Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Man Utd: Có cánh vẫn thích hơn

Thứ Tư 31/10/2012 09:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sir Alex Ferguson đã nói rất nhiều về hàng tiền vệ kim cương trong hệ thống chiến thuật không sử dụng cầu thủ chạy cánh. Và ở Stamford Bridge đêm Chủ nhật vừa qua, M.U của ông đánh bại Chelsea bằng sức mạnh của... đôi cánh.

Dư luận bàn tán rất nhiều về hàng tiền vệ kim cương của M.U mùa này. Hệ thống chiến thuật tưởng chừng lạc hậu ấy bỗng nhiên trở nên... hiện đại dưới bàn tay của HLV lão luyện. 4 trận đá với hàng tiền vệ kim cương, không cần cầu thủ chạy cánh, M.U toàn thắng cả 4. Tính hiệu quả cao ấy đã dẫn đến những nghi ngờ rằng Sir Alex sẽ trung thành với hệ thống chiến thuật này.

Nhưng sự thực, nó chỉ giúp Sir Alex có nhiều giải pháp chiến thuật hơn mà thôi, chứ bản thân ông không hề có ý định đưa "chạy cánh" vào sách đỏ. Những năm tháng vinh quang của M.U dưới thời Sir Alex luôn gắn liền với những đôi cánh. Khi M.U trở thành đội đầu tiên vô địch Premier League, Sir Alex có Ryan Giggs và Andrei Kanchelskis. "Cú ăn ba" lịch sử gắn liền với hình bóng của Giggs và Beckham, cho dù trong trận chung kết Champions League với Bayern Munich năm 1999, Becks phải vào đá trung tâm (Scholes và Keane vắng mặt) còn Giggs chuyển sang cánh phải.

manchester united chelsea
manchester united chelsea

Lần thứ hai vô địch Champions League, ở mùa 2007-08, Cristiano Ronaldo đã chơi tuyệt đỉnh ở cánh phải. Ronaldo là một trong hai cầu thủ M.U từng đoạt Quả bóng vàng châu Âu. Người còn lại là George Best, cũng là một cầu thủ chạy cánh.

Tóm lại, Sir Alex rất giỏi khai thác vai trò của cầu thủ chạy cánh. Trận gặp Chelsea vừa qua, ông đã gây bất ngờ khi tung Ashley Young vào sân ngay từ đầu dù cựu cầu thủ của Aston Villa chỉ mới bình phục chấn thương. Chính Young đã tạo ra bước ngoặt của trận đấu khi khiến Ivanovic phạm lỗi, bị đuổi khỏi sân.

Nhưng ngôi sao sáng nhất trong chiến thắng trước Chelsea không phải là Young, mà là Antonio Valencia. Mùa này, khi các cầu thủ tấn công của M.U đá kỹ thuật và tinh tế hơn, Valencia trông rất lạc lõng. Nhưng biết dùng đúng thời điểm, đúng trận, Valencia tỏ ra cực kỳ lợi hại. Với sự trợ giúp của Rafael Da Silva ở phía sau, Valencia đã tung hoành ở cánh phải, khiến hậu vệ trái Ashley Cole của Chelsea trải qua một trận đấu khốn khổ.

Mùa trước, với hệ thống chiến thuật cố định 4-2-3-1, M.U nhiều lần rơi vào trạng thái bế tắc, dễ bị đối phương bắt bài. Nhưng mùa này, Sir Alex có nhiều lựa chọn chiến thuật hơn, tùy theo đối thủ, cách tiếp cận trận đấu.

Đá phản công, cần chạy cánh

Hệ thống hàng tiền vệ kim cương chỉ có thể phát huy hiệu quả khi họ dám đẩy cao đội hình, quyết giành quyền kiểm soát bóng ở khu vực trung tuyến, bằng mọi cách cầm bóng nhiều hơn đối thủ. Khi đã kiểm soát tốt khu vực giữa sân, các ngôi sao trên hàng công mới có thể xuyên phá hàng thủ đối phương bằng những pha phối hợp trong phạm vi hẹp.

M.U không thể đá như thế ở Stamford Bridge. Đẩy cao đội hình mà đá trước Chelsea ngay trên sân khách là quá mạo hiểm. Phòng ngự phản công gần như là sự lựa chọn bắt buộc. Khi đá phản công, cầu thủ chạy cánh luôn đóng vai trò quan trọng. Mỗi lần đoạt bóng từ chân đối phương, tuyến giữa sẽ tìm cách đẩy ra biên hoặc chuyền dài cho các cầu thủ chạy cánh.

Tính đột biến phụ thuộc rất lớn vào tốc độ của cầu thủ. Vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi Valencia được trọng dụng. Anh quá nhanh, quá mạnh mẽ và càn lướt so với một Ashley Cole đang ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Tương tự, tốc độ của Young khiến Ivanovic phải phạm sai lầm.

Để tiếp cận khung thành đối phương nhanh nhất và đơn giản nhất, trong thế trận phòng ngự phản công, Sir Alex phải cần cầu thủ chạy cánh.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X