Thứ Bảy, 04/01/2025 Mới nhất
Zalo

Người Anh ê chề ở giải U21 châu Âu: Thảm họa cho cả nền bóng đá

Thứ Tư 12/06/2013 07:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bị loại sớm, ra về mà không có một điểm - kết cục ê chề của đội U21 Anh ở giải vô địch trẻ châu Âu là bằng chứng hùng hồn nữa cho thấy thể trạng ốm yếu của bóng đá Anh.

Cú sốc ở Israel

Trận đấu cuối vòng bảng giải U21 châu Âu hôm qua là cơ hội để U21 Anh gỡ gạc danh dự, tìm kiếm một chiến thắng, hoặc tối thiểu một điểm. Trước đó, thế hệ được xem như lứa kế cận những Ashley Cole, Lampard, Gerrard, Rooney... đã toàn thua, 0-1 dưới tay Italy và 1-3 trước Na Uy - những kết quả khiến họ bị loại ngay sau hai lượt trận đầu.

U21 Anh của thần đồng Wifried Zaha là bất ngờ lớn nhất, theo nghĩa tiêu cực, tại giải U21 châu Âu 2013, khi họ sớm bị loại và thua cả ba trận
U21 Anh của thần đồng Wifried Zaha là bất ngờ lớn nhất, theo nghĩa tiêu cực, tại giải U21 châu Âu 2013, khi họ sớm bị loại và thua cả ba trận

Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu an ủi đó cũng không thành hiện thực. U21 Anh hôm qua chơi lấn lướt, tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn hơn. Nhưng do không tận dụng được, họ phải trả giá đắt khi hàng thủ đánh mất sự tập trung cần thiết về cuối trận, để Kriaf chớp thời cơ cứa lòng, ghi bàn duy nhất ở phút 81, ấn định thắng lợi cho Israel - đội chủ nhà của giải U21 châu Âu năm nay.

Với thất bại này, U21 Anh ra về với hai bàn tay trắng, không điểm và thậm chí không có lấy một bàn thắng từ các tình huống bóng sống. Bàn duy nhất họ ghi được trong hành trình ngắn ngủi ở Israel là quả đá phạt đền thành công của Craig Dawson hôm thứ bảy tuần trước, sau khi bị U21 Na Uy dẫn tới 3-0.

Kết cục đó thật sự gây sốc, xét tới việc U21 Anh dự giải với hành trang là mạch chín chiến thắng liên tiếp trước đó. Họ cũng sở hữu lực lượng được cho là đồng đều với nhiều vị trí nòng cốt thường xuyên được thử lửa, thậm chí đóng vai trò trụ cột ở các đội bóng Ngoại hạng Anh hay giải Hạng nhất. Số này gồm Jono Shelvey, Jordan Henderson (Liverpool), Danny Rose, Steven Caulker (Tottenham), Nathaniel Clyne (Southampton), Tom Ince (Blackpool) hay thần đồng sắp gia nhập MU Wifried Zaha (Crystal Palace).

Quân thua, tướng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Với tư cách HLV trưởng, toàn quyền quyết định về nhân sự, chuyên môn, Stuart Pearce chắc chắn đang chuẩn bị tâm thế để nhận trát sa thải từ FA khi trở lại London. Tuy nhiên, sẽ bất công nếu đổ vấy toàn bộ trách nhiệm lên nhà cầm quân 51 tuổi này.

Trả giá vì ngộ nhận

Anh bấy lâu nay tự hào sở hữu giải vô địch quốc gia số một thế giới bóng đá, với sân chơi Ngoại hạng Anh. Nhưng sân chơi quốc nội cao nhất đó không đủ và chắc chắn, không thể là thước đo cho sức khỏe của cả một nền bóng đá. Trước khi đưa ra đánh giá mạnh hay yếu về bóng đá của một quốc gia, yếu tố đầu tiên được xét đến phải là thành tích thi đấu của các cấp độ đội tuyển quốc gia trên đấu trường châu lục và thế giới.

Tuyển Anh, dù được truyền thông nhà bơm vá, sở hữu những ngôi sao hàng đầu thế giới và có biệt danh rất oai "Tam Sư", từ rất lâu, trên thực thế chỉ là hổ giấy, chẳng dọa được ai. Nếu lấy Euro 1996 - giải đấu lớn cuối cùng mà họ, khi đó làm chủ nhà, lọt vào bán kết - làm mốc, đã 16 năm nay tuyển Anh chưa hề đi quá tứ kết một giải đấu lớn. Họ, thậm chí, không qua nổi vòng loại Euro 2008.

Ngoại hạng Anh hưng thịnh và hào nhoáng phần lớn nhờ vào chính sách đãi ngộ tốt, giúp các CLB thu hút được nhiều nhân tài ngoại quốc. Thành công của các CLB Anh ở tầm châu lục cũng chủ yếu dựa trên tài năng kiệt xuất của những cầu thủ nước ngoài như Giggs, Keane, Schmeichel, Yorke, Ronaldo, Tevez, Vidic, Henry, Pires, Fabregas, Van Persie, Cech, Drogba, Mata....

Nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều các ngôi sao ngoại cũng đồng nghĩa với mặt trái tiêu cực - cơ hội cho tài năng bản địa bị hạn chế đáng kể. Tất nhiên, bóng đá Anh vẫn đều đặn cho ra lò các lứa ngọc thô, nhưng không nhiều và thật sự giỏi như cách họ ngộ nhận vì sự thổi phồng quá mức của nền truyền thông đại chúng nhất thế giới (nhờ sự phổ biến rộng rãi của tiếng Anh). Để rồi cứ sau mỗi giải đấu, bất kể ở cấp ĐTQG hay tuyển trẻ, bóng đá Anh đều chuốc lấy nỗi thất vọng, thậm chí tủi hổ.

Thảm bại của thầy trò Stuart Pearce tại giải U21 châu Âu 2013 là một đòn nặng nữa, làm tổng thương sâu sắc niềm kiêu hãnh của bóng đá Anh. Liệu họ có xem thảm bại đó như bài học, động lực để thay đổi hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời. Nhưng nếu cần một tấm gương để học tập, LĐBĐ Anh có thể vác sách đi học Tây Ban Nha, Italy, Đức, hay thậm chí Hà Lan, những nền bóng đá đã hoặc đang thành công nhờ một thời gian dài đầu tư bài bản cho bóng đá trẻ.

(Theo Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X