Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Jose Mourinho và cuộc khủng hoảng về triết lý

Thứ Hai 19/10/2015 08:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chelsea chưa thật sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng dù mới giành chiến thắng trước Aston Villa. HLV Jose Mourinho vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Đâu là giải pháp tháo gỡ?


Bước ngoặt từ đầu mùa tới nay của CLB Chelsea có lẽ nằm ở thất bại 0-3 trước Manchester City ở vòng 2 giải Ngoại hạng Anh ngày 16/8 vừa qua. Không chỉ là trắng tay, cái cách các nhà đương kim vô địch bị đối phương áp đảo rồi nghiền nát quả thực rất đáng xấu hổ. Kể từ đó, Chelsea đến giờ chưa thể ngóc đầu lên nổi. Họ đã thua tới 4 trận chỉ sau 8 vòng đầu tiên của giải bao gồm 2 tại sân nhà trước Crystal Palace và Southampton còn lại là 2 trận hòa và chỉ 2 chiến thắng. Hiện Dùng từ khủng hoảng để nói về họ chắc chắn không phải quá lời.

Jose Mourinho va cuoc khung hoang ve triet ly hinh anh
Thất bại muối mặt trước Man City đã khiến Chelsea bị sốc

Cũng có thời điểm người ta đã nghĩ rằng Chelsea đã hồi sinh đó là khi họ đánh bại Arsenal 2-0 tại vòng 6. Tuy nhiên chẳng có bình minh nào ở đây, chỉ là bầy quạ thấy ánh trăng lại cứ ngỡ trời đã sáng rồi reo vui mà thôi. Thực tế trong trận derby London ngày 19/9 đó, Chelsea không hề tạo được sự nhỉnh hơn so với Arsenal trong suốt hiệp 1. Họ chỉ có thể chiếm được lợi thế sau khi tiền đạo Diego Costa giở những tiểu xảo mang tính chất phi thể thao khiến cho trung vệ non nớt Gabriel Paulista của đối phương mắc bẫy và phải nhận thẻ đỏ rời sân trong những phút bù giờ hiệp 1. Trong thời gian còn lại các cầu thủ Arsenal xuống tinh thần thấy rõ và để Chelsea có 2 bàn một xuất phát từ tình huống cố định, một từ pha phản lưới nhà của Calum Chambers.

Nhưng đó cũng chỉ là một trận đấu, chỉ là 3 điểm và không đảm bảo cho bất cứ điều gì. 2 vòng đấu ngay sau đó, Chelsea hòa may mắn 2-2 trước Newcastle trước khi chuốc thêm nhục với trận thua 1-3 Southampton trên sân nhà. Trên mọi đấu trường, đội chủ sân Stamford Bridge đã thua tới 7 trong số 12 trận đã qua tính từ trận tranh Community Shield với Arsenal. Trong khi đó, 4 chiến thắng của Chelsea tới thời điểm này đều có cái để nói: họ thắng 3-2 trước West Brom đầy nhọc nhằn, vượt qua “chú lùn” châu Âu Maccabi Tel Aviv 4-0, đội hạng ba Anh Walsall 4-1 đều không đáng kể trong khi đánh bại Arsenal 2-0 tại NHA chỉ mang tính thời điểm và nhiều yếu tố phi chuyên môn như đã nói ở trên.

Cuối tuần vừa rồi, Chelsea đã đánh bại đối thủ đồng cảnh ngộ thuộc nhóm “cầm đèn đỏ” Aston Villa trên sân nhà Stamford Bridge bằng tỷ số 2-0 mà đáng lưu ý cả hai bàn thắng đều có đóng góp không nhỏ của hàng thủ đối phương hay nói một cách khác, The Blues thắng không thuyết phục. Bởi thế, The Blues mới chỉ tạm ngăn được đà lún sâu hơn nữa vào khủng hoảng chứ chưa thật sự thoát ra. Bất chấp mới gia hạn hợp đồng lên tới tận năm 2019, tương lai của chiến lược gia người Bồ Đào Nha vẫn trong dòng xoáy bất định. Môi trường làm việc của Chelsea dưới thời ông chủ Roman Abramovich không hề dễ chịu và ngay cả khi tự nhận mình là HLV giỏi nhất trong lịch sử CLB, cũng không ai khẳng định được ông không bị mất việc thời gian tới. Jose Mourinho
có thể đổ lỗi cho trọng tài được bao lâu khi mà ứng viên vô địch như họ vẫn chỉ lẹt đẹt ở nhóm tránh xuống hạng.
Cuộc chiến của Mourinho: Trọng tài, CĐV và giờ tới Chelsea…
Ngay cả trong những thời khắc nguy nan nhất, Jose Mourinho vẫn biết cách đánh bóng bản thân. Sau trận thua nhục nhã 1-3 trước Southampton ngay tại sân nhà,...

Mọi người nói nhiều tới hội chứng mùa giải thứ ba của HLV Mourinho nhưng thực tế không phải lúc nào điều này cũng đúng. Còn nhớ ở nhiệm kỳ đầu tại Chelsea, ông đã cùng đội bóng thủ đô đoạt cú đúp danh hiệu cúp FA và cúp Liên đoàn trong mùa giải thứ 3 (2006/07). Đó là lý do mà khi bị phóng viên đá xoáy về cái dớp mùa giải thứ 3 trong quá khứ, Mou đã đùng đùng mắng họ “hỏi ngu”. Người viết cũng không muốn trở thành một kẻ ngu ngốc trong mắt “Người đặc biệt” và nguyên nhân cho khởi đầu bết bát của Chelsea muốn nhấn mạnh ở đây là vấn đề khủng hoảng triết lý của Mou trong một kỷ nguyên mới của bóng đá.

