Thứ Hai, 06/01/2025 Mới nhất
Zalo

Đại chiến Liverpool - Man Utd: Trăm năm thù hận...

Thứ Sáu 21/09/2012 11:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cuối tuần này, trận derby kinh điển đầu tiên của mùa giải sẽ diễn ra, và đó là cuộc đụng độ nóng nhất, kình địch nhất, nghiệt ngã nhất trong lịch sử bóng đá Anh suốt gần 100 năm. Một trận đấu không nằm trong "hệ thống quy chuẩn derby", nhưng người ta vẫn phải xếp nó là derby: Liverpool - Man Utd!

1. Ngày 03/03/2007, Anfield như muốn thiêu cháy những người có mặt ở đó. Trận đấu sớm nhất vòng 29 Premier League 2006/07 diễn ra vào lúc 13h45 (giờ địa phương), được truyền hình trực tiếp đến 198 nước, thu hút sự chú ý của hàng trăm triệu người. Trận đấu huy động 2/3 lực lượng cảnh sát thành phố Liverpool bảo vệ SVĐ và bán kính 5km bên ngoài, tránh xảy ra loạn đả tương tự vụ chặn xe cứu thương chở Alan Smith (M.U) trong trận đấu trước đó ở Anfield. Một trận cầu kinh điển nhưng căng cứng vì sức ép, thậm chí P.Scholes còn nhận thẻ đỏ (87’).

Nhưng đúng phút bù giờ cuối cùng, John O’Shea ghi bàn duy nhất. Chiến thắng giúp M.U chạm một tay tới chức vô địch đồng thời vùi dập luôn hy vọng bám đuổi của Liverpool. Bàn thắng ấy là điểm nhấn huy hoàng nhất trong sự nghiệp của O’Shea khi khoác áo M.U. Nó ý nghĩa đến mức Gary Neville phải nói: “Tôi mơ ước cả đời để có một bàn thắng như vậy!”.

Trận Liverpool - M.U luôn kịch tính và rất đáng được chờ đợi
Trận Liverpool - M.U luôn kịch tính và rất đáng được chờ đợi

Sự kình địch giữa Liverpool và M.U không chỉ là một trận thắng, mà là một câu chuyện dài không có hồi kết giữa hai thành phố cách nhau gần 60km, được nối bằng con đường M62, giữa hai “thế lực đỏ” dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

2. Giống như nhiều trận chiến lớn khác, Manchester và Liverpool là thành phố của những tầng lớp lao động, của dân nhập cư khổng lồ đa số đến từ Ireland. Hai thành phố nằm cạnh nhau là hai khu vực kinh tế hùng mạnh có quan hệ gần gũi vào thế kỷ 19. Liverpool tự coi mình sở hữu bến cảng lớn nhất thế giới, mở cửa ngõ thông thương sang Bắc Mỹ. Còn Manchester được gọi là “Cottonopolis”, là trung tâm bông sợi, là thành phố cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Họ quan hệ với nhau trên khẩu hiệu: “Manchester sản xuất, Liverpool thương mại!”.

Sự hợp tác giữa họ được dự đoán sẽ đưa khu vực này lên một tầm cao khi con đường sắt đầu tiên nối hai thành phố xuất hiện năm 1830. Nhưng đó cũng là lúc cuộc chiến bắt đầu, với sự ra đời của CLB Newton Heath (M.U sau này), và sự suy thoái kinh tế vào năm 1878. Phía Liverpool cáo buộc Manchester đã tăng giá bông quá cao và cản trở việc xuất khẩu của họ, đồng thời cũng gây áp lực trong việc vận chuyển hàng hóa. Tức mình, Manchester đề xuất xây dựng một cửa ngõ riêng, Manchester Ship Canal ra đời, bất chấp sự phản đối dữ dội từ Liverpool. Khi xuất hiện, Manchester Ship Canal trở thành bến cảng sầm uất thứ 3 tại Vương quốc Anh, còn cảng Liverpool ngày càng vắng vẻ…

Tập trung vào cảng, công nghiệp dệt bông vải của Manchester suy yếu và kéo theo cả Liverpool cũng bị ảnh hưởng. Kinh tế tổn hại khiến M.U, Liverpool cũng sa sút, và đó là lý do tại sao sau Thế chiến 2, Man City và Everton mới là thế lực của Manchester và Liverpool. Các cầu thủ M.U và Liverpool khi đó còn… “hòa thuận”, họ đến xem nhau thi đấu và có quan hệ khá thân thiết. Đó cũng là lý do làm xuất hiện huyền thoại ở cả hai đội bóng như Sir Matt Busby.

3. Sự kình địch giữa họ quay trở lại vào thập kỷ 60, khi M.U 2 lần VĐQG, đoạt Cúp C1. Khi đó, cả hai ngấm ngầm có một quy tắc chung: không mua bán trực tiếp cầu thủ của nhau và người cuối cùng “thông thương” giữa hai CLB này là Phil Chrisnall (1964). Về sau này có sự trao đổi giữa hai CLB nhưng chỉ là gián tiếp. Ví dụ Owen đến M.U khi khi khoác áo Real, Newcastle, P.Ince khoác áo Inter trước khi đến Liverpool… Thành công của Liverpool ở thập kỷ 70, 80 càng làm làm dày thêm sự hận thù, xung đột giữa hai bên. Đến mức HLV R.Atkinson (người Liverpool, làm HLV M.U) đã phải so sánh nó giống như cuộc chiến tranh ở Việt Nam (tất nhiên, chỉ là một cách ví von tương đối vì ông đâu có hiểu rõ cuộc chiến tranh này).

Các CĐV Liverpool thường xuyên “bêu riếu” M.U với những bài hát về thảm họa Munich 1958, và họ chỉ dừng lại sau khi xảy ra sự kiện Hillsborough năm 1989. Nhưng đến lúc này, CĐV M.U trả đũa và chế các bài hát về Hillsborough, coi Liverpool như những kẻ giết người. Thập kỷ 80 đánh dấu cuộc chạy đua tài chính giữa MU-Liverpool. Khi Liverpool thành công, họ gặp phải rào cản hooligan (đỉnh điểm là vụ Hillsborough), phải hạn chế khán giả vào sân, trong khi M.U liên tục mở rộng Old Trafford, và trở thành thế lực tiền bạc cho đến khi gia đình Glazer xuất hiện. Đến nay, sân Old Trafford vẫn nhiều hơn 30.000 chỗ so với Anfield, thu nhập hơn 1,4 triệu bảng mỗi trận sân nhà. Và bước chạy đua tiếp theo là Liverpool cũng đang lên kế hoạch xây SVĐ mới với ông chủ J.W.Henry.

4. Khoảng chục năm trước, CĐV M.U thường chào đón đối thủ bằng những bức họa graffiti vẽ trên cây cầu trên con đường M62, bằng những khẩu hiệu khiêu khích kiểu “Chào mừng đến Old Trafford, những kẻ giết người đốn mạt!”… CVĐ Liverpool cũng đáp trả bằng hàng trăm cách đầy sáng tạo. Trên khán đài thì luôn có những bài hát chẳng khác gì “hò đối đáp” giữa các nhóm CĐV. Đây là nét đặc trưng của các trận Liverpool-M.U. Nhưng có lẽ, ngoài sự thù địch kéo dài như một truyền thống, giữa M.U và Liverpool cần phải có một cuộc chiến thực sự trên sân cỏ, khi M.U đã thống trị quá lâu trong sự tuyệt vọng của Liverpool…

(Theo báo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X