(Bongda24h) - Chicharito được cho đang muốn rời khỏi Old Trafford nhằm tìm kiếm cơ hội được ra sân thi đấu nhiều hơn tuy nhiên với thương hiệu "sát thủ từ băng ghế dự bị" thì chân sút người Mexico rất khó chiếm được chỗ đứng chính thức tại những CLB khác bởi đơn giản, năng lực của anh chỉ được bộc lộ đầy đủ nếu được vào sân thay người. Nhà ĐKVĐ Premier League cũng cần một người như vậy thì tại sao Javier lại phải ra đi, thay vì ở lại quyết tâm chiến đấu để được lưu danh.
Gia nhập Man Utd vào năm 2010 khi mới chỉ được biết đến trong phạm vi quê nhà Mexico, "Hạt đậu nhỏ" (biệt danh chính thức tồn tại từ khi mới khởi nghiệp. Đôi lúc còn được các CĐV "biến tấu" thành "Hạt đậu thần" nhờ những bàn thắng quan trọng cho Man Utd) mau chóng tạo được dấu ấn ở đội bóng số 1 nước Anh, chỉ có điều anh hiếm khi là chính mình nếu được đưa ra sân ngay từ đầu. Những con số thống kê cũng khẳng định, Javier Hernandez thừa khả năng trở thành một "siêu dự bị" vĩ đại. Này nhé, Ole Gunnar Solskjaer, danh thủ được mặc nhiên thừa nhận là tay săn bàn "vào sân thay người" số 1 trong lịch sử Manchester United, phải mất tới 11 năm và 150 trận đấu "có mặt từ băng ghế dự bị" mới đạt đến con số 28 bàn thắng trong khi chỉ mất có 49 trận, Chicharito đã sở hữu con số bàn thắng bằng một nửa "tiền bối" người Na Uy (14 bàn).
David Moyes cần phải trọng dụng Javier Hernandez nhiều hơn
Không khó để lý giải vì sao Chicharito lại "đỉnh" đến thế sau khi được tung vào sân lúc giữa giờ. Thứ nhất, anh không được trời phú cho một thể hình cao to nhưng đổi lại, tốc độ bứt phá ở cự ly ngắn của Chicharito thuộc vào diện hàng đầu thế giới hiện nay. Thời điểm Chicharito được sử dụng thì hàng thủ đối phương ít nhiều đã bị hao tổn thể lực nên càng dễ cho anh phát huy sở trường. Thứ hai, độ nhạy cảm trong việc đánh hơi bàn thắng và khả năng chớp thời cơ của anh, đặc biệt trong phạm vi khu vực 16m50, cực kỳ tuyệt vời. Do đó, anh quá hữu dụng khi đội nhà cần tìm kiếm bàn thắng bởi hiển nhiên, những tiền đạo vào sân mang theo sứ mệnh nặng nề không được phép bỏ lỡ nhiều cơ hội ăn bàn. Thứ ba, giống như huyền thoại người Italia "Pipo" Inzaghi, anh chỉ khoái di chuyển sát hậu vệ cuối cùng của đối thủ (tức là luôn trong ranh giới việt vị mong manh) để rình rập chờ đợi dịp thuận lợi tung đòn kết liễu chứ không hề thích lùi xuống hỗ trợ tấn công hay tham gia phối hợp tạo ra bàn thắng cùng đồng đội. Vì thế, lúc Man Utd vẫn đang vận hành tốt hệ thống tấn công, chưa lâm vào bế tắc thì cần gì đến một người "ích kỷ" như Javier Hernandez, thậm chí đôi lúc còn trở thành "kẻ phá hoại" lối chơi chung. Còn những thời điểm khó khăn thì chẳng riêng Man Utd mà đội nào không phải phải cuống cuồng tìm giải pháp tháo gỡ, khiến phẩm chất đó mới có "đất diễn".
Tuy nhiên, hẳn nhiều người sẽ đặt ngược lại vấn đề: Số tiền đạo có những đặc điểm tương tự như Chicharito không phải hiếm nhưng lại chẳng thể làm được như vậy. Ở đây, cần phải nhắc đến mấy thứ nghe rất "trừu tượng" và "duy tâm": Duyên số và định mệnh. Dường như, mỗi một con người trên đời đều được Thượng đế sắp đặt cho một số phận và bạn chẳng thể thay đổi được điều đó. Chicharito sinh ra để làm "siêu dự bị". Nếu không như vậy thì vì sao tiền đạo người Mexico toàn im lặng hay để lại thất vọng khi được ra sân ngay từ đầu. Đó chính là thực tế mà anh nên chấp nhận vì ít ra, nó đã tạo ra sự khác biệt cho anh so với những tiền đạo khác. Bản thân anh và ông thầy cũ Sir Alex Ferguson từng nhiều lần cố gắng thay đổi số phận nhưng đa phần không thành công.
Từ những nhận định có thể mang tính "cảm quan" ở trên, hãy trả lời tiếp câu hỏi: Vì sao Chicharito nên ở lại Man Utd? Nếu anh chọn giải pháp ra đi thì chắc chắn chỉ có 2 con đường để lựa chọn: Hoặc gia nhập một ông lớn tầm cỡ như "Quỷ đỏ" hoặc hạ mình thi đấu cho một đội bóng nhỏ hơn. Trong trường hợp đầu tiên, khả năng Chicharito có được một vị trí chính thức trong đội hình là cực thấp bởi tất cả đã quá hiểu đâu là điểm mạnh nhất của anh. Thêm vào đó, sự cạnh tranh vị trí ở đại gia nào chẳng khốc liệt nên chỉ cần vài ba trận đấu, anh chơi kém khi hiện diện trong danh sách xuất phát thì sớm muộn, anh sẽ phải trở về băng ghế dự bị. Trường hợp thứ hai thì kiểu gì (kể cả chơi không quá xuất sắc) anh cũng đạt được ý nguyện (ra sân thường xuyên) song liệu Javier có chịu đựng nổi cảnh "trắng danh hiệu" khi mà anh mới 25 tuổi, còn rất sung sức và lắm khát khao "vươn lên tầm cao mới". Bởi vậy, khôn ngoan nhất là nên tiếp tục gắn bó với một CLB đã quá quen thuộc và phần nào chiếm được chỗ đứng. Ngoài ra, bóng đá đôi khi là câu chuyện của những khoảnh khắc. Một cầu thủ có thể ghi đến cả trăm bàn nhưng chắc gì đã được nhớ đến lâu, được lưu danh vào sử sách bằng một người sở hữu "tài lẻ đặc biệt" như giỏi nổ súng từ băng ghế dự bị giống Chicharito. Nói đâu xa, ngay cả những người hâm mộ không yêu mến gì Man Utd hẳn cũng phải biết đến cái tên Ole Gunnar Solskjaer trong khi sẽ hoàn toàn lạ lẫm với một loạt gương mặt khác dù thành tích của họ nổi trội hơn nhiều.
Tất nhiên, "có đi có lại mới toại lòng nhau". Javier Hernandez chắc chắn sẽ chẳng lăn tăn gì nếu như David Moyes ngó ngàng, tin tưởng và quan tâm đến anh hơn. Từ đầu giải đến giờ, anh chưa được sử dụng nhiều ngay cả khi đã lập công đem về thắng lợi 1-0 trước Liverpool ở Cúp Liên đoàn Anh (trận đó, anh thi đấu ... từ đầu). Mỗi khi đội nhà bế tắc, Chicharito cũng không được xem là sự lựa chọn đầu tiên của nhà cầm quân người Scotland. Giờ đây, Moyes cần phải làm cậu học trò người Mexico cảm thấy hạnh phúc và vững tâm về tương lai ở Old Trafford. Sẽ là sai lầm lớn nếu ông chấp nhận để anh ra đi bởi đội nào cũng muốn sở hữu trong đội hình một "sát thủ dự phòng" đỉnh cao như vậy.
Bảo Phương - Diemsovi.com