo Barca đã mời Van Gaal về vào mùa hè 1997 để kế nhiệm Sir Bobby Robson (một tượng đài bất tử của bóng đá Anh và đã qua đời vào năm 2009 ở tuổi 76), người được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc điều hành đội bóng chỉ sau đúng một mùa dẫn dắt. Có thể so với hai HLV đồng hương (tiền bối Thánh Johan Cruyff và hậu bối Frank Rijkaard), triều đại của "Người Hà Lan bay" Van Gaal tại Barca không huy hoàng bằng song ông vẫn kịp mang về cho "gã khổng lồ" xứ Catalan 2 danh hiệu La Liga liên tiếp (1997-1998, 1998-1999). Đặc biệt, ở mùa đầu tiên làm việc ở Barcelona, Van Gaal còn cùng đội bóng đoạt Siêu cúp châu Âu sau khi hạ nhà vô địch cúp C1 Dortmund (khi đó, Barca là nhà vô địch cúp C2 châu Âu hiện đã bị xoá sổ và sát nhập vào cúp C3 thành cúp UEFA) và cúp Nhà vua TBN. Năm 2000, ông đã phải lặng lẽ ra đi sau khi đánh mất chức vô địch La Liga vào tay Deportivo.

ĐTQG Hà Lan (2000-2002) và Barcelona (2002-2003)

Với thương hiệu đã được khẳng định, Van Gaal mau chóng tìm được công việc mới, cũng vinh dự và hoành tráng không kém. Đó là dẫn dắt "Cơn lốc màu Da cam". Song ông đã thất bại thảm hại khi ĐT Hà Lan không giành nổi suất tham dự VCK World Cup 2002 lần đầu tổ chức tại khu vực châu Á (Hàn Quốc và Nhật Bản). Thế nhưng, Van Gaal vẫn được Barcelona mời về nhằm phục hưng đội bóng đang trên đà suy thoái sau khi ... Van Gaal ra đi.  Chỉ có điều, ông đã không tài nào vực dậy được Blaugrana và lại phải khăn gói ra đi sau đúng một mùa khi Barca chỉ đứng thứ 6 chung cuộc tại La Liga, kém nhà vô địch Real Madrid tới 22 điểm. Tuy nhiên, Van Gaal lại có được thành tựu cực lớn ở Barca trong giai đoạn ảm đạm này là góp công sức không nhỏ trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ Puyol, Valdes, Xavi, Iniesta, những trụ cột quan trọng bậc nhất của Barcelona vĩ đại phiên bản Josep Guardiola.

AZ Alkmaar (2005-2009)

Sau quãng thời gian ngắn nghỉ ngơi hoàn toàn và không hề dinh dáng gì đến đời sống bóng đá (trong năm 2004, Van Gaal có vài thắng ngắn ngủi làm Giám đốc kỹ thuật của Ajax nhưng đã ra đi do mâu thuẫn với ban lãnh đạo), Van Gaal đã chính thức tái xuất ở AZ Alkmaar, một CLB chỉ thuộc diện trung bình yếu của Hà Lan. Song dưới bàn tay lèo lái thần kỳ của Van Gaal, AZ dần nhận được sự tôn trọng của tất cả và bắt đầu ngấp nghé nhóm "đại gia" (bao gồm 3 cái tên: Ajax, PSV Einhoven và Feyernoord) dưa trên một tập thể vững mạnh, đoàn kết và tất nhiên không thể thiếu những gương mặt trẻ đầy tài năng. Nhờ Van Gaal mà AZ đã đóng góp được vài cái tên cho ĐTQG Hà Lan mà thông thường toàn thuộc độc quyền của bộ ba ông lớn (có thể kể ra Ron Vlaar, Demy de Zeeuw,...) cũng như các ĐT khác. Đến mùa giải 2008-2009, cũng là năm cuối cùng Van Gaal gắn bó với AZ thì ông đã đưa được đội bóng đến chức VĐQG Hà Lan lần thứ 2 trong lịch sử tồn tại gần 50 năm, qua đó bảo vệ được biệt danh "Vua Midas" (chạm đâu cũng thành vàng, có mặt ở đâu cũng có danh hiệu) của mình. Đặc biệt AZ lên ngôi cực kỳ thuyết phục, hơn đội á quân tới 11 điểm và có chuỗi 28 trận bất bại.

Van Gaal và chiếc đĩa bạc Bundesliga ở Bayern Munich
Van Gaal và "Chiếc đĩa bạc Bundesliga" ở Bayern Munich

Bayern Munich (2009-2011)

Chẳng lẽ có phải nhờ chiến tích đó mà Van Gaal đã được Bayern Munich mời về để thay thế Jurgen Klinsmann (phải ra đi sau đúng 1 mùa do bất đồng quan điểm với lãnh đạo). Ông đã thuyết phục đội bóng chiêu mộ tiền vệ đồng hương Robben, lúc đó đang chìm nghỉm ở Real Madrid nhưng rồi chính "Người thuỷ tinh" đã thực sự toả sáng rực rỡ ở "Hùm xám" xứ Bavaria và vẫn là ngôi sao hàng đầu đội đến tận thời điểm này. Rất nhanh chóng, Bayern đã đòi lại ngôi vị số 1 Bundesliga từ tay "hiện tượng" Wolfsburg đồng thời đoạt nốt chiếc cúp QG. Đáng tiếc, Van Gaal và Bayern đã không thể chạm tới "cú ăn ba vĩ đại" khi thua đau Inter Milan của Jose Mourinho 0-2 tại chung kết Champions League diễn ra tại thành Madrid (Tây Ban Nha). Tuy nhiên bước sang mùa thứ 2, "phép thuật" của Van Gaal đã hết tác dụng ở Bayern và ông đã bị sa thải khi mùa bóng 2010-2011 còn gần 1 tháng mới kết thúc do đánh mất "Chiếc đĩa bạc" dành cho nhà vô địch vào tay Dortmund (chung cuộc, Bayern đứng thứ 3). Dẫu vậy, bên cạnh Robben, dấu ấn của Van Gaal tại đây vẫn còn hiện hữu ở những gương mặt như Toni Kroos, Thomas Muller, Badstuber, Alaba, các trụ cột hiện giờ của Bayern mà đã từng chịu công dạy dỗ, bảo ban của ông để có được ngày hôm nay. Một lần nữa, khả năng đào tạo trẻ của ông được khẳng định.

ĐTQG Hà Lan (2012-2014)

Sau VCK Euro 2012 thảm hoạ (Hà Lan không vượt qua được vòng bảng) dưới sự dẫn dắt của Bert van Marwijk, Liên đoàn bóng đá quốc gia đã quyết định lần thứ hai đặt niềm tin vào Van Gaal và lần này, họ không phải thất vọng. Với bề dày kinh nghiệm ngày càng được tích luỹ dày thêm qua hơn 10 năm làm nghề kể từ lần đầu cầm quân ở ĐTQG, Van Gaal đã thực sự tái xuất thành công. Vẫn duy trì quan điểm "ưu tiên cho lớp trẻ" (một người thân quen với Van Gaal tiết lộ rằng trước khi tiến hành bỏ tiền mua cầu thủ nào, bao giờ Van Gaal cũng xem xét trước tiên đến đội ngũ cầu thủ kế cận của đội bóng. Nếu cảm thấy có gương mặt nào, kể cả vô danh tiểu tốt, có năng lực tốt và tiềm năng triển vọng không thua mục tiêu được nhắm đến bao nhiêu thì sẽ không ngần ngại sử dụng chứ không chỉ trộng cậy vào TTCN. Nhìn chung, Van Gaal bao giờ cũng ưu tiên khai thác tối đa nội lực sẵn có), ông đã mạnh dạn làm mới Oranje bằng cách trao cơ hội cho nhiều gương mặt trẻ để bây giờ những Indi, Janmaat, de Vrij, Daley Blind, Guzman, Clasie thuộc thế hệ cuối 8x, đầu 9x đã có chỗ đứng quan trọng trong đội hình không kém gì lớp cựu binh như Van Persie, Sneijder, Van der Vaart, Nigel De Jong. ĐTQG Hà Lan đã vượt qua vòng loại World Cup 2014 bằng thành tích tốt nhất khu vực châu Âu (9 thắng, 1 hoà, ghi 34 bàn, chỉ kém đúng ĐT Đức với 36 bàn). Tuy không được đánh giá cao song Hà Lan hoàn toàn có thể làm nên chuyện và tái lập được thành tích ở VCK World Cup 2010 (á quân). Ở vòng bảng, Hà Lan sẽ tái ngộ TBN, đội đã thắng họ ở chung kết tại Nam Phi cách đây 4 năm nhưng cơ hội vượt qua vòng bảng la rất lớn bởi hai đối thủ còn lại (Chile, Australia) đều dưới cơ.

Bảo Phương

 

Có thể bạn quan tâm

Tản mạn về Manchester City và nỗi khắc khoải của các Gooners

Tản mạn về Manchester City và nỗi khắc khoải của các Gooners

Tản mạn về Manchester City và nỗi khắc khoải của các Gooners

Manchester City nhận tới 9 thất bại trong 14 trận đấu gần nhất trên mọi đấu trường, chỉ ghi vỏn vẹn 17 bàn thắng nhưng lại để thủng lưới tới 28 bàn thua. Tại Premier League, đoàn quân của Pep Guardiola đã bị đá văng ra khỏi Top 4 sau giai đoạn lượt đi với chuỗi thành tích tệ hại khi chỉ có được 8 điểm trong tổng số 30 điểm gần nhất (thắng 2, hòa 2, thua 6), tụt xuống vị trí thứ 6 trên BXH với chỉ 31 điểm.

Video

Xem thêm
top-arrow
X