Những HLV đương thời muốn thành công phải nêu bật được triết lý hoặc ít nhất cũng có ý thức xây dựng điều này. Năm ngoái, Luis Enrique đưa Barcelona tới “cú ăn ba” thứ 2 trong lịch sử CLB nhờ cuộc cách mạng về chiến thuật: trực diện hơn, thực dụng hơn. Năm 2014, Carlo Ancelotti cùng Real đoạt cú đúp cúp Nhà vua và Champions League nhờ lối đá tấn công tổng lực chấp nhận mạo hiểm. Năm 2013, Bayern Munich cũng thành công vang dội với 3 danh hiệu đẩy đủ nhờ sự bùng nổ của “đôi cánh” Robben - Ribery. Năm 2012, Chelsea lên đỉnh châu Âu với phong cách đổ bê tông của HLV Roberto Di Matteo hay trước đó Barcelona từng thống trị trong ngoài Tây Ban Nha với triết lý Tika-Taka của Pep Guardiola.

Mourinho van
Mourinho vẫn chưa thể tạo được cá tính cho Chelsea ở mùa này

Còn Mourinho, triết lý của ông tại Chelsea mùa này là gì? Không hề rõ ràng. Họ không phải là một kẻ hủy diệt khi công cùn, quá phụ thuộc vào Diego Costa (chính nhờ sự tái xuất của sát thủ người TBN mà Chelsea mới đánh bại được Aston Villa mới đây khi Costa trực tiếp ghi 1 bàn và gần như là tác giả bàn thứ hai, được tính cho Alan Hutton do Costa dứt điểm trúng chân hậu vệ này, làm bóng bay đổi hướng rồi chui vào lưới - PV)  và không mấy sắc sảo ngay cả khi chiếm thời lượng kiểm soát bóng cao. Họ cũng không dựng được bức tường phòng ngự đạn bắn không thủng như trước, không phải một tập thể gắn kết trong từng đường bóng với lý do chung là các trụ cột như Terry, Cahill, Ivanovic, Matic hay Fabregas sa sút nghiêm trọng. Cũng không phải một đội ngũ phản công trực diện đáng gờm khi những mũi công như Hazard hay Pedro gây thất vọng.

Có một sự khác biệt lớn giữa Chelsea bây giờ và một năm trước. Trong khoảng tháng 9 tới tháng 12 năm 2014, The Blues bay cao với hàng thủ tường đồng vách sắt trong khi mỗi đợt lên bóng đều tiềm ẩn nguy hiểm. Chỉ cần một vài đường chuyền cộng thêm những cú bứt tốc chớp nhoáng các học trò của Mourinho cũng có thể tạo nên bàn thắng. Nhưng giờ những hạt nhân trong lối chơi của Chelsea như Fabregas chỉ là cái bóng của chính mình và đội bóng của họ từ một cơn lốc trở thành những làn gió thoảng. Ngay cả tinh thần chiến đấu hừng hực vốn là đặc sản của các đoàn quân do Mourinho dẫn dắt giờ cũng không còn tái diễn.

Jose Mourinho va cuoc khung hoang ve triet ly hinh anh 3
Chelsea vẫn đang chật vật bước qua khủng hoảng

Triết lý của Mourinho bao giờ cũng là giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Các cầu thủ hiểu rõ điều này nhưng lại chưa thể tìm ra cách làm để đạt mục tiêu ngoại trừ giở thủ đoạn giống như Costa và bị trừng phạt (treo giò 3 trận). Phòng thủ kém, tấn công thiếu ý tưởng, triển khai bóng chậm chạp và lúng túng, dứt điểm thiếu nhạy bén... Các cầu thủ Chelsea đang lạc lối còn người dẫn đường Mourinho cũng chẳng thể tìm ra cách thức giải quyết tình hình. Cũng hơi khó hiểu khi hiện Mou vẫn còn duy trì sơ đồ 4-2-3-1 đã có từ thời Andre Villas-Boas và Rafa Benitez. Hệ thống này đã quá cũ và không còn hiệu quả nữa.

Giờ đây người ta lại phải đặt câu hỏi về vai trò của Giám đốc kỹ thuật Michael Emenalo mà nói thẳng ra là chẳng hiểu ông đã tư vấn gì cho Mourinho về yếu tố chiến thuật và triết lý trong đội bóng. Nhưng dẫu sao quyết định tối cao vẫn là ở HLV trưởng, Mourinho giờ cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để Chelsea tìm lại sức mạnh của mình. Tại sao sơ đồ 4-3-3 giúp Mou thành công rực rỡ ở nhiệm kỳ đầu không được tái sử dụng? Tại sao không thực sự trao cơ hội cho những “mầm non” trong đội như Ruben Loftus-Cheek, Baba Rahman, Kenedy thay vì chỉ dừng lại ở mức độ tình thế (trận thắng Aston Villa vừa rồi, Baba Rahman đã được thi đấu lần đầu tiên ở Premier League nhung chủ yếu do Ivanovic vắng mặt vì chấn thương) ? Trên hết, Mou phải trả lời được câu hỏi: Phong cách và triết lý của Chelsea là gì?


Mạnh Hùng
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X