Thứ Tư, 08/01/2025 Mới nhất
Zalo

Arsenal: Khi thuốc súng cũng nhuốm mùi cảm tính

Thứ Bảy 27/10/2012 14:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mọi chuyện đang trở nên thật tồi tệ. Arsenal đã trắng tay 7 năm, vừa tụt xuống thứ chín ở Premier League và chịu thua một trận tâm phục khẩu phục ở Champions League. Nhưng có thật là cả thế giới đang quay lưng lại với họ?

1. HLV Arsene Wenger đã phải lên tiếng trấn an các CĐV Arsenal, trong một cuộc họp báo mới đây. Ông chủ Stan Kroenke cũng đã phải đứng ra giải thích về tham vọng của đội bóng. Đó là lần đầu tiên ông chủ người Mỹ này chịu đăng đàn để công khai bày tỏ chính kiến về những gì đang xảy ra với đội bóng của mình, kể từ khi chính thức sở hữu CLB vào năm 2007. Tức là áp lực từ dư luận về thành tích của đội bóng có lẽ đã lên đến đỉnh điểm.

Nhưng tất cả những phán xét ấy phải chăng chỉ là cảm tính?

Trắng tay 7 năm chưa phải là thảm họa. Manchester United, đội bóng thống trị kỷ nguyên Premier League, đã phải chờ 35 năm để một lần nữa đội lên đầu vương miện của bóng đá Anh. Chức vô địch giải quốc nội cuối cùng của Liverpool là ở mùa 1989-1990, và trừ chiếc Cúp Liên đoàn nhỏ bé giành được vào năm nay, danh hiệu cuối cùng mà đội áo đỏ giành được là FA Cup năm 2006. Manchester City, đội ĐKVĐ bóng đá Anh, đã trải qua 35 năm trắng tay trước khi giành được chiếc Cúp FA cách đây hai năm, và để bước lên bục podium của bóng đá Anh, các CĐV của họ đã phải chờ 44 năm.

arsene wenger
 

Nói như thế để thấy rằng những thống kê luôn mang màu sắc cảm tính. 7 năm trắng tay của Arsenal chưa phải là một thảm họa, và nếu so với chính sách đầu tư ít ỏi của họ, đó thậm chí còn là một thành công.

2. Tính riêng trong kỷ nguyên Premier League, Arsenal đã tiêu tổng cộng gần 386 triệu bảng*, nhưng họ vẫn là một trong những đội thành công bậc nhất trong kỷ nguyên Premier League, với 3 chức VĐQG, 5 FA Cup, 4 Cúp Community Shield.

Manchester United, đội bóng vĩ đại nhất của kỷ nguyên Premier League, đã chi 533 triệu bảng để mua cầu thủ trong hai thập niên qua, và họ vốn được coi là đội bóng chi tiêu thành công bậc nhất châu Âu. Arsenal có thể chưa đạt đến tầm như thế, nhưng so với Liverpool, đã tiêu 581 triệu bảng và không vô địch bóng đá Anh một lần nào, hay Manchester City, mất 703 triệu bảng tăng cường lực lượng, thì Arsenal vẫn xứng đáng là một biểu tượng của Premier League.

Chelsea, cũng vô địch Premier League 3 lần, FA Cup 4 lần, Community Shield 5 lần và trên hết là một Champions League mùa trước, đã tiêu tổng cộng 824 triệu bảng. Nhưng thật khó hiểu là vào mùa bóng tằn tiện bậc nhất của họ trong kỷ nguyên Abramovich (Chelsea chỉ tiêu 24,6 triệu mùa trước), thì họ lại giành được chiến quả vĩ đại nhất là Champions League.

Vậy thì tài chính chỉ là một phần, chứ không phải nhân tố định đoạt xem anh có phải một kẻ vĩ đại hay không. Nhìn vào những thống kê ở trên, chúng ta hiểu rằng nhận xét Arsenal không giành vinh quang vì tiền âu cũng là một nhận xét cảm tính.

3. Cái định đoạt xem một đội bóng có phải là vĩ đại hay không nằm ở khả năng thích ứng và hoàn thiện mình của họ. Chúng ta đã từng coi Manchester United là đội đá đẹp nhất Premier League vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, với lối chơi ban bật một chạm bắt mắt và tư tưởng cống hiến đến phút chót.

Nhưng chúng ta cũng đã thấy họ thích ứng tốt thế nào, khi bóng đá hiện đại ngày một thực dụng hơn, chiến thắng khó khăn hơn, và M.U không còn ngân sách để mua những cầu thủ đắt giá. Cho đến bây giờ, M.U vẫn là cỗ máy kiếm tiền tốt nhất thế giới, nhờ những gì họ đã gây dựng trong quá khứ, và những chiến thắng tạo dựng từ lối chơi khá già dơ của hiện tại.

Ngược lại, vấn đề bản lĩnh đã được nhắc đi nhắc lại trong 7 năm trắng tay của Arsenal, nhưng giải quyết nó vẫn là việc giậm chân tại chỗ. Các CĐV của họ luôn thiếu sự an tâm với đội bóng của mình, nhưng tạo được sự an tâm ấy, ngoài những lời trấn an suông, vẫn chỉ dừng lại ở những lời nói sáo rỗng trong gần một thập kỷ qua.

Arsenal luôn tự hào là họ đá đẹp, nhưng cái đẹp ấy thật ra cũng không còn, một khi thiếu đi chất liệu để xây đắp nó. Sự tinh tế của Dennis Bergkamp, Thierry Henry, hay cách mà Tony Adams, hay Patrick Vieira bảo vệ cái đẹp của họ, là điều mà thế hệ hiện tại không có được.

Chính vì thế, mọi chỉ trích cho rằng Arsenal trắng tay vì tài chính cũng là cảm tính, và cái mác đá đẹp họ tự gán cho mình cũng chỉ còn trong tiềm thức được xây dựng từ quá khứ. Arsenal không trắng tay vì ít tiền, họ chỉ trắng tay vì công chúng đánh giá họ quá cao.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Mổ băng Liverpool 2-2 Man Utd: Vai trò khác thường của Bruno Fernandes và sự vất vả của Trent Alexander-Arnold

Mổ băng Liverpool 2-2 Man Utd: Vai trò khác thường của Bruno Fernandes và sự vất vả của Trent Alexander-Arnold

Mổ băng Liverpool 2-2 Man Utd: Vai trò khác thường của Bruno Fernandes và sự vất vả của Trent Alexander-Arnold

Khi các cuộc thảo luận sau một trận đấu tập trung vào một cầu thủ vốn đã “chiếm sóng” hàng loạt dòng tít trong những ngày trước đó, sẽ rất đáng để đặt câu hỏi rằng liệu việc dư luận chăm chăm “mổ xẻ” màn trình diễn của anh ta có hợp lý hay không, hay chỉ đơn thuần do anh ta là một chủ đề “thuận mồm” hơn để bàn tán.

Video

Xem thêm
top-arrow
X