Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Các xu hướng chiến thuật tại Premier League 2013-14

Thứ Bảy 17/05/2014 05:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Premier League vốn không nặng tính chiến thuật, nhưng mùa giải này thì hoàn toàn khác. Với rất nhiều HLV mới, giải đấu này đã mang đến những xu hướng chiến thuật rất thú vị, đặc biệt là về mặt đội hình. Hãy cùng nhìn lại mùa giải vừa qua, trên góc độ này.


Sự trở lại của sơ đồ 2 tiền đạo

Trong vài năm gần đây, hệ thống hai tiền đạo không còn được ưa chuộng nhiều như trước nữa, nhưng ở mùa giải vừa qua, các CLB hàng đầu tại Premier League lại áp dụng nó một cách thường xuyên hơn.  Sau thành công của Barca, rất nhiều CLB đã cho rằng cứ tập trung thật đông tiền vệ là cách tốt nhất để thống trị thế trận, điều đó có nghĩa chỉ có 1 tiền đạo phía trên. Nhưng lối chơi thiên về kiểm soát bóng không phải lúc nào cũng hữu dụng. Với các đội bóng không phụ thuộc quá nhiều vào điều đó, hai tiền vệ trung tâm là đủ và vì thế chúng ta lại được thấy sơ đồ 2 tiền đạo theo kiểu cổ điển.

Suarez - Sturridge sẽ lại chắp cánh cho Liverpool bay cao?
 
 
Man City đã vô địch Premier League mùa này bằng sơ đồ 4-4-2 được điều chỉnh một chút so với kiểu cổ điển. Theo đó, Aguero sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Alvaro Negredo hoặc Edin Dzeko. Á quân Liverpool, dù từng thử nghiệm sơ đồ 3-4-1-2 và sau đó là hàng tiền vệ hình kim cương, nhưng luôn tạo điều kiện để Luis Suarez và Daniel Sturridge thi đấu ở vị trí sở trường. Việc bộ đôi này góp 52/101 bàn là một minh chứng cho sự hợp lý của lối chơi này. 

Man United thường chơi với sơ đồ 4-2-3-1, nhưng thực tế, Wayne Rooney và Robin van Persie là một bộ đôi tiền đạo cổ điển. Ở White Hart Lane, kể từ khi Tim Sherwood được bổ nhiệm, Tottenham đã từ bỏ sơ đồ 1 tiền đạo dưới thời Villas-Boas.

Tuy nhiên, Southampton lại đi ngược với xu thế trên. Họ từng cố gắng kết hợp Rickie Lambert với Dani Osvaldo nhưng bất thành, và sau khi trở lại với 4-2-3-1 thì lại thành công. Một số đội như Swansea, Norwich, Hull và Fulham thì lại luân phiên giữa hai hệ thống trên. Thật ra, hệ thống hiện đại có rất nhiều biến thể dựa trên 4-2-3-1. Và người chơi ở vị trí số 10 - tiền vệ trung tâm nhạc trưởng hay tiền đạo lùi - sẽ quyết định số lượng tiền đạo mà HLV sẽ sử dụng.

Sơ đồ 3 trung vệ hồi sinh

Một khái niệm cũng được nhắc tới thường xuyên hơn ở mùa giải này là hàng thủ 3 trung vệ. Cho tới đầu thế kỷ 21, bóng đá Anh vẫn còn ám ảnh với hệ thống 3-5-2, và đến tận mùa 2008-09, gần như không có CLB Premier League nào áp dụng lối chơi này. Nhưng ở mùa giải vừa qua, chúng ta đã chứng kiến không ít đội bóng theo đuổi nó.

Hồi đầu mùa, HLV Brendan Rodgers từng thử nghiệm sơ đồ 3-4-1-2 với tư duy tấn công hơn phòng ngự. Quả thực, cặp SAS đã ghi bàn với hiệu suất đáng sợ, nhưng hàng thủ của họ hiếm khi vững chắc. Thật ra, Rodgers đã sử dụng hàng thủ 4 người ở 5 trận đầu với hiệu số bàn thắng bại là 6-3. Ở 5 trận sau, họ lại dùng hàng thủ 3 người (khi Suarez đã trở lại) và đạt hiệu số 12-7. Rõ ràng sơ đồ này đã tăng cường khả năng ghi bàn, nhưng lại gây nên những vấn đề ở tuyến dưới. Sau thất bại 0-2 tại Emirates hồi tháng Mười một, Rodgers không bao giờ trở lại sơ đồ ấy nữa.

Hull City là một ví dụ khác. Họ có khá nhiều trung vệ chắc chắn, nhưng trước khi Nikica Jelavic và Shane Long gia nhập hồi tháng Giêng, họ rất thiếu hỏa lực tấn công. Chính vì thế, Hull thường xuyên tập trung vào việc phòng ngự bằng cách bố trí thêm một hậu vệ, và đặt hy vọng vào những pha phản công và tình huống cố định. Steve Bruce đã sử dụng 3-5-2 hoặc 5-3-2 trong hơn một nửa số trận của Hull.

Vấn đề cốt yếu của sơ đồ 3 trung vệ là nó giúp đội bóng dễ đối phó hơn với 2 tiền đạo. Theo đó, hai người đá “dập” sẽ áp sát đối phương, còn người đá thòng sẽ thoải mái trong việc bọc lót. Như vậy, sự trở lại của 4-4-2 đã dẫn đến màn hồi sinh của sơ đồ 3 trung vệ. Mùa này, Sunderland, Newcastle, Fulham, West Brom, Cardiff và Everton đều đã từng thử sơ đồ này, nhưng chỉ trong một vài trận.

Tạt bóng tệ chưa từng thấy

Đó từng là một đặc sản của bóng đá Anh, nhưng đã nằm ở thì quá khứ. Mùa giải vừa rồi, Man United từng lập kỷ lục 81 cú tạt bóng trong trận hòa 2-2 trên sân nhà trước Fulham, mà chẳng làm nên trò trống gì.

Tạt bóng không còn là thứ vũ khí chiến lược hàng đầu nữa, lý do: lối đá ấy quá dễ đoán. Trung vệ Dan Burn của Fulham bình luận khá mỉa mai “Từ hồi còn đá ở Conference, tôi chưa bao giờ đánh đầu phá bóng nhiều như thế. Tôi biết thừa những đường tạt ấy sẽ đi đến đâu và thật vui vì họ (Man United) đã chơi như thế”. Rene Meulensteen, cựu trợ lý Man United và sau đó dẫn dắt Fulham, thì tuyên bố: “Họ đã lên kế hoạch trước, và liên tục tạt bóng từ những góc rộng. Với một hàng thủ có tổ chức, quá dễ để ngăn cản”.

Tại West Ham, Sam Allardyce cũng thường xuyên dựa vào các pha tạt bóng từ hai bên cánh của Matt Jarvis và Stewart Downing. Andy Carroll là điểm đến cuối cùng và Kevin Nolan sẵn sàng tiếp ứng. Hồi đầu mùa, kế hoạch ấy bất thành bởi chấn thương của Carroll và các CĐV West Ham thì bày tỏ sự thất vọng khi Allardyce vẫn cố gắng áp dụng phong cách ấy.

Tạt bóng, tất nhiên, vẫn có tác dụng đáng kể, nhưng chỉ khi nó kết hợp với những đường chuyền vào khoảng trống và một tuyến giữa được bố trí khoa học. Lối chơi ấy có thể mở đường cho các đợt tấn công từ bên cánh thay vì sự chật chội ở trung lộ, và tất nhiên,có thể kéo giãn hàng phòng thủ đối phương.

Những thủ môn “quét”

Các thủ môn không phải đơn giản chỉ đứng trong khung thành để cản phá bóng, mà khả năng phân phối bóng của họ cũng rất quan trọng. Nhưng mùa này, có một xu hướng đáng chú ý khác: thủ môn có thể dâng cao hơn để đá như một hậu vệ thòng.

Hugo Lloris chính là ví dụ rõ rệt nhất. Anh luôn cảm thấy thoải mái khi dâng cao ở ngay sau bộ tứ vệ. Mặc dù đã mắc vài sai lầm ở mùa giải này, nhưng thủ thành người Pháp đã chơi khá thành công ở những tình huống như vậy.

Tim Howard cũng coi Lloris là một hình mẫu. Roberto Martinez cho phép Everton đá cao hơn so với thời của David Moyes. Và như vậy, Howard đã thay đổi phong cách của  mình. Trong trận hòa 1-1 trên sân Emirates hồi tháng Mười hai năm ngoái, thủ thành người Mỹ đã có một loạt những pha can thiệp kịp thời khi dâng cao hơn.

Tất nhiên, các thủ môn cần phải tự tin với kỹ năng dùng chân của mình. Artur Boruc đã mắc một sai lầm hài hước trên sân Arsenal khi cố gắng rê dắt. Anh cũng từng là nạn nhân của một người đồng nghiệp bên kia khung gỗ, Asmir Begovic, với một bàn thắng từ cự ly… 90 mét.

Pressing ở tuyến giữa

Thành công của Pep Guardiola cùng Barca khiến rất nhiều CLB tại Premier League cố gắng học theo họ. Màn trình diễn đáng chú ý nhất là chiến thắng 6-0 của Chelsea trước Arsenal hồi tháng Ba vừa qua. David Luiz và Nemanja Matic kiểm soát hoàn toàn tuyến giữa bằng sức mạnh của mình. Họ cắt mọi đường chuyền của Arsenal và giành bóng rất nhanh trước khi đẩy lên cho các tiền đạo.

Arsenal cũng là nạn nhân bởi lối đá tương tự, khi gục ngã 1-5 ở Anfield. Trên hàng tiền vệ Liverpool hôm ấy. Jordan Henderson cung cấp năng lượng còn Philippe Coutinho tắc bóng dữ dội đến đáng ngạc nhiên trong khi Steven Gerrard và Jon Flanagan bám chặt đối phương và giành bóng rất nhanh. Thực tế, Liverpool là đội bóng tắc bóng nhiều nhất ở mùa giải này.

Stoke City cũng xứng đáng được ngợi khen bởi khả năng gây sức ép. Trận hòa Man City hồi đầu mùa là minh chứng cho việc một đội bóng chiếu dưới có thể đối phó với hàng tiền vệ trên cơ hoàn toàn. Mùa này, Mark Hughes cũng đưa Stoke lên vị trí cao nhất trong lịch sử Premier League (hạng 9) nhờ sức mạnh tuyến giữa.   

Thật ngạc nhiên, chính Southampton là đội bóng gây sức ép ấn tượng nhất ở mùa giải này. Họ lập kỷ lục về tỷ lệ kiểm soát bóng của Premier League, dù chỉ đứng thứ 9 về hiệu suất chuyền bóng chính xác. Họ không kiểm soát thế trận thông qua khả năng giữ bóng mà là nhờ cách giành lại nó rất nhanh.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X