Thứ Bảy, 11/01/2025 Mới nhất
Zalo

Man Utd dính virus mua sắm

Thứ Ba 26/07/2011 08:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chỉ cần hơn 1 tháng đầu tiên của “phiên chợ Hè” 2011, M.U đã chi 50 triệu bảng nâng cấp đội hình. Hiếm có “phiên chợ” nào M.U mua bán sớm, quyết đoán và rầm rộ như mùa Hè này. Nhưng xưa nay, mua sắm ồ ạt không phải tính cách của Quỷ đỏ. Bởi thế, nó cảnh báo những rủi ro khi Old Trafford được chỉnh trang theo cách bắt đầu từ nóc…

Hỏi tất, cố mua hết!

Chỉ cần hơn 1 tháng đầu tiên của “phiên chợ Hè” 2011, M.U đã chi 50 triệu bảng nâng cấp đội hình. Con số ấy gần bằng mức chi của kỳ chuyển nhượng Hè kỷ lục năm 2007. Chỉ cần chừng đó và trong quãng thời gian ngắn ngủi như thế, cũng đủ để thấy sức mua sắm của Quỷ đỏ lớn đến nhường nào. Tất nhiên, đó là con số tính ở thời điểm nửa tháng về trước. Cho đến khi TTCN Hè 2011 khép lại, chẳng biết tổng chi tiêu của M.U sẽ là bao nhiêu nữa.

Trong cách “đi chợ” của M.U Hè này có nhiều điểm khác biệt so với những lần trước đó. Nếu trước đây, Quỷ đỏ thường ngắm nghía các mục tiêu trong một thời gian khá dài trước khi đưa ra quyết định, thì bây giờ họ tiếp cận đối tượng một cách chóng vánh, đưa ra mức giá chuyển nhượng khó từ chối và mức lương hấp dẫn ngay từ đầu để có thể kết thúc thương vụ sớm nhất có thể.

Ashley Young - Tân binh trị giá 18 triệu bảng của MU

Một điểm khác biệt nữa, đó là M.U cùng lúc để mắt tới rất nhiều mục tiêu nhằm đáp ứng được nhu cầu ở nhiều vị trí. Thế mới có chuyện, từ thủ môn đến hậu vệ rồi tiền vệ, chưa mua xong người này, Quỷ đỏ đã đàm phán với người khác. Cứ như thể thị trường đang rất khan hàng. Cứ như thể, M.U ở thế quá cần người. Và cứ như thể nếu không mua sớm, M.U sẽ để mất “con mồi”.

Và một lời cảnh báo

Có tiền, có tham vọng thì mua sắm, ai cấm được! Với M.U, yêu cầu càng phải cấp bách hơn trong bối cảnh Premiership đang “chạy đua vũ trang” rầm rộ và nhất là sau 2 trận chung kết Champions League thua Barca một cách toàn diện.

Giới phân tích chỉ ra rằng mua sắm nhiều, xáo trộn nhiều thường không mang đến thành công cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn cho Quỷ đỏ. Trong lối chơi của M.U, sự kết dính, hiểu nhau sau một thời gian dài gắn bó chính là tiền đề. Những điều ấy chắc chắn không thể có được với một tập thể có nhiều gương mặt mới. Bởi với những tân binh, hòa nhập vào môi trường mới, phong cách mới đã là khó. Đòi hỏi ăn nhập để thành công ngay còn khó hơn nhiều.

Mùa rồi, không còn Gary Neville, M.U lập tức cảm thấy bấp bênh ở vị trí hậu vệ phải. Mùa tới, thiếu vắng Paul Scholes, chẳng biết khâu tiền vệ công sẽ vận hành ra sao. Cả Neville và Scholes đều gắn bó với sân Old Trafford hàng thập kỷ. Họ là cái hồn, là niềm tin của Quỷ đỏ. Không còn họ nữa, mất mát con người là một phần. Sự hụt hẫng cả niềm tin và tinh thần của M.U mới đáng sợ hơn.

