(Bongda24h) - Hôm 1/7 vừa qua đánh dấu 10 năm ngày vị tỷ phú quyền uy người Nga chính thức tiếp quản Chelsea. Không thể phủ nhận công lao của Roman Abramovich đại đế khi đã biến Chelsea thành một thế lực mới tại Premier League chỉ sau một thời gian ngắn (đoạt tổng cộng 13 danh hiệu lớn nhỏ) và duy trì nó cho đến tận ngày này, dù rằng The Blues cũng đã mang lại cho ông rất nhiều. Ước tính, khối tài sản khổng lồ của Abramovich đã bị giảm đi hơn 1.5 tỷ bảng do đầu tư vào Chelsea, trong đó chủ yếu dùng để nâng cấp đội hình (mua sắm cầu thủ, HLV rồi trả lương thưởng,....). Tất nhiên không phải gương mặt được mua về cũng thể hiện thành công như kỳ vọng song rõ ràng nếu thiếu đi những đồng rúp Nga thì Chelsea làm gì có được ngày hôm nay. Nào hãy cùng đánh giá một cách sơ lược về 72 bản hợp đồng tính đến thời điểm này mà Roman Abramovich đã thực hiện ở đội bóng thành London
Mùa giải 2005-2006 (Tổng chi vào TTCN: 58.4 triệu bảng)
Asier del Horno (Từ Athletic Bilbao, Giá: 8 triệu bảng): Sau hai mùa mua sắm ồ ạt, Chelsea đã có kỳ chuyển nhượng khá yên ả, chỉ bổ sung thêm vài gương mặt nhưng số lượng đâu phải lúc nào cũng đi đôi với chất lượng và Del Horno chính là một thất bại của Mourinho. Đầu quân cho Chelsea với tư cách hậu vệ đầy triển vọng của La Liga song rốt cục, Del Horno không thể thích nghi nổi với Premier League và mau chóng xếp hành lý trở về TBN chỉ sau một mùa.
Shaun Wright-Phillips (Manchester City, 24): Tài năng của tiền vệ có cha dượng là tay săn bàn huyền thoại của Arsenal, Ian Wright đã được "phát lộ" ở Man City nhưng nếu Shaun không mang quốc tịch Anh thì tin chắc, Chelsea sẽ chẳng phải bỏ ra đến 24 triệu bảng mới đem được anh về Stamford Bridge. Tuy nhiên, The Blues chắc chắn sẽ không cảm thấy tiếc tiền, một khi Shaun thể hiện được mình. Chỉ có điều, Shaun đã không đáp ứng được kỳ vọng đó. Anh thi đấu rất thất thường, trận hay trận dở nên việc gắn bó với Chelsea đến 3 năm có thể xem là một "chiến công" của Shaun. Sau đó, anh đã trở lại chốn xưa Man City rồi dần dần rơi vào quên lãng.
Lassana Diarra (Le Havre, 2): Sự thất bại của cầu thủ người Pháp ở Chelsea không hẳn do lỗi của đội bóng thành London mà một phần vì sự thiếu kiên nhẫn của bản thân Diarra. Đến Chelsea từ khi mới 20 tuổi và chưa thực sự thành danh nhưng Diarra cứ đòi được thi đấu thường xuyên, một khả năng "hoang đường" nhất là khi Chelsea chưa bao giờ thiếu tiền vệ giỏi ở thời điểm đó. Bởi thế, Lassana đã lẳng lặng chuyển sang đội bóng cùng thành phố Arsenal sau 2 năm. Cho đến giờ, tiền vệ này chỉ được nhớ đến đôi chút nhờ quãng thời gian huy hoàng ngắn ngủi ở Real Madrid. Hiện Lassana đang khoác áo Anzhi, "gã nhà giàu" nước Nga.Bản hợp đồng thành công Michael Essien
Michael Essien (Lyon, 24.4): Không chỉ tốn tiền bạc mà Chelsea còn phải bỏ ra biết bao công sức mới giành được quyền sở hữu Essien, mục tiêu nóng nhất châu Âu trong mùa hè 2005 nhờ các màn trình diễn đỉnh cao ở CLB Lyon và tiền vệ người Ghana đã chứng tỏ mình đáng giá đến từng xu. Một thời gian dài, Essien là tiền vệ trung tâm hàng đầu Premier League tuy nhiên sự nghiệp của anh liên tục bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nơi đầu gối mà trầm trọng nhất là chấn thương vào đầu mùa giải 2011-2012, khiến Essien dần mất vị trí ở Chelsea. Mùa rồi, Essien trú chân ở Real, phần nhiều vì "tin thương mến thương" của ông thầy cũ Jose Mourinho. Giờ đây "Người hạnh phúc" đã tái hợp Chelsea nên càng có lý do để Essien trở lại đội bóng song chẳng có gì đảm bảo anh sẽ được tin dùng.
Maniche (Dinamo Moscow, cho mượn): Thêm một sự ưu ái của Mourinho dành cho cầu thủ đồng hương, bất chấp tuyến giữa của The Blues đã quá chật chội. Kết cục được báo trước: Maniche gần như không được ra sân thi đấu nên chẳng đủ điều kiện trở thành một cầu thủ vô địch Premier League và lặng lẽ rời khỏi đội vào cuối mùa.
Mùa giải 2006-2007 (Tổng chi vào TTCN: 63 triệu bảng)
Henrique Hilario (Nacional, CNTD): Không mất một xu cho thủ thành chuyên dự bị như Hilario rõ ràng là một giải pháp đầy khôn ngoan. Do đó, chẳng ai bận tâm quá nhiều đến sự thể hiện của Hilario trong những lần hiếm hoi được ra sân (chỉ là thủ thành số ... 3 sau Cech và Cudicini). Ấy vây mà Hilario vẫn chịu khó gắn bó với Chelsea đến 7 năm trước khi không được ký mới hợp đồng vào cuối mùa giải vừa rồi.
Michael Ballack (Bayern Munich, CNTD): Khác với Hilario, món hàng "miễn phí" mang tên Ballack lại được đặt rất nhiều niềm tin bởi lúc đó, Ballack vẫn được xem là một tiền vệ trung tâm xuất sắc của bóng đá châu Âu và vị thủ lĩnh tối cao của ĐTQG Đức. Tuy phong độ của Ballack ở Chelsea kém hơn hẳn so với thời đỉnh cao khoác áo Leverkusen và Bayern Munich thì anh vẫn được xem là một thành công của The Blues trên TTCN.
Salomon Kalou (Feyenoord, 3): Bất chấp ghi được rất nhiều bàn thắng quan trọng cho Chelsea cũng như luôn giữ thái độ ôn hoà, không chống đối hay tỏ vẻ khó chịu khi chỉ là sự lựa chọn thứ yếu cho hàng công song cần phải thừa nhận, những gì tiền đạo người Bờ Biển Ngà đã thể hiện tại Chelsea trong 6 năm gắn bó không tương xứng với năng lực đích thực và sự chờ đợi của nhiều người. Tuy nhiên, sau khi chia tay Chelsea vào mùa hè năm ngoái, Kalou lại thi đấu khá tốt ở Lille (Pháp). Dẫu sao đó cũng là bình thường bởi Lille tất nhiên thua xa Chelsea còn Ligue 1 làm sao sánh ngang Premier League.
Andriy Shevchenko (AC Milan, 30): Mùa hè năm 2006, không ai cho rằng Chelsea đã "gà mờ" khi bỏ ra đến 30 triệu bảng mua Sheva bởi khi ấy, chân sút người Ukraine vẫn đang là nỗi ám ảnh cho mọi hàng phòng ngự ở Serie A. Thế nhưng tất cả đã phải choáng trước sự tụt dốc không phanh của Shevchenko. Từ đỉnh cao, cựu cầu thủ của AC Milan rớt thẳng xuống vực sâu. Không thể tìm ra nguyên nhân hợp lý giải thích cho câu chuyện thất bại khó hiểu của Sheva tại nước Anh và hẳn đến giờ, ngài chủ tịch Abramvich vẫn còn rất đau về thương vụ này.
Nỗi thất vọng lớn Shevchenko
John Obi Mikel (FK Lyn, 16): Chelsea đã thâu tóm cầu thủ người Nigeria một cách ngoạn mục khi thuyết phục thành công Mikel "lật kèo" Man Utd, bất chấp đội bóng thành Manchester đã thoả thuận xong xuôi hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, về sau, Chelsea phải chấp nhận trả cho Man Utd 12 triệu bảng để tránh rắc rối. Nhưng nhờ vậy, "gã nhà giàu" thành London mới nắm trong tay một tiền vệ trung tâm sáng giá mà qua từng năm, dần khẳng định chỗ đứng của mình ở tuyến giữa. Có thể Mikel không quá nổi bật song lại vô cùng ổn định, ít khi gặp chấn thương và thường xuyên chơi tốt trong những trận đấu lớn.
Khalid Boulahrouz (Hamburg, 9): Chi tiết đáng nói nhất về bản hợp đồng này là anh đeo áo .... số 9 dù thi đấu ở hàng phòng ngự chứ phong độ của "hộ pháp" người Hà Lan khá bình thường. Sau 2 năm với dấu ấn để lại rất nhỏ bé, Boulahrouz trở lại Đức khoác áo Stuggart.
Ashley Cole (Arsenal, 5 triệu bảng+ William Gallas): Thêm một thương vụ ầm ĩ của The Blues khi biến A.Cole thành "tên phản đồ" đáng ghét của người hàng xóm Arsenal mà đến giờ, nhiều CĐV Gunners vẫn thỉnh thoảng chế giễu Cole trong những trận đối đầu giữa hai đội. Thực ra, nếu Cole không duy trì được vị thế hậu vệ trái số 1 nước Anh trong nhiều năm liền thì có lẽ Arsenal chẳng phải "cay mũi" đến vậy. Có lẽ phải vài năm nữa, mới có một gương mặt ở đảo quốc sương mù đủ sức vượt mặt cầu thủ 32 tuổi này.
Mùa giải 2007-2008 (Tổng chi vào TTCN: 43.2 triệu bảng)
Steve Sidwell (Reading, CNTD): Đến Chelsea với tư cách ngôi sao sáng nhất Reading nhưng Sidwell không tài nào cạnh tranh nổi một vị trí ở đội hình chính thức dù luôn nỗ lực hết mình. Bởi thế, tất yếu, Sidwell phải ra đi sau một mùa giải ngắn ngủi và hiện đang an phận ở Fulham.
Tal Ben Haim (Bolton, CNTD): Nhờ yếu tố miễn phí, Ben Haim đã được kéo về để làm "dự phòng" cho hàng thủ. Bởi thế, bất chấp cầu thủ người Israel đã chứng tỏ được mình khi những trung vệ đầu bảng (Terry, Carvalho) dính chấn thương, Ben Haim vẫn bị xem thường dù dẫn dắt đội bóng lúc đó là ông thầy đồng hương Avram Grant, một "tay chân thân tín" của Abramovich và đảm trách vai trò HLV tạm quyền đến hết mùa sau sự ra đi của Jose Mourinho. Thậm chí, Ben Haim còn từng phải nhận án phạt vì cái tội đả kích ... Grant. Do vây, việc Ben Haim chia tay Chelsea vào cuối mùa không làm ai bất ngờ.
Claudio Pizarro (Bayern Munich, CNTD): Thêm một gương mặt được đưa về không mất một xu và cũng giống hai đồng đội phía trên, Pizarro không chứng tỏ được gì nhiều dù ở Bundesliga, tiền đạo kỳ cựu người Peru luôn là tay săn bàn đáng gờm tại Bayern Munich hay Werder Bremen. Nên mối tình giữa hai bên chỉ kéo dài 2 năm, trong đó 1 năm Pizarro trở về Đức thi đấu theo diện cho mượn.
Florent Malouda (Lyon, 13.5): Tiền vệ người Pháp là điển hình cho kiểu đối xử "vắt chanh bỏ vỏ" khá quen thuộc trong làng bóng đá. Có thời điểm, vị trí của Malouda ở Chelsea là "bất khả xâm phạm" và những đóng góp của anh cho đội bóng cao gấp nhiều lần so với số tiền đã được bỏ ra, đặc biệt trong mùa giải 2009-2010 khi Chelsea giành cú đúp danh hiệu trong nước (Premier League, cúp FA). Ấy thế mà, chỉ vì Malouda đã nhiều tuổi, không còn phù hợp với kế hoạch phát triển của đội bóng cộng thêm cái tính "cứng đầu" (nhất quyết không chịu ra đi) mà mùa vừa rồi, Malouda bị đội bóng đang tâm đầy xuống luyện tập cùng lớp trẻ kế cận, thậm chí phải ở lại cho đến hết hợp đồng (chính thức chấm dứt vào ngày 30/6 vừa rồi). Kết cục thật bi đát cho người hùng một thời.
Malouda: Từ người hùng hoá người thừa
Juliano Belletti (Barcelona, 3.7): Đến Chelsea từ "gã khổng lồ" xứ Catalan khi đã bước qua thời kỳ đỉnh cao song Belletti vẫn làm ban huấn luyện và người hâm mộ hài lòng nhờ tinh thần cháy hết mình trong những lần được ra sân thi đấu. Ngoài ra, thỉnh thoảng Belletti còn ghi bàn bằng những cú sút xa uy lực. Vì thế, Belletti mới gắn bó với The Blues tới 3 năm trước khi quay về quê nhà Brazil chấm dứt sự nghiệp quần đùi áo số.
Nicolas Anelka (Bolton, 15): Tiền đạo đến từ xứ sở lục lăng nổi tiếng "thay CLB như thay áo" nên hẳn phải có nguyên nhân nào đó mới khiến Anelka khoác áo Chelsea đến 4 năm. Thực ra, cũng rất dễ hiểu: Anelka được đội bóng đối đãi quá tử tế và anh cũng luôn khẳng định được mình. Ban đầu, những tưởng Anelka không thể kết hợp nổi với Drogba trên hàng công (thực tế, khi Drogba chơi tốt thì Anelka thể hiện kém và ngược lại) nhưng dưới quyền của Ancelotti, họ đã tạo thành cặp sát thủ đáng sợ. Ngoài 3 danh hiệu lớn đoạt cùng Chelsea (1 Premier League, 2 cúp FA), Anelka còn đoạt giải "Vua phá lưới" ở mùa bóng 2009-2010.
Branislav Ivanovic (Lokomotiv Moscow, 9): Hậu vệ người Serbia nằm trong số ít những gương mặt "rẻ mà chất" được chủ tịch Abramovich duyệt mua. Hồi còn khoác áo Lokomotiv, tiếng vang mà Ivanovic tạo ra chưa lớn nên The Blues chỉ mất chưa đầy 10 triệu bảng là đã có được anh. Do vài vấn đề về mặt sức khoẻ bởi giải VĐQG Nga kết thúc quá muộn, chỉ vài tháng trước khi hạ màn Premier League nên chính xác phải tới mùa bóng 2008-2009, Ivanovic mới được ra sân thi đấu ở đội 1. Không mất nhiều thời gian, anh đã chứng tỏ được mình. Không cạnh tranh nổi suất trung vệ đá chính, Ivanovic chấp nhận bị đẩy sang cánh phải của hàng phòng ngự và dần dần, Ivanovic đã hoàn thiện mọi kỹ năng của một hậu vệ cánh xịn để rồi giờ đây không nhiều người còn nhớ xuất thân ban đầu của anh. Vài năm qua, cùng với Terry, Ivanovic là cái tên không thể thay thế nơi hàng thủ Chelsea.
Franco di Santo (Audax Italiano, 2): Do Chelsea không áp dụng chính sách "phát triển bền vững" giống Arsenal hay Man Utd nên chẳng có gì khó hiểu khi các sao trẻ có rất ít cơ hội chứng tỏ mình ở đây. Bởi vậy, những trường hợp thất bại như Di Santo chẳng phải quá hiếm gặp. Sau khi rời khỏi Chelsea vì không muốn tiếp tục chôn vùi tài năng, Di Santo đã tiến bộ đáng kể ở Wigan.
Mùa giải 2008-2009 (Tổng chi vào TTCN: 24.2 triệu bảng)
Deco (30, Barcelona £8m): Ngay khi lên nắm quyền, Scolari đã xác định ngay cậu học trò cũ ở ĐTQG Bồ Đào Nha, Deco là mục tiêu số 1 cần tuyển mộ. Tuy nhiên, khi đó, cầu thủ gốc Samba không còn trên đỉnh cao phong độ và rồi chính Deco đã làm ông thầy yêu quý phải thất vọng não nề. Scolari ra đi sau hơn nửa mùa giải và sự nghiệp của Deco ở Chelsea coi như chấm dứt. Song Deco vẫn "cố đấm ăn xôi" đến tận hết mùa giải 2009-2010 và hoạ hoằn lắm, cái tên của anh mớ xuất hiện trên mặt báo nhờ phong độ trên sân cỏ.
Jose Bosingwa (Porto, 16.2): Sau Euro 2008, Bosingwa nổi lên như là hậu vệ phải sáng láng của bóng đá châu Âu nên tất cả đều "trầm trồ" khi Chelsea nhanh tay chộp lấy cầu thủ này. Song hoá ra, Bosingwa đâu phải tài năng siêu việt gì mà chỉ là hiện tượng nhất thời. Thực ra, không hẳn tuyển thủ quốc gia BĐN thể hiện quá dở mà màn trình diễn của anh dưới mức kỳ vọng của CLB và trình độ không cao hơn mặt bằng chung bao nhiêu. Nhưng do Chelsea cũng cần dự bị cho hàng thủ nên thâm niên của Bosingwa ở Chelsea mới kéo dài tới 4 năm, qua đó giúp anh thâu tóm được vài danh hiệu cao quý (Premier League, Champions League, cúp FA) dù đóng góp của Bosingwa trong mấy chiến công đó không đáng kể.
Mineiro (Hertha Berlin, CNTD): Liệu có còn CĐV Chelsea nào nhớ đến cái tên này. Không hiểu vì lẽ gì (miễn phí và ... đồng hương?) mà Scolari lại đưa về Stamford Bridge một cầu thủ đã 32 tuổi mà danh tiếng vô cùng nhỏ bé. Dường như đến bản thân nhà cầm quân người Brazil cũng "mơ hồ" về Mineiro. Bằng chứng: sự nghiệp của Mineiro ở Chelsea chỉ gói gọn trong 2 lần duy nhất được ra sân và không để lại được dấu ấn nào.
Ricardo Quaresma (Inter Milan, mượn): Tiền vệ này chắc chắn là một ngôi sao trên ... Youtube khi các đoạn clip ngắn ghi lại các pha xử lý đậm chất ngẫu hứng của anh thu hút hàng triệu lượt xem (kỹ thuât đặc trưng nhất của Quaresma là rabona, vắt chéo chân). Tuy nhiên, bóng đá đâu phải đơn giản chỉ là mấy trò vẽ vời, múa may trên sân. Ngoài đôi lần cao hứng trổ tài, Quaresma chẳng thể hiện được nét gì khác của một tiền vệ cánh tài ba. Dù lúc đặt chân lên Chelsea, Quaresma đã thốt ra biết bao lời có cánh (đây là CLB trong mơ và sẽ giúp tôi tìm lại cảm giác chơi bóng) nhưng cuối cùng, anh cũng không chứng tỏ được gì trong nửa mùa giải và đành "khăn gói quả mướp" trở về Inter, cái nơi mà anh vừa "chê bai".
Bảo Phương - Diemsovi.com