(Bongda24h) - Vậy là, cánh cửa của TTCN đã chính thức mở ra, tạo điều kiện cho các đội bóng đem về những sự bổ sung sáng giá, hợp lý cho giai đoạn còn lại của mùa giải. Trong bối cảnh, tính cạnh tranh của Premier League đang được đẩy lên mức cao nhất và không ít tên tuổi lớn đã làm lộ ra không ít sự thiếu hụt về mặt nhân sự thì nhiều khả năng, tất cả sẽ được chứng kiến một mùa Đông 2014 cực kỳ nhộn nhịp với lắm thương vụ đình đám. Nào hãy cùng điểm lại 5 kỳ CN "hoang phí" nhất tại Premier League
Năm 2011: Tổng chi 225 triệu bảng
Chưa bao giờ, Ngoại hạng Anh chi nhiều tiền đến thế chỉ trong 1 tháng ngắn ngủi và một loạt giới hạn đã bị phá vỡ. Đầu tiên, phải nhắc đến bản hợp đồng kỷ lục 50 triệu bảng mà đã biến Fernando Torres thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Anh quốc. Chỉ có điều, thật đáng tiếc, El Nino rốt cục lại trở thành nỗi thất vọng vô bờ bến khi những gì anh đã thể hiện tính đến thời điểm này không xứng đáng bằng 1/10 so với số tiền Chelsea đã bỏ ra. Ngoài Torres, "gã nhà giàu" thành London còn đầu tư 22 triệu bảng vào David Luiz và may mắn, tuyển thủ quốc gia Brazil đã chứng tỏ được giá trị của mình dù rằng mùa này, Luiz không được Mourinho trọng dụng thường xuyên bởi không thích cái thói quen ham dâng lên tấn công của cậu học trò.
Torres: Kỷ lục nhất, thất vọng nhất
Liverpool là đội chịu chơi thứ hai sau Chelsea khi ném 35 triệu bảng vào Andy Carroll, tiền đạo người Anh nổi bật nhất thời điểm đó. Đây cũng là bản hợp đồng tốn kém nhất trong lịch sử Liverpool. Song rốt cục, hiệu quả mà Carroll mang lại hoàn toàn thua xa so với Luis Suarez, cầu thủ cập bến Anfield cùng thời điểm. Đội bóng vùng Merseyside chỉ phải mất hơn 22 triệu bảng để rước về chân sút người Uruguay từ Ajax Amsterdam (Hà Lan) để rồi bây giờ, Suarez là ngôi sao số 1 đội bóng, vượt qua tượng đài Steven Gerrard. Đặc biệt, mùa này, Suarez bùng nổ dữ dội khi đã có 20 bàn thắng tại Premier League, mặc cho hồi đầu mùa anh vẫn bị treo giò do hành vi cắn Ivanovic của Chelsea từ mùa trước. Trong khi mùa hè vừa rồi, Carroll lặng lẽ chia tay Liverpool để gia nhập West Ham và mang lại cho đội bóng khoản thua lỗ 20 triệu bảng (chưa tính khoản lương bổng). Tuy nhiên, trường hợp của Carroll chỉ là một minh chứng khác cho nghịch lý tồn tại bao năm qua ở Premier League: Những cầu thủ gốc Anh luôn được mua bán với mức giá trên trời. Chẳng hạn, cũng trong tháng 1 năm 2011, Aston Villa đã phải bỏ ra 20 triệu bảng cho Darren Bent, một chân sút chỉ thuộc diện "trung bình khá" nhưng mỗi khi đổi CLB, Bent đều làm tiêu tốn đáng kể ngân quỹ chuyển nhượng của người mua (tính cho tới nay, tổng giá trị chuyển nhượng của Bent lên tới hơn trăm triệu bảng). Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến thương vụ Edin Dzeko trị giá 30 triệu bảng của Man City. Tuy không phải là sao sáng tại Etihad nhưng chân sút người Bosnia được xem là một "siêu dự bị" quan trọng của Man xanh
Năm 2008: 170 triệu bảng
Với tư cách đội bóng giàu tiềm lực tài chính nhất Premier League (trước khi bị Man City phế truất mấy năm gần đây), không có gì ngạc nhiên khi Chelsea lại dẫn đầu giải về mức độ mua sắm. Họ nổ phát súng đầu tiên mang tên Nicolas Anelka (15 triệu bảng từ Bolton), một chân sút rất có tài và từng nhiều năm lăn lộn ở nước Anh (trước đó, còn khoác áo Arsenal, Man City). Nhưng đáng tiếc, Anelka đã đến Chelsea không đúng thời điểm bởi lúc đó The Blues đã sở hữu một sát thủ thượng hạng: Didier Drogba. Hai con người này gần như không thể hợp tác vui vẻ trên hàng công nên người này mà ra sân (hoặc toả sáng) thì y như rằng người kia im tiếng. Do đó dù rất nỗ lực và từng đoạt danh hiệu "Vua phá lưới Premier League" thì Anelka cũng chẳng bao giờ được tôn trọng như Drogba. Chính nhờ số tiền bán Anelka mà Bolton đã mua được Gary Cahill từ Aston Villa với giá 5 triệu bảng và trung vệ này mau chóng trở thành thủ lĩnh hàng phòng ngự trước khi chuyển đến ... Chelsea vài năm sau đó.
Ivanovic: "Của rẻ" đâu phải lúc nào cũng là "của ôi"
Ngoài Anelka thì một cái tên rất đáng chú ý khác cũng gia nhập Chelsea vào giai đoạn này. Đó là Branislav Ivanovic từ CSKA Moscow (Nga). Từ một cầu thủ còn ít tên tuổi, bằng nỗ lực không ngừng, Ivanovic dần vươn lên đẳng cấp một hậu vệ cánh hàng đầu Premier League, dù trung vệ mới là sở trường và lĩnh vực chuyên môn được đào tạo của tuyển thủ quốc gia Serbia. Tuy không xuất hiện nhiều thương vụ nổi bật song tổng số tiền ném vào TTCN của các đội Premier League vẫn đạt mức cao bởi sự tham gia tích cực của những CLB nhỏ nhằm phục vụ cho mục tiêu trụ hạng.
Năm 2009: 157 triệu bảng
Ngay sau khi rơi vào tay các tỷ phú dầu mỏ người Ả Rập, Man City mau chóng chiếm luôn vị thế "vua chuyển nhượng mùa Đông" của Chelsea. Đại thiếu gia thành Manchester đã chi 10 triệu bảng để mua Wayne Bridge, 15 triệu bảng tậu về Nigel de Jong hay 13 triệu bảng để sở hữu Craig Bellamy. Những cái tên này đều được khai thác tối đa trong giai đoạn lượt về của mùa giải 2009/2010 và có những đóng góp nhất định vào lối chơi chung của toàn đội ở thuở bình minh của một đế chế mới dù rằng sau đó, tất cả đều bị loại bỏ không thương tiếc nhằm nhường chỗ cho các gương mặt mới, đẳng cấp và hoành tráng hơn. Tottenham cũng rất mạnh tay khi đưa Robbie Keane trở lại từ Liverpool với mức giá 12 triệu bảng, thấp hơn 6 triệu so với số tiền đã thu về từ việc bán tiền đạo người CH Ai Len trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Ngoài ra, Spurs còn đầu tư vào Jermain Defoe, tiền đạo họ từng bán cho Portsmouth trước đó 1 năm (và toả sáng ở đây). Đến giờ, Defoe vẫn gắn bó với Tottenham dù phong độ đã suy giảm trầm trọng chứ vài năm trước, chân sút này luôn là tay săn bàn số 1 đội bóng. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến chuyện Arsenal chiêu mộ Andrey Arshavin từ Zenit (Nga) với mức phí 15 triệu bảng. Đó là vụ chuyển nhượng kỷ lục của Arsenal và phải đến đầu mùa giải này, nó mới bị phá vỡ bởi Mesut Ozil. Tuy nhiên, cầu thủ người Nga đã không thi đấu thật ấn tượng ở Emirates và vừa tái hợp Zenit sau khi hết hạn hợp đồng với "Pháo thủ".
Năm 2013: 125 triệu bảng
Sau mùa Đông 2012 khá ảm đạm (các đội bỏ ra không đến 60 triệu bảng để mua cầu thủ) thì Premier League đã sôi động trở lại trong năm 2013. Trong đó, thành công nhất là Liverpool với hai bản hợp đồng Daniel Sturridge và Philippe Coutinho, những trụ cột hiện tại của đội bóng. Sturridge trưởng thành từ Man City, chìm nghỉm ở Chelsea và phải đến khi gia nhập "Lữ đoàn đỏ", tiền đạo người Anh mới bùng nổ. Còn nhớ, khi Liverpool vắng Luis Suarez thì Sturridge chính là cầu thủ quan trọng nhất đội. Sau gần 1 năm thi đấu tại vùng Merseyside, cầu thủ 24 tuổi này đã có 22 bàn (sau 30 trận ra sân), một thành tích quá xứng đáng với số tiền 12 triệu bảng được bỏ ra. Còn Coutinho đã đến nước Anh với hy vọng phát triển sự nghiệp đang có dấu hiệu chững lại ở Inter Milan và không mất nhiều thời gian, tiền vệ trẻ người Brazil đã xác lập vị thế nhạc trưởng của đội bóng.
Tuy nhiên, chịu chơi nhất phải là Newcastle khi "Chích choè" triển khai mạnh mẽ chính sách "Pháp hoá" đội hình. Newcastle đã đưa về hàng loạt tân binh từ xứ lục lăng như Mapou Yanga-Mbiwa, Mathieu Debuchy, Yoan Gouffran, Moussa Sissoko và đều được hưởng quả ngọt. Cả 4 người đã trở thành trụ cột của đội bóng, riêng Debuchy (hậu vệ phải) cùng Sissoko (tiền vệ trung tâm) đã lọt vào nhóm những cầu thủ hàng đầu Premier League ở vị trí họ thi đấu. Một bản hợp đồng đáng chú ý khác cần phải nhắc đến là thương vụ Wilfried Zaha của Man Utd. Dù tài năng sinh năm 1992 từng được giới chuyên môn đánh giá rất cao sau những gì trình diễn ở Crystal Palace chưa để lại được dấu ấn nào ở Old Trafford nhưng rõ ràng, đây là phi vụ dành cho tương lai của "Quỷ đỏ" thành Manchester.
Evra - Vidic: Hai bản hợp đồng mùa Đông thành công nhất trong lịch sử Premier League
Năm 2006: 90 triệu bảng
Đây là kỳ chuyển nhượng không quá sôi động nhưng sẽ được mãi ghi nhớ trong lịch sử Premier League bằng những bản hợp đồng cực kỳ thành công. Man Utd chỉ phải bỏ ra chưa đến 15 triệu bảng để mang về bộ đôi Patrice Evra - Nemanja Vidic bổ sung cho hàng thủ nhưng rồi, cả hai đều đã vươn lên tầm cỡ thế giới từ xuất phát điểm nhỏ bé. Trong nhiều năm trời, Vidic là trung vệ thép số 1 giải đấu còn Evra luôn so kè quyết liệt với Ashley Cole (Chelsea) cho danh hiệu "Hậu vệ trái hay nhất giải". Cả hai cùng Man Utd giành biết bao vinh quang (5 chức VĐ Premier League, 1 Champions League). Chỉ đến dạo gần đây, do gánh nặng tuổi tác, họ đã không còn duy trì được phong độ cao song vẫn là hai cái tên chủ chốt của nhà ĐKVĐ. Lẽ ra Man Utd đã có thể lập được cú hattrick "đỉnh cao" trên TTCN mùa Đông nếu như không để tuột mất Theo Walcott vào tay Arsenal. Thời điểm đó, Walcott được xem là thần đồng thế hệ mới của làng bóng đá Anh. Qua từng năm, dưới bàn tay dìu dắt của ngài Wenger vĩ đại, Walcott có thể tiến chậm nhưng rất chắc. Mùa trước, khi Giroud không lấp nổi lỗ hổng do Van Persie để lại thì Walcott chính là "vua phá lưới" của đội bóng dù anh thiên về đá cánh. Mùa này, tầm ảnh hưởng của Walcott đã bị thu hẹp đáng kể do sự xuất hiện của Mesut Ozil cùng việc Giroud lấy lại phong độ song anh luôn biết cách chứng tỏ giá trị của mình. Thêm vào đó, cần nhớ rằng, tuy mới 24 tuổi nhưng Walcott là cầu thủ có thâm niên khoác áo Arsenal lâu nhất trong đội hình hiện tại. Ngoài Walcott, Arsenal còn chiêu mộ Adebayor, một đồng đội của Evra tại Monaco (Pháp). Không phủ nhận, chân sút người Togo rất thất thường cả về mặt tính khí lẫn phong độ nhưng tài ghi bàn của Adebayor rất đáng nể. Sau khi chia tay Arsenal vào năm 2009, Adebayor vẫn không hoàn toàn đánh mất mình ở Man City, Real Madrid và Tottenham. Thời gian qua, Adebayor chính là một trong những nhân tố làm nên sự hồi sinh mạnh mẽ của Spurs dưới triều đại mới Tim Sherwood.
Bảo Phương - Diemsovi.com