Thế nên, vẫn biết Sir Alex “đi chợ” là vì điều kiện bắt buộc, nhưng có cảm giác vẫn còn điều gì đó gợn gợn, mong manh về định hướng chính sách mùa này của M.U. Từ trước tới nay, chưa ai dám bảo Quỷ đỏ dùng tiền mua danh hiệu. Từ trước tới nay, M.U xác lập vị thế chủ yếu nhờ nguồn nội lực từ Old Trafford. Bây giờ, điều ngược lại diễn ra. Vì thế, nó rất đáng đón nhận một lời cảnh báo.

Vì sao M.U chi bạo?

HLV Ferguson đang tung tẩy mua sắm. Nhiều người tự hỏi, M.U vừa thông báo lỗ nặng thì lấy đâu ra nhiều tiền đến thế?

Tháng 3/2011, M.U thông báo lỗ 108,9 triệu bảng đồng thời tổng nợ cũng lên tới 590,4 triệu bảng. Nhưng giữa lúc rất nhiều người phải hoang mang, một thông cáo từ M.U được phát ra cũng khiến khối kẻ phải giật mình: Sir Alex sẽ có ngân quỹ 165 triệu bảng để tham gia vào thị trường mùa Hè. Thử liên hệ những dữ kiện trên, bạn hẳn sẽ phải đặt câu hỏi: điều gì đang xẩy ra?

Thực tế cho thấy, BLĐ M.U không nói suông. Alex Ferguson đã “tung tẩy” trên thị trường với hầu bao đáng nể và qua đó, Old Trafford thực sự đang trải qua mùa Hè sôi động nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vậy thì phải chăng các ông chủ Mỹ không tiếc tiền? Hay họ sợ quyền lực của Sir Alex đến nỗi ngay khi ông đòi hỏi phải được bơm tiền hòng xây dựng một đế chế mới, những tấm séc đã được ký xoẹt chỉ cốt làm vừa lòng Ferguson?

Trả lời câu hỏi thứ nhất, phải nói ngay rằng nhà Glazer tuy là tỷ phú nhưng không có chuyện tiêu tiền chẳng tiếc. Bởi để mua M.U, họ chơi trò “mượn hoa dâng Phật”, vay tiền chứ chẳng dùng tiền túi. Chỉ riêng chi tiết ấy đủ thấy rằng Glazer rất tính toán nên không có chuyện vung tiền như kiểu Sheikh Mansour ở Man City hay Abramovich ở Chelsea.

Còn câu hỏi thứ hai, cũng phải khẳng định nhà Glazer rất nể Ferguson chứ còn lâu mới sợ ông già người Scotland. Trong tư tưởng của người Mỹ, ông chủ vẫn là ông chủ, còn Sir Alex dù danh vọng, tiếng tăm đến mấy vẫn cứ phải xếp dưới một bậc. Vì thế, nếu không thích thì Alex Ferguson dọa mấy, Glazer cũng chẳng cấp tiền.

Vấn đề bởi thế hoàn toàn là do ý muốn chủ quan của Glazer. Họ thua lỗ, họ nợ nần nhưng trong những bộ óc kinh doanh thiên tài, họ đều hiểu rằng càng đầu tư thêm vào M.U, mang về những ngôi sao lớn, họ càng có hy vọng thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Một ví dụ cụ thể: từ ngày Glazer đến, M.U đã có thêm hàng loạt đối tác thương mại khổng lồ, như Aon, Audi, Singha Beer, Turkish Airlines, Smirnoff, Epson, DHL. Sắp tới, họ sẽ còn tìm thêm một nhà tài trợ nước giải khát (Coke hoặc Pepsi), năng lượng và cả điện tử. Chưa kể, giá vé đến Old Trafford vẫn tăng vù vù qua hàng năm (dù liên tục bị CĐV phản đối). Tất cả đã nằm trong kế hoạch và để kế hoạch ấy diễn ra suôn sẻ, tiếng nói của M.U thêm phần sức nặng, họ buộc phải đầu tư. Nhưng tất nhiên, đấy là đầu tư cho tương lai, đầu tư để tiền lại đẻ ra tiền, để con săn sắt thả ra ngày hôm nay sẽ được trả lại bằng con cá rô của ngày mai.

(Theo báo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X