Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Man United: Bàn về hàng thủ

Thứ Tư 16/10/2013 17:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Kể từ ngày Vidic dính chấn thương “tệ nhất sự nghiệp”, MU chưa bao giờ trở lại với hàng thủ chắc chắn như họ từng có. Giờ đây, mỗi cá nhân, mỗi vị trí đều để lại những trăn trở bởi những hạn chế của riêng mình, khiến cho MU tuy đông người nhưng chẳng thể chọn ra một dàn lá chắn đúng nghĩa để đặt niềm tin.

Vidic – Rio và một thời dĩ vãng

Chẳng phải quá lời khi nói rằng, với Rio Ferdinand cùng Vidic của thời kỳ đỉnh cao trong vòng cấm, MU đã từng có một cặp trung vệ hoàn hảo thuộc top đầu của thế giới. Ở Vidic, người ta tìm thấy hình tượng một hòn đá tảng với gương mặt lạnh lùng như một chiến binh La Mã. Chơi quyết liệt, sắc sảo, mạnh mẽ, Vidic luôn là người băng cắt, dập tắt những đường chuyền, những ý đồ tấn công, và thường xuyên là người chặn thẳng mặt các cầu thủ đối phương xâm nhập. Tố chất lì lợm, khả năng nắm vững tình thế, kiểm soát không gian, tâm lý vững vàng giúp anh không chỉ là thủ lĩnh trước mặt cầu môn, mà còn là người đội trưởng được yêu mến nhất của MU trong nhiều năm trở lại đây.

Thời đỉnh cao của Vidic - Rio Ferdinand giờ đã là dĩ vãng
Thời đỉnh cao của Vidic - Rio Ferdinand giờ đã là dĩ vãng

Nhưng bên cạnh một Vidic có phần thô ráp, chuyên gia xáp lá cà ấy, lại cần phải có sự bổ sung từ một Rio Ferdinand khôn ngoan, tinh tế. Sự lọc lõi, thiên về đọc tình huống, phán đoán di chuyển của Rio được cho là khiến anh có những nét của một trung vệ Ý, nhiều hơn là một cầu thủ phòng ngự kiểu Anh điển hình. Ferdinand ở đỉnh cao phong độ luôn là người bọc lót,giữ nhịp, đề phòng mọi biến cố xảy ra quanh khu vực 16m50 của đội nhà. Anh thường biết xuất hiện đúng lúc, đoán định tốt các pha xử lý của đối phương. Rio cũng có cánh tay rất khỏe thường được dùng khéo léo trong các pha giằng co, đua sức, tuy nhiên rõ ràng anh không phải đối thủ của những cầu thủ càn lướt có đẳng cấp nếu ở một không gian rộng và có phần bị động.

Cái thời mà chúng ta đang nói tới cũng chính là lúc Patrice Evra nổi lên như một trong những hậu vệ trái hay nhất châu Âu. “Công thủ toàn diện” là cụm từ chuẩn xác nhất để nói về hậu vệ người Pháp. Với tốc độ, khả năng che chắn, sự dứt khoát, Evra chơi rất đáng tin cậy ở hành lang biên khi phòng ngự, và kết hợp cực tốt với các tiền vệ cánh khi tấn công. Trong khi đó, Rafael với sức trẻ và chất “samba” cũng tạo nên khá nhiều những đột biến, dù không hoàn toàn xuất sắc ở phần sân nhà. Cuối cùng, sau lưng tất cả là một Van der Sar lão luyện, có tài chỉ đạo, có uy tín lớn, khiến cho các cầu thủ tuyến trên của Quỷ đỏ có thể yên tâm khi có một “hậu phương vững chắc” để dựa vào.

Thực tại mơ hồ

Tuổi tác đã lấy đi của MU gần nguyên cả hàng thủ “ngon lành” đó. Nếu như Van der Sar đã giải nghệ, thì Rio hay Vidic cũng chỉ còn là cái bóng của chính họ, điều không thể khác khi thể lực, trí lực, tất cả đã giảm sút giữa những giải đấu đỉnh cao luôn đòi hỏi một nguồn năng lượng dồi dào và một thần kinh phản xạ chớp nhoáng.

Evra thì vẫn có những pha đi bóng đẳng cấp, đột biến, nhưng sức lực không cho phép anh hoàn hảo chúng thành những cơ hội. Mặt khác, dù bỗng dưng ghi bàn liên tục ở mùa vừa qua, song ai cũng thấy Evra không còn tải được nhiệm vụ lên xuống liên hồi trong suốt 90 phút, và việc anh bị qua mặt bởi một vài động tác giả, một cú nước rút là điều xảy ra khá thường xuyên. Rafael vẫn trận hay trận dở, lại hay gặp chấn thương, nhiều khi rất hiệu quả, nhưng ở nhiều hoàn cảnh mang tính tình huống, anh vẫn bị vượt qua khá dễ dàng.

Fabio rèn luyện ở QPR dĩ nhiên không bằng Rafael rèn luyện ở MU, chẳng có vẻ gì là tiến bộ so với ngày mới “trình làng”. Cả hai anh em người Braxin này đều có một yếu điểm khá giống nhau: thiếu ổn định. Họ có thể tạo ra những pha bóng ngoài mức mong chờ ở một hậu vệ, phá vỡ những bế tắc một cách bất ngờ, nhưng trên bề dày của những phút thi đấu và những trận đấu, họ cũng rất hay nhạt nhòa, lỗi vị trí, và để cánh của mình bị khai thác sau lưng.

Phil Jones thì khá “cứng”, dùng để kèm riêng một cá nhân nào đó thì anh thường làm rất ổn. Cầu thủ người Anh cũng sở hữu đầy đủ những kỹ năng, và cả thể hình cần thiết của một trung vệ. Tuy nhiên, tầm nhìn, óc quan sát rộng, khả năng phán đoán của Jones lại không tốt lắm, nhiều lúc anh như mất hút trong những trận đấu MU bị tấn công nhiều. Và lại nữa, anh cũng thiếu ổn định, hay dính chấn thương vặt và cả chấn thương nặng.

Smalling có lẽ là người ít tiềm năng nhất trong hàng thủ MU. Anh giống như cái tên của mình, mãi không thể lớn. Không có bất cứ phẩm chất đáng chú ý nào được Smalling thể hiện, và ngay cả với vai trò dự bị thì anh vẫn không phải sự lựa chọn an toàn. Tồi tệ nhất là những lần anh được đẩy ra hai cánh, thể hình “khuềnh khoàng” khiến anh xoay xở rất chậm chạp, bị vặn sườn là điều khó tránh, nhất là khi các tiền vệ công biên thường có kỹ thuật tốt và tốc độ cao trong xử lý. Buttner cũng chưa có nhiều cơ hội ra sân lắm, nhưng khi xuất hiện anh cũng tỏ ra còn khá non nớt, đá chủ yếu bằng sự xông xáo bộc phát.

Người duy nhất đang tạo được niềm tin chính là… De Gea. Bị chê bai nhiều nhất, mắc lỗi nhiều nhất lúc ban đầu, lại sống dưới áp lực phải thành công ngay, thay thế một tượng đài, nhưng De Gea thực sự là hình mẫu phấn đấu tuyệt vời cho các cầu thủ trẻ. Anh đã luyện thể hình,hoàn thiện kỹ năng một cách lặng lẽ, để rồi trở thành một trong những thủ thành chơi ổn định nhất, xuất sắc nhất, sở hữu nhiều pha cứu thua đẹp mắt nhất của Premier League thời điểm này. Mọi thứ có vẻ nhanh chóng, nhưng rõ ràng đó là những nỗ lực khủng khiếp của thủ môn người Tây Ban Nha hòng vượt qua những thử thách tại MU.

Thực tại thì vẫn mơ hồ. Hàng thủ MU cũng chỉ là một bộ phận giữa tổng thể MU đang trong thời kỳ chuyển giao triều đại. Sẽ còn cần nhiều thời gian cho David Moyes xây dựng MU của chính ông, và hàng thủ của chính ông. Thôi, thì ta lại cứ chờ.

(Theo